Truyện
Cùng trên một chuyến đò quê
Ai lên rừng trúc ai về bến mê ?
Xướng mày khổ tao
Giống các nhà hàng ẩm thực Quyết Tiến, Quyết Thắng, Thành Công, Quốc Lộc, Đại Phát, Đại An, nhà hàng Trường An cũng thuộc loại lộng lẫy, sang trọng. Khách đến không đông lắm nhưng, bù lại, những vị khách này không mấy quan tâm đến giá cả. Và điều để họ xứng đáng nhận được sự cúc cung tận tuỵ từ nhà hàng là một năng lực thanh toán dường như không có hạn mức. Đặc sắc hơn, khi những vị thực khách này khua giày rộn ràng náo nức bước vào nhà hàng, từ người họ luôn bốc ra những mùi X-Men, Vera Wang Princess, Versace Bright Crystal, … quện với hương mồ hôi dựa mận thân quen. Như châu về Hợp phố, hai thứ này lập tức hoà kết với mùi thức ăn được chế tác bằng các công nghệ rán nướng quá mỡ quá lửa từ khu nhà bếp sáng choang phảng phất đưa lên, tạo nên một thứ hỗn hương độc nhất vô nhị trên toàn cõi chúng sinh không ngừng ngát ngời hạnh phúc này. Điều kỳ diệu hơn, hỗn hương ấy đã khơi gợi, làm thức dậy, thổi bùng lên những cảm xúc đắm đuối, trộn rộn, nôn nả, hối hả, sục sôi, quyết liệt … lâu nay vẫn nương mình thiêm thiếp trong đáy chốn tâm tư sâu kín của không ít công dân vốn thuộc dòng tinh khôn, nhu thuận và được thụ hưởng một nền giáo dục trực quan sinh động lấy thân giáo giản tiện làm phương pháp truyền đạt.
*
Một, hai, ba: dzô !
Một, hai, ba: dzô !
Một, hai, ba: dzô …ô … ồ …!
Cặp màng nhĩ có độ cảm âm cao của gã ngập lút trong hoà thanh phá cách của đủ loại chất giọng đã trở nên nhừa nhựa trong hơi men nồng nàn tình chiến hữu keo sơn.
Dzô, một thứ slogan văn phong xúc tích, tràn trề cảm hứng, được tạo tác một cách tài tình độc đáo bằng độc một chữ, dưới dạng mệnh lệnh thức chức năng kép (phản thân và không phản thân), đậm đà bản sắc đồng tâm quyết liệt, không phải để gây áp lực, không phải để dụ dỗ, cũng không phải để động viên khích lệ bởi, tự nó, đã tràn trề khát vọng và khoái cảm cuộc đời thời một bộ phận không nhỏ những công dân ưu tú đã tìm ra con đường thoát nghèo vừa ít khó nhọc vừa kín đáo mà vẫn bảo toàn được đạo đức tác phong ở dạng gương soi chất lượng cao. Dòng đời mênh mông vẫn không ngừng xói chảy, vẫn bướng bỉnh vận hành theo lối xướng mày khổ tao. Bởi thế, có khoái cảm cho kẻ trong cuộc ắt có khổ cảm cho kẻ không trong cuộc. Nhưng thế nào là kẻ không trong cuộc? Thế nào là cùng đò khác bến?
Bữa tiệc, được tổ chức theo một thứ khế ước xã hội không thành văn, đậm chất hành chính công tế nhị, xả láng chân tình chân thật, chiêu đãi một yếu nhân hàng tỉnh nhân việc ngài đích thân xuống thăm và làm việc với văn phòng sở Đầu tư Địa phương do gã điều hành. Hơn nữa lại có cả một đoàn tháp tùng hùng hậu gồm đủ mặt các anh tài đương toạ thủ đắc địa tại các sở Kinh - Tài, sở Quy hoạch - Kế hoạch, sở Điền địa - Môi sinh, Thanh tra, Ngân hàng, Ngân khố tỉnh ...
Ngoài cửa sổ, lại một đợt gió mùa nữa bắt đầu tràn về, hun hút lùa dọc các con phố, ào ào rít lên từng cơn từng hồi trên những ngọn xà cừ đường kính gốc hơn một người ôm, chưa kịp chặt hết để thay bằng những loài cây không mới nhưng có đặc tính sinh lợi cao và luôn là một minh hoạ trực quan tốt cho nghệ thuật Ý tại ngôn ngoại chưa bao giờ thôi làm say đắm lòng người.
Trời trở rét. Phố xá đã lên đèn từ lúc nào.
Sau khi hoàn thành xuất sắc màn khánh tiết trang trọng và kết thúc tốt đẹp giai đoạn quá độ có tỷ lệ lễ - tình liên tục được tái cơ cấu một cách duyên dáng, công cuộc thù tiếp đã chuyển sang giai đoạn thuần tình ấm áp anh em ta mỗi đứa một chai. Bên phải, xế chỗ gã ngồi, một chai Chivas 62 Gun Salute đổ kềnh cang, rượu tràn ra mặt bàn, lênh láng tĩ tã như lêu lêu vào mũi những kẻ nhát chơi, không đủ dũng khí để hết lòng cùng các chiến hữu gang thép lướt tới bến phong trần chí trai. Trên bàn, ngổn ngang những bát đĩa đũa thìa dĩa dao cùng chai hộp bao vỏ ... Thức ăn rơi vãi, bỏ mứa la liệt ê hề. Bất giác, gã buông một cái thở dài.
Gã có cái tật, hễ cứ được ăn ngon là lại nghĩ đến mẹ. Hễ nghĩ đến mẹ là y như rằng lại thở dài, một lối hô hấp cẩu thả, phi định hướng, có hại cho những tâm hồn nam tử đoan chính mạnh mẽ, hoàn toàn xa rời nền nghệ thuật chính kịch trữ tình đã được xã hội hoá đến cấp dân gian và không ngừng được nâng lên những tầm cao tân kinh điển. Bây giờ có thêm vợ thêm con, thêm bố mẹ vợ, gã lại nghĩ cả đến họ, cái thở buông ra dường như cũng dài hơn, sâu hơn. Theo thời gian, cái sợi dây tình người ấy dài dần ra và trách nhiệm chất lên đôi vai thương binh rơ rão của gã cũng nặng dần lên. Đó là người vợ hiền thục chịu thương chịu khó, một thằng cu nhí nháu ngộ ngĩnh đang mắc chứng suy thận; một cụ ông từng là chiến sỹ vệ quốc đoàn mưu trí dũng cảm năm xưa, nay thường đau mình nhức mỏi mỗi khi giở giời; một cụ bà lưng đã hơi còng, cả nghĩ cả lo, chân tay không lúc nào để yên, lúc nào cũng chỉ chăm chắm một nỗi chăm bẵm cho những người thân.
Quờ chân tìm giày định vào toilet, thấy dưới sàn nhà đã lủng cà lủng củng đầy những chai cùng lon. Đúng lúc nỗi bực bội vừa manh nhú thì nhận ra có ai đó đang vỗ vai mình, ngoảnh lại, thì ra đó là bàn tay có những ngón mọng nhuyễn của đấng yếu nhân mà gã đang cung kính thù tiếp. Tay cầm chiếc ly, miệng nở một nụ cười bao dung thân ái, ngài ghé sát vào tai gã, thầm thì: “Chớ, chớ có thở rài như vậy, phải chia ngắn ra mà hô hấp thì nà mới tốt cho sức khoẻ”. Rồi, vẫn tươi cười nhưng độ bao dung đã chuyển sang chế độ vô cấp, ngài đứng thẳng người, ưỡn cái bụng kềnh cang sang trọng, oai vệ dõng dạc tuyên trước toàn thể đám tiệc: “Đây nà một buổi tối rất vui, vui … rất đáng ghi nhớ, nhớ ... Tôi xin thay mặt Tỉnh, cảm ơn anh em đã hết nòng vì sự nghiệp chung. Nào, anh em, trước khi chia tay, xin nâng cốc!”.
Thế là, một lần nữa, tửu hùng khí lại bốc lên ngút tận mấy cái cánh quạt trần đang quay lờ vờ.
Một, hai, ba: dzô !
Một, hai, ba: dzô !
Một, hai, ba: dzô … ô … ố …!
Tĩ tã.
Mỹ mãn.
Hỷ hả.
Yếu nhân mỉm cười, chậm chạp đưa bàn tay lên ngang vai, thân ái luờ quờ hua chào rồi ngài đường bệ, tập trung ý chí, nắn nót tư thế, thận trọng căn đường, tiến ra chiếc xe màu đen bóng nhẫy đã chực sẵn bên cửa nhà hàng. Trước khi khom mình chui vào xe, ngài không quên xoay người lại, ban cho gã một cái bắt tay lờ vờ và mấy cái vỗ vai đầy tính kích hoạt. Chiếc xe nhẹ nhàng chạy ra phía cổng, lập loè xi nhan phải, lao ra đường và đột ngột rẽ trái.
Gã đưa bàn tay dính nhớp thứ mồ hôi lạ lên nhìn, khẽ rùng mình. Tay trái đã toan thọc vào túi quần rút khăn mùi xoa nhưng nghĩ thế nào lại thôi, gã đi về phía toilet. Chiếc đồng hồ treo trên bức tường gian sảnh lớn uể oải chỉ mười một giờ bốn mươi. Cậu trưởng phòng hành chính của sở vội bước theo, lo lắng: “Anh …?”. Gã dừng lại, hơi xoay người, nghiêng mặt: “Mình vào rửa tay. Không có chuyện gì đâu. Cậu vào vui tiếp với khách đi”. Trưởng phòng vẫn đứng yên, đôi lông mày dướn lên một cách dễ thương, trông chẳng khác gì một cặp dấu hỏi được bố trí đối xứng qua trục sống mũi. “Cậu có nghe tôi nói gì không?” – Gã nghiêm mặt, giọng hơi gắt. Đợi cho cậu ta trở lại buồng tiệc, gã vào toilet rửa kỹ tay rồi đi ra, xuyên qua sảnh lớn, hướng về phía cửa chính, bước ra khỏi nhà hàng, rồi chật chưỡng thả bộ dọc theo vỉa hè của con đường được trang trí bằng hai dãy phướn vải cùng những tấm phù điêu hai mặt loá rực ánh đèn màu vàng son kinh điển.
Từ lúc còn trong nhà hàng gã đã cảm thấy ơn ớn lạnh trong người. Cái tạng của gã vốn không hợp với những thức uống cao quý có men, chỉ vài ba ly mặt mũi đã tưng bừng, hồng như … màu của bình minh.
Gió đông bắc thổi ngược, từng cơn từng cơn. Cái áo blouson mỏng khoác trên người không đủ giữ ấm. Gã khẽ rùng mình, vai so lại, một cảm giác gai gai rất lạ chạy dọc suốt sống lưng, từng đợt từng đợt. Mấy chiếc xe rác của công ty môi trường chạy ngược chiều, phả mạnh vào mặt gã những làn hơi tanh khẳm cá ươn, ủng nồng rau ôi, thứ mùi truyền đời nơi các loại chợ cóc chợ đuổi của đại bình dân hiền lành chịu thương chịu khó. Động cơ xe Tàu chóng tã, nhiên liệu đốt không hết, ống xả ủn ra những đụn khói đen xì lẫn hơi xăng nồng nặc. Thuở nhỏ, những khi lên phố huyện cắt thuốc cho mẹ, đi trên con lộ lổn nhổn những đá và ổ gà, thảng hoặc mới gặp một cái ôtô, gã đã từng say sưa hít hà cái mùi khói lẫn chút hơi xăng cùng bụi đường đó với một niềm vui thích đặc biệt. Vậy mà, vẫn thứ khói đó, bây giờ xộc vào mũi lại thấy sốc đến tận đỉnh đầu, khiến ruột gan gã cứ quặn lộn từng cơn. Lại mấy chiếc nữa chạy qua, mặt hè đường lại run rẩy mỗi khi bánh xe lăn qua những cái nắp cống bằng gang đúc luôn có xu hướng vươn lên, cao vượt mặt đường.
Gã thập thõm bước đi, mông lung bất định. Gã có cảm giác như mình đang bước trên sóng nước, dập dềnh dập dềnh ... Giữa bao la sóng nước, gã chợt nhận ra một con thuyền gỗ nhỏ. Trên thuyền, một người đàn ông áo thụng tóc quăn mắt sáng sống mũi thanh tao khuôn mặt thánh thiện đang mỉm cười nhìn gã, nụ cười hiền từ ấm áp như toả ra hấp lực của sự vẫy gọi. Đột nhiên, gã thấy mặt nước nghiêng dốc hẳn về một bên. Hình như toàn thân gã vừa va phải vật gì đó, lớn và cứng lắm. Mở mắt, gã ngạc nhiên tự hỏi: Ngài đâu rồi? mà sao ngọn đèn đường ở đây chỉ cao ngang tầm trán của mình? Gã tập trung sức nhìn, dán mắt vào ngọn đèn nhưng không hiểu sao, ánh sáng của ngọn đèn đó cứ yếu dần, yếu dần, rồi cuối cùng tắt lịm. Không gian trở nên đen kịt, mịt mùng, thăm thẳm … Có tiếng phụ nữ léo xéo: “Say rượu! Rét mướt thế này, khổ, nằm đây thì sống làm sao?”. Gã thấy cái vật cứng vừa đập vào thân thể mình như đang trồi lên phía dưới gáy và dưới hai khoeo chân … Mấy chỗ trồi lên áp vào cổ, vào khoeo chân gã, âm ấm … hình như gã bay lên, mà bay thật, bay ngửa, trong tư thế hoàn toàn thả lỏng … bồng bềnh, dập dềnh, lủng liểng …
*
Mở mắt, trong thứ ánh sáng nhờ nhờ, gã chẳng thể nhìn rõ vật gì. Mình đang ở đâu thế này? Gã ngóc cổ, toan ngồi dậy thì thấy mặt mày xây xẩm, đầu óc choáng lộng, chóng mặt không thể gượng được. Gã đổ vật xuống. Dưới đầu gã là vật gì đó, rất mềm, bằng vải. Lấy tay quờ quạng, gã nhận ra mình đang nằm trên một chiếc giường tre khấp khểnh, cứng quèo. Gã lờ mờ hiểu ra lý do tại sao mình lại nằm ở đây.
Có mùi gì đấy, âm ẩm mông mốc nồng nồng, thân thuộc quá, từ lâu lắm, dường như đã cả thế kỷ bây giờ mới gặp lại. Gã hít một hơi dài. Ký ức buốt nhói đột nhiên ùa về. Đúng rồi, đúng là cái mùi giường chiếu của mẹ con gã vào cái đận phải dọn đến ở trong cái túp gọi là nhà của lão Chén. Gã nằm im, hai giọt nước mắt rịn ra, đặc quánh, hôi hổi. Gã lại nhớ mẹ. Gã thương mẹ, người mẹ hiền hậu yêu quý nhất trên đời của gã đêm nào cũng ngả cánh tay gầy guộc làm gối cho con, ôm con vào lòng mà khóc thầm với nỗi lo về bao điều tai ương chướng hoạ có thể ập đến với đứa con bé bỏng ngốc nghếch mà đường xa dặm thẳm, sương gió khắc nghiệt, không người chở che.
Ke … ét. Có tiếng mở cửa. Gã nhận ra tiếng bàn chân ai đó đang bước về phía mình. Tiếng bước thật nhẹ khiến gã thấy bình tâm. “Anh gì ơi …” – Giọng phụ nữ dịu nhẫn, pha chút gì như lo lắng. Gã khẽ cựa đầu. “A … tỉnh rồi” – người ấy nhẹ thốt như reo lên. Vẫn còn choáng váng, gã hỏi: “Cô ơi, tôi đang ở đâu vậy?”. Người phụ nữ bật cười: “Anh đang ở chỗ mẹ con tôi, trong một toà lâu đài bềnh bồng trên mênh mông sóng nước. Hôm qua, đi bán ngô nướng về khuya, gặp anh nằm vật trên hè phố, trời thì lạnh, áo sống thì phong phanh, người thì toàn mùi rượu là mùi rượu. Khiếp. Tôi đoán anh phải cảm. Đường khuya vắng ngắt, đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì may quá, có một chiếc xe thương binh ba bánh chạy qua, thế là tôi nhờ người ta đưa anh về đây”. Dứt lời, chị đưa mắt sang chiếc ghế đẩu đặt cạnh đầu giường. “Cháo còn nguyên. Tôi nấu bằng đậu xanh cả vỏ, giải cảm giải rượu tốt lắm đấy. Khổ, từ đêm qua đến giờ chỉ có mấy thìa nước đọt chuối vào bụng. Để tôi cách thuỷ lại cháo cho nóng, ăn vào là khoẻ ngay thôi”.
Ăn xong bát cháo, gã thấy trong người đã khá hơn, nhưng đầu vẫn chưa hết váng vất. Gã đưa cái bát cho người phụ nữ, lòng ngập tràn một thứ tình cảm con trẻ. Gã nằm xuống, định bụng khi nào hết hẳn chóng mặt thì về, nhưng lại thiếp đi, không biết trong bao lâu. Khi tỉnh lại gã thấy mình gần như đã hết chóng mặt. Cái thứ ngũ cốc này quý nhật, gã nghĩ, chả trách từ xửa xưa đã được người đời gọi là ngọc thực.
Có tiếng lách cách, gã ngóc cổ quay lại, nhận ra phía góc nhà, dưới sàn, người phụ nữ và một thằng bé đang ngồi ăn cơm. Qua ánh đèn dầu hoả, gã nhận ra mâm cơm là một cái mẹt, trên mẹt có một đĩa rau luộc, một bát nước rau và một đĩa nhỏ đựng thức gì đó màu vàng xậm. Người mẹ gắp thức ăn ở cái đĩa nhỏ cho con: “Ăn đi, lấy sức mà học con ạ”. Thằng bé cũng gắp lại cho mẹ: “Mẹ mới cần phải ăn nhiều. Mẹ nuôi con, mẹ cho con đi học, còn con thì chả làm được gì …”. Người mẹ nghiêng mái đầu cười khanh khách, đưa ngón tay dúi nhẹ vào trán thằng bé: “Thằng chó con, chủ nhật nào chả đi đánh giày, lúc về nhà, lần nào chả đưa tiền cho mẹ”. Thằng bé phụng phịu: “Mẹ … đi làm cả ngày, tối về, ăn xong lại vào phố bán ngô nướng, sắn luộc. Con sợ … mẹ ốm. Thôi, mẹ không ăn thịt thì con cũng không ăn. Con kệ mẹ …”. Một cảm giác hỗn độn dâng đầy lồng ngực, ngọt ngào pha đắng đót, ấm áp lẫn buốt nhói, thân thương mà hoang lạnh. Gã nén tiếng thở dài, quay mặt đi, không dám nhìn hai mẹ con nữa. Gã thấy mình bật khóc đến nơi.
Lát sau, gã ngồi hẳn dậy, từ từ bước về phía hai mẹ con chủ nhà. “A, tỉnh hẳn rồi. Anh ngồi xuống đây, ăn cơm với mẹ con tôi luôn cho vui”. Thực bụng, nếu không được mời, gã cũng xin được cùng ăn với họ. Người mẹ quay sang đứa con: “Con đứng dậy, đem phần cơm mẹ ủ phần bác lại đây”. Thằng bé đứng lên, nhìn gã rồi nhoẻn miệng cười: “Cơm mẹ cháu nấu ngon nhì thế giới đấy bác ạ”. Gã nheo mắt, hấp háy: “Thế ai nấu ngon nhất hả cháu?”. Thằng bé đưa mấy ngón tay lên gãi đầu, làm bộ như đang lục lại trí nhớ: “Là … cụ Diệu Hóm ở phố Hàng Hài ấy bác ạ”. Người mẹ lườm con, bặm cười: “Cái thằng … chỉ được cái nói gióc là không ai bằng”. Gã vào hùa với thằng bé: “Thế a? Thú vị thật, bác là đích tôn của cụ Diệu Hóm đấy”. Rồi gã vui vẻ ngồi xuống chiếc ghế gỗ cũ kỹ đã lên nước bóng láng, bề mặt chỉ rộng hơn hai bàn tay một chút mà người mẹ vừa kéo ra từ gầm chạn. Gã gắp một ngọn rau, chấm vào đĩa muối rang tán mịn trộn hạt tiêu, đưa lên miệng, nhai chầm chậm. Vị chan chát cùng cái dai bướng bỉnh của thứ rau muống trái mùa khiến gã thỉnh thoảng dừng lại như đang trải nghiệm hoặc ngẫm nghĩ điều gì. Hạt cơm khô xác, nhai như nhai rơm. Miếng thịt rang thơm đượm nhưng vị mặn chát. Hoà vị của những thức ấy như thứ hương khói bếp làng quê, toả ra, ngấm vào từng nếp nhăn trên bề mặt não bộ của gã, đưa gã trở về một quá khứ ấm lạnh đã trở thành máu thịt của mình. “Khó ăn hả anh?” – Người mẹ lo lắng hỏi. “Không, không, ngon lắm chị ạ”. Chìa bát, gã cười hiền: “Chị cho tôi xin bát nữa”.
Kỳ sau : Chuyện cổ tích
Phụ bản: tranh Trần Nhương