( Trao đổi lại với tác giả Phùng Thành Chủng, bài THĂNG LONG TỨ TRẤN và bài hồi đáp VỚI “VỀ THĂNG LONG TỨ TRẤN”, trên trannhuong.com , ngày 7.11.2016 và 15.11.2016)
Lẽ ra tôi không trao đổi lại, bởi cách hiểu của tác giả Phùng Thành Chủng (PTC) về cụm từ định danh này, khác tôi về phương pháp, cách tiếp cận. Hơn nữa, lời và giọng tác giả có vẻ bức xúc…giống như “cãi vã”! Với những dòng PTC viết: “ngờ rằng động cơ của tác giả Đỗ Tiến Bảng là nhằm truy vấn tôi tội “ăn sẵn”…”; “ tác giả Đỗ Tiến Bảng “sinh sự” ( cùng trong một hội nghề nghiệp…”); “…với trình độ chưa xóa mù về vi tính của tôi..”, v.v… Nhưng tôi cho rằng, đây là vấn đề học thuật, vả lại vì ở trong Hội nghề nghiệp Văn học nghệ thuât mới càng nên trao đổi! Còn quan niệm “sinh sự” hay “sự sinh” là cách nghĩ của PTC thôi. Vì thế, tôi vẫn xin trở lại với PTC về 2 bài viết.
1. Trước hết, về tác quyền, nếu tác giả bài viết Phùng Thành Chủng chú ngay ở bài viết ( đầu hay cuối cũng được) rằng: bài đã ‘in trên “Văn hóa dân gian” ( số 5 (207) năm 2016) , thì độc giả biết là bài này đăng lại. Khi phát hiện trên WIKIPDIA có bài này, cũng chỉ biết là “giống”, “gần nhau”. PTC bảo tôi “Sao anh không đặt vấn đề ngược lại là sau khi bài viết được đăng , “nó” đã được đưa vào “Từ điển mở” . Đó là một thách đố, vì làm sao xác định được nhà mạng đã ‘cóp’ hay ‘đạo’ bài của anh. Muốn vậy, phải theo dõi bài này từ hơn 10 năm trước, cả ở “Văn hóa dân gian” và WIKIPDIA?
Tin anh, tôi chỉ xem PTC là tác giả bài viết này. Tôi xin trao đổi lại với tác giả một cách cụ thể hơn.
2. Về thể loại, bài viết có ghi là “biên khảo” ( đầu và cuối bài). Công việc “biên khảo” phải là “ghi chép tìm tòi trong sách vở để nghiên cứu”. Nhưng ở bài viết THĂNG LONG TỨ TRẤN chưa có được tính chất ấy. Bởi:
- xuất xứ cụm từ “Thăng Long tứ trấn”, tác giả PTC lấy từ văn cảnh và nguồn tài liệu nào, mà cho ” hiện vẫn tồn tại hai cách hiểu” ? Nghĩa là phải dẫn văn bản nào, của ai, ở đâu để đưa ra 2 cách hiểu. Lập tức PTC chỉ ngay “Như vậy chí ít giữa “Từ điển mở”wikipdia và tác giả Đỗ Tiến Bảng đã chẳng “tồn tại hai cách hiểu là gì”?”. Thật lạ kì, một bài viết hơn 10 năm trước đã “tiên liệu” sẽ có bài trao đổi bởi cách hiểu khác xuất hiện?! Một sự tưởng tượng khi luận giải! Không phải cứ lấy một cụm từ cố định (định danh) mà tùy tiện gán nghĩa được! Nếu là bài “phiếm đàm” , “nhàn đàm” thì anh tha hồ suy diễn, đưa ra các cách hiểu khác; chứ là “biên khảo” thì không thể không khảo sát bản thân ‘cụm từ cố định’ này và các tư liệu khác, trước khi đưa kết luận.
- tôi đặt vấn đề , tác giả PTC phải đưa ra được cụm từ cố định “Thăng Long tứ trấn” với ‘trấn” là tên hành chính ở trường hợp nào ( trong văn bản, văn cảnh nào); nếu có chữ Hán thì mới chính xác. Ở đây, tôi thấy tác giả chưa phân biệt “Thăng Long tứ trấn” và “Tứ trấn” quanh kinh thành .
Vì tên Thăng Long thay đổi qua từng giai đoạn. Mục Trung Đô, Phủ Phụng Thiên ghi: “Đời Lý Thuận Thiên dựng đô ở đấy gọi là thành Thăng Long, lại gọi Nam Kinh; đời Trần Thiệu Bảo gọi là Trung Kinh, sau đổi làm Đông Đô…năm Quang Thuận thứ 7 đặt phủ Trung Đô, đến năm thứ 10 đặt phủ Phụng Thiên; đời Tây Sơn gọi là Bắc Thành, đầu đời Gia Long đặt tổng trấn Bắc Thành…”( Đào Duy Anh “ Đất nước Việt Nam qua các đời”, tr 170). Các sử sách chỉ nói “Tứ trấn”( bốn trọng trấn, hay nội trấn) là Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, quanh Kinh thành, không hề ghi “Thăng Long tứ trấn” . Sách này nói rõ về Trấn Sơn Nam: “thời Lê , năm Cảnh Hưng thứ 2 ( 1741) chia làm hai lộ Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ…; đời Tây Sơn làm hai trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ; đầu đời Gia Long lấy hai trấn thượng hạ lệ vào Bắc Thành. Năm Minh Mệnh thứ 3 ( 1822) đội thượng trấn là trấn Sơn Nam, hạ trấn là trấn Nam Định”( Đào Duy Anh s đ d, tr 171).
3. Về sách tham khảo, tác giả PTC bảo tôi “không tra cứu các tài liệu đã được ghi dưới bài viết”. Đó là 2 cuốn sử địa do các sử gia triều Tự Đức biên soạn : “Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”. Xin thưa, tôi đều có cả 3 bản mà anh kê “tài liệu tham khảo” . Nhưng lưu ý anh rằng, tên đầy đủ là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”; anh ghi thiếu hay cuốn của anh” tham khảo” in khác?! Tác giả PTC nhấn mạnh: “Cụ thể là cuốn “Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam” của Nguyễn Văn Tân ( nxb Văn hóa Thông tin - Hà Nội, 1998)”. Nói về sự dẫn chính xác, năm xuất bản, sách tham khảo này anh ghi 1998; tôi lại thấy quyển Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam tôi xem là 1999 ( lưu chiểu quí III. 1999, 1640 trang, khổ 15,5x 22cm). Chả lẽ 1 năm đã tái bản; tôi không thấy chữ ‘tái bản”?! Còn về nội dung, các mục từ, số trang các “trấn” này, y như anh chỉ dẫn . Nhưng nội dung không hoàn toàn như bài viết ở các mục Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây. Tôi lại mách tác giả PTC hãy tìm cuốn “Sổ tay địa danh Việt nam” của tác giả Đinh Xuân Vịnh in từ 1996 của nxb Lao động ( trước cuốn Từ điển mà anh nhắc 2 năm) sẽ đầy đủ chi tiết hơn ( nxb Đại học quốc gia tái bản 2002) !
4. Tại sao phải đặt cụm từ “Thăng Long tứ trấn” và “Thăng Long tứ quán”?
- một là, hai cụm từ có chung tên “Thăng Long”- một địa danh của Kinh thành được đặt từ thời Lý; tên gọi này đã biến đổi ( như ở trên tôi đã nêu)
- hai là, có một ngôi đền được kể cả 2 cụm từ. Đó là “Đền Quan Thánh”. Tôi lại mách tác giả PTC tìm sách “Hà Nội địa dư”( Nguyễn Bá Cung soạn 1851) và “Hà Nội sơn xuyên phong vực”( sách hoàn thành 1887, không ghi tác giả) sẽ thấy các bản chữ Hán ( đã có bản dịch) về ‘thắng tích’ này ! Còn dễ tìm hơn , PTC có thể đọc ở “Từ điển di tích văn hóa Việt Nam” của Viện nghiên cứu Hán Nôm ( nxb KHXH, 1993). Tên đầy đủ của Đền Quan Thánh : Quán thờ “Bắc phương Trấn Thiên Chân Vũ Huyền Thiên thượng đế”( 北方鎮 天眞武玄天上帝 ) (TUYỂN TẬP ĐỊA CHÍ, tập 1, nxb Hà Nội, 2010, tr 150, 242 ). Chữ “trấn”( 鎮) trong tên gọi này đâu phải là “chấn”( 振 – bộ “thủ”; PTC mô tả chữ theo kiểu ‘thày đồ’ dạy học trò cho dễ nhớ: “chữ “Chấn” với bộ “Tài gảy” bên chữ “Thìn- Thần” !) với nghĩa “cứu giúp”. Chỉ có “tứ trấn” (四 鎮), không có từ “tứ chấn” (四 振) ! Còn nói ‘chức năng’ của “trấn” , dù là tên “quán” thờ hay tên hành chính, mới nhận xét bằng từ “chấn” (振 - cứu giúp). Ở đây ngay cả tên “quốc ngữ” PTC cũng còn nhầm lẫn. Trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” nhiều lần từ “tứ trấn” xuất hiện, không có viết “tứ chấn”! Các tiền nhân đã có thơ đề một số nơi thờ này, như thơ “ngự chế” của Vua Thiệu Trị ở “Trấn vũ quán”, với “tí dân”, “hộ quốc”( cứu dân, giúp nước); “bình tặc”( lui giặc), “đằng ma”( đuổi ma).; ở Đền Bạch Mã: “Tích lưu bạch mã trấn danh châu” ( tích xưa ngựa trắng trấn danh đô), thơ Trần Bá Lãm (1758 – 1815)
- ba là, cụm từ “Thăng Long tứ trấn” chỉ 4 nơi thờ 4 vị thần “trấn giữ 4 phương đất Thăng Long”. Khi tôi khẳng định “không có cụm từ “Thăng Long tứ trấn” với nghĩa “trấn” là đơn vị hành chính” , tác giả PTC không tranh biện mà chỉ bảo : “anh cũng nên tôn trọng những ai hiểu khác mình”. Khi anh đã đưa ý kiến lên “báo” ( lần trước in tạp chí), dưới tên “biên khảo”, thì bạn đọc có quyền trao đổi; tác giả phải đưa ra luận chứng, luận cứ mà bảo vệ, chứ không thể nói “quyền của anh” hay “quyền của tôi” (đoạn dẫn lại ý kiến tôi, PTC đã viết hoa chữ “Trấn”)! Mở rộng hơn, nói về Thăng Long, Tràng An còn các cụm từ có kết cấu tương tự , như: “Thăng Long bát cảnh”, “Tràng An tứ kiệt”, “Tràng An tứ hổ”…Nhưng chuyện này đã sang phạm vi khác. Chỉ có điều lưu ý tác giả PTC là cần xem cơ sở cụm từ liên quan đến địa danh Thăng Long
5. Về gọi tên “tứ trấn”( đơn vị hành chính ) theo “Bát quái”. Đây là lần đầu tôi được nghe nói về cách “qui thuộc” này: “trấn Bắc hay là trấn Khảm”, “trấn Nam hay trấn Ly”, “trấn Đông hay trấn Chấn”…Đó là nói phương hướng theo theo “quẻ”( quái) ở Kinh Dịch. Nhưng nói phương vị Kinh đô theo “quái” là ở đâu, nó mang ý nghĩa gì? Chỉ có trong sách cũng như dân gian thường gọi “Xứ Sơn Tây” là “Xứ Đoài”, tương ứng với “Xứ Đông”; nếu gọi “trấn”, các sách có gọi “Trấn Đoài” . Như cuốn “Từ điển địa danh lịch sử văn hóa Việt Nam” (anh tham khảo), mục Sơn Tây ( tr 1017) có ghi: “còn gọi Trấn Đoài”; các mục Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương không có nói về tên “quái’ . Cuốn “Sổ tay địa danh Việt Nam” cũng ghi: “còn gọi là tr Đoài” ( s đ d). Phan Huy Chú tuy không gọi tên “Đoài” nhưng có mô tả về Sơn Tây: “thực đáng gọi là chỗ đất vui vẻ ở phương tây”( Lịch triều hiến chương loại chí , tập I, nxb Sử học, 1960, tr 94); là gợi đến ý nghĩa “Lời Kinh”( tên khác là “Đoái”): “Đoái là đẹp lòng …”( Kinh Dịch, Ngô Tất Tố dịch và chú giải, nxb TP Hồ Chí Minh, 1991, tr 706). Tác giả PTC đã “gán” tên gọi “chức năng” mới cho “tam trấn”. PTC cho rằng các trấn “nhiệm vụ che chắn, bảo vệ kinh thành từ vòng ngoài…”, thì những “trấn Khảm”, “trấn Ly”, “trấn Chấn”, “trấn Đoài” này có những ý nghĩa gì?
6. Về kết cấu, trình bày, dùng từ
- bài tác giả PTC “hồi đáp” đánh số từng đoạn chưa khoa học: 1, 2, 3, rồi lại 1,2,3. Phần 1,2,3 sau nếu nằm trong mục 3, thì phải đánh 3.1;3.2; 3.3; rồi phần “Cuối cùng” nữa. Chưa kể bài còn lỗi chính tả : ”gải”( đúng là “giả”, 2 lần), viết hoa khi dẫn lại ( trấn – Trấn). Tất nhiên đây là lỗi vặt, nhưng đã là “biên khảo”, “nghiên cứu” phải hết sức ‘thận bút” trong từng con chữ, dấu câu.
- về tên các phủ huyện, tác giả PTC chỉ kê biên, có khác chăng, là đưa tên “phủ” vào trong ngoặc đơn, chứ không phải là “khảo”. Nếu “khảo” là phải nêu tên phủ, huyện thay đổi qua các thời kì ( anh cần tham khảo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh ). Khi tác giả chỉ “biên” (chép) cần cho rõ , đâu là nguyên văn, đâu là lược thuật, nguồn tư liệu,…sách nào , nhà và năm xuất bản, trang mấy. Từ đó mới phân biệt được từ tư liệu đến thu nhận của người viết bài.
Kết.
Như lời đầu tôi đã viết, lẽ ra không có bài hồi đáp, nhưng vì tính khoa học của một bài “biên khảo”, tôi phải trở lại vấn đề. Và chấm dứt bàn luận ở đây. Như bài trước tôi đã viết: “chỉ dẫn lại sách người trước”, “bàn điểm vài chỗ”; tôi chỉ gợi chứ không bắt người đọc công nhận. Tôi tâm niệm lời thày giáo tôi dạy : “Hãy có gan đọc một vạn quyển sách mà chưa viết quyển nào”. Nên tôi chỉ đối chiếu những điều tôi đọc với cái tôi biết để nêu ra mọi người cùng bàn luận, trao đổi.