Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI MƯƠI NĂM CHO MỘT CÂU TRẢ LỜI

Nguyễn Hoàng Phố
Thứ hai ngày 4 tháng 7 năm 2016 4:19 PM

Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, có lần tâm sự là ông mất hơn mười năm mới chụp được một bức ảnh Sa Pa mây. Nhà nhiếp ảnh không có gì phàn nàn vì dù sao ông ấy cũng có một tác phẩm nhìn ngắm để đời. Có những câu hỏi người ta mất cả đời người để tìm câu trả lời, mà đôi khi vẫn không toại nguyện.
Cách đây hơn hai mươi năm, trên một chuyến tàu đi Hà Nội, trong khi trò chuyện về lịch sử Việt Nam hiện đại, tôi có hỏi một người nghiên cứu giảng dạy sử là chúng ta có rất nhiều nghiên cứu về tội ác của người Pháp ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa, vậy đã có công trình nghiên cứu nào về mặt tích cực của thời kỳ thuộc địa không? Thay cho câu trả lời là một sự im lặng, và câu chuyện kết thúc, tôi có cảm giác như có lỗi vì đã đặt một câu hỏi hoặc là ngu dốt, hoặc không nằm trong đáp án của người được hỏi.
Cho đến giờ tôi vẫn không biết có công trình nghiên cứu nào về mặt tích cực của thời kỳ thuộc địa hay không. Chỉ biết gần đây, đã có những ý kiến phản biện về việc phá bỏ các công trình xây dựng thời thuộc địa, những ai ở Huế trước năm 1975 đều thấy hụt hẫng, luyến tiếc khi thấy trống vắng những biệt thự xây thời thuộc địa dọc theo Sông Hương trên đường Lê Lợi, thay vào đó là những ngôi nhà có kiến trúc vừa có vẻ như thiên về công năng, vừa mang dáng dấp của những hợp tác xã nông nghiệp, vừa loè loẹt như chợ tết.
Năm ngoái, khi lên Đà Lạt ghé thăm ga Đà Lạt, nay đã gần như là nữa bảo tàng nữa chợ xép, chợt chớ đến tuyến tàu Đà Lạt Sông Pha do các kỹ sư Thụy Sĩ thiết kế, những người có kinh nghiệm xây dựng đường sắt chạy trên núi. Thật là một kỳ công, so với các công trình xây dựng chụp giựt hiện nay: thời gian khảo sát dài 10 năm, từ 1898 đến 1908, hoàn tất giai đoạn một vào năm 1919, và bắt đầu hoạt động năm 1930. Điều đáng tiếc là sau năm 1975, tuyến đường sắt này bị tháo gỡ để… bán sắt vụn, còn đầu máy thì được bán cho Thụy sĩ. Nhìn mấy cái toa xe cũ nát bơ vơ trên ga, lòng tự hỏi, nếu không có cuộc chiến vô nghĩa vừa qua thì giờ này ga Đà lạt sẽ như thế nào. Còn nhớ sách vở lịch sử dạy rằng bọn thực dân Pháp xây dựng đường sá để tiện việc bóc lột tài nguyên và đàn áp dân. Nếu đúng như vậy thì tư bản Pháp là một lũ ngốc khi không tính đến chuyện chở khách kiếm tiền.
Sách vở chính thống thì vậy, nhưng dân gian lại khác. Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, mấy ông già xưa nói vậy. Câu này giờ chỉ đúng hai phần ba. Hồi đó, chắc chăn nuôi kém, thức ăn ít mỡ nên khoái ăn cơm Tàu, chứ bây giờ ăn cơm Tàu nhiều dễ bị béo phì. Nhưng ở nhà Tây thì không gì bằng, hèn gì mấy ông quyền cao chức trọng khi vào tiếp quản Hà Nội năm 1954 toàn chọn nhà Tây. Chống Tây, chứ không chống ở nhà Tây.
Có điều làm nhà như Tây thì bó tay. Tây làm nhà không phải chỉ là chọn một miếng đất thật to, thật bảnh chọe, xây một cái nhà cao ngất ngưỡng, bờ tường có hoa văn trống đồng, hay đồng tiền xưa, trên chóp gắn mấy con thú, dựng cái biển ghi lâu đài ba con gà, hay lâu đài bốn con chó. Ai có dịp ngắm cái lâu đài của ông quan thanh tra gì đó ở miệt vườn Nam bộ, hay ông chủ buôn đồ phế thải ở phía Bắc thì biết. Chưa nói đến phong cách kiến trúc, nhà Tây là một cá thể hài hòa với môi trường, không huênh hoang, không cục mịch, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, có cây xanh, có hồ rút nước mùa mưa, làm mát mùa hè.
Vợ Nhật thì xin miễn bàn, vì nói chuyện đó e là thiếu tôn trọng phụ nữ.
Ba thứ trong tứ khoái của mấy ông già xưa là như vậy. Còn một thứ nữa, ỉa thì thế nào? Với người Việt thì chuyện bài tiết cũng quan cách cao quí lắm, nhất quận công, nhì ỉa đồng, nhưng phải mở ngoặc thêm là cái việc ấy phải được thực hiện ở một nơi quang đãng đồng. Sao mà cầu kỳ vậy? i cũng biết là những nơi gọi là đô hội, nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến ở nước Nam trước khi người Pháp đến không hề có cái gọi là nhà vệ sinh trong nhà, ta chỉ có cái văn hóa đổ thùng, tức là mỗi nhà có một cái bô, mọi người bài tiết vào, đến cuối ngày có người đi dọn, đi đổ thùng.
Về chuyện này thì dân thành thị ở châu Âu cũng giải quyết tương tự như vậy cho đến thế kỷ 16, khi một quí tộc Anh phát minh ra cái bệ ngồi và dùng nước để xả phân xuống hầm, một cơ chế gần như các bệ ngồi hiện nay. Phải thấy là với phát minh này, nền văn minh châu Âu đã gần như giải quyết được vấn đề dịch bệnh liên quan đến vệ sinh trong thành phố, nơi tập trong đông người và không còn những cánh đồng quận công. Tác giả người Pháp Dominique Laporte, trong tác phẩm Lịch sử của Cứt (History of Shit) cho rằng cách thức con người giải quyết phân người có liên quan chặt chẽ đến sự hình thành con người hiện đại, phương thức tổ chức thành phố, hình thành quốc gia, và sự phát triển của tư bản. Có thể nói Ấn độ là một ví dụ cho luận điểm này: nạn hiếp dâm ở Ấn độ liên quan đến việc người dân không có nhà vệ sinh, phải sử dụng cánh đồng quận công.
Lòng vòng như vậy để tự đi đến câu trả lời cho câu hỏi cách đây hơn hai chục năm: thời kỳ thuộc địa không phải chỉ toàn là xấu, là tiêu cực, là bóc lột, là áp bức, mà có cả tốt, tích cực, là tiện nghi, là văn minh, là nhân đạo. Nói cho cùng, lịch sử của chế độ thuộc địa đã có từ khi con người biết cách tổ chức thành những cộng đồng có tôn ti trật tự qui cũ, và khi bị thúc đẩy bởi những động lực rất người, tham sân si, các cộng đồng phát triển hơn chinh phục các cộng đồng kém hơn. Như những con ong hút mật, ong lấy đi mật hoa, nhưng cũng đồng thời giúp hoa thụ phấn, chế độ thuộc địa, có từ thời Hy Lạp Ai Cập cổ đại, đã đem những kẻ thuộc địa, những colonist, gốc gác nghĩa La tinh của từ này ngoài nghĩa dân định cư còn có nghĩa nông dân, sang các vùng đất mới, và cùng với con người là văn minh, văn hóa, ngôn ngữ, một sự giao thoa mà ta còn thấy trong cộng đồng châu Âu ngày nay: xuyên suốt các quốc gia này là vết tích vật thể và phi vật thể của đế quốc La Mã Hy Lạp cổ đại.
Đến đây chợt nhớ đến cụ Phan Chu Trinh, bạo động tắc tử, bạo động tắc ngu. Xuất thân là quan lại, cha là một võ quan triều đình chống Pháp, bản thân cụ cũng chống Pháp bị tù đày mà thốt lên như vậy, mới thấy con đường của chân lý không phải dành cho những cuộc đời không biết phán xét (unexamined life).
Cho tôi chút phép màu ao ước. Giá như cựu hoàng Duy Tân không bị tai nạn máy bay và trở về nước sau thế chiến thứ hai, với nước Pháp cựu hoàng là một quân nhân Pháp trong đội quân đánh thắng Phát xít, với người Việt là một vị vua thông minh can đảm, giá như vua Bảo Đại không có những mưu thần phản trắc, giá như… những người Việt tử tế không chết vì bọn bất lương, thì trong chuyến đi Đà Lạt năm ngoái tôi không ngồi trên chiếc xe buýt gập ghềnh qua những cánh rừng chết và bản làng héo hon, mà tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa chạy dích dắc xuyên qua các cánh rừng cao nguyên, vươn lên đến những ngọn núi cao đến hơn nghìn mét, rồi đổ xuống vùng biển Phan Rang Phan Rí, để kịp nằm nghe sóng vỗ rì rào vào bờ đá Lầu Ông Hoàng trong đêm.