Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TAM QUỐC LUẬN THỜI SỰ

Trần Ngọc Sơn
Thứ ba ngày 5 tháng 7 năm 2016 8:51 AM


Luận đề văn, Khổng Minh soi chữ
Bị chất vấn, Quan Vũ nói càn


Dùng siêu kính lúp soi chữ, Khổng Minh vẫn nhầm. Bị đụng phải tim đen, Quan Vũ bực mình nói lời thô lỗ.

Lại nói chuyện cá chết, trong ngày ba mươi tháng sáu năm đó đã có kết luận rõ hơi hơn nòi chõ. Trương Phi và bộ sậu đã phải khấu đầu tạ lỗi với bá tính, tạ lỗi với biển, tạ lỗi với cá. Tập đoàn Trương Phi đã phải bồi thường 600 nghìn lượng vàng, còn việc có bị khởi tố hay không, các cơ quan chức năng còn xem xét. Nhưng nghe nói sẽ có hàng triệu ngư dân sẽ phải giải nghệ, không còn được đi biển theo nghề cha ông truyền thống nữa mà phải học chuyển đổi nghề khác vì:“Ngày nay biển không có cá khi xưa mà”.

Chuyện cá chết tạm thời được lắng xuống thì ngay trong ngày hôm sau, gần một triệu học trò trung học phổ thông tham dự kỳ thi “Nhị trung nhất” (hai trong một). Buổi chiều hôm đó, trong đề thi môn văn, bách tính đã bàn tán xôn xao, tranh cãi nảy lửa bởi hai từ “bùn” hay “đất”. Nhiều người cho rằng Bộ Học ra sai đề. Số là trong đề có một câu có trích dùng một đoạn trong bài thơ “tiếng Thục” của cố thi sĩ học Liêu. Trong đề đó là từ “bùn”. Nhiều người bảo đó là từ “đất”. Báo chí được dịp khai thác, ăn theo sự kiện, nào phỏng vấn, nào phân tích, nào trưng dẫn tài liệu văn bản.

Bộ Học lên tiếng rằng ban ra đề đã lấy đúng trong tài liệu là cuốn tuyển thơ xuất bản từ những năm tám mươi của thế kỉ trước. Nhìn tài liệu trích dẫn được đóng dấu của ban ra đề thì đúng là “cổ thư” thật, giấy giang, gáy rách phải dán băng dính. Và, chính cái từ tranh cãi kia trong tài liệu thì đúng là “bùn”đúng như trong đề thi.

Có văn sĩ kiêm ký giả tên gọi Vinh Quang, quê đất Quảng, (một trong 4 châu bị cá chết) đưa ra bình luận: “Nguy hại là, nếu thay thế câu thơ trong đề, dùng từ “bùn” thay thế từ “đất” là rất phản cảm, tối tăm, học trò sẽ ngâm ngợi thế nào về tiếng Thục”. Thậm chí ông còn yêu cầu Bộ Học phải xin lỗi cố thi sĩ Liêu và các thí sinh trên truyền hình và báo chí”.

Việc tranh cãi đề thi đó đến tai quân sư Khổng Minh (ngày nay gọi là giáo sư). Giáo sư Khổng Minh lập tức sai thuộc hạ xin lại một đề văn của thí sinh vừa thi xong, rồi ông vào thư phòng hết bới sách lại lật vở, dùng kính lúp soi xem “bùn”đúng hay “đất” đúng.

“Ngâm cứu” đúng nửa ngày, bỗng thuộc hạ thất kinh khi thấy ông mình trần như nhộng chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn (lịch sự hơn Ác-si-mét ngày xưa) một tay cầm chiếc quạt lông ngan, lông vịt, một tay cầm quyển sách cổ miệng reo to:“Tìm ra rồi! Tìm ra rồi”.

Thế là bác Loa Phường được dịp khai thác tin sốt dẻo, bèn đánh “dây thép”phỏng vấn ngay quân sư Khổng Minh. Và, nhận định của ông cũng không khác mấy so với quan điểm của văn sĩ Vinh Quang. Ông nói rằng đề thi như vậy là sai sót có thể khiến người đọc và thí sinh hiểu sai ý nghĩa và dẫn đến phân tích sai”. Vị quân sư lừng danh cũng cho rằng:“Nếu thay vào đó là “bùn” thì có thể khiến người đọc liên đới đến những cái gì đó không sạch cho lắm, có phần biểu tượng của sự tối tăm, gian khổ chứ không có biểu tượng gì gắn với sự mượt mà, tinh tế của tiếng Thục”.

Chuyện tưởng như vậy là kết thúc, nào ngờ các báo còn đến tận Viện Văn chương để gặp nữ Phó Văn sư (Phó giáo sư Văn học) họ Liêu, em ruột của tác giả bài thơ được dùng trong đề văn để phỏng vấn và lấy tư liệu. Thật may mắn, một tờ báo gắn bó với nông dân (những người cả cuộc đời gắn bó với cả bùn và đất) mang tên “Dân Thục” lại có được bản chụp bài thơ viết tay của tác giả (ngày này không viết tay nữa mà cứ đánh máy gửi đi mgay mà không lưu lại thì không biết tranh cãi đến bao giờ?). Trong bản nháp này đúng là cố thi sĩ họ Liêu dùng “bùn” thật chứ không dùng “đất”. Mặc dù vậy, Phó Văn sư vẫn dĩ hòa vi quý khi cho rằng: “Bùn”hay “đất” đều được!

Hóa ra, việc lấy “đất” thay cho “bùn” là do mấy anh biên tập của nhà xuất bản nào đó đã sửa thơ của Liêu thi sĩ . Có kẻ cho rằng do bài thơ này gửi đi lâu quá, mãi mới được xuất bản nên “bùn” đã bị khô và biến thành “đất”. Thuyết ấy không đáng tin vì chưa được kiểm chứng.

Đến đây thì chuyện “bùn” hay “đất” đã “ngả ngủ” (tức là đã xong xuôi, ngủ yên). Nhưng chưa, vì có thông tin rằng đề văn bị lộ và Bộ Học đã đề nghị cơ quan chức năng điều tra hư thực chuyện này. Trong khi đó báo Tân Nhiên Liệu lại cho đăng bài báo gọi là hậu “bùn đất” với câu hỏi to đùng: “Ai là người sẽ xin lỗi Bộ Học và sĩ tử đây?”.

Không biết giờ này quân sư Khổng Minh nghĩ sao. Có lẽ ông sẽ phải bảo thuộc hạ thay ngay cho cái kính lúp mới hay là việc dùng lầm Mã Tốc để mất Nhai Đình khi xưa đang trở lại ám ảnh ông? Còn ký giả kiêm văn sĩ Vinh Quang, người vẫn hàng ngày điểm tin trên báo điện tử Ông Phó Nét (infonet) chắc cũng sẽ thận trọng hơn khi thể hiện các quan điểm của mình?

Cổ nhân nói:“Bậc trí giả nói ngàn điều tất có một điều sơ suất”. Chuyện“bùn đất” xin được “chốt hạ” tại đây.

Trương Phi phải xin lỗi và đền tiền, Khổng Minh vì vội vàng mà ít nhiều mang tiếng. Chuyện của Quan Vũ cũng chẳng khá hơn. Đúng vận đen của quan tướng nước Thục.

Lần trước, Quan Vũ đã bị Lưu chủ bắt bồi hoàn tiền nhiên liệu vì dám cưỡi“thiết mã Lexus 570” vượt tiêu chuẩn quy định. Đang bức xúc vì lại phải rút tài khoản “Ăn Tắc Miệng” (viết tắt ATM) ra trả thì gặp ngay lão ký giả của tờ báo mang tên “Tiền Gió” đánh “dây thép” phỏng vấn. Vị tướng quân “râu đỏ và đẹp” bực quá, nghĩ bụng :“Bố mày đây đang phải rút tiền thật từ hầu bao ra trả tiền xăng đây chứ có phải tiền hơi, tiền gió đâu mà phỏng vấn mới chả phỏng vẫn”.

Cũng cần nói thêm rằng, lúc này, Quan Vân Trường được Lưu chúa giao cho chức vụ Phó tướng Đội quân Hỏa xa. Khi được ký giả báo “Tiền Gió” hỏi:“Tướng quân nghĩ sao về hiệu quả của dự án hỏa xa nhanh ?”. Vị anh hùng “qua 5 ải chém 6 tướng” đã “chém màng nhĩ” tai phải của tay phóng viên bằng miệng và thanh quản (không phải bằng thanh long đao) của ngài như sau: “Không hiệu quả không phải việc của chúng mày. Chúng mày làm báo không có chuyên môn. Chúng mày là cơ quan báo chí hay cơ quan thẩm định?”.

Tay ký giả vội kêu lên:“Tướng quân ơi, tôi bị tắc tai phải rồi, không nghe được nữa đâu!”. Chưa kịp hoàn hồn, vội đưa “con dế” lên tai trái, phóng viên bị vị tướng quân họ “Quan” này hạ “nốc-ao” ngay tại chỗ bằng một sêri đòn“cuồng nộ”:“Ùn tắc không phải việc của chúng mày. Chúng mày là cơ quan báo chứ không phải cơ quan thẩm định, không phải là cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Mày ăn nói lung tung”.

Có tin nói rằng, vị phóng viên kia sau đó đã phải vào ngay bệnh viện“Tai-Mũi-Họng” để vá màng nhĩ cả hai tai. Cái đó thì cũng không rõ vì kẻ viết hồi này khi đọc xong mấy cú “ra miệng” trên báo chí của ngài họ Quan (chứ không phải người Quan Họ) này thì cũng hóa nặng tai.

Không biết có phải vì các “cú” ra đòn “quá miệng” với ký giả đó hay không mà Quan Vũ bị Lưu Bị dáng cấp xuống làm Trưởng Sở Không Thương? Những tưởng ngài sẽ tự “kiểm điểm nghiêm túc”“rút kinh nghiệm sâu sắc”, sẽ không bao giờ dính “vả miệng” (í quên, “vạ miệng”) nữa. Ai ngờ, đúng như cổ nhân dạy:“Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”, vị tướng quân vốn nổi tiếng với cá tính “kiêu ngạo” này lại một lần nữa làm cho các ký giả “kinh hồn bạt vía” bằng “khẩu chưởng” (tức chưởng miệng) của ngài.

Chuyện là thế này: Vào một ngày đẹp trời, khi phóng viên báo Nhất Hoàn Cầu mang “dế” ra “phôn” cho ngài, ngài phán: “Làm sao?”. Khi được hỏi về dự án đường dây diện 500 “con voi con” (500KV) chồng lấn lên vùng sinh thái nông nghiệp công nghệ cao. Ngài “râu đỏ”(mặt lúc này cũng đỏ?) hỏi lại “Thì làm sao?”.

Sau đường “hai sao” khởi động “súng lưỡi”, ngài bắn liên thanh một tràng dài:“Mày bảo Trưởng sở Không Thương là nói không đúng với lại Chúa thượng hả? Tao sẽ làm cho nó ra chuyện. Cái việc của tao nói là việc của tao chứ không phải báo chí bình luận được những cái lời như thế, nhá”.

Cố giữ bình tĩnh sau “tràng đạn” của ngài, ký giả nọ đề nghị ngài không nên dùng từ thô lỗ như thế. Ngài sổ toẹt luôn một liên khúc:“Nhưng trên công luận mà động đến tao, mày còn nói tồi tệ hơn như thế, nhá. Tao nói để mày biết như thế đấy”.

Nghe nói sau đó, phóng viên báo này phải thay loa cho “dế yêu” ngay lập tức. Cái đó thì cũng có thể vì với bản tính của vị họ Quan này thì phóng viên Ngàn Thế Giới còn sợ chứ nói gì đến ký giả báo Nhất Hoàn Cầu.

Hiện công luận đang rất bất bình với cách phát ngôn “to thô nhiều lỗ” của Quan Vũ. Có một số nạn nhân và đồng nghiệp nạn nhân (tức là các ký giả) đang đề nghị Lưu chúa lột mũ áo, đuổi Quan Vũ về quê “chăn vịt trời” để đảm bảo sự trong sạch của môi trường văn hóa quan tướng. Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, xem xét mức độ vi phạm của Quan Vũ.

Muốn biết cái “hoạn lộ” (hoạn nạn do bị lộ văn hóa?) của Quan Vũ sẽ có kết cục ra sao, phải chờ quan trên kết luận mới rõ.