Trang chủ » Truyện

VŨ ĐIỆU TANGGO MÀU TÍM

Thế Đức
Chủ nhật ngày 14 tháng 5 năm 2017 5:23 PM




Cuộc tình nào tan vỡ mà chẳng có nước mắt. Đôi khi, nước mắt chảy ngược vào lòng, tan thành vị đắng, ngấm sâu trong từng làn da, thớ thịt, để rồi tôi, anh, chị, những con người đa đoan sẽ phải gánh theo trên vai cả một kiếp “giời đày”.

Tôi vật vã, đau khổ, vì sự đổ vỡ nhanh quá. Không đơn thuần chỉ là một tình yêu, một người đàn bà, mà đó là một gia đình bị tan vỡ. Mỗi người có khái niệm về gia đình theo cách riêng của mình. Có thuyết lý nói về gia đình như một tế bào của xã hội. Về khía cạnh xã hội học thì đúng, nhưng tuyệt đối thì không, lại xa vời quá. Tôi thiết nghĩ, gia đình không nhỏ nhoi như một tế bào, mà nó thật quan trọng đối với mỗi cuộc đời. Nó như cái du thuyền trên sông, khi đất trời bình yên, trời quang mây tạnh thì chẳng nói làm gì. Nhưng gặp sóng to, bão lớn, nó lại là cái phao để mọi người bấu víu. Nếu tuột tay khỏi cái phao ấy thì sẽ bị nước cuốn trôi, sẽ mất tất cả!

Từ lâu, tôi chẳng có bữa ăn nào ngon miệng, đêm ngủ cũng không thành giấc. Có lúc cứ vẩn vơ, nuối tiếc, hy vọng. Những mảnh sắc mầu đã vỡ, mấy ai tìm lại được bao giờ. Tôi còn chưa tin chuyện gì đã xảy ra, dù đó là sự thật, một sự thật phũ phàng!

Tôi ngước mắt lên trời hỏi tại sao? Nếu theo thuyết nhân quả thì tôi đã làm gì nên tội mà ông Trời nỡ đoạ đày tôi đến vậy? Trời cao xanh vời vợi, vẫn lặng lẽ, vô tình, làm ngơ trước sự đau khổ trần thế…

*

* *

Tôi không ưa khiêu vũ, phần vì không có năng khiếu, phần vì công việc bận rộn, nhưng ghét hơn cả vẫn là những cái vẹo vọ, bỡn cợt, bắt đầu từ điểm gồ ghề trên bộ ngực người đàn bà giội xuống, đến cái đít ngúng nguẩy của những anh chàng, khiến tôi thành kiến đến nghẹt thở. Tôi đang học dở dang thì bỏ. Tôi thề bỏ hẳn!

Nhân dịp ngày lễ, có cô bạn hàng xóm mê “nhảy” lắm, bắc cái loa tay, thì thầm, mời tôi đi khiêu vũ. Nể quá, tôi bảo được. Đến câu lạc bộ, cô bạn tôi say sưa đắm mình trong tiếng nhạc nỉ non. Còn tôi đứng nhìn. Điệu “nhảy” thứ hai, cô bạn lại có ý mời. Tôi mỉm cười, từ chối. Cô bạn tôi lắc đầu thất vọng.

Trước đó, tôi đã từng đi học “nhảy”. Thế mà tôi quên bẵng mình đã từng là học viên của câu lạc bộ “Hoa Hồng Vàng”. Tử vi của tôi đã chẳng nói, chỉ có công việc mới đem lại cho tôi hạnh phúc đó sao? Tôi vùi đầu trong công việc để khỏa lấp nỗi đau quá khứ. Những lúc rỗi rãi, tôi đọc sách. Đọc sách là một thú vui, và sách đã dạy cho tôi rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn: “Lòng nhân ái không có kẻ thù!”. Từ đó, tôi rút ra được hệ quả: Không có sự thù hận nào đưa người ta đến chân trời tươi sáng! Nếu trước đây, sự phản bội của một người đàn bà khiến tôi thù hận cả thế giới đàn bà, thì bây giờ, chân lý ấy đã giúp tôi bình ổn lại tâm thức, gạt bỏ những ân oán vì bị bội tình. Tôi nhanh chóng tìm được sự bình yên tưởng như đã rơi vào tận cùng của dĩ vãng.

Tuy nhiên, cũng không thể nói một hoàn cảnh sống như thế là hoàn chỉnh. Chẳng sao, trên đời làm gì có sự tuyệt đối. Tôi hài lòng và rất an phận. Từng giọt café đắng thong thả đếm thời gian trong chiếc tách sứ trắng muốt đã làm dịu lòng tôi mỗi sáng. Và cứ vậy, tôi thấy mình như được thăng hoa!

Tưởng đã yên ổn. Thế rồi một ngày kia, nỗi cô đơn không biết từ đâu lại ùa tới đột nhiên như một cơn lốc, vít đầu, vít cổ tôi xuống mà hành hạ. Những lời phán xử đầy quyền uy như chiếc lưỡi tầm sét từ chín tầng mây giáng xuống tới tấp. “Hỡi kẻ vô đạo, vô đời kia, nhà ngươi muốn hoá đá ư? Khi con tim đã vô cảm như thế thì nhọc nhằn lắm lắm. Buồn, vui, yêu, thương, là lẽ sống thường tình, cớ sao ngươi lại dám bơi ngược dòng đời? Sẽ là một tội ác! Sẽ là một tội ác rất ghê gớm!”.

Tôi gồng mình, cố xua tan nỗi ám ảnh của sự bất lực, cố lục tìm những dòng tâm tư thuần khiết trong ký ức. Nhưng vô ích. Tôi như bị dòng lũ cuốn trôi, cố ngoi ngóp, lặn ngụp, hòng tìm kiếm một ân huệ cuối cùng. Rốt cuộc, chẳng còn sự may mắn nào dành cho tôi nữa. Tôi nhanh chóng trở thành kẻ tội đồ của chính mình, can tâm mở toang cánh cửa tâm hồn mà bấy lâu tôi đã khép kín…

Tôi bỗng nhớ da diết bờ biển mùa đông năm nào, vắng heo hút, mà lần ấy tôi đã đi qua. Hoàng hôn tím hiện ra trước mắt như một người đàn bà khỏa thân, đầy quyến rũ…

Rõ ràng, tôi cũng chẳng cao đạo gì mà tưởng như mình đã thoát tục. Tôi thất thần. Kẻ bại trận nào cũng đều như vậy cả. Tôi hiện nguyên hình một gã cuồng si, đa tình. Thế là hết, xong một đời ăn chay, niệm Phật!

*

* *

Tôi chạnh lòng nhớ tới câu lạc bộ “Hoa Hồng Vàng” mà bấy lâu tôi vẫn rất định kiến. Kể cũng lạ, trời đất run rủi điều gì mà tôi bỗng thấy lòng dạ cứ xôn xao. Xôn xao đến lạ lùng! Tôi như nghe thấy cả tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng phách tách nhịp từ đâu vọng tới rõ mồn một. Rồi bỗng nhiên, trước mắt tôi, hoa tím rơi đầy xung quanh bản nhạc Tango Argentina* mà tôi đã học. Lãng mạn, quyến rũ đến mê hồn!

Con đường đưa tôi trở lại với câu lạc bộ “Hoa Hồng Vàng” hiện ra trước mắt…

Gần một năm, câu lạc bộ thay đổi thật nhanh, đông hơn. Người ta thay đổi nhiều cách nghĩ về sàn nhảy, không còn sự miệt thị tư tưởng tiểu tư sản trong đời sống xã hội như ngày xưa nữa. Tôi cũng kịp nhận thức được điều đó. Cũng bởi thế, cách nhìn của tôi có được sự cải thiện rõ rệt hơn. Cái biến tấu nhịp nhàng trong mỗi bước đi, sự uyển chuyển của những đường nét kỉ hà trên cơ thể con người quả là kỳ diệu. Mọi người say đắm hết mình. Giàn nhạc đã được trang bị khá hiện đại. Ánh sáng muôn màu, cuồng nhiệt, càng làm tôi thêm choáng ngợp.

“*” Vũ điệu Tango Argentina là sự hòa trộn của một số nền văn hóa, ra đời vào đầu thế kỷ XX tại khu nhà chứa ở một huyện lỵ thuộc ngoại ô thành phố Buenos Aires, khi làn sóng di cư ào ạt từ châu Âu và châu Phi tới thành phố này. Vũ điệu Tango Argentina đã nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân ở đất nước rộng lớn này mến mộ, rồi lan tràn sang tận châu Âu. Có thời kỳ vũ điệu Tango Argentina đã làm quay cuồng cả thủ đô Pari. Năm 1985, sau chuyến lưu diễn của các vũ sư người Pháp, vũ điệu này đã làm rung chuyển thành phố New York. Từ đó, vũ điệu Tango Argentina đã trở thành thú vui bất tuyệt của giới thượng lưu Bắc Mỹ.

Tôi đưa mắt tìm bạn cũ. Chẳng còn ai. Họ đã trở thành những chân nhảy sành điệu trên các vũ trường. Những người mới lạ hoắc. Tôi dở lắm, học đã tồi, lại kén người đi cùng. Nếu không tạo được nguồn cảm hứng thì tôi không đi được, cứ ỳ ra. Những học viên khá hơn kèm tôi, lôi kéo mãi thì tôi giẫm lên chân họ, làm họ đau điếng. Chẳng mấy chốc, ai cũng lảng tránh tôi, chẳng ai dám đi cùng tôi nữa. Tôi bị lâm vào tình cảnh cô đơn giữa bản nhạc Tango biếc màu hoa tím.

Tôi chán ngắc ngư đến tận cổ. Thôi, chẳng học thì đừng! Tôi toan bỏ. Tôi đã ra đến cửa mà sao chân cứ líu lại, không bước được nữa. Bản nhạc Tăng gô Argentina vẫn còn dang dở. Tôi bị quẳng vào cái ranh giới vô hình giữa đời sống dung tục và thú chơi bất tuyệt của giới thượng lưu Bắc Mỹ. Tôi bước vào, quay ra. Tự mình lôi lôi, kéo kéo. Rồi bỗng như có ai giật ngược trở lại. Kìa, ngôi sao định mệnh của tôi nheo mắt nhìn, giễu cợt. Hoa tím vẫn rơi đầy trước mắt…

Nàng hiện ra như một nhân vật huyền thoại trong truyện cổ tích!

Chỉ một mình nàng mới đủ can đảm đi cùng tôi, và nhanh chóng thôi miên được con người đầy cá tính kỳ quặc này. Bản nhạc Tango Argentina lại rộn lên, xập xình, rồi đột nhiên chìm lặng như một lời tâm sự vô cùng thống thiết. Hình ảnh người đàn ông Nam Mỹ hiện ra trước mắt, vạm vỡ, phong trần, với nước da bánh mật và vầng trán bóng láng. Từng động tác biểu hiện sức mạnh vô biên và uy lực tối cao để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc của mình trước mọi thử thách, trước mọi kẻ thù. Tôi muốn được làm người đàn ông Nam Mỹ bên cạnh nàng!

Nàng nhìn tôi, đôi mắt cười, hàm răng trắng muốt. Tôi như bị say hơi men. Cái thứ men say từ người đẹp cũng không dễ làm tôi mềm lòng. Vậy mà nàng đã khuất phục tôi thật nhanh chóng. Tôi buột miệng:

- Em đẹp quá!

Nàng cười:

- Vô duyên thế!

Mà tôi cũng thấy mình vô duyên thật, nhưng may, không bị nàng ghét. Ai lại khen đàn bà đẹp vụng về thế bao giờ!

Vừa dứt tiếng nhạc, nàng nhẹ nhàng cúi mình đáp chào rồi buông tay. Tôi bị trộn lẫn trong cả mớ người đông đúc, nhưng thấy vui vui. Tôi lấy khăn tay thấm mồ hôi vã trên trán rồi đưa mắt tìm nàng. Nàng ngồi đấy, cách tôi không xa lắm, đôi mắt mơ màng như cả mùa thu. Nàng mỉm cười. Thế mà tôi lại hết sức bối rối, cứ như vừa phạm một điều gì bất ổn thì phải. Một vài cử chỉ thân thiện của nàng khiến tôi cảm động và giúp tôi bớt dần mặc cảm về thân phận. Chất men say trong tôi càng lúc càng ngấm. Tôi nghe rõ tiếng xào xạc trong tim. Bên ngoài ô cửa sổ là trời đêm thăm thẳm. Hình như ngôi sao chiếu mệnh của tôi đang ánh lên những sắc màu thật kỳ lạ…

*

* *

Kể từ đó, tối nào tôi cũng đến câu lạc bộ và lại được gặp nàng. Chân “nhảy” của tôi tiến bộ khá nhanh, bởi nàng luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi trong từng bước đi.

Nàng đẹp thật!

Nhan sắc của nàng còn được hoàn thiện hơn bởi sự cộng hưởng rất đặc trưng của người phụ nữ. Từ cách ăn mặc trang nhã, đến thoa nhẹ một lớp phấn hồng trên má vốn đã trắng mịn màng. Giọng nói của nàng êm như lòng mẹ. Đặc biệt, trên khuôn mặt nàng luôn toát lên một vẻ dịu dàng, đầy tính nhân hậu.

Theo thời gian, chúng tôi càng hiểu nhau hơn. Tôi cũng được nàng dành cho nhiều sự ưu ái. Trong thâm tâm, tôi cảm nhận sự ưu ái đó như được nàng ban phát bằng một thứ nhãn quan rất độ lượng. Tôi hiểu mình, nên cũng không tự ti về điều đó. Sau mỗi buổi học kết thúc, tôi tiễn nàng trên con đường vắng. Ánh đèn khuya như thẫm hơn. Đêm thu càng tinh khiết hơn. Hơi thở của hồ nước phía cuối con đường cũng vì thế mà cảm như trầm mặc hơn…

Tôi như người ngậm hột thị. Thi thoảng lắm mới dám mở miệng, nói được vài câu, từ ngữ trúc trắc, chẳng ăn nhập được gì với nhau cả.

Nhưng chính cái sự vụng về của tôi, hình như càng khiến nàng thêm cảm mến tôi hơn. Một buổi tối, trước khi chia tay, tôi và nàng dừng chân ở lối rẽ. Tôi cũng chẳng nhớ rõ lúc ấy tôi đã nói với nàng điều gì. Giây phút tuy ít ỏi, nhưng thật vô cùng quý giá. Nàng nhìn tôi trìu mến:

- Khuya rồi, về đi anh! Mai ta lại gặp nhau!

Tôi ngơ ngác như người lạc lối nhìn theo bóng nàng hút dần trong ngõ nhỏ. Quanh tôi, chỉ còn lại màn đêm còm cõi và cơn gió lạnh đầu mùa...

Trở về nhà, tôi thao thức mãi. Tôi nhớ nàng da diết. Hình như tôi đã bị tương tư rồi. Đêm tĩnh lặng quá. Bầu trời đang chìm sâu trong màn sương đùng đục. Rồi tôi thiếp đi khi đêm đã sắp tàn canh. Trong giấc ngủ, tôi mơ thấy nàng đứng bên cạnh. Nàng nhìn tôi mỉm cười, nụ cười sao mà thánh thiện đến thế!

* * *

Sau đêm ấy ít bữa, tôi ngỏ ý mời nàng đi nghe nhạc tiền chiến. Vừa nghe tôi giới thiệu về không gian của đêm biểu diễn, như đúng sở thích, nàng reo lên:

- Tuyệt quá!

Tôi cưỡi Honda, căng mình thật rộng để chắn gió cho nàng, rồi ngược theo hướng lên Công viên nước Hồ Tây. Ánh sáng hiu hắt từ những cây đèn đường đổ bóng hai chúng tôi dài dài trên con đường hun hút gió.

Khác với không gian tưng bừng, náo nhiệt của vũ trường, nơi biểu diễn ca nhạc là một phòng trà khá kì dị. Đó cũng là điều gây cảm hứng đặc biệt cho cả hai chúng tôi. Từng cen-ti-mét vuông đất ở đây đều gợi cảm giác nhớ lại một thời kỳ tàn khốc, đẫm máu. Thậm chí, cả việc dùng ánh sáng cũng rất đặc trưng, chỉ duy nhất một chiếc biển quảng cáo nho nhỏ làm bằng chất liệu nhựa tổng hợp, ghi dòng chữ No War, treo bên cạnh lối ra vào là được sử dụng bằng nguồn điện. Còn lại, tất cả đều được thắp sáng bằng những chiếc đèn bão treo lủng lẳng tứ phía. Cách bài trí “sân khấu” cũng rất đơn giản, có vẻ hơi bất đắc dĩ. Chiếc micro cắm cố định trên khúc gỗ khá lớn. Ca sĩ của phòng trà này không nhiều nhưng rất đặc biệt. Đó là những anh chàng, cô nàng còn trẻ, chỉ trạc độ tuổi hai mươi, dáng người dong dỏng cao, ăn mặc đúng mốt của dân tài tử Nam Bộ thời đất nước còn bị chia cắt. Áo chẽn, đóng bộ với chiếc quần chiến binh chế độ Cộng Hòa, nom rất hợp với diện mạo eo ót của họ.

Còn ít phút nữa mới tới giờ biểu diễn, tôi tranh thủ đưa nàng đi tham quan một lượt. Khuôn viên của phòng trà khá rộng. Xen giữa những bộ bàn ghế dành cho khán giả là rất nhiều kỷ vật một thời chiến chinh của cả hai phía. Chúng được bày biện trong những chiếc tủ kính một cách tùy tiện. Tôi không thể kể xiết có bao nhiêu thứ, nhưng có lẽ tới con số hàng ngàn, hàng vạn chứ không kém hơn. Từ chiếc bật lửa vỏ nhôm, sợi bấc được thấm dầu hỏa, chiếc bát ăn cơm bằng sắt, chiếc bình tông đựng nước màu xanh lá cây thẫm, quần áo, huy chương, huân chương, quân hàm, quân hiệu, mề đay, đến chiếc đai lưng cài đạn… thậm chí, có cả các loại súng ống cỡ nhỏ, đương nhiên đã được tháo bỏ phần ruột. Ấn tượng mạnh nhất đối với nàng là chiếc mũ sắt của một anh lính nào đó thuộc quân lực Việt Nam cộng hòa bị thủng một lỗ to bằng đồng xu treo ở chính giữa gian phòng. Phía dưới chiếc mũ là bộ quần áo lính. Tôi và nàng cùng đoán chắc là của anh. Nhìn bộ quân hàm đeo trên vai áo, rõ ràng anh là một người lính mới, chắc còn rất trẻ. Người lính xấu số ấy đã lãnh trọn viên đạn vào đầu. Một dòng máu nhểu ra từ lỗ thủng, loang khắp vai áo, ngực áo, theo thời gian đã ngả màu đen thẫm.

Hình như cảnh tượng ấy đã gây cho nàng một sự xúc động đột ngột. Dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi nhìn khuôn mặt trắng hồng của nàng bỗng nhợt nhạt. Tôi hoảng hốt, định đưa nàng rời khỏi nơi đây. Nàng lắc đầu, nói:

- Em không sao đâu!

Bàn tay nàng run run trong tay tôi. Ngưng một lát, nàng tiếp, giọng như muốn nghẹn lại:

- Thật tội nghiệp cho số phận của những con người thời chiến tranh máu lửa!

Tôi đưa nàng trở lại một bàn trà. Nàng nghiêng má, áp trên vai tôi, mắt vẫn nhìn trân trân vào chiếc mũ sắt. Tiếng chàng ca sĩ cất lên, trầm bổng, nghẹn ngào, như muốn gieo thêm vào quá khứ tưởng như đã lặng yên một nỗi buồn đau thật da diết.

Chúng tôi là lớp người sinh ra thời hậu chiến, nhưng cha tôi cũng là một người lính. Ông ra trận, khi mẹ tôi mang thai tôi mới chỉ được vài tháng tuổi.

Tôi hứa sẽ kể cho nàng nghe về cha tôi, và cầu mong lỗ thủng trên chiếc mũ sắt ấy không phải do viên đạn từ chính khẩu súng cha tôi đã bóp cò. Số phận của ông, rốt cuộc, cũng chẳng may mắn gì hơn người lính trẻ kia, đã vĩnh viễn gắn liền với cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt, mà những kẻ xâm lược đã toan tính biến thành cuộc chiến “nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn”.

Nàng gật đầu, đôi mắt ướt long lanh. Những giọt nước mắt nặng trĩu tình người của một tấm lòng nhân từ lăn dài trên má. Đêm biểu diễn cũng vừa kết thúc. Ánh trăng muộn trải một lớp thảm vàng óng, để tôi đưa nàng về.

*

* *

Khi tôi được biết nàng là giám đốc của một doanh nghiệp làm ăn khá thành đạt, đặc biệt là sự tham gia của nàng trong một tổ chức từ thiện thì tôi càng tự tin hơn vào sự nhìn nhận về con người của mình đối với nàng.

Tôi không bỏ nỡ cơ hội ấy, làm ngay một bộ sưu tập ghi lại những hình ảnh trong công tác cứu trợ tự nguyện của nàng từ bấy lâu nay.

Lặn lội gần nửa năm trời tới những địa bàn hoạt động của nàng, đặc biệt là những vùng thiên tai lụt lội, tôi cũng đã có được một bộ sưu tập đầy ấn tượng và gây xúc động rất mạnh mẽ. Cũng từ những gì có được trong bộ sưu tập ấy, khiến tôi càng khẳng định và không hề ngoa ngoắt khi dùng những cụm từ đặc sắc để nói về nàng. Chẳng hạn: “Nàng có khuôn mặt rất đôn hậu.” “Giọng nói của nàng êm như lòng mẹ.” “Những giọt nước mắt nặng trĩu tình người của một tấm lòng nhân từ.” “Nụ cười của nàng sao mà thánh thiện đến thế!”…

Vừa đúng dịp kỷ niệm lần thứ hai mươi ba ngày sinh nhật của nàng, tôi thửa một bó hoa thật đẹp, mang đầy ý nghĩa tượng trưng cho một trái tim vừa ghé sang mùa chín. Chiều hôm ấy, trời khá lạnh, vừa bước vào phòng tiệc, tôi thật bất ngờ khi nghe nàng giới thiệu vai trò của tôi trước mọi quan khách.

Tôi bước đến, trao hoa tặng nàng, kèm theo cả bộ sưu tập vừa thực hiện được trong tiếng vỗ tay cổ vũ rất nồng nhiệt cùng bài hát Happy birthday. Cả phòng tiệc bỗng bừng lên một không khí hết sức rộn ràng, đằm thắm, và cũng rất ấm áp tình người.

Nàng sánh vai cùng tôi đi nâng cốc chúc mừng sự hiện diện của mọi người đến tận khi mãn tiệc…

Tôi hạnh phúc đến tột cùng! Cuối cùng thì Thượng Đế cũng đã rất công bằng với mọi số phận của con người. Và đêm mai, chúng tôi lại đến vũ trường. Ở đó, hoa tím vẫn rơi quanh bản nhạc Tango Argentina đầy cá tính và cũng rất lãng mạn…

Hà Nội 9 / 2008