Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"BÁC SĨ TRƯỞNG KHOA" HAY BI KỊCH CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC VIỆT NAM

Đặng Văn Sinh
Thứ bẩy ngày 23 tháng 7 năm 2016 6:47 AM

Nếu đọc kỹ ở cấp độ sâu hơn, chúng ta sẽ nhận ra một điều, “Bác sĩ trưởng khoa”* không đơn thuần chỉ là cuốn tiểu thuyết hư cấu được hình thành trên nền tảng những đặc điểm của Chủ nghĩa hiện thực cổ điển rất phổ biến ở thế kỷ XX, đem đến cho người đọc những trang viết đầy cảm xúc, mà phía sau nó, còn một hồ sơ chuyên môn, được ghi chép trung thực bởi một nhà văn, vốn là chuyên gia phẫu thuật, dưới dạng những đoạn hồi ức như một thủ pháp đông hiện, phơi bày những góc khuất của ngành y mà dư luận công chúng chưa từng biết đến. Đồng thời, cũng từ mặt trái của chuỗi bệnh viện công, người ta có quyền suy luận đến hiện trạng xã hội, một hiện trạng rất không bình thường, ẩn chứa nhiều rủi ro bất trắc, liên quan đến số phận cộng đồng nhưng lại bị giấu kín qua lớp vỏ bọc hào nhoáng.
Vấn đề của “Bác sĩ trưởng khoa” là vấn đề thời đại. Tinh thần thời đại ấy bao quát mọi hoạt động xã hội. Nó dường như đã trở thành một hình thái văn hóa, đạo đức chi phối hành vi và nhân cách mỗi viên chức trong hoạt động chuyên môn hàng ngày. Nói như vậy, có nghĩa là, mỗi một kíp mổ và quá trình mổ xẻ trong bệnh viện nào đó, đều được xem như một công đoạn vận hành của cấu trúc xã hội. Vì thế, nó không dừng lại ở những y cụ như dao kéo, panh, bông gạc hay gây mê, hồi sức… mà còn là tâm thức xã hội, sự tử tế hay bất lương, và rộng hơn là triết lý sống mang trong mình nó tư tưởng nhân văn hay lạnh lùng vô cảm của cả một cộng đồng.
Về mặt bố cục, chỉ cần đọc vài trang ở bất cứ phần nào của cuốn tiểu thuyết, chúng ta dễ dàng nhận ra những chỉ dấu của phương pháp Hiện thực cổ điển qua lối kể đơn tuyến kết hợp thủ pháp hồi cố với nỗ lực đan cài sự kiện theo trình tự thời gian tuyến tính. Tuy nhiên, giới hạn phân cách giữa dòng chủ câu chuyện với các phụ lưu của “Bác sĩ trưởng khoa” lại khá mờ nhạt, đôi lúc bị xóa nhòa, khó phân biệt được đâu là lời dẫn với mạch hồi tưởng của cùng một sự kiện nhưng lại được định vị ở những khoảng thời gian khác nhau. Sự lệch pha giữa trực tiếp và gián tiếp trong cách xử lý văn bản đương nhiên là gây khó khăn cho việc tiếp nhận nắm bắt mạch truyện, đôi khi cũng là một biện pháp nghệ thuật, có tác dụng như chiếc phanh hãm nhằm điều tiết trạng thái cảm xúc, tạo ra những khoảng “lặng” để người đọc có sự chuẩn bị cần thiết về mặt tâm lý trước khi tìm hiểu những phần tiếp theo câu chuyện.
Nhân vật chính, bác sĩ Trần Tử Khang xuất hiện thường xuyên suốt 470 trang sách, nhưng quá trình hoạt động của ông luôn bị gián cách bởi các trường đoạn, lúc thì được chèn vào bằng ca phẫu thuật của một bác sĩ non tay nghề cắt nhầm nội tạng bệnh nhân dẫn đến tử vong nhưng vẫn vô can (!?), đơn giản chỉ vì anh ta có lý lịch bần cố nông; lúc lại kéo dài cả một chương phơi bày mưu lược triệt hạ đồng nghiệp của những quan chức thiếu bản lĩnh chuyên môn nhưng thừa thói đố kỵ nhân tài. Cũng có đoạn trình bày khá tỉ mỉ về gia cảnh Đặng Vũ Hoàng Anh mà ông bố là cán bộ cao cấp của Đảng, được tiêu chuẩn mua hàng Tông Đản, mỗi khi có việc “nhạy cảm” cần phải bí mật thì ông bà nói với nhau bằng tiếng Pháp, nhưng lại rất dị ứng với thành phần xuất thân có nguồn gốc “nhà quê” của Trần Tử Khang nên đã dùng cả những thủ đoạn không mấy tử tế cho con gái ly hôn mà chẳng mảy may để tâm đến đứa cháu ngoại vẫn còn trứng nước. Đó là chưa kể đến những cảnh tượng kinh hoàng ở một trạm phẫu tiền phương sau trận không kích của máy bay Thần Sấm, Con Ma mang tính hủy diệt được phục hiện làm bối cảnh cho sự phát triển của mạch truyện.
Như vây, về mặt tổng thể, ở phần bình diện, “Bác sĩ trưởng khoa” như một bức tranh toàn cảnh với những điểm nhấn khác nhau, chia đều cho cả hai miềm Nam Bắc về sự khốc liệt của chiến tranh. Tình cảm, lương tri và nhân cách con người bị hủy diệt không chỉ bởi súng đạn, mà còn bởi ý thức hệ. Học thuyết Đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa lý lịch là thứ vũ khí vô cùng sắc bén để loại bỏ một cách có hệ thống giai tầng trí thức. Nếu có ai đó may mắn thoát thoát khỏi những cuộc đấu tố trong Cải cách ruộng đất hay Cải tạo tư bản tư doanh thì cũng bị vô hiệu hóa, biến thành những công chức gọi dạ bảo vâng, sống vật vờ như các xác không hồn.
Qua hệ thống nhân vật, xét về tương quan thế lực, người đọc không khó nhận ra, đây là một cuốn tiểu thuyết được dàn dựng khá mất cân đối. Trước khi bàn về vấn đề này, chúng ta nên tìm hiểu thêm một chút về phương pháp sáng tác mà người viết bài đã đề cập ở phần trên. Không còn nghi ngờ gì nữa, “Bác sĩ trưởng khoa” là tiểu thuyết được sáng tác theo khuynh hưởng Hiện thực cổ điển xuất hiện ở Việt Nam vào những năm ba mươi của thế kỷ XX với hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện (hoặc thiện và ác). Các nhân vật này đấu tranh với nhau phản ánh những mâu thuẫn xã hội, những xu hướng chính trị… thể hiện quan điểm sáng tác của người cầm bút qua hàng loạt biến động lịch sử. Nhân vật, rất nhiều trường hợp trở thành người phát ngôn cho tác giả về quan điểm thẩm mỹ, tư tưởng thời đại cũng như cách nhìn nhận lịch sử. Vì thế, với tiểu thuyết Hiện thực chủ nghĩa, hệ thống nhân vật chính là linh hồn tác phẩm. Số lượng nhân vật và sự tương quan giữa hai tuyến chính diện và phản diện thường không có quy định rõ ràng, mà tùy vào hoàn cảnh cụ thể, nhà văn tạo ra chúng theo yêu cầu nội tại của tác phẩm, miễn là phù hợp và cân đối với cấu trúc tổng thể.
Trở lại với “Bác sĩ trưởng khoa”, nói theo quan điểm của các nhà nghiên cứu theo trường phái Hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì nhà văn Vũ Oanh rất “mất lập trường chính trị” khi mà ông chỉ để cho một bác sĩ Trần Tử Khang đứng chênh vênh trên “chiến tuyến” ý thức hệ “tiểu tư sản bấp bênh”, còn bên kia là cả một đám đông, mang danh đồng nghiệp nhưng thực chất lại rất khác nhau về tầm vóc văn hóa, kỹ thuật chuyên môn và cả phẩm giá con người. Họ nhân danh lý tưởng cao đẹp, khoác trên mình đủ thứ học hàm, học vị, chức danh xủng xoảng, nhưng thực chất lại là lũ hoạt đầu, kiến thức nông cạn, trong đầu chứa đầy mưu ma chước quỷ, rình cơ hội chèn ép nhân tài, hãm hại người trung thực. Công sở, bệnh viện, thậm chí các cơ quan nghiên cứu trở thành diễn trường đấu đá, sẵn sàng hạ gục nhau giành quyền lực, bổng lộc, cho dù trong cuộc họp vẫn gọi nhau là “đồng chí”(!?).
“Bác sĩ trưởng khoa” được nhìn nhận như bức tranh với gam chủ đạo màu xám, khi mà, một bác sĩ Trần tử Khang phải đối đầu với cả một tập thể các nhà chuyên môn bị tha hóa. Bệnh thành tích, thói háo danh và sự ghen ghét người khác hơn mình đã ăn mòn lương tâm họ. Trần Tử Khang cho dù có đôi bàn tay vàng cũng không thể nào giải phẫu được căn bệnh nan y này, một khi nó đã hằn sâu trong não bộ của những Phạm Quang Minh, Bùi Cường, Lã Hồng Quân hay Đinh Mãn Độ…
Có thể nói, ngay sau khi ra trường, cho dù là học trò yêu của Giáo sư Tôn Thất Tùng, Trần Tử Khang đã phải sống trong một môi trường xã hội không bình thường mà hệ tư tưởng của nó được thiết kế dựa trên nền tảng ý thức hệ vô sản, lấy Đấu tranh giai cấp làm động lực phát triển. Học thuyết Đấu tranh giai cấp luôn gắn với động loạn xã hội. Những cuộc xung đột sắc tộc hay nội chiến đều được nhân danh lý tưởng cao siêu cùng với nghệ thuật tuyên truyền thượng thặng đã tạo nên hội chứng đám đông, huy động được hàng triệu cá thể sẵn sàng “bỏ bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Cuộc chiến tàn khốc, dai dẳng đã hủy hoại sinh lực cộng đồng, tàn phá nguyên khí quốc gia, biến những công trình văn hóa phải mất nhiều thế kỷ mới tạo dựng được thành phế tích.
Trong bối cảnh xã hội lúc ấy, Trần Tử Khang không thể từ chối vào chiến trường. Anh chỉ là con tốt trên bàn cờ thế sự. Người ta sẵn sàng thí tốt chứ không đời nào thí xe, cho dù “con tốt” ấy có một bàn tay tài hoa và cái đầu tỉnh táo, biết phân tích tình hình thời cuộc ở trình độ bậc thầy của những chính khách “xôi thịt” xuất thân từ giai cấp công nông.
Hàng loạt trí thức tài năng như Trần Tử Khang bị đưa vào chiến trường với đầy đủ lý do không thể chối cãi, nhưng nguyên nhân đích thực của nó thì người ta lại cố tình lờ đi. Chính vì thế mới có chuyện, phó tiến sĩ “hữu nghị” Phạm Quang Minh hay bác sĩ Đinh Mãn Độ, được bổ nhiệm làm giám độc bệnh viện chỉ vì có các bậc sinh thành là cốt cán trong thời kỳ Cải cách ruộng đất.
Sau nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, tuy thân xác vẫn nguyên vẹn, nhưng tâm hồn Trần Tử Khang bị thương tổn nặng nề. Ra khỏi cuộc chiến, Khang trở thành con người hoàn toàn khác cho dù tay dao của ông vẫn duy trì phong độ của một phẫu thuật viên hàng đầu. Nói cách khác, sự tổn thương về tinh thần của người bác sĩ phẫu thuật phải được nhìn ở góc độ tư tưởng triết học. Vết thương ấy chẳng những không lành mà còn di căn như một khối u ác tính luôn gây ra những cơn kịch phát mỗi khi trái gió trở trời.
Thân phận của Trần Tử Khang chính là bi kịch của lớp trí thức tài năng, chứa chan nhiệt huyết nhưng gần như suốt đời không được trọng dụng bởi chủ trương “trí phú đại hào đào tận gốc trốc tận rễ”, mà trớ trêu thay, thành phần nguyên khí quốc gia ấy, từng được Thân Nhân Trung coi là bảo vật, khắc vào bía tiến sĩ, lại là những kẻ đầu tiên bị triệt hạ. Chưa hết, những kẻ lãnh đạo cơ hội còn dùng đủ mọi “mưu hèn kế bẩn” hạ nhục người bác sĩ tài hoa, mà một trong những trò đó là đẩy cho ông mổ những ca khó, ca nặng, chỉ cần sơ sẩy một chút là kỷ luật “treo dao”.
Ở đây như có một nghịch lý nhưng buộc phải chấp nhận, cuộc đời này không có chỗ cho những người như ông dung thân, chưa nói là thi thố tài năng. Người ta không cần một cá nhân nổi trội vượt lên trên dàn lãnh đạo thiển cận nhưng vô cùng ngạo mạn, mà họ cần một đám đông vô danh được giáo dục theo phương thức phục tùng mệnh lệnh một khi đã có nhóm người “ưu tú” suy nghĩ thay cho cả dân tộc.
Muốn lý giải hiện tượng này, ta hãy điểm lại một vài chân dung nhân vật, những “gương mặt thời đại” của ngành y, một lĩnh vực đặc biệt gắn liền với sinh mệnh con người, nhưng các vị trí chủ chốt trong cơ cấu hoạt động lại được trao vào tay những kẻ dốt nát, cơ hội, hãnh tiến và ham hố thành tích như Phạm Quang Minh, Bùi Cường, Lã Hồng Quân, Đinh Mãn Độ. Điều đáng lo ngại ở đây lá, sự dốt nát, tính cơ hội cũng như thói đố kỵ nhân tài ấy lại được hợp thức hóa dưới danh nghĩa “tập thể lãnh đạo”. Chiêu bài “tập thể”, “tổ chức đảng”, “lập trường” hay “ý thức giác ngộ giai cấp”…thực chất chỉ là những cái ô bảo kê cho sự lộng hành của những cán bộ tha hóa nằm trong hệ thống quản lý khá chặt chẽ, được gia cố bằng tư tưởng Marxisme giáo điều và tinh thần tiến công cách mạng nơi đầu môi chót lưỡi: “Cái tài rồi thì sớm muộn gì cũng rèn dạy được. Có ngô nghê, ú ớ thế nào rồi cũng thành. Cứ vào các trường đại học của ta, là chúng mày dù có thần kinh, đần độn, ngớ ngẩn… cũng sẽ thành nhân tài tuốt tuột. Chứ còn cái lý lịch làm sao thay đổi? Cái đạo đức của tầng lớp địa chủ tư sản và người lao động cũng thế. Là ta chỉ rèn giũa đào tạo những con người ưu tú, từ con cái của giai cấp công nông lao động trong sạch, những gia đình cách mạng kiểu mẫu mà thôi”(tr. 287-288).
Phó tiến sĩ Phạm Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện quân y 101 là trở ngại đầu tiên của Trần Tử Khang khi ông có ý định ra khỏi quân đội sau nhiều năm phục vụ chiến trường. Đại tá Phạm Quang Minh có đầy đủ phẩm chất của một trí thức công nông, trong đó, thói kiêu ngạo cộng sản (Lenin) và “lập trường giai cấp” vững vàng chính là kim chỉ nam của “quy trình” vô hiệu hóa nhân tài. Ông ta luôn tìm mọi cách dìm họ xuống để mình nổi bật lên: “Minh xuất thân bần nông. Là người được cấp trên nâng đỡ và tin cậy ngay từ khi tham gia cách mạng…vào Đảng lúc mười tám tuổi, rồi học y tá. Sau chống Pháp ông học y sĩ, rồi tôt nghiệp đại học. Sau khi nhận danh hiệu Anh hùng trên đường Trường Sơn, ông được ra Bắc học chuyên khoa ngoại cấp hai. Và sau cùng, ông có bằng phó tiến sĩ y khoa…vừa đúng mười sáu năm ròng” (tr. 26 – 27). Ngoài bệnh háo danh hành xử theo cách tiểu nhân như chiếm đoạt công trình khoa học của người khác, Phạm Quang Minh còn là một kẻ lạnh lùng, tàn nhẫn trong cách cư xử với đồng nghiệp: “Không có thằng này, những ca khó khăn như thế, và những ca phẫu thuật gan, mật, đại tràng, trực tràng, thực quản… Ai mổ? Bác sĩ ngoại khoa đông nhưng họ chưa làm được. Tại sao thằng này mổ giỏi nhiều mặt bệnh… chỉ có một mình nó xử lý an toàn ” (tr. 15). Bộ mặt thật của viên đại tá phó tiến sĩ rởm một lần nữa lại được bóc trần qua diễn biến tâm lý của ông ta: “Mình cương quyết không cho nó đi. Chỉ cho nó làm phẫu thuật viên và bác sĩ điều trị. Không cho danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”. “Thầy thuốc nhân dân” lại càng không được! Mấy năm nay nó đòi ra quân liên tục. Đừng hòng! Đừng có tưởng bở! Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, chứ đâu phải bọ quân hồi vô phèng” (tr.16).
Để vô hiệu hóa Trần Tử Khang, Phạm Quang Minh đã huy động cả hệ thống tổ chức. Viên đại tá rất phấn khởi khi đọc được những dòng “bút phê” trong lý lịch của đồng nghiệp từ chiến trường gửi ra: “Từ khi Khang mới về, ông đã đọc kỹ lý lịch, nhất là những nhận xét của người chỉ huy ở chiến trường B3 Tây Nguyên. Họ lưu ý các cấp chỉ huy về tư tưởng lệch lạc, phi vô sản và lập trường bấp bênh của viên trung úy bác sĩ. Trong đó ghi rõ, đã kiểm điểm với quy mô sâu rộng, cả về thời gian cũng như số người tham gia phê phán. Cần phải theo dõi giáo dục lâu dài, vì bản chất giai cấp thì rất khó cải tạo, thay đổi (tr.14). Đọc đến đây ta phải hiểu được ẩn ý của tác giả phía sau những con chữ. Buồn thay cho nền y học nước nhà khi mà những kẻ thiển cận ở tầm học vấn “bình dân học vụ”, lại nhân danh lập trường này, tư tưởng nọ để làm một công việc ngược đời là “giáo dục” tầng lớp trí thức(!?). Cách hành xử trái quy luật tự nhiên và đạo lý đã dẫn đến những hệ lụy mà cái giá phải trả rất không nhỏ khi con người được dùng làm vật thí nghiệm cho những thầy thuốc thiếu trình độ chuyên môn nhưng lại rất vững vàng quan điểm, lập trường. Trường hợp “bán dao” của Phạm Quang Minh hay Bùi Cường và Lã Hồng Quân trong các ca phẫu thuật không phải là hiếm một khi nó trực tiếp liên quan đến tính mạng con người. Cử chỉ”xuống thang” của của vị phó tiến sĩ đối với Trần Tử Khang xem ra có phần sượng sùng: “Ca này ổ bụng dính đặc như bí. Khang mổ được không? Khang vào làm giúp” (tr.18). Còn Lã Hồng Quân, tuy đã mấy lần buộc phải “bán dao” để mong cứu sống bệnh nhân sau cái chết oan ức của lão Mộc Đen nhưng vẫn trâng tráo thỏa thuận với Trần Tử Khang một “hợp đồng’ hết sức vô liêm sỉ: “Bây giờ tôi thống nhất thế này…Từ nay, mỗi ca lớn nhỏ, tôi đều vào mổ với bác. Ta cùng làm với nhau. Về danh nghĩa, tôi là bác sĩ Chuyên khoa cấp hai, lại là trưởng khoa, là lãnh đạo. Tôi đứng tên, tôi che chắn cho bác trên phương diện pháp ký và đối ngoại. Tức là tôi sẽ phải đối mặt với các vụ kiện cáo… Để bác rảnh tay, chuyên tâm mổ xẻ. Mà có thế, giám đốc Bùi Cường mới chịu ký duyệt cho mổ. Trong hoàn cảnh hiện nay, không có tôi, bác không thể làm ăn gì được” (tr. 324).
Bộ sưu tập về “trí thức bần cố” trong “Bác sĩ trưởng khoa” còn phải kể đến Nguyễn Quý Thân, Phạm Quang Thoảng, Bảo Hiên, Phạm Phát… Tất cả những nhân vật tai tiếng này đều có một thứ báu vật vô giá bảo hiểm cho sự cất nhắc địa vị mà Trần Tử Khang dù có nằm mơ giữa ban ngày cũng đành chịu phép, là nguồn gốc xuất thân. Lý lịch trong sạch lúc ấy quan trọng lắm. Các nhà lãnh đạo nhìn cái gì cũng có tính giai cấp, kể cả khoa học và người làm khoa học . Chính vì thế, một gã lưu manh như Lã Hồng Quân, chỉ nhờ mấy đôi lợn giống và một bữa rượu thịt chó ông bố tiếp đãi ban tuyển sinh huyện mà được xét tuyển vào đại học Y khoa: “Lý lịch và đạo dức thằng cháu Quân đây, là tuyệt vời rồi! Cả bố mẹ đều cố nông và đều là du kích thời đánh Pháp oanh liệt. Thế mày thích đại học, hay thích vào bộ đội, hở Quân? Đằng nào khoái hơn?” (tr. 288). Với loại thầy thuốc như Lã Hồng Quân, con bệnh qua tay anh ta không nhanh chóng ra nghĩa địa mới là sự lạ: “Họ im lặng nghe giám đốc Bùi Cường lăng xê trưởng khoa Ngoại mới. Anh ta vốn dốt, bỗng chốc thông minh; thiển cận lập tức trở thành sáng suốt, nhìn xa trông rộng; hiểu biết ít ỏi, nông cạn, thoắt đã uyên bác, hàn lâm… thoắt cái đã là bác sĩ chuyên khoa cấp hai và chễm chệ ngồi ghế trưởng khoa”(tr. 290). Sở dĩ đồng nghiệp ở bệnh viện Hồng Phúc đàm tiếu về tư cách tân trưởng khoa Ngoại - Sản với lời lẽ không mấy tốt đẹp như vậy, một phần cũng bởi cái chức danh chuyên khoa cấp hai có được của anh ta là do ăn cắp luận án: “Giáo sư Nguyễn Đức Tấn cho Quân mượn cái luận án của học trò cũ từ hơn mười năm trước. Quân sao lại một bản rất sạch sẽ. Đề tài ‘Mổ điều trị thủng ổ loét dạ dày, tá tràng’. Quân có thêm bớt một số chữ, vài câu, vài dòng ở mỗi trang, mỗi đoạn. Cái thủ thuật sáng tạo ấy thì Quân giỏi. Các bảng biểu, phân tích, biện luận…trong luận văn đều được giữ nguyên. Chỉ thay đi những con số người bệnh mổ và ngày tháng năm viết luận văn ở cuối. Tổng số mổ khâu lỗ thủng dạ dày trong luận án của Quân lớn hơn bất cứ ai đã bảo vệ trước đó. Người ta có kiểm tra những con số trên mặt giấy với bệnh nhân được mổ thực bao giờ! Quân thuê làm vi tính, in ra nhiều bản. Và Quân bảo vệ tại Hội đồng Giáo sư cấp nhà nước, do chính tiến sĩ Nguyễn Đức Tấn đứng vai Giáo sư chủ tịch”(tr.275).
Còn Đinh Mãn Độ thì dùng ngón nghề “B quay hợp pháp” để leo dần từ gã y tá quèn chuyên bưng bô đổ vịt đến chức vụ giám đốc bệnh viện tỉnh rồi trở mặt trả thù những người từng cưu mạng mình.
Phạm Quang Minh, Bùi Cường, Lã Hồng Quân, Phạm Phát, Thủ, Nguyễn Quý Thân, Nguyễn Chủng, thậm chỉ cả GS.TS. Nguyễn Đức Tấn, PGS.TS. Lương Ngọc Bình… đều có một mẫu số chung là trí tuệ thấp kém nhưng không hẳn là những kẻ xấu xa bẩm sinh. Họ là sản phẩm của một xã hội khuyết tật, được thăng tiến dựa trên tiêu chí thành phần giai cấp. Môi trường xã hội ô nhiễm chính là điều kiện lý tưởng để nuôi dưỡng những dục vọng thấp hèn.
Một điều rất đáng bàn nữa trong “Bác sĩ trưởng khoa” là nhân vật Trần Tử Khang, không hiểu do vô tình hay cố ý, được xây dựng trong tình trạng cô đơn. Tuy nhiên, đây không phải là sự cô đơn tâm lý của một cá nhân bất đắc chí, mà là của cả một thế hệ trí thức được đào tạo bài bản ở thời kỳ còn ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây, bị học thuyết Đấu tranh giai cấp loại khỏi cộng đồng bằng những ngón đòn triệt hạ chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Nhìn lại quá khứ, hầu hết các vương triều phong kiến Việt Nam đều trọng dụng kẻ sĩ, coi trí thức là nguyên khí quốc gia. Vì thế, triều đình thường có chiếu cầu hiền cùng với quy chế tiến cử nhân tài. Thế nhưng, khi lịch sử Việt Nam mở sang trang mới, đất nước không còn giặc ngoại xâm, thì những đối tượng bị thanh trừng hoặc vô hiệu hóa đầu tiên lại là thành phần tinh hoa của dân tộc.
Trần Tử Khang cô đơn vì ông không có điều kiện thi thố tài năng cứu người bênh, chấn hưng nền y học èo ọt ngày càng nhếch nhác bởi hệ thống quản lý yếu kém và tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn. Nỗi buồn của ông cũng là nỗi buồn của cả một dân tộc chỉ có thói quen nhìn lại phía sau, vui vẻ gậm nhấm dần vinh quang có thật và tưởng tượng trong mớ bùng nhùng của lịch sử mà ít khi dám ngẩng đầu nhìn đến tương lai.
Từ những đoạn hồi ức được phục hiện bên cạnh những trường đoạn của thời hiện đại, giống như kỹ xảo đồng hiện trong phim truyện, người đọc có thể hình dung được thân thế, sự nghiệp cùng nhân cách của Trần tử Khang qua sự dàn dựng bố cục không mấy mạch lạc của văn bản. Những dính dấp trong mạch truyện, phương pháp diễn đạt không liền mạch cũng như thủ pháp hòa trộn giữa ngôn ngữ kể với ngôn ngữ nhân vật luôn tạo ra những mê cung, đánh đố người đọc trước mỗi ngã rẽ, khiến ta không thể phán đoán ngay được ý đồ của tác giả.
Phải thừa nhận một điều là, xung quanh Trần Tử Khang có khá nhiều đàn bà. Ông có sức hấp dẫn phụ nữ như nhụy hoa thu hút bầy ông tìm mật. Tuy thế, cuộc đời tình ái của người bác sĩ tài hoa này lại hoàn toàn không suôn sẻ. Với người phụ nữ nào Trần Tử Khang cũng bị phản bội trừ Trần Lam Khương.
Đến đây, người đọc lại nhận ra, cấu trúc mất cân đối trong “Bác sĩ trưởng khoa” xâm thực sang cả địa hạt ái tình. Cách viết về tình yêu, hôn nhân của Vũ Oanh hầu như đều trượt ra khỏi quỹ đạo chính tắc. Các mối quan hệ trong cuốn tiểu thuyết, dù là tình yêu, tình dục hay đơn giản chỉ là sự lợi dụng lẫn nhau đều phát triển nương theo quy luật tự nhiên mà không bị gò ép vào những tiêu chuẩn đạo đức giả vốn chỉ được đặt ra để các “đồng chí” giăng bẫy triệt hạ nhau.
Đọc “Bác sĩ trưởng khoa”, ta có cảm giác như người viết cố tình xây dựng hai cốt truyện đan cài vào nhau trên cùng một văn bản nghệ thuật. Cốt truyện về chuyên môn thì đầy rẫy những pha đấu đá, lừa lọc, thanh toán nhau trong bệnh viện bằng các biện pháp “tổ chức”, còn cốt truyện về tình yêu, hôn nhân thì lại cho ta một cái nhìn toàn cảnh về phông văn hóa của những người thầy thuốc tự nhận là trí thức, trong đó, không hiếm trường hợp huy động cả thành phần xã hội đen vào cuộc để thỏa mãn sự ghen tuông mà trong đó, chi tiết khá điển hình là cuộc hành hung Đào Thị Như Hoa (tr 113 - 120).
Phần lớn các mối quan hệ nam nữ trong “Bác sĩ trưởng khoa” đều đươc “giao dịch” ở phía bên kia của sự minh bạch. Danh xưng “tổ chức” giam hãm con người trong cái lồng của hệ ý thức giáo điều, duy ý chí, biến họ thành những cỗ máy vô cảm. Chủ nghĩa xã hội có tham vọng giáo dục công dân của mình thành những vị thánh. Trong xã hội không tưởng đó, tình yêu nam nữ được xếp vào phạm trù đạo đức. Yêu đương vụng trộm là tội lỗi. Tình cảm tự nhiên vốn được tạo hóa ban cho, qua một thời gian dài bị khống chế quá giới hạn chịu đựng, tự nó sẽ gây ra những đột biến giống như hiện tượng “tức nước vỡ bờ”. Đến lúc ấy, những dạng thức ngoại tình mà nòng cốt của nó là tình dục phát triển thành dòng ngầm, lúc ẩn lúc hiện, vô cùng sinh động với kỹ xảo biến hình như trò chơi ảo thuật.
Đặng Vũ Hoàng Anh và Ngô Ngân Hà là hai người phụ nữ từng đi qua cuộc đời Trần Tử Khang để lại trong ông những vết thương lòng. Với Đặng Vũ Hoàng Anh, khi còn là sinh viên trường y, cô có một tâm hồn trong sáng, dâng hiến con tim non trẻ, cuồng nhiệt của mình cho tình yêu. Thế nhưng, Hoàng Anh được sinh ra trong một gia đình cán bộ cao cấp mà ông bố và bà mẹ đều nhiễm thói kiêu căng, hợm hĩnh cũng như thấm nhuần sâu sắc học thuyết Đấu tranh giai cấp. Từ một thiếu nữ hồn nhiên, yêu đời, Hoàng Anh bị tha hóa, phản bội chồng từ chính nhân sinh quan méo mó của những bậc sinh thành. Từ một bác sĩ được đào tạo bài bản, tương lai đầy hứa hẹn, trở thành gái bao, từ chối nghĩa vụ làm mẹ, ăn chơi thác loạn, Hoàng Anh cũng như Ngân Hà và Bảo Hiên chính là kết quả của nền giáo dục nhồi sọ, luôn véo von tự ca ngợi mình bằng những bài văn sáo rỗng.
Với Trần Tử Khang, mối tình ấy ám ảnh ông suốt đời, thì ngược lại, Đặng Vũ Hoàng Anh coi đó chỉ là thứ trò chơi mơ mộng nhất thời của tuổi học trò nên sẵn sàng rũ bỏ chạy theo những thứ phù vân.
Ngô Ngân Hà thừa hưởng được của bố mẹ vốn là tiểu thương sự tính toán hơn thiệt kể cả ở địa hạt tình yêu, làm sao có lợi nhất trong các phi vụ làm ăn. Thời điểm ấy, bác sĩ đối với cô chỉ là nghề tay trái. Cho dù được đào tạo chính quy, “vừa hồng vừa chuyên”, lại có biên chế chính thức trong bệnh viện Hồng Phúc nhưng cô ta lại sống bằng nghề môi giới vật liệu cho những chủ thầu xây dựng. Ngân Hà đi học lấy bằng thạc sĩ y khoa nhưng chưa bao giờ dám cầm dao mổ, đến khi mở phòng khám riêng, bệnh nhân xẩy ra sự cố lại phải nhờ đến Trần Từ Khang. Là một kiểu phụ nữ ham mê nhục dục, bất cần các quy chuẩn đạo đức tối thiểu, sống buông thả, tuy đã qua mấy đời chồng, sẵn sàng lên giường với bất cứ người đàn ông nào, nhưng Ngân Hà chưa bào giờ thỏa mãn. Cuộc làm tình đầu đời giữa Ngân Hà với anh lái xe Trường Sơn trên đường đi thăm người yêu được Vũ Oanh tái hiện như là sự nổi loạn giới tính đầy sức thuyết phục. Đó chính là sự khởi đầu cho một chuỗi sự kiện xẩy ra sau này làm nên tính cách rất khác thường của người nữ bác sĩ kể cả khi cô ta đã leo lên đến chức vụ Bí thư đảng ủy, phó giám đốc bệnh viện Hồng Phúc.
Cuộc hôn nhân bất đắc dĩ của Ngô Ngân Hà với Nguyễn Quý Thân đầy kịch tính khi mà nửa đêm cô ta lẻn dậy bắt quả tang ông chồng già đang làm tình với con Ô sin Thị Nở ngay trên giường mẹ đẻ, hay sự gá nghĩa muộn màng chẳng phải vì tình yêu với Trần Từ Khang, đều là những trò chơi tạm thời trong hành trình tha hóa nhân cách. Xét đến cùng, cả Đặng Vũ Hoàng Anh, Ngô Ngân Hà, thậm chỉ cả bác sĩ Bảo Hiên, cũng là những phụ nữ đáng thương, bị cuộc đời lừa lọc nên tìm mọi cách trả thù đời mà Trần Tử Khang, một trí thức ngu ngơ, ngẫu nhiên rơi vào tầm ngắm của họ.
Như vậy, về mặt sự nghiệp, Trần Tử Khang hoàn toàn thất bại, nếu nhìn nhận theo quan điểm của những kẻ cơ hội, bợ đỡ, nhưng ông đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người bệnh về tài năng và nhân cách. Trần Tử Khang, với tư cách là một nhà khoa học, một nghệ sĩ có bàn tay vàng trong làng phẫu thuật tầm cỡ quốc gia, không học hàm, học vị, không chức danh, chức vụ, nhưng thật sự là một thầy thuốc nhân dân, cho dù bị cả một hệ thống quyền lực xúm nhau lại đánh đòn hội chợ. Về mặt tình yêu, gia đình, Trần Tử Khang cũng là một kẻ thất bại ê chề. Lúc bắt đầu khởi nghiệp, Khang bị ông bà Đặng Vũ Chí Thành xúc phạm, bị Hoàng Anh phản bội, khi đã luống tuổi, trong quan hệ gia đình không mấy tốt đẹp, ông lại bị Ngô Ngân Hà hạ nhục. Cuộc đời Trần Tử Khang từng nếm trải không ít đắng cay, nhưng ông khác người ở chỗ là bình tĩnh đón nhận, coi nó như một phần tất yếu trong cuộc nhân sinh đầy bất trắc. Đôi khi Trần Tử Khang còn hóa giải được nó như đã từng hóa giải sự sai lầm trong các ca phẫu thuật của đồng nghiệp, cứu sống không ít bệnh nhân. Cuối đời, sau khi giải nhiệm, chỉ còn mỗi Trần Lam Khương là người yêu ông thật lòng thì lại đi xa.
Trần Tử Khang là một bác sĩ đáng trọng nhưng cũng đáng thương. Ông chính là thân phận của người trí thức được đào luyện trong lò giáo dục của chế độ mới nhưng lại bị chính guồng máy quan liêu, tham nhũng ấy đẩy ra ngoài lề cuộc sống bằng những thủ đoạn bẩn thỉu.
Viết “Bác sĩ trưởng khoa”, tác giả Vũ Oanh tìm được một cốt truyện mà tính hiện thực của nó nổi trội hơn những cuốn tiểu thuyết viết về ngành y như “Thành trì”, “Những năm ảo vọng”, “Thân phận thầy lang” của Anh Quốc; “Người tình tuyệt vời”, “Bác sĩ Bređơ”, “Một ca suy tim” của Mỹ; “Đèn không hắt bóng”, “Gia đình Nire” của Nhật; “Thầy lang” của Ba Lan; “Cái chết của ông bác sĩ” của Hungari; “Một gia đình lớn” của Liên Xô. Mấy chục năm qua, Việt Nam cũng đã có vài tiểu thuyết về đề tài trên, mà điển hình là “Chân trời”, “Lời thề Hypocrate”, “Màu trắng không im lặng”, hoặc “Cát bụi nhân ai”…, tuy nhiên, hầu hết chúng đều diễn ngôn theo khuôn mẫu của phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa thông qua đặc trưng điển hình hóa nhân vật, để cuối cùng có được sự kết thúc phe tích cực chiến thắng, còn phe tiêu cực thất bại như một công thức bất thành văn. Ngược lại, “Bác sĩ trưởng khoa” có một cái kết buồn khi Trần Tử Khang nghỉ hưu, sống lặng lẽ như một dật sĩ đã quá hiểu lẽ đời. Sự thất bại của người thầy thuốc từng trải này là phù hợp với quy luật phát triển của một xã hội mà những người quản lý nó không chấp nhận những giá trị phổ quát đang vận hành của nền văn minh nhân loại. Từ lâu, họ đã tạo ra cho mình một nền văn hóa “đậm đà bản sắc” khác người, không thể dung nạp được những nhân cách lớn. Trong khi ấy, Trần Tử Khang vẫn “bảo thủ” không chịu tuân theo luật chơi của họ, trở thành một kẻ khác, được hiểu ngầm như là “thế lực thù địch”, đương nhiên sẽ bị vô hiệu hóa. Một lần nữa ta phải nhìn nhận, thân phận của Trần Tử Khang là một tất yếu lịch sử. Bi kịch đời ông chính là bi kịch của cả một thế hệ chỉ vì muốn sống và làm việc theo những chuẩn mực văn hóa của xã hội văn minh.
Chí Linh, 7/10/2015
Đ.V.S.
*“Bác sĩ trưởng khoa”,tiểu thuyết của Vũ Oanh, NXB Hội Nhà văn - 2013, tái bản 2014