Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ - CUỐN TIỂU THUYẾT "LẠ MIỆNG"

Phùng Hoàng Anh – Phú Ngọc (Thực hiện)
Chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2016 4:39 AM



TNc: Báo Nhà báo và công luận số ra ngày 21-7-2016 đã in bài phỏng vấn tác giả của tiểu thuyết KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ này. Cuốn sách của tôi vừa xuất bản đã được các nhà phê bình và đồng nghiệp "ngó mắt" đến là vui lắm lắm. Xin giới thiệu cùng các bạn.
..

(NB&CL) Nhà văn Trần Nhương vừa cho ra mắt tiểu thuyết hài hước Kim Kổ Kỳ Kuặc Kí. Có người ví ông nhà văn này đã cho độc giả “nhắm” món quê tôm tép khoai củ lạ miệng khi độc giả đã trở nên chán ngấy với những cuốn sách đậm mùi “thịt cá, ba tê, xúc xích”…

+ Đọc và nghe nhan đề cuốn Tiểu thuyết hài hước Kim kổ kỳ kuặc ký – một thiên truyện hoạt kê, độc giả rất tò mò về cuốn sách. Nhà văn có thể vui lòng tóm tắt ngắn gọn để độc giả hiểu khái quát về cuốn tiểu thuyết “kỳ lạ” như tên gọi của nó?

– Kể ngắn tiểu thuyết khó thay. Nhân vật chính là nhà phẩm bình văn chương Mao Tôn Úc bên xứ Trung Hoa, ông lang bạt sang An Nam vì dám sửa thơ của bậc quyền cao chức trọng mà bị liên lụy, truy đuổi. Bước chân chạy trốn của ông gặp rất nhiều tình huống, nhiều hiện trạng xã hội thời bấy giờ khá hỗn độn. Rồi đột nhiên ông lên rừng Hoành Sơn, xuống biển làm những việc kì kuặc “ngoài luồng”không ai ngờ tới. Nói về việc phê bình văn chương trong một xã hội “oẳn tà roằn”cũng nhiều chuyện bi hài. Khi chuyển tải nội dung tôi muốn bạn đọc giải trí trên những trang sách mà qua đó thấu hiểu văn chương. Tóm lại là cứ đọc rồi biết!

2016-03-28 19.39.43

+ Nói thật, tôi ít đọc tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, đến giờ tôi mới tìm được cuốn tiểu thuyết ưa thích và đọc ngấu nghiến nó một cách say mê, vừa đọc vừa cười tủm một mình vì giọng kể và những tình huống hài hước của tác giả. Ông đã nhận được những phản hồi tích cực nào từ độc giả sau khi cuốn sách được phát hành?

– Sách vừa phát hành, bạn bè khen đọc vui trong khi văn chương của ta nó “mũ cao áo dài” quá. Tôi phản ánh việc phê bình văn chương của ta nó như “thày bói xem voi” chả mấy ai “điểm nhãn” được tác phẩm, yêu thì cho bay bổng tận trời, ghét thì dìm hàng tận bùn. Các nhà phê bình hầu như làm việc giới thiệu sách. Chê thế nhưng nhà phê bình văn chương Bùi Việt Thắng bảo “không thấy phật lòng do cách viết của Trần Nhương”. Cũng học cách quảng cáo “Three in one- Ba trong một”, tôi không chỉ nói về phê bình văn chương mà lồng ghép nhiều chuyện xã hội bức xúc thời ấy…

+ Mặc dù, tên nhân vật, địa danh, đã được ông làm “nhòe” đi bởi yếu tố “vừa kổ vừa kim” nhưng độc giả cũng dễ để suy đoán chân dung nhât vật đó ở ngoài đời thực, hỏi thật ông nhé “ông không sợ bị ném đá à”?

– Xin đừng suy diễn động lòng mà cắt cụt cánh cho chú vành khuyên văn chương. Bóng dáng người này người kia thì cũng là mẫu số chung cho chúng ta. Nàng Kiều, hay Thúc Sinh, Sở Khanh của Nguyễn Du ta cũng thấy ngoài đời hiện diện ở đâu đó. Văn chương ngoài cái cá biệt của tác giả nó phải có tính phổ quát, cho nên chúng ta đọc những ông Lép, ông Vích đều đồng diệu. Ném đá ư ? Tâm thành thì không sợ, ném đá có khi lại nổi tiếng như cồn.

+ Đọc cuốn tiểu thuyết Kim kổ kỳ kuặc ký của ông, tôi không nghĩ ông đã già, bởi có nhiều chương, đoạn ông kể và tả rất “mát”, nói như nhà phê bình Bùi Việt Thắng: “Cuốn tiểu thuyết này tổng hợp cả trinh thám, tâm lý, ngôn tình, hài hước, luận đề, du ký… và cả sex nữa”. Ông có đồng tình với nhận xét này?

– Tôi thấy nhận xét đó đúng. Tôi vận dụng hết để thiên truyện vừa giải trí vừa chuyển tải điều muốn nói. Có tình yêu, có sex cho mềm đi, cho mát mẻ là điều rất cần cho văn chương. Ông Mác-két còn “trần như nhộng” táo bạo kia mà. Tôi viết sex nhưng nhẹ nhàng văn chương chứ không dung tục. Cứ đọc sẽ thấy.

+ Ông đã “sinh được 18 công chúa và hoàng từ, đủ nếp đủ tẻ” với sức khỏe và tuổi tác như thế này, ông có định tiếp tục “sinh thêm” không? Và nếu “sinh” ông dự kiến vào thời gian nào?

– Tôi không ngừng sáng tác, vừa viết vừa vẽ. Nếu không viết không vẽ thì tôi cảm thấy buồn và như “hưu hắt” thì chán lắm. Trong một bài thơ tôi viết: “Cà Mau – Móng Cái – Quảng Bình vẫn ngon”. Vậy thì phải làm việc, nhà văn đâu có tuổi già. Ngoài việc sáng tác, tôi vẫn đi làm báo tại tòa soạn báo Người cao tuổi, còn chăm chút mấy trang web. Tôi có nhiều dự định sẽ xuất bản Thơ lục bát, sẽ triển lãm tranh cá nhân lần thứ 3. Trong ổ máy tính còn nhiều bản thảo chưa sửa chữa để xuất bản. Trong năm 2016 tôi dự định sẽ kỉ niệm 10 năm trang web trannhuong.com của mình.

+ Xin cảm ơn ông, chúc ông sức khỏe để tiếp tục chăm chút cho văn chương và báo chí!

Phùng Hoàng Anh – Phú Ngọc (Thực hiện)