Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi viết truyện Tây Bắc

Tô Hoài
Thứ tư ngày 31 tháng 12 năm 2008 5:08 AM
 
Năm 1952, tôi theo bộ đội chủ lực, tiến quân vào miền Tây, tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Các đơn vị quân ta qua sông Thao, đánh tan nhiều đạo quân và đồn bốt địch, cho đến lúc vượt sông Đà, giải phóng một dải đất đai rộng lớn phía hữu ngạn, trong đó bao gồm nhiều khu du kích của các dân tộc anh em đã chiến đấu ròng rã nhiều năm giữa lòng địch. Giải phóng tới đâu, tôi đi sâu tìm hiểu các khu du kích tới đó, bắt đầu lên vùng du kích các dân tộc Mường, Dao, Thái trắng, ở Bản Thải và Ngọn Lao thuộc châu Phù Yên, rồi qua khu du kích 99 sang Trạm Tấu, lên Tú Lệ, lên châu Than Uyên, châu Quỳnh Nhai, qua châu Tuân Giáo, vào châu Điện Biên – rồi lại từ các khu du kích dân tộc H’Mông xuống những vùng mới phải phóng, các làng dân tộc Thái trên cả bốn cánh đồng phì nhiêu của Tây Bắc.
Cái kết quả lớn nhất và trước nhất của chuyến đi tám tháng ấy là đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên. Không thể bao giờ quên được lúc vợ chồng A Phủ tiễn tôi ra khỏi dốc núi Tà Sùa rồi cũng vẫy tay gọi theo: “ Chéo lù! Chéo lù!’’ ( Trở lại! Trở lại! ). Không bao giờ quên được vợ chồng Lý Nủ Chu đưa chúng tôi dưới chân núi Cao Phạ, cùng vẫy tay kêu: Chéo lù! Chéo lù! Hai tiếng “ trở lại, trở lại’’ chẳng những nhắc tôi có ngày trở lại mà tôi phải đem trở lại cho những người thương ấy một kỷ niệm tấm lòng mình, một cái gì làm hiển hiện lại cuộc đời người HMông trung thực, chí tình, dù gian nan đến thế nào, bao giờ cũng đợi cán bộ, đợi bộ đội, bao giờ cũng mong anh em trở lại. Chéo lù! Trở lại! Trở lại! Chéo lù!
Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi. Những chiến khu của các dân tộc một lòng kháng chiến. Dân tộc Mường ở Bản Thải, dân tộc Thái ở Ngọn Lao, người Dao Nga Hoàng ở Suối Ron, người H’Mông ở khu 99, ở Pú Nhung, người Xá, người Puộc trên sông Nậm Mu … Trong kháng chiến, mỗi chúng ta đều trải biết rất nhiều việc dồn dập, mãnh liệt, nhiều việc tưởng không thể quên, nhưng rồi việc khác ập đến, cái hôm qua lại nhãng đi. Nhưng lần tôi đi Tây Bắc này khác thế. Cho tới hôm nay, tôi vẫn bồi hồi nhớ như in. Một ám ảnh mạnh mẽ, thúc đẩy tôi sáng tác - ý thức thiết tha với đề tài là một quyết định.
Trước ngày đi chiến dịch giải phóng Tây Bắc, Hội văn nghệ giao công tác và nhiệm vụ cho tôi: đi chiến dịch giúp đỡ các đơn vị chủ lực đang đầy khí thế chiến thắng. Các đội dân công khắp các tỉnh Việt Bắc, từ các miền địch tạm chiếm ở Vĩnh Phúc kéo ra. Nhân dân vùng mới giải phóng vui mừng và các vùng sắp giải phóng đương hết sức mong chờ… Đằng nào cũng muốn đi sâu, nhiều phía quá, chưa biết ngả nào phía nào.
Cuối cùng, tôi quyết định vào vùng mới giải phóng mà trọng tâm là đến các khu du kích. Tôi sang châu Phù Yên, bắt đầu lên khu du kích từ chân núi Khu Ly ở Bản Thải. Tôi quyết định kịp thời. Nếu cứ tham đi rộng, tôi sẽ biết rộng, nhưng cũng chỉ đến một chừng mực nào. Ở đây trên cơ sở hiểu chung rồi tôi đi thật sâu vào nhân dân vùng mới giải phóng. Trong vấn đề này tôi lại đắt trọng tâm vào khu du kích của các dân tộc anh em. Lúc đầu, thói quen thích biết lan man cũng làm tôi nhớ cách đi cũ như khi đi làm phóng viên báo Cứu quốc nhưng rồi lên núi, dần dần, những ngày ở trong khu du kích đã đem đến cho tôi những hứng thú lạ thường, mà nếu chỉ lướt qua thì không bao giờ có được.
Các khu du kích ở rải rác trên núi cao.
Lúc chuẩn bị lên núi, tôi về châu Phù Yên, mượn đọc báo cáo tình hình địa phương và tranh thủ học sổi một ít tiếng H’Mông. Mấy năm trước tôi đã có kinh nghiệm học tiếng Tày ở Bắc Cạn. Tiếng thiểu số ít, lại chắp chữ đã có thể nói được, học chừng vài trăm chữ cần thiết để gây vốn rồi cứ vừa nói vừa học thêm. Biết tiếng, được thêm hai điều lợi:
1. Dễ đi một mình, giao thiệp được nhanh và biết sâu. Từ các châu Văn Chấn, Than Uyên lên Lai Châu, đi toàn nơi hẻo lánh, nếu không biết tiếng, phải đợi giao thông và cán bộ địa phương thì không thể đi nhiều, hiểu chóng được.
2. Biết tiếng học trực tiếp được lời ăn tiếng nói. Không rõ ngôn ngữ dân tộc không cắt nghĩa được sắc thái địa phương trong sáng tác. Tôi đã nhặt, ghi được lời ăn tiếng nói, nhiều tục ngữ, một số thơ ca cũ của các dân tộc Mường, H’Mông, Thái. Ngoài việc dể xây dựng cơ sở sáng tạo cho ngôn ngữ nhân vật của tôi, tôi còn có tài liệu viết được những bài giới thiệu thơ ca các dân tộc Mường, H’Mông trên tạp chí Văn nghệ bấy giờ .
Độ mười ngày tận lực làm việc, tôi đã có một số tìm biết bước đầu về tình hình chính trị, dân tộc, phong tục, tiếng ở châu Phù Yên, rồi tôi đi. Đến khu du kích của các dân tộc Mường, HMông, Thái, chuyền núi từ châu Phù Yên lên suốt tới Điện Biên. Mỗi khi tới đâu định ở lại, tôi đều đến các châu để nghiên cứu tình hình chung rồi đề nghị các đồng chí bố trí một công tác nhỏ cho tôi cùng làm giúp cán bộ địa phương. Nơi nào cũng hoan nghênh và giúp đỡ. Tôi cố gắng làm những công tác ấy hoặc gặp việc gì làm được để có dịp tiếp xúc bằng công tác với quần chúng, tôi đều làm. Ở khu du kích 99, tôi giúp đồng chí Chi Mai, cán bộ phụ trách khu, đi huy động dân công xuống núi tải gạo, tải thương, Có khi, liền mấy ngày, tôi ngồi viết biên lai nhận gạo người H’Mông đem đến ủng hộ bộ đội.
Đến một châu khác, tôi phản ánh cho châu biết một số tư tưởng cán bộ hoạt động trên các vùng cao, điều kiện gian khổ, thiếu thốn và kiểm tra ra một số sai lầm. Ở với mọi người, cố gắng làm như người trong nhà, sự thông cảm mau chóng đến ngay. Thanh niên H’Mông quý bạn thích được ngủ chung với bạn, tôi ngủ chung với anh em. Những lúc trên núi không có muối, phải ăn thịt chó, thịt ngựa nhạt, ăn rêu đá nướng, ăn bọ hung xào, tôi ăn như bà con. Lại những cảnh vác củi, thổi sáo, bắm chuột, đào con rúi, bắt cá suối, đêm sáng trăng theo thanh niên H’Mông đi “ cướp vợ ” ( một phong tục cưới của người H’Mông ), rồi những cảnh ăn tết với người Thái, tết người H’Mông, mà tôi tả trong Truyện Tây Bắc đều là những cảnh tôi biết hoặc chính mình đã làm qua trong các địa phuơng.
Lại vì thân cận, gần gũi, nên có khi làm được những việc đặc biệt bất ngờ. Một lần, ở hang Chú, trên khu 99 châu Phù Yên, anh em du kích H’Mông với tôi đã bắt được nguỵ binh chạy lạc vào rừng. Chiều hôm ấy, nghe tiếng nhạc cúng ma đầu xóm, tôi ra xem. Mấy chị phụ nữ H’Mông thấy tôi chạy ra thì thào “ Có người Kinh như mày vừa đến  xin ngủ. Ở trong nhà kia kìa”. Tôi hơi ngạc nhiên, vì vùng núi cao và khuất nẻo này, nếu không là cán bộ thì không thể có ai khác đi qua.
Vào nhà, trông người lạ, tôi sinh nghi. Người ấy, mặc kaki vàng, đi giầy tây có cổ, đầu húi ngắn khoác cái chăn màu cứt ngựa. Nguỵ binh rồi. Cũng không có gì khó đoán. Mặt trận vừa chuyển sang bên kia sông Đà được mấy hôm, chiến trường dọc dưới chân núi này còn đương bừa bộn xác chết, võ khí vứt lung tung và hàng đại đội địch tan vỡ chạy vào rừng biến thành thổ phỉ đương đi rình giết người, cướp giựt lấy ăn. Tôi vờ nói cho hắn yên trí: “ Đi công tác qua đây à? Người H’Mông tốt lắm. Anh cần gì bảo tôi. Tôi hẹn tối ăn cơm trong kia rồi…” Rồi tôi vội vã như đi ăn cơm. Tôi vào gặp du kích ở Háng Chú.
Một trung đội du kích ập ra hỏi. Quả nhiên hắn không có giấy tờ gì, hắn thú là một nguỵ binh thuộc một tiểu đoàn nhảy dù mới ở Hà Nội lên tiếp viện cho địch ở Sơn La. Bị truy đuổi mạnh quá, tan chạy cả tiểu đoàn.
Trên đây, một vài chuyện thân mật, tâm tình. Nhờ đấy tôi càng hiểu được các khu du kích đầy đủ tỉ mỉ hơn. Khi đã có hiểu chung, tôi dần dần di vào người, không phải có dụng ý săn tìm nhân vật, nhưng tìm hiểu từng người khác nhau làm cho hiểu biết của ta càng sâu hơn. Cuối cùng, khi rời nơi nào, tôi đã biết nhiều người khác nhau. Trong sinh hoạt và công tác tự nhiên, kiêng mở sổ tay ra hỏi và ghi trước mặt. Trò chuyện thoải mái, có thế mới xem xét, tìm hiểu được chín chắn. Tôi vẫn ghi, tôi cố gắng nhớ và ghi lúc vắng, lúc tối.
Tuy nhiên, không phải chỉ chăm chăm ních tài liệu để dành về nhà sáng tác. Một nhà văn Pháp nói: “ Muốn thành người viết tiểu thuyết, trước nhất phải là một phóng viên”. Tôi rất trân trọng câu nói ấy vì tôi đã hiểu nó qua hơn năm năm làm phóng viên của báo Cứu quốc. Làm phóng viên, tôi được đi nhiều, biết nhiều việc, tiếp xúc nhiều cái mới trên nhiều mặt khác nhau. Do đấy, tôi tập có một nhận định thính trước mọi việc xảy đến. Chất chứa một bề mặt hiểu biết rộng rãi, chính là cái nền chắc chắn nhất, không có không xong, để tạo cơ hội đi sâu.
Đọc tác phẩm của Êrenbua hay của Aragông, thấy những sáng tác lớn của hai nhà văn đó đều nảy nở trên dòng thời gian của lịch sử thời sự. Nếu không làm một người phóng viên chăm chỉ của thời đại, không thể có được những chứng kiến rộng rãi như thế.
Cách làm theo lối rộng rãi đi sâu vào việc, vào người, chính là cách cộng hai mặt như một của người phóng viên báo và người viết văn. Tôi làm việc theo lối đó. Chẳng những chỉ trong nghiên cứu tài liệu mà cả trong công tác và sáng tác phục vụ tại chiến trường.
Tôi viết báo mặt trận. Quyển Sơn La giết giặc của tôi giới thiệu nhanh vài nét để bộ đội chủ lực vừa vào vùng tạm chiến đã biết được thành tích đấu tranh của nhân dân Sơn La. Đi khu du kích, tôi viết những màn kích ngắn một hai trang đơn giản, kể thành tích của các chiến sĩ du kích hoặc giải thích ý nghĩa yêu nước như truyện Thiếu niên anh hùng Vừ A Dính, kịch ông Triệu Văn Khìn bắn Tây, các kịch Thanh niên yêu nước, Phụ nữ yêu nước, Thiếu nhi yêu nước. Những màn kịch này tôi gửi cho đội văn công địa phương dịch ra tiếng Thái để diễn. Tôi lại thường đều đặn viết tin và bài về cho các báo ở trung ương.
Viết nhiều mặt, viết nhiều vấn đề, phục vụ ngay trong khi đi, làm tôi thêm sức, thêm sống, tập luyện cho mình càng quyện, càng cuốn vào dòng thời sự lớn lao đương biến đổi cả cuộc đời người dân Tây Bắc.
Khi viết Truyện Tây Bắc, tôi không thể gọi ra được đâu là do ảnh hưởng của những công việc này, nhưng tôi thấy bàng bạc khắp nơi, càng như thiếu không khí ấy, thì không thể viết. Các nhân vật Truyện Tây Bắc, tôi đều dàn dựng trên cơ sở lịch sử và tính chất đấu tranh của mỗi dân tộc ở Tây Bắc. Đi thực tế, nghiên cứu chính sách dân tộc của Đảng, thấy được người và việc thể hiện những thành công rực rỡ của chính sách, tôi đã tổng hợp lại, sáng tác và phát triển.
Như nhân vật Tạo On trong truyện ngắn Mường Giơn. Tạo On. Một nguỵ quyền cấp thôn do địch đặt ra. Tạo On cũng là nông dân lao động, tuy có bắt nạt dân, nhưng tất cả các ông tạo kiểu Tạo On đều thường bị Tây đồn và quan mường bóc lột, đánh đập chẳng khác người dân thường. Có khi còn bị nhiều hơn, vì có công việc dính líu với quan nha. Tôi đã gặp nhiều thứ Tạo On như thế trong các làng Thái mới giải phóng. Chính sách của Đảng đã thể hiện rất hợp. Chính sách không đặt Tạo On đứng cùng đám với bọn chúa đất, nguỵ quyền gian ác. Trên cơ sở có thật, tôi đã đứng về phía chính sách, sáng tạo ra nhân vật Tạo On.
Như vấn đề phụ nữ đi cày ở Tây Bắc. Chi em Thái và Mường lên ở khu du kích đều biết cày, cuốc như nam giới. Trong khi đó, ở khắp mọi nơi, thói tục lạc hậu nghìn năm trói buộc, người phụ nữ không ai biết cầm đến cái cày. Chính quyền cách mạng đến trên núi đã giáo dục quyền lợi bình đẳng lao động ấy cho chị em cùng với nhiều quyền lợi, nhiệm vụ khác. Tôi trông trước thấy nếu Tây Bắc giải phóng, nhất định chị em ở ruộng sẽ được ảnh hưởng của chị em trên khu du kích tràn xuống. Những việc đúng, tuy bây giờ mới chỉ là đốm lửa le lói, nhưng đã thấy trước nó có cơ thành nghìn vạn bó đuốc soi khắp cánh đồng. Nhất định rồi phụ nữ các dân tộc ở Tây Bắc sẽ giành địa vị trong chính trị, xã hội và gia đình xứng đáng với họ. Nhân vật cô Ính trong truyện ngắn Mường Giơn chỉ là một phụ nữ Thái ở vùng tạm chiếm. Nhưng cô Ính, những cô gái khác chưa biết cày như cô Ính, cầm cày còn thẹn vì bị chế giễu “nó hoá thành đàn ông rồi”. Nhưng cô Ính nhân vật của tôi đã biết cày bừa và ham sinh hoạt chính trị. Bởi vì, thù sâu không bao giờ nguôi, cách mạng đã đến trên núi, một cuộc sống mới đương hấp dẫn thúc đẩy người phụ nữ hoạt động. Những yếu tố ấy quyết định cho Ính vượt lên, các cô Ính vượt lên, triển vọng của người phụ nữ Thái vô cùng to lớn. Đó không phải tôi bịa đặt theo suy nghĩ chủ quan mà đó là nhiệm vụ và vinh dự trong triển vọng của phụ nữ Thái, một khi đã được giải phóng.
Những con người trong Truyện Tây Bắc, một người, một việc, một hoàn cảnh nào cũng là thật mà không thật. Xem lại nhật ký sổ tay, tôi không thấy chuyện ai tôi ghi trong sổ tay giống hẳn nhân vật trong sáng tác. Nhưng, chuyện nào cũng phảng phất hình ảnh nhân dân Tây Bắc mà tôi đã thu hút được một phần vào những trang sổ tay ấy. Tâm tính, cách suy nghĩ của A Phủ, đúng là A Phủ thật thà mà tôi đã ở ít lâu với vợ chồng anh ở làng Sọa Hồ. Việc xử kiện theo phong tục cũ là một cảnh tôi được chứng kiến hai đêm liền ở Giáp Khấu, một làng H’Mông trắng. Làng Mường Giơn trong sáng tác của tôi mang nhiều nét của làng Tú Lệ, bên cạnh là làng người Dao ở Phiêng Phàng, trên núi là các làng H’Mông ở Cao Phạ - một vùng điển hình các dân tộc đoàn kết kháng chiến.
Khi cấu tạo một nhân vật, tôi có cảm tưởng bao nhiêu tài liệu có thể dùng được để xây dựng nhân vật đó, dù mới dù cũ, đều tập trung lại. Dựng lên những nhân vật Tây Bắc mà còn phảng phất những năm đầu kháng chiến tôi ở Bắc Cạn, Cao Bằng, và các chuyến đi nhiều nơi khác, các dân tộc khác trên miền núi Việt Bắc và cả Tây Nguyên, năm 1945 tôi có dịp đến. Những hình ảnh này là tấm gương xa, gương gần cần thiết soi lên mọi mặt để đối chiếu trong lúc sáng tạo.
Tài liệu, mắt thấy tai nghe, ghi lại được, nhưng phải trong quá trình nhiều lần làm đi làm lại mới phân biệt được đâu là tài liệu, đau là sáng tạo trên cơ sở tài liêu. Nhân vật phải làm nổi bật lên trên tài liệu chứ không thể để nhân vật bơi lội, chết chìm trong tài liệu như tôi đã thất bại ở tập truyện Núi Cứu Quốc.
Trước nhất, mạnh bạo, “tàn nhẫn” tước vứt đi những chi tiết mình thích mà khi đối chiếu kỹ thì chẳng có ích gì cho nhân vật. Việc này phải làm nhiều lần, mới dần dần làm được.
Truyện Vợ chồng A Phủ, khi viết lại lần thứ ba khác lần đầu tiên. Viết lại lần thứ ba, A Phủ đã tự đứng ra giải quyết công việc và cuộc đời A Phủ nhiều hơn là tôi cứ đem các chính sách, các vấn đề, các thứ tình cảm cứ lắp vào cho A Phủ. Tuy vậy, vẫn chưa lên được đều. Phần sau truyện còn lỏng lẻo so với phần trước. Tôi vẫn thèm viết lại, vẫn áy náy. Gần đây, tôi viết Vợ chồng A Phủ thành kịch phim. Tôi trở lại vùng cao huyện Tuần Giáo – quê anh hùng Sùng Phai Sinh và Vừ A Dính, để viết phim ấy. Một số khuyết điểm lúc còn là truyện ngắn, tôi đã chữa được. Càng rõ hơn: sửa chữa sáng tác là một việc không bao giờ xong.
Ý bao quát trong khi tôi viết Truyện Tây Bắc là: Nông dân các dân tộc ở Tây Bắc bao năm gian khổ chống đế quốc và bọn chúa đất. Cuộc đấu tranh giai cấp, riêng ở Tây Bắc, mang một sắc thái đặc biệt. Nhìn lướt qua, nơi thế lực phong kiến còn đương kéo lùi đất nước lại hàng trăm năm trước, chúng ta dễ tưởng những cảnh những người ở đấy cứ muôn thuở lặng lẽ. Không, ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc không lặng lẽ chịu đựng. Họ đã thức tỉnh. Cán bộ của Đảng tới đâu thì các dân tộc đứng lên tới đấy, trước nhất là những người trẻ tuổi. Họ thật đẹp và yêu đời. Chiến tranh đã làm ly tán, tan nát, nhưng còn một phút sống vẫn còn chờ đợi, vẫn mong, vẫn tin và giữa bao nhiêu đau khổ, vẫn nhìn thấy trước một ngày bình yên, một ngày trở lại yên vui của tình yêu và của đất nước. Làm sao cho tôi thể hiện được lòng tin, lòng yêu cuộc đời của những người trẻ tuổi và sức mạnh tin yêu mãnh liệt đó cuối cùng sẽ đem lại mọi thắng lợi. Tư tưởng yêu đời, khát vọng của cuộc sống gửi vào các nhân vật trẻ tuổi, tôi cố gắng thể hiện.
Một vấn đề khác, ngoài tài liệu và trên cả sáng tác, đó là những ý thơ trong văn xuôi. Vâng, đúng là những ý thơ, đã từ lâu tôi làm. Tôi cảm thấy mà chưa phân tích được. Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được những cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi. Không biết cắt nghĩa sao, nhưng tôi cho rằng ngay trong văn xuôi, cần phải đượm hồn thơ, có như thế văn xuôi mới trong sáng cất cao.
Xét thật kỹ, Truyện Tây Bắc vẫn chưa nói hết những điều mong ước nói lên được. Tư tưởng nhân vật – nghĩa là tư tưởng tác phẩm, nhất là trong tình cảm luyến ai, tình cảm chiến đấu còn tàn tích yếu đuối – tàn tích lãng mạn tiểu tư sản của chính người viết, phần nào có đem vá cho nhân vật. Truyện chưa bộc lộ hết thiệt tình của tôi đối với phần đất nước thân yêu ấy, nó vẫn thua những thiết tha của lòng tôi mà lúc này tôi còn thèm được thể hiện lại hoàn hảo hơn.