Trang chủ » Truyện

KHÁT VỌNG KHÔN NGUÔI

Nguyễn Trọng Mai
Thứ sáu ngày 5 tháng 5 năm 2017 1:50 PM


Truyện ngắn 
Năm ấy tôi là một con bé con mười tuổi. Không hiểu do buổi sáng hôm đó đẹp trời hay do đêm hôm trước trời mát, hoặc do ngày hôm qua mẹ kiếm được món hời, mà mẹ đưa cho tôi hai tờ năm hào và cho dẫn ba đứa em sang công viên Thống Nhất chơi. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm đồng tiền mà không kèm theo phiếu mua hàng hoặc sổ gạo để mua về cho mẹ. Tôi nhận một sứ mệnh trọng đại là giám hộ ba đứa em đi chơi khỏi lạc, và lại được quyền mua quà cho chúng ăn.
Công viên hôm ấy có rất nhiều trò chơi. Tiếng loa, tiếng nhạc phát ra ầm ầm. Chợt mấy chị em tôi trông thấy một đám đông đang xúm xít quanh một người làm trò úp cốc. Có một con xúc xắc giữa bàn và 3 cái cốc úp xuống. Người làm trò úp một chiếc cốc vào con xúc xắc rồi di chuyển sang cốc khác rất nhanh. Miệng thì nói liên hồi: “Trò chơi là trời cho đê! Ai nhanh tay nhanh mắt sẽ được giải thưởng đê! Chỉ mất 5 hào chơi thôi mà được giải là chiếc quạt điện 35 đồng đê!”. Thấy dễ quá, mắt mình nhìn thấy rõ con xúc xắc đang ở cốc nào, thế mà mọi người chỉ xúm vào xem, chưa ai dám bỏ 5 hào để thử vận may. Bỗng có một anh thanh niên chen vào: “Tôi chơi đây. Sợ gì! 5 hào đây!”. Anh ta bỏ ra 5 hào rồi nhìn ông chủ trò đảo cốc thoăn thoắt. Khi ông chủ trò dừng tay, anh ta chỉ vào một chiếc cốc, mở ra đúng con xúc xắc ở đó. Mọi người ồ lên: “Thắng rồi!”. Ông chủ trò mặt buồn thiu, miễn cưỡng gỡ chiếc quạt trên tường xuống trao cho người thắng cuộc. Anh thanh niên sung sướng cầm quạt rời khỏi khu vui chơi.
Mấy chị em tôi bàn nhau: “Dễ lắm mà. Hay bọn mình chơi đi! Ông kia nhanh tay thì mình nhanh mắt. Mấy chị em cùng nhìn, thế nào cũng chính xác”. Và chúng tôi tưởng tượng thấy cảnh mang chiếc quạt 35 đồng về cho mẹ. Hẳn mẹ sẽ sững sờ sung sướng. Chiếc quạt ấy tôi đã thấy ở nhà con bạn mỗi khi sang mượn sách của nó. Đứng xa đến chục mét mà vẫn thấy gió thổi đến mát rượi. Và tôi quyết định chơi. Bốn chị em dán 8 con mắt vào những chiếc cốc. Nhưng, hỡi ôi, khi ông chủ trò mở chiếc cốc ra thì đó là chiếc cốc không. 5 hào không cánh mà bay mất. Chúng tôi rút lui ra khỏi cuộc chơi, thất bại não nề. Tôi bảo lũ em, bây giờ chỉ còn 5 hào nữa thôi, ai khát thì chị mua nước cho mà uống. Đáng lẽ chúng ta được ăn kem, mỗi người một chiếc. Nhưng nay thì không đủ. Thằng Thành, em sát tôi, rụt rè nói: “Hay là ta chơi tiếp hả chị? Lần này phải nhìn cho kỹ. Biết đâu lần sau ta thắng thì sao? Mẹ sẽ sướng lắm đấy”. Hai đứa kia cũng tán thành. Thế là chúng tôi chơi lại lần nữa. Nhưng số phận vẫn hẩm hiu như lần trước. chúng tôi mất trắng cả hai tờ 5 hào.
Ê chề, mấy chị em chẳng thấy trò gì vui nữa cả, ra ngồi ghế đá một lúc cho trấn tĩnh tinh thần rồi về. Cả bốn đứa câm tịt, không kể gì cho mẹ biết chuyện dại dột vừa qua.
Đó là chuyện đầu đời của cô bé lên mười. Đó là trò chơi đỏ đen đầu tiên và cũng là cuối cùng trong cuộc đời tôi. Sau này, suốt đời tôi không mua xổ số, không ghi lô đề, không chơi chứng khoán …Nhưng khát vọng khôn nguôi của tôi về chiếc quạt 35 đồng thì vẫn còn lưu mãi trong tâm trí tôi …
***
Bà Hằng, Tổng giám đốc tập đoàn Sen Vàng mở đầu cuộc phỏng vấn của tôi bằng câu chuyện mất tiền năm mười tuổi như vậy đó. Tập đoàn của bà là một tập đoàn công nghiệp lớn, đa chức năng, nhưng sản phẩm nổi tiếng nhất là các loại quạt Sen Vàng được trang bị trong các nhà hàng, khách sạn 5 sao và xuất khẩu đi khắp thế giới. Bà là người phụ nữ thành đạt, viên mãn, nhưng không nhận bất cứ giải thưởng, danh hiệu nào như kiểu “Doanh nhân của năm”, Người phụ nữ của năm” v.v. Bà cũng không chịu cho các nhà báo phỏng vấn.
Thế mà không hiểu sao, bà lại đồng ý kể chuyện cho tôi, một nữ phóng viên không tên tuổi. Có lẽ, vì cuộc đời tôi cho đôi nét giống thời tuổi trẻ của bà chăng?
***
… Tuổi cô thì không hình dung được Hà Nội ngày ấy như thế nào đâu – bà kể tiếp. Phía bên nhà tôi, hồ Ba Mẫu là một xóm nghèo. Phía bên kia, hồ Bảy Mẫu cũng lại một xóm nghèo. Đảo Hòa Bình thì từ xưa vẫn không có người ở, còn đảo Thống Nhất thì trước đây có mấy gia đình sinh sống ở đấy. Họ ra đảo bằng một cái cầu tre giống như cầu khỉ ở Miền Nam hiện nay. Khi tôi lớn lên thì hồ Bảy Mẫu và đảo thống Nhất đã thành công viên Thống Nhất rồi. Nhà tôi chỉ cách công viên có mấy trăm mét, nhưng hôm ấy là lần đầu tiên được mẹ cho tiền mua quà và cho qua bên ấy chơi.
Mẹ tôi làm nghề mua bán đồng nát nuôi bốn chị em tôi ăn học. Năm ấy tôi mười tuổi, thằng Thành bảy tuổi, còn hai đứa út sinh đôi là Thu Hương và Thanh Hương thì lến bốn. Mẹ bảo bố đi làm xa kiếm tiền gửi về nuôi các con, nhưng hàng năm trời tôi chẳng nghe thấy tin tức về bố. Mấy bà hàng xóm thì thầm thì nửa úp nửa mở nói vói tôi rằng bố tôi bỏ đi theo một người phụ nữ khác rồi. Mẹ ở lại một mình nuôi con. Bà là người phụ nữ đơn côi…
Mãi đến sau này, sau hàng chục năm tôi vẫn không quên được đôi mắt thất vọng sững sờ của các em tôi khi hai lần mất tiền cho một hy vọng mong manh nhưng cực lớn: chiếc quạt điện 35 đồng. Niềm hy vọng lớn quá, hạnh phúc (nếu có) là ngoài sức tưởng tượng, nên dẫu chúng nó có xót xa đến đâu, thì cũng không hề oán trách chị nó. Nhưng tôi thì ân hận lắm, chỉ muốn lớn thật nhanh, đi làm để tích cóp tiền mua được một chiếc quạt 35 đồng cho mẹ và các em tôi.
Cũng vì ý định thôi thúc đó mà năm sau 11 tuổi, tôi học xong cấp 1 thì đề nghị mẹ cho tôi nghỉ học để làm thêm phụ mẹ. Tôi nhớ hôm ấy, khi tôi đề nghị nghỉ học, mẹ đẩy tôi ra xa một chút, ngắm nhìn tôi, như thể đánh giá xem tôi đã đủ lớn để đi làm phụ mẹ được chưa. Rồi mẹ gật đầu, gật đầu đồng thời với hai giọt nước mắt tứa ra và lăn theo gò má. Mẹ ôm tôi, cố ghìm nước mắt, nghẹn ngào nói rằng quả thật mẹ không đủ sức nuôi cả bốn đứa ăn học nữa. Thôi thì con nghỉ phụ giúp mẹ một tay và cũng đỡ tiền học, tiền sách vở.
Từ hôm đó tôi theo mẹ mua bán đồng nát. Nghề đồng nát là nghề mua tất cả các thứ mà người ta vứt đi với giá gần như cho, rồi mình về phân loại bán cho các vựa thu mua phế liệu tái chế. Thoạt đầu tôi đi cùng mẹ, nhưng thấy chẳng thu hoạch thêm được gì mấy. Có chăng là có người thấy tội nghiệp đứa bé dễ thương thì họ hẹn hôm sau dọn nhà sẽ bán thêm cho. Còn gánh nặng thì mẹ vẫn giành phần, chẳng mấy khi cho tôi gồng gánh giúp mẹ. Về sau, tôi đề nghị mẹ sắm cho tôi đôi quang gánh, tôi đi riêng theo hướng khác. Quả nhiên lúc đầu thu nhập tăng lên gấp rưỡi, về sau gấp đôi. Thậm chí có những hôm tôi còn thu nhập cao hơn mẹ nữa.
Được một năm, khi tôi mười hai tuổi thì một sự cố xẩy ra. Hôm ấy trời đã nhập nhẹm tối, quang gánh tôi cũng đã đầy, đang định đi ra chỗ hẹn để hai mẹ con cùng về, thì một ông tuổi trung niên vẫy gọi tôi vào nhà bảo là sẽ bán cho tôi nhiều thứ lắm. Tôi đứng đợi ở sân để ông mang các thứ ra, nhưng ông cứ bảo tôi vào bếp cùng khuân ra. Vừa vào đến bếp ông ta ôm chặt lấy tôi, tôi định kêu thét lên thì ông ta lấy tay bịt chặt lấy mồm. Ông ta xé rách tan chiếc áo của tôi và định xé cả quần nữa. Thừa lúc ông ta buông tay bịt mồm để xé quần, tôi liều mình cắn vào tay ông ta một cái thật mạnh. Ông kêu ái một tiếng và buông lỏng tay, tôi vùng chạy ra ngoài. Những năm ấy tôi ăn uống thiếu thốn, mười hai tuổi mà người gầy khẳng đã phát triển gì đâu, nhưng hai vú cũng đã nhô lên một chút như hai quả cau rồi. Tôi ngượng ngùng không có áo, lấy tay che thân thể mình, vừa chạy vừa khóc gọi mẹ. Gặp đươc mẹ rồi thì tôi lăn xả vào mẹ khóc nức nở mặc cho nước mắt tuôn trào. Mẹ hiểu sự tình liền. Mẹ kiếm cho tôi cái gì đó tạm che thân, rồi hai mẹ con vẫn dắt nhau quay trở lại, quyết đòi lại gánh hàng đồng nát đang nằm lăn lóc ở sân nhà ông ta.
Đêm đó tôi sốt và khóc nức nở trong cơn mê. Mẹ ngồi cạnh chườm mát lên trán và xoa bóp cho tôi suốt đêm. Cả tuần lễ sau đó tôi mất ngủ. Cứ nhắm mắt lại là thấy bộ mặt ghê tởm nhăn nhở của con dê già. Tôi tự hỏi đàn ông là thế ư? Trước đó một giây, ông ta còn mang bộ mặt hiền lành, tỏ vẻ thương mến trẻ con, thế mà một giây sau đã biến thành ác quỷ. Tôi sợ đàn ông từ đó.
Từ hôm ấy, hai mẹ con vẫn đi riêng, nhưng hẹn nhau đến khoảng 5 giờ chiều thì lại tụ tập đi cùng nhau. Vả lại, tôi không dám vào nhà ai nữa, chỉ đứng ngoài ngõ hoặc quá lắm là vào đến sân.
Năm tôi mười sáu tuổi thì mẹ ốm nặng. Vì là bệnh nan y lại không có tiền mua thuốc đắt tiền, mẹ đã ra đi. Lúc lâm chung mẹ nắm lấy tay tôi, cố nói lời trao gửi nhờ tôi thay mẹ nuôi mấy đứa em. Tôi đã nhận lời. Ma chay xong thì nhà cũng hết sạch tiền. Em Thành lúc này đã học cấp hai, làm lại đúng cái việc ngày trước tôi đã làm với mẹ. Em đề nghị tôi cho em nghỉ học để đi làm phụ tôi nuôi hai em Hương. Tôi nhìn em, hai giọt nước mắt cũng ứa ra lăn xuống má giống như mẹ dạo trước, nhưng cái khác là không có cái gật đầu mà là cái lắc đầu kiên quyết.
Tôi nói với em:
- Chị đã hứa với mẹ rồi. Chị đã hứa sẽ thay mẹ nuôi các em ăn học đến nơi đến chốn. Nhiệm vụ của em bây giờ là phải nghe lời mẹ. Em phải học để thành người, để có thể giúp các em tốt hơn sau này chứ không phải là bây giờ theo chị làm đồng nát.
Thành phải nghe lời tôi.
Mất mẹ, đi làm một mình, thu nhập giảm đi một nửa. Nhưng rồi tôi để ý thấy rằng mua giấy vụn, bìa các tông, cồng kềnh, nhưng bán chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng hôm nào mua được cuộn giây đồng rỉ, vài mẩu nhôm, gọn gàng nhưng lại bán được nhiều tiền hơn. Thế là tôi mon men đến các nhà máy, đến tận xí nghiệp Điện Cơ Thống nhất dưới phố Trương Định, hoặc lên nhà máy Thiết Bị Bưu Điện mãi trên phố Trần Phú. Tôi xin bác bảo vệ cho tôi vào bới thùng rác để giữa sân. Từ đợt đó, thu nhập của tôi khá hẳn lên.
Một hôm, tôi để ý thấy những mảnh đề xê tôn silic ở Nhà máy Bưu Điện, họ thuê xe chở rác đến chở vứt đi, nhưng có lẽ còn dùng được việc gì chăng? Trong xóm tôi có anh Huỳnh làm nghề sửa chữa “xuyếc von tơ”, tôi cầm về một mẩu hỏi anh. Anh chợt reo lên: “Con bé này khá, có thể dùng được đấy em ạ”. Anh bảo: ở nhà máy của nhà nước, họ chơi sang, họ nhập được các tấm tôn silic về dập thành các lõi chữ E để làm biến áp, còn đề xê thì vứt đi. Nhưng ta con nhà nghèo có thể cắt các đề xê này thành những mẩu chữ I, ghép lại vẫn thành chữ E và sản xuất được “xuyếc von tơ”. Anh bảo tôi lấy về thật nhiều để anh làm thử. Thế rồi một “liên doanh” sản xuất “xuyêc von tơ” hình thành. Lúc đầu tôi xin bác bảo vệ ở nhà máy, nhưng sau khi thành công rồi thì tôi đến đặt vấn đề cho tôi thầu mua tất cả đề xê tôn silic của nhà máy. Giám đốc nhà máy ủy quyền cho Công đoàn đứng ra bán gây quỹ cải thiện đời sống cho công nhân. Thế là tôi trở thành chủ vựa thu mua phế liệu của nhà máy, thuê hẳn xe tải vào nhà máy chở hàng ra.
Liên doanh xuyêc von tơ hoạt động khá thành công trong mấy năm liền. Dạo ấy điện thiếu lắm. Nhà ai ở cuối nguồn thì bóng đèn chỉ sáng như con đóm đóm. Anh Huỳnh làm những chiếc xuyệc 5 am pe, rồi 10 am pe, 20, thậm chí 50 am pe bán hết vèo vèo. Anh lên đời bằng một chiếc xe máy Honda Dream, còn tôi cũng sắm một chiếc Cúp 50.
Sau đó đến thời kỳ thoái trào. Điện đầy đủ và tốt dần. Người ta không cần xuyệc nữa. Hàng làm ra ế ẩm. Tôi bàn với anh Huỳnh sản xuất quạt điện. Anh nói làm xuyệc thì đơn giản, chỉ cần tôn silic và dây đồng thôi, còn làm quạt thì phải làm rô to, sta to, trục, bạc, cánh, vỏ, đế, chuyển mạch v.v. đại khái là nhiều bộ phận lắm, nhưng anh sẽ suy nghĩ. Trong khi anh đang suy nghĩ thì một sự cố không mong muốn lại xảy ra.
Hôm ấy, rỗi rãi, anh mời tôi sang nhà chơi. Thấy anh ấy ăn mặc chỉnh tề như là đi dự tiệc, tôi cũng hơi thắc mắc. Rồi anh mời tôi ngồi, pha nước mời tôi uống. Tôi chưa kịp hỏi hôm nay có việc gì mà trịnh trọng vậy anh, thì bất ngờ, anh chộp lấy tay tôi, nắm chặt. Một giây thôi, tất cả những gì ám ảnh từ hơn mười năm trước hiện ra. Bộ mặt anh Huỳnh trở thành bộ mặt của con dê già ngày ấy. Chắc hẳn anh lại sẽ cười nhăn nhở, anh lại cũng xé toạc chiếc áo của tôi. Hoảng quá, tôi vùng chạy, chạy một hơi về nhà đóng chặt cửa rồi nằm vật lên giường khóc nức nở. Trời ơi, đàn ông là thế cả ư? Cái anh Huỳnh ấy, người mà tôi coi là người anh cả, thương tôi nhất mực như thương em gái, thế mà bỗng phút giây đã biến thành con quỷ râu xanh ư? Tại sao đàn ông và đàn bà không đối xử tốt với nhau được nhỉ?
Tôi đóng cửa khóc trong ba ngày. Anh Huỳnh nhiều lần sang xin lỗi, nhưng tôi kiên quyết không mở cửa. Cả tháng sau tôi không gặp anh nữa. Anh đã chuyển nhà, và gửi lại cho tôi một bức thư qua đường bưu điện. Anh nói anh chỉ muốn biểu hiện tình cảm yêu quý tôi. Nếu tôi không yêu quý anh ấy thì cứ trả lời là không, chứ anh ấy có làm điều gì xấu xa đâu mà tôi giận anh ấy đến thế.
Sau này điềm tĩnh lại, tôi thấy tiếc cho anh, cho tôi. Giá như anh ấy đừng nắm tay tôi, giá như anh ấy nói những lời yêu thương trước, rồi để tôi tự nguyện trao tay cho anh, thì … có lẽ mọi chuyện đã khác rồi. Nhưng cú sốc ám ảnh tôi từ thuở mười hai đã làm tôi bỏ lỡ cơ hội cuối cùng.
Không có anh Huỳnh, nhưng tôi vẫn nung nấu làm quạt điện. Tôi tham khảo ý kiến tư vấn của các kỹ sư, thuê công nhân, mua đất dựng xưởng sản xuất. Các xưởng lúc đầu sản xuất quạt rẻ tiền, nhưng rồi nâng cấp dần thành quạt chất lượng cao. Xưởng của tôi nằm trong đất Kim Liên, gần nhà, nên tôi đặt tên là quạt Sen Vàng, nhà máy Sen Vàng, về sau là Tập đoàn Sen Vàng. Có lẽ công việc của tôi cũng có chút may mắn hoặc là được mẹ tôi phù hộ, nên từ khi làm quạt thì mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Khi sản xuất phát triển, cần xây dựng những dây chuyền đồng bộ, hiện đại, các xưởng riêng lẻ không phù hợp nữa, phải thuê đất ở khu công nghiệp làm nhà máy lớn, thì đúng lúc đất nhà xưởng của tôi trở thành khu đất vàng cho các đại gia bất động sản. Thế là tôi liên doanh với họ, tôi cũng trở thành đại gia. Cái tòa nhà cao ngất ngưởng ở ngã tư Giải Phóng – Đào Duy Anh là một ví dụ. Xưởng cũ của tôi đấy. Bây giờ tôi có 50% số vốn trong đó.
Người ta bảo tôi thành đạt, viên mãn. Nhưng hôm nay tôi mới có dịp để kể cho cô nghe, cuộc đời tôi vất vả và phải hy sinh như thế nào. Năm nay tôi đã 57 rồi, vẫn chưa hề có một mối tình vắt vai. Nhưng tôi cũng hài lòng vì các em tôi đều thành đạt và hạnh phúc. Thành là Tổng công trình sư, có một vợ hai con, hiện là phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn, Thu Hương và Thanh Hương đều tốt nghiệp đại học, có chân trong Tập đoàn và có gia đình hạnh phúc.
Ngẫm lại, đời tôi có hai ấn tượng không thể phai nhòa. Ấn tượng thứ nhất là cú mất tiền đầu đời. Tiếc đấy, xót xa đấy, nhưng nó lại là động lực cho tôi nuôi dưỡng ý chí làm nên những chiếc quạt cao cấp sau này. Ấn tượng thứ hai thì thật là tệ hại. Nó ám ảnh tôi trong suốt cuộc đời và nó làm tôi lỡ biết bao cơ hội gây dựng hạnh phúc cho mình…
***
VĨ THANH
Sau khi bài báo của tôi lên khuôn, tôi có nhờ bạn bè tìm kiếm và đã gặp được ông Huỳnh. Giờ đây ông đã hơn 65 tuổi. Ông đã kết hôn và các con đã trưởng thành. Vợ ông mất đã bảy năm nay. Bà Hằng không biết tin tức gì về ông, nhưng ông vẫn theo dõi bước đường thăng tiến của bà. Tôi làm cầu nối và đã dẫn ông đến gặp bà. Bà tiếp ông trong văn phòng sang trọng của Chủ tịch Tập đoàn Sen Vàng. Tôi giới thiệu:
- Cô Hằng ơi, đây là bác Huỳnh của cô đây.
Bà mỉm cười chào. Còn ông thì lúng túng:
- Chào chị. Chị không thay đổi mấy, tôi vẫn nhận ra chị.
Bà Hằng thân thiện:
- Sao anh lại gọi em bằng chị. Anh cứ gọi em như con bé Hằng ngày nào có phải hơn không?
Đúng lúc ấy, chuông điện thoại của tôi reo lên. Tôi có cớ để thoái thác:
- Xin lỗi cô Hằng, xin lỗi bác Huỳnh, cháu lại có việc khẩn phải đi ngay. Bác và cô tiếp tục nói chuyện nhé. Cháu sẽ gặp lại sau.
Và tôi chuồn. Việc tiếp theo không cần vai trò của tôi nữa, và kết thúc thế nào là tùy suy đoán của bạn đọc, nó cũng không có trong bài phóng sự của tôi.
Hà Nội 4/2017
NTM