Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI TRUYỆN NGẮN CỦA ĐẶNG THẢO

Đặng Thảo
Thứ hai ngày 4 tháng 7 năm 2016 5:45 AM




TAI HẠI CỦA CÁI CÒI


Hè về, Ngàn Hống bắt đầu những cơn cháy rú, ban đêm từng đám lửa sáng rực vạch một đường màu đỏ chạy từ lưng chừng núi lên đến đỉnh, giống như cái lưỡi của thần chết trong chuyện cổ tích. Có người nói sợ dĩ có cháy rú là do mấy ông làm nghề đốt than, có người nói vì ông chủ tịch tuổi Tý, tuổi con chuột, mệnh hỏa cho nên không phải chỉ có cháy trên rú mà hãy đề phòng cháy nhà cửa, coi chừng sẽ có nhiều vụ đào bới trộm cắp, gặm nhấm. Người ta bàn ra tán vào khi ngọn lửa trên rú cứ vô tư lan tỏa.

Trên bãi cát mọi người xúm quanh để xem ngững người thợ mê mải đóng một con tàu đánh cá to nhất từ trước tới nay, nghe nói đây là con tàu được thiết kế bởi những chuyên gia nổi tiếng từ Liên Xô, ông chủ tịch nói rõ trong một cuộc họp các ban ngành rằng, nhân dân ta trải qua biết bao gian khổ, sống trong nô lệ lầm than. Biết bao người đã ngã xuống vì độc lập tự do của tổ quốc. Nay hòa bình đã được lập lại, đất nước sạch bóng quân thù, chúng ta quyết tâm xây dựng một xã hội phồn vinh, đem lại cho dân ta một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Muốn vậy chúng ta phải vận động người dân vào hợp tác xã, phải thay đổi quan hệ sản xuất, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, tư hữu thành quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. chỉ tiêu của trên đã vạch ra là năm nay xã nhà chúng tất cả vào hợp tác xã. Trước mắt phải tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành việc đóng thành công con tàu.

Ông què Sinh cũng có trong đám đông xung quanh chiếc tàu đang đóng. Ông nói chiếc tàu này to thật, từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến nay ông chưa trông thấy bao giờ, riêng cái còi tàu đã nặng tới cả tạ. Mọi người bàn tán xôn xao về cách làm ăn mới, rồi đây việc đánh bắt tôm ruốc loẹt quẹt trong vùng nước đàn bà rửa khu(1) sẽ chấm dứt, cái nghề đi kheo nhún mông đẩy đánh bắt từng lô ruốc trịn sẽ không còn, các dụng cụ thô sơ đó được thay bằng các con tàu xã hội chủ nghĩa rầm rộ tiến ra biển khơi. Câu chuyện bên chiếc tàu đang đóng cứ chuyển hết đề tài này sang đề tài khác, ông đỏ Phu có vẻ không tin chủ trương vào hợp tác xã là sách lược tối ưu. Ông cho rằng từ xưa ông cha ta đã từng nói “ cha chung không ai khóc”, nhìn sang làng bên cạnh, từ khi vào hợp tác xã con bò hợp tác cứ gầy còm đi, vì là bò chung nên không ai chăm sóc, không những thế có kẻ còn mưu mô làm thịt sớm đi để chia nhau người vài ba lạng đem về nấu canh cà chua, chứ cứ để thế con bò nó chết thì uổng.

Ông đỏ Phu ngồi với một đám người trên bờ cây phi lao, sóng biển thì cứ vỗ suốt ngày, làn nước mặn của biển xanh cứ hết bò ra lại bò vào. Ông nói vanh vách : cái vụ cá chết hàng loạt ven biển miền trung đã được các nhà khoa học tìm ra, chính phủ đã cho dân biết trên Ti vi, nguyên nhân là do nhà máy " Com mô sa sa gì đó " của cánh Tàu khựa xả thải độc ra biển. Bây giờ Việt nam mình được đền năm trăm triệu đô la Mỹ. Ông cu Lới há hốc miệng nghe ông đỏ Phu nói nhưng ông không tin bởi vì cái vi phạm này phải đưa ra tòa án xử chứ sao lại đền là xong. Ông đỏ Phu cự lại : Ông hiểu một mà không biết mười, ra tòa thì còn nói làm gì, ở đây người ta thỏa thuận thế cho nhanh để mà lấy tiền, có tiền dù ít dù nhiều cũng thấy vui vì có cái ăn ngay, còn môi trường độc nó nằm trầm tích dưới đáy biển, nghe nói mình có " Tè" vào đó thì mới phát tác bệnh tật nhanh còn không, nó cứ tan dần theo năm tháng và dần dần lui vào dĩ vãng. Ai mà sống được cả mấy trăm năm để mà chịu trách nhiệm. Quê mình được báo trước là nhà nước sẽ đền bù cho một phần đang đóng con tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Ông cu Lới gật gật cái đầu hói ra vẻ đồng tình và nói chêm vào : " Mấy ông cán bộ to đã ra biển ăn cá, tắm biển, có độc hại gì đâu, họ nói cứ vô tư đi bà con, chết có số". Ông đỏ Phu cầm một vỏ con ốc giơ lên cao, cái đầu ta nó rỗng như con ốc này, họ nói sao ta tin vậy, bây giờ nghe bọn phản động không đi đánh cá nữa lấy gì mà nuôi con.

Trời chưa rạng mà cánh đàn ông đã vác lưới chạy về phía lạch Đồng kèn, trong ánh sáng mờ ảo của buổi ban mai các của quý cứ lắc qua lắc lại theo nhịp chạy chầm chậm. Người ta làm nghề này khi ra biển chẳng mấy ai mặc quần, họ cứ tồng ngồng như vậy, họ nói quần áo đâu có nhiều mà mặc. Có chiếc quần dài thì để dành mặc khi có việc hoặc ngày giỗ tết. Chiếc quần đùi thì mặc khi ở nhà. Trong làng chẳng có ai có đến hai bộ quần áo. Ông qùe Sinh cũng như bao người dân chài vùng này, đầu tắt mặt tối mà chẳng bao giờ đủ ăn, sáng nay vác cái trụ nặng mấy chục cân mà củ khoai lót dạ cũng không có, nếu quả thật vào hợp tác xã mà giàu có lên, thì cuộc đời ông sẽ bước sang trang mới.

Mặt trời đã gần ngang đỉnh đầu bà què gánh một đôi tràng đi đưa cơm cho ông. Trên bãi cát mọi người đang đợi người nhà mang cơm trưa. Sau nửa ngày nhún mông đẩy, người được dăm lô, kẻ được vài yến , riêng ông què được đến nửa tạ. Ông ngồi tính toán, nếu trời cho được như thế này dăm bữa thì ông bàn với bà ấy mua thêm cái khố, chứ tồng ngồng thế này cũng khó coi. Bà què dặt quang gánh xuống, bà lấy cái mẹt ra làm mâm và dọn cơm để ông què ăn, trên bãi cát trắng phau ông què ngồi tò hỏ ăn ngon lành, bà nói hôm nay có tí thịt bò vì bên làng Bừ họ thịt con bò hợp tác xã ốm sắp chết. Bà ngồi trước mặt ông nhặt rác lẫn trong tôm, đưa mắt liếc cái đó của ông, bà không khỏi lo lắng nói : ông cứ như thế xuống biễn lỡ may có con gì nó đợp cho một cái thì khổ cả đời. Ông què dang ăn tủm tỉm cười mà rằng : thì cũng biết như vậy, chứ xảy ra thế thật, chắc tôi đau một thì bà phải đau mười. Nói đoạn ông ngồi thụp xuống lấy cát vùi của quý, có chén cơm ấm bụng ông thấy cơ thể như được bồi bổ thuốc tiên. Bà què ngồi chăm chỉ nhặt ruốc vừa nói chuyện về chiếc tàu to xã ta đang đóng mà không để ý đến chiếc mấn ( váy) ngắn đã không còn đủ chức năng bao che chỗ kín. Bà kể với ông, tiền nhà nước đưa về đóng tàu to là cho bà con vay chứ đâu phải cho không , thế mà nghe đâu mấy ông trong ban chủ nhiệm bớt xén nhiều lắm. Dân mình thật thà biết gì đâu, tàu lắp xong rồi mà mấy tháng nay máy cứ nổ rồi lại tắt. Câu chuyện đang dở thì bỗng cát ở đâu tung tóe , cả mẹt cơm bị cát phủ kín đầy. Bà giật mình, té ra “cái ấy” của ông là thủ phạm. Ông què hơi ngượng với bà nhà nhưng cũng có lời trách nhẹ : bà phải may cái mấn ( váy) dài ra một chút, chứ ngắn thế kia ngồi đâu cũng bất tiện.

Đúng ngày lành tháng tốt, cả làng làm lễ hạ thủy con tàu lớn, con tàu được đặt tên là con tàu "xã hội chủ nghĩa". Sau bài đít cua của ông bí thư, tiếp đến là diễn văn của ông chủ tịch, rồi lời chào mừng của cán bộ cấp trên, ông thợ máy bắt đầu khởi động. Sau tiếng nổ của máy tàu , tiếng còi vang lên to đến nỗi mọi người giật mình xô nhau chạy tán loạn. Ông bí thư đẩy ngã ông chủ tịch, ông cán bộ cấp trên bị đám đông đè sấp xuống đất bất tỉnh, vài phút sau tiếng còi tàu, máy lịm dần và tắt hẳn. Mọi người hoảng hốt đưa ông cán bộ cấp trên xuống trạm xá cấp cứu. Sau vài giờ chăm sóc ông cán bộ tỉnh dậy, câu đầu tiên ông nói : tiếng còi con tàu to quá.

Sau sự kiện con tàu “ xã hội chủ nghĩa” không vận hành được, một cuộc họp được mổ xẻ để tìm nguyên nhân. Về các thông số kỹ thuật thì rất tốt, người lắp ráp vận hành rất nghiêm túc làm đúng quy trình cộng với tinh thần làm chủ tâp thể của họ thì không thể đổ lỗi cho họ được, các chuyên gia học ở bên Liên Xô về quả quyết thiết kế, mô hình của con tàu là tiên tiến, không những làm thay đổi quan hệ sản xuất ở một địa phương nhỏ mà còn làm thay đổi tư duy của xã hội loài người. Lý luận thì nhiều và rất hay nhưng con tàu vẫn nằm im ra đó. Công việc tìm kiếm nguyên nhân con tàu không khởi động được gần như bế tắc, thì bỗng nhiên ông đỏ Phu chạy vào hội trường xin phép được trình bày ý kiến mặc dù ông không phải là người được mời họp. Ông nói ngắn gọn, hôm qua cháu tôi ở bên Pháp gọi điện về thăm sức khỏe gia đình. Tôi có nói qua việc con tàu “ Xã hội chủ nghĩa “ quê mình đang trục trặc không chạy được, sau lời kể của tôi nó lập tức nói rằng : Con tàu không vận hành được là phải, bởi vì tất cả công suất của máy tàu tập trung hết vào cái còi, chỉ chú trọng cái còi mà không cần biết động lực để một con tàu chạy được là quan trọng thế nào. Mọi người ồ lên và nhận ra điều ông đỏ Phu nói là đúng.

Cuộc họp thông qua bằng một nghị quyết: Phải xem lại cái còi và tạm dỡ hết các khẩu hiệu chào mừng....., quyết tâm....nâng cao sự lãnh đạo....khi nào tàu chạy được thì hẵng treo lên.

Ông què Sinh sáng nay đi đánh cá ven bờ đóng một chiếc khố mới, ông nói với ông què Lay rằng : bà nhà tôi nói ít làm nhiều, chiếc khố này dệt bằng lụa tơ tằm Đồng môn đấy. Bà nhà tôi không chăng khẩu hiệu “nào là quyết tâm, tiến lên , kiên quyết hoàn thành, chống tham nhũng ..vv ” mà cuối cùng cũng mua được cho tôi chiếc khố này để giữ của quý cho bà.

Làng Bến Trại mùa hè năm 2016



TẮC ĐƯỜNG ĐI HAY TẮC …

Ông Tổng trưởng ngồi trong chiếc xe màu đen bóng nhoáng biển xanh lè, nghe nói ở chức vụ cao mới được ngồi trong chiếc xe có kính đạn bắn không thủng, với ba mươi quả bóng hơi sẵn sàng nổ để bảo vệ thân chủ khi chẳng may xe bị đâm vào đâu đó. Hôm tết cậu tài xế về quê khoe với làng xóm rằng anh ta được lái chiếc xe đó cho ông Tổng, anh ta giảng giải cho mọi người tính năng tuyệt vời của chiếc xe , nào là tốc độ có thể đạt được hai trăm cây số giờ, ngồi trong xe như ngồi trên chiếc sa lông trong một căn phòng mát rượi, có cả một dàn máy nghe nhạc hiện đại, một màn hình để xem Video khi ông Tổng giải trí bằng những cuốn phim dành cho người từ mười sáu tuổi trở lên. Lúc ông buồn ngủ chiếc Sa lông được giãn ra bằng một hệ thống tự động biến thành chiếc giường ngủ gọn nhẹ. Nghe cậu tài xế kể, ông Hoàng vốn là một cựu chiến binh chống Mỹ há hốc miệng ngồi nghe, ông ta chép miệng thời bây giờ hiện đại quá, nhớ lại thời làm chính ủy trung đoàn ông chỉ được ngồi trên chiếc xe Gat 69 đít vuông phủ bạt, mùa hè ngồi trên xe như ngồi trong lò bánh mỳ, khi xe chạy, bụi mù mịt cuốn theo Ông hỏi cậu tài xế :

Chiếc xe thủ trưởng anh đang sử dụng khoảng bao nhiêu tiền ?

Cậu tài trả lời với thái độ dửng dưng, xe này đâu có tính được bằng tiền Việt hả Bác, khi nhập khẩu người ta phải thanh toán bằng đôla Mỹ, nghe đâu có hơn năm trăm nghìn đô, nếu đổi ra tiền Việt thì khoảng hơn mười tỷ gì đó. Mọi người nói rẻ lắm, có loại xe giá còn gấp ba bốn lần như thế. Thủ trưởng cháu khiêm tốn giản dị, chí công vô tư lắm, ông chỉ dùng loại bình bình vậy thôi, ông suốt ngày lo cho công việc, ăn không ngon , ngủ không yên, nhất là khi báo chí cứ ra rả nói thành phố này tắc đường, thành phố kia nghẽn lối. mỗi năm tai nạn giao thông làm chết vài nghìn người, bị thương thì nhiều không tính hết. Mấy bác hàng xóm nghe cậu lái xe kể, nào là ở Hà nội người ta uống rượu đâu có say, một chai rượu vài chục triệu đồng, có loại còn đắt hơn. Mỗi lần các xếp đãi nhau vỏ chai lăn lông lốc. một bao thuốc lá cả triệu bạc, mỗi lần ăn xong , mấy cô bồi bàn còn được bo cả triệu.

Ông Tổng hãy còn trẻ nên đưa ra nhiều sách lược nghe thật hay theo nhiều nghĩa. Ông nói phải tăng thuế đường , thuế bãi, phải tăng lệ phí để lo cho ngân sách sữa chữa đường, tính ra không cần làm gì, không cần động não ông cũng thu được mỗi năm vài chục nghìn tỷ đồng, số tiền đó có thất thoát mươi phần trăm, khoảng hơn hai nghìn tỷ thì cũng chỉ bằng tiền phạt vi phạm luật lệ giao thông mà bộ Tài chính nhà nước cho luôn các đơn vị tham gia phạt để đầu tư cho công việc phạt mỗi năm một tăng trưởng. Còn mấy thằng cha kém đạo đức cách mạng phạt tiền dân không ghi hóa đơn, hoặc chia chác với người bị lỗi theo công thức chia đôi, báo chí nói nhiều thì đó là những đồng tiền “ không số”, thằng nào ăn tiền đó hoặc theo đó mà ăn thì rồi cũng đến khi trời chu đất tiệt mới mở mắt ra.

Dì Năm bán nước chè chén ở góc chợ Thái Hà sau khi đọc tờ báo Tuổi trẻ đã nói cho mọi người xung quanh nghe một tin giật gân : Bà con xem nè, ông Tổng trưởng nói nộp nhiều Phí là thể hiện lòng yêu nước, ngày trước tôi đi thanh niên xung phong, lấp hố bom để thông đường cho xe ra tiền tuyến có yêu nước không? các đồng đội của tôi ở ngã ba Đồng Lộc đã hy sinh quên mình, đó mới là lòng yêu nước chứ. Còn cái phí ông Tổng hô hào thu hôm nay đâu có phải nộp là yêu nước. Các bác thử xem người dân dùng xe của mình khi lưu hành phải nộp phí, còn ông Tổng đi xe nhà nước cũng nộp phí nhưng bằng tiền nhà nước thì có yêu nước không?

Trời chuyển tiết từ hè sang thu, hoa sữa phảng phất mùi hương từng con phố nhỏ, dáng dấp thơ mộng của những chiếc áo dài dung dị nhường lại cho những cặp váy ngắn mỏng tang. Sau cơn mưa tầm tã, nước trên từng con phố dồn về ngã tư Chùa Bộc Thái Hà, mặt nước mênh mông, biển người mênh mông, đường bắt đầu tắc vì xe máy ô tô bị ngập tới ngang thắt lưng, một cậu người xứ Thanh ngồi trên vỉa hè buồn thiu, vì trời mưa mà công việc đánh giày của anh ế ẩm. Người ta bắt dầu hạ những con thuyền nhỏ để trên mái nhà xuống để chở thuê các chiếc xe chết máy. Đường phố trở thành sông, vỉa hè cao hơn trở thành đường phố. Xe máy đua nhau chen chúc trên vỉa hè, dù ông Tổng không muốn thì sự thay đổi chức năng của con phố ai cũng nhận ra . Ông đổ lỗi tắc đường là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân kém, cần phải có văn hóa giao thông. Còn người dân cho rằng vì đường sá chật hẹp, gồ ghề, chỗ thấp chỗ cao, nắng thì bụi, mưa thì ngập úng cho nên cần có văn hóa lội nước, văn hóa đẩy xe khi trời mưa. Mấy thằng trẻ con đầu phố thì vui thú bì bõm dưới con sông “ Hoàng Phố”bởi các sông hồ đã bị vùi lấp dành cho những dự án siêu lợi nhuận. Không ai có điều kiện tranh cãi tay đôi với ông Tổng về đề tài “ Vì sao tắc đường” . Ông Tổng thì đổ tại người dân, người dân thì đổ tại ông Tổng làm đường kém quá, tham nhũng nhiều quá nên chất lượng con đường cứ èo ọt như con mèo đẻ non.

Ông Hoàng chính ủy có dịp ra Hà Nội thăm lại bạn cũ, chẳng may gặp vào dịp mưa to, ngập phố, tắc đường. Ngồi ở cái quán nước Dì Năm góc chợ Thái Hà, ông kể cho mọi người nghe câu chuyện “ Nói kiểu gì cũng đúng” : Dưới làn khói thuốc Lào, ông dí dỏm : Ở một buôn làng xa xôi trên rẻo núi cao, mọi tranh chấp phân xử đều do Già làng quyết định. Một hôm A Tèo là người giúp việc cẩn báo với Già làng là ở bản Mu có người con gái chửa hoang, dân bản muốn Già làng tới nơi xem xét và thực hiện việc phạt để dân làng được bữa rượu thịt và đồng thời ngăn chặn bọn trẻ cứ tốc váy tự nhiên ở chốn núi rừng linh thiêng. Già làng bảo thằng Tèo thám thính xem, nhà bên gái giàu hay nhà bên trai giàu. Vì Già nghĩ nếu phạt nhà không có tiền thì khác gì đấm vào không khí. Thằng A Tèo ngoan ngoãn lần theo vách núi đến bản Mu, sau một ngày điều tra hắn biết được nhà bên gái giàu có, trong chuồng có đến ba con lợn, gà qué thì đầy nương. Trời chập choạng tối , hắn về bẩm báo tình hình cho Già vì hắn cũng nôn nóng được bữa đánh chén no say. Sau khi nghe, Già ra lệnh cho A Tèo thông báo cho tất cả dân bản về tụ tập ở nhà Rông để phân xử vụ “ Ăn cơm trước kẻng”. Trời vùa sáng tinh mơ khi con chồn hoang hoảng hốt chạy băng qua sân bản thì bà con đã tập trung đầy đủ. Già làng trong chiếc khố màu Chàm ngồi trên một khúc gỗ lớn dõng dạc hô : Hỡi buôn làng, ta xin hỏi một câu để dân làng phán xét chuyện xấu vừa xảy ra ở bản ta, ai đúng ai sai :

- Khi ngứa trong lỗ tai, người ta thường dùng cái lông con công ngoáy , vậy cái lỗ tai nó sướng hay cái lông con công sướng. tất cả dân làng đồng thanh trả lời :

- Bẩm già làng , cái lỗ tai nó sướng.

Già làng vuốt râu giơ tay về đỉnh núi thiêng, phán dõng dạc : Ta phạt bên nhà gái theo lệ làng : hai con trâu, ba con lợn và hai chum rượu nếp nương để cả làng ăn vào chiều nay. Cuộc xét xử đơn giản có lý , có tình làm mọi người vui vẻ, còn cánh thanh niên nam nữ trong bản bảo nhau , kể từ bây giừ phải nuôi thật nhiều trâu bò , gà heo.

Nghe câu chuyện mọi người lăn ra cười, còn ông Hoàng chính ủy rít thêm một điếu thuốc lào nữa và kể tiếp câu chuyện thứ hai : Lại một ngày âm u trên bản, mây tụ tập về đầy ngọn núi thiêng, người trong bản đồn đại rằng bên bản Đeo lại có vụ chửa hoang, A Tèo được lệnh già bản đi thám thính như thường lệ, dọc đường hắn nhìn thấy mấy cô gái cửi truồng tắm dưới suối, làn da mịn màng trắng trẻo, những đường cong hấp dẫn cứ làm hắn tẩn tò te. Nó nuốt nước bọt mà đôi mắt cứ đờ đẫn như ma làm. Rồi sực tỉnh nhớ đến nhiệm vụ và bữa chén sắp tới hắn quay mặt đi đến bản Đeo. Một ngày mệt nhọc, lần mò cuối cùng hắn cũng phát hiện bên nhà gái không có gì đáng giá ngoài cái chõng tre đã gẫy gần hết giát. Hắn quay về bẩm báo Già làng, cũng như mọi lần mọi người lại tập hợp đông đủ, Già làng lại bắt đầu với giọng nói đầy quyền uy : Hỡi buôn làng, ta xin hỏi : Khi con cá được thả vào chậu nước thì con cá sướng hay chậu nước sướng? Mọi người đồng thanh hô : Con cá nó sướng ! Thế là trong trường hợp này bên nhà trai phải phạt. Lần này mọi người nghe xong chỉ cười nhẹ nhàng nhưng ai cũng thấy lý lẽ, luật lệ đều do con người đặt ra. Tắc đường, dân bảo do đường xấu và chật, ông Tổng bảo do không có văn hóa giao thông. Quan bảo, dân bắt buộc phải nghe, ngày xưa các cu thường bảo : Miệng quan……….

Ông Hoàng chính ủy ngày mai về quê , ở dưới đó có vườn rau ao cá, có hương bưởi nhẹ nhàng, nhưng nồng nàn ấm áp, không thấy ai bàn cãi gì về đường tắc. Ông trầm ngâm nghĩ : không biết đến khi nào thì ông Tổng ra lệnh thu phí trên những con đường yên ả trên quê hương yêu dấu của ông.