Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN KHÔNG THỂ LẢNG TRÁNH ĐỀ TÀI NÓNG HIỆN NAY

Nguyễn Khắc Phê
Chủ nhật ngày 3 tháng 7 năm 2016 9:04 AM


TIẾNG NÓI NHÀ VĂN



(Hoặc là : “Mặt trận mới” là “đất dụng võ” cho những cách tân, thể nghiệm trong sáng tạo văn học.)

 

TNc: Tại Tam Đảo, trong các ngày 24-26/6, Hội Nhà văn Việt Nam đã tỏ chức Hội nghị Lý luận phê bình lần thứ 4. Gần 180 đại biểu đã tham dự, trong đó, có các nhà văn nhà phê bình ở Thừa Thiên - Huế Nguyễn Khắc Phê, Hồ THế Hà, Phạm Phú Phong… Ngoài bản tham luận chính “Văn xuôi 30 năm Đổi Mới nhìn từ “người trong cuộc”, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã phát biểu bổ sung tại phiên thảo luận tại Hội trường vấn đề “nóng” hiện nay. Xin giới thiệu cùng ban đọc)

Đã bàn đến trách nhiệm nhà văn với các vấn đề thời cuộc, trong thời điểm hiện nay, nhất là với một người con của Hà Tĩnh đang sống ở Huế - hai địa danh giới hạn tạm thời khoanh vùng biển vừa bị đầu độc, khiến cá chết hàng loạt - thì không thể lảng tránh thảm họa khôn lường này. Đây không chỉ là chuyện cá chết, biển chết mà là số phận của hàng vạn ngư dân điêu đứng, của hàng triệu con người phải sống trong nỗi bất an mỗi khi bước vào chợ, trước mỗi bữa ăn. Theo cách lập ngôn của một triết gia thì có thể nói: Trước “sự cố” đe dọa đến số phận của hàng ngàn, hàng vạn con người, nhà văn không được phép đứng ngoài! Hơn thế - như một bạn văn Hà Tĩnh đã viết cho tôi – nghiêm trọng hơn chuyện cá chết là “sự cố” này càng chứng tỏ một hiểm họa không thể làm ngơ hay che giấu là chủ quyền Tổ quốc không chỉ đã bị xâm phạm trắng trợn trên Biển Đông mà trên cả đất liền, chính ở những nơi xung yếu nhất của Đất Nước. Nói những điều này, tôi xin bày tỏ sự tiếc nuối là không còn sức trẻ để có thể đi đến tận nơi, viết đến tận cùng sự thật như những năm tháng từng xông pha giữa các “trọng điểm” trên Trường Sơn hoặc tuyến lửa Quảng Bình; nay Đất Nước đã hòa bình, nhưng cuộc chiến mới ngày càng lộ diện và gay go, một mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cạm bẫy và trở lực, một thực tế đau đớn, một thách thức lâu dài đối với cả dân tộc, không chỉ ở “trọng điểm” Vũng Áng Hà Tĩnh mà ở tất cả những nơi thiên nhiên, văn hoá bị hủy hoại, con người bị tha hóa vì các “dự án” chỉ biết tôn thờ lợi nhuận cho phe nhóm thân hữu là mục đích tối thượng. Mặc dù vậy, tôi hy vọng lớp nhà văn trẻ rất sung sức và nồng cháy tình yêu Tổ Quốc hiện nay có đủ khả năng để đảm nhận sứ mệnh đi sâu và viết hay về “mặt trận mới” rất nóng bỏng này, làm đúng vai trò mà 55 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu: văn nghệ sĩ phải ồng thời là chiến sĩ… Tôi tin như thế, vì một cô giáo dạy văn cấp 3 ở Hà Tĩnh còn viết được một bài thơ “Ngộ..” lay động hàng triệu trái tim, huống chi cả đội ngũ nhà văn trẻ tài năng của chúng ta. Tuy là người dốt lý luận, cũng xin được nói thêm, “mặt trận” mới này có thể là “đất dụng võ”, thể nghiệm những cách tân và trường phái mới như văn học sinh thái, hậu hiện đại, kinh dị, huyền ảo, khoa học viễn tưởng v…v… Tôi bỗng hình dung sẽ được đọc những trang văn, những trường đoạn tả cảnh đàn cá hàng vạn con trước khi chết, trừng mắt nhao nhác, quẫy đạp và chửi bới những kẻ tàn ác và ngu xuẩn đầu độc đồng loại và thiên nhiên; rồi cảnh hàng đoàn người phải bỏ hết tài sản, bàn thờ tổ tiên, xô đẩy nhau tháo chạy trước cơn lũ “bùn đỏ” từ mỏ khai thác quặng, bỗng như từ trên Trời tràn xuống…Thiết nghĩ, nếu có tài, những trang văn như thế sẽ làm người đọc “nổi da gà”, tạo được sự đồng cảm sâu xa của độc giả không kém gì những trường đoạn miêu tả cuộc chiến bi tráng giữa bầy sói, đàn ngựa và con người trong cuốn tiểu thuyết “Tôtem sói” nổi tiếng của nhà văn Khương Nhung (Trung Quốc); những trang văn như thế đồng thời là sự cảnh báo nghiêm khắc đối với những mê lầm của con người…Thiết nghĩ, Hội Nhà văn và các cấp có thẩm quyền cần hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho những chiến sĩ hăng hái xông vào “mặt trận” mới này để văn học sau 30 năm Đổi Mới, thu hoạch thêm nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và nóng hổi hơi thở cuộc sống với bao nỗi buồn vui, đau khổ, với mong mỏi giản dị bữa ăn hàng ngày không lo bị đầu độc và cả ước vọng sâu xa của nhân dân về tương lai của con cháu mình, của Tổ quốc Việt Nam - một đất nước đã phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi, mất mát vì chiến tranh, vì cả những chính sách sai lầm trong nhiều thập kỷ vừa qua …

___________________