Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÊ BÁ THỰ RA MẮT "NGƯỜI ĐÀN BÀ VÔ GIA CƯ"

Nga Hoàng Long
Thứ sáu ngày 14 tháng 4 năm 2017 2:11 PM






 

Sau tiểu thuyết “Hy vọng”, (nhận “Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Hà Nội năm 2014”), “Người đàn bà vô gia cư” là tiểu thuyết thứ hai (dày 300 trang) của nữ nhà văn Ba Lan Katarzyna Michalak vừa được dịch giả Lê Bá Thự chuyển ngữ sang tiếng Việt, Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành quý II năm 2017.

Kinga đã mất tất cả: nhà cửa, gia đình, con cái và nhân phẩm. Trong lúc như vậy thì Aska bỗng nhiên xuất hiện trong đời nàng. Oái oăm thay đây chính là cô gái đã từng làm cho vợ chồng Kinga bị tan đàn xẻ nghé. Bây giờ Aska chìa bàn tay nhân ái giúp đỡ Kinga trong cảnh không nhà. Động cơ của sự giúp đỡ này là gì? Phải chăng do lương tâm bị cắn rứt, đây là một cử chỉ nhân từ hay là một mưu kế được giấu kín? Aska vẫn còn chưa biết chuyện cũ của Kinga, một câu chuyện đau lòng và gây xúc động tới mức thật khó lòng tưởng tượng.

Liệu Aska có giành được niềm tin của Kinga, Người đàn bà vô gia cư hay không? Có phát hiện ra, tại sao Kinga lại tự khinh bỉ mình như vậy, lại đau khổ đến như vậy hay không? Cô nhà báo Aska sẽ làm gì khi biết rõ sự thật về người đàn bà này? Phải chăng trong Aska đang thắng thế một cô nữ nhà báo chuyên dò la, điều tra, khai thác để viết bài, hay là một nữ nhà báo thương người, nhạy cảm trước khổ đau của những người phụ nữ khác?

Tất cả những câu hỏi nói trên được tác giả lần lượt trả lời, hoặc người đọc có thể tự trả lời khi đọc ba trăm trang của cuốn tiểu thuyết này. Câu chuyện xoay quanh nữ nhân vật Kinga, con nhà tử tế, được ăn học đến nơi đên chốn, những tưởng cuộc đời sẽ thuận buồm xuôi gió, hạnh phúc sẽ viên mãn. Oái oăm thay, người đàn bà này đã gặp vô vàn trớ trêu của cuộc sống, trở thành Người đàn bà vô gia cư, lang thang trên đường phố, ở các nhà ga, kiếm ăn trong các thùng rác, ngủ nơi gầm cầu hoặc trong hang ổ đào dưới lều vườn hoang. Bệnh trầm cảm sau sinh chính là nguyên do của những hành động vô thức cực kỳ nguy hiểm, nguy hiểm tới độ chôn sống con mình mà không hề hay biết. Tấn bi kịch của Kinga có nguồn gốc sâu xa, là hậu quả của những vấn đề xã hội, những vấn đề gia đình, của bệnh ích kỷ và vô cảm... Dẫu đã làm tất thảy những gì có thể làm, nhưng rốt cuộc Người đàn bà vô gia cư vẫn không thể ngóc đầu lên được, bi kịch vẫn hoàn bi kịch. Cái kết của câu chuyện có phần có hậu, nhưng người đọc vẫn cảm thấy bùi ngùi, trăn trở.

Tính nhân văn của tieur thuyết “Người đàn bà vô gia cư” được thể hiện qua việc rốt cuộc Kinga đã quyết định kể lại câu chuyện đầy bi thương của mình cho cô nhà báo Aska, để đến lượt mình cô nhà báo sẽ kể lại cho toàn thể cộng đồng, vì rằng “Nếu như bằng bài báo này chúng ta cứu vớt được dù chỉ một đứa bé… dù chỉ một người đàn bà…”. Dẫu còn đắn đo, ái ngại, nhưng Aska đã quyết dịnh: “ Lần đầu tiên kể từ ngày tìm hiểu “vấn đề Kinga”, tôi cảm thấy sợ. Tôi lo ngại rằng, kể lại câu chuyện của Kinga cho toàn Ba Lan biết liệu có nghĩa lý gì không? Hay làm vậy là tôi lại càng hại chị, tuy nhiên… Kinga kể câu chuyện không phải cho chị, mà là cho người mẹ khác, người mẹ đang lâm vào tình cảnh tương tự. Phải chăng bố mẹ người mẹ thứ hai này sẽ đọc bài báo và nhận ra điều mà bố mẹ Kinga không muốn nhận ra? Thông điệp của bài báo này là như vậy. Chính vì thế mà tôi viết. Tôi phải nhớ điều này”.

Thông điệp của cuốn sách là thông điệp có tầm vĩ mô, đó là vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, một vấn đề trọng đại không riêng của một quốc gia nào. Là một tiểu thuyết giàu tính nhân văn, “Người đàn bà vô gia cư” đề cập vấn đề thời đại trong một câu chuyện cụ thể, một câu chuyện có lắm dắc dối trong quan hệ gia đình, nhiều bất ngờ trong tình yêu và tình bạn... Nhiều kịch tính chính là nét đặc trưng của tác phẩm này. Ngay từ những dòng đầu tiên của tiểu thuyết người đọc đã liên tục bị bất ngờ, bị ngạc nhiên, nhiều tình huống khiến cảm xúc dâng trào đến ứa lệ. Câu chuyện này có lẽ không xa lạ với mỗi người chúng ta. Chính yếu tố bất ngờ, lắm khi ly kỳ, xảy ra liên tục, đã khiến cuốn sách có sức cuốn hút mà hễ đã bắt đầu đọc là ta phải đọc đến cùng.

Tiểu thuyết “Người đàn bà vô gia cư”đã đoạt giải cuộc thi “Cuốn sách hay nhất mùa hè 2013” ở Ba Lan, thể loại tiểu thuyết tâm lý xã hội.