Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kiếp phù du thông điệp trắng của Dương Thị Nhụn

Vũ Quốc Văn
Thứ ba ngày 30 tháng 12 năm 2008 9:50 AM

       Thông qua những truyện ngắn viết về cuộc sống đời thường giản dị, đôi khi tưởng như nhẹ thoảng, mờ khuất, hẻo vụn chẳng mấy quan thiết, nhưng với tư duy nhạy cảm của người cầm bút, nhà văn Dương Thị Nhụn đã thẳng thắn bày tỏ quan niệm sống tôn thờ truyền thống, phê phán những thói tật nhỏ nhen ích kỷ nơi con người mà ta vẫn “ vô tư”ngỡ tưởng ở mãi tận nơi nào. Chỉ đến khi hậu quả nhỡn tiền: tình yêu, hạnh phúc có cơ đổ vỡ tiêu tán mới chợt“ giật mình” ngoảnh lại và kịp nhận ra cái điều mình vừa suýt đánh mất… Khoảng lặng là một truyện ngắn như thế.
      Lai gặp Huệ ở một lớp học nghiệp vụ kế toán, anh bỗng bị hút hồn trước sắc đẹp bừng sáng của cô, “Vầng trán mịn màng” “đôi mắt thăm thẳm”. “ Lai thấy mình bồng bềnh như trôi trên sóng”. Cũng phải, ở phía ngôi nhà Lai, anh đang có một người vợ tảo tần  mệt mỏi và những đứa con. Nghĩa là Lai đã có một gia đình yên ấm nhưng tình cảm thì đã nhàm cũ đôi khi chán ngắt với những gì quen thuộc dù người vợ một thời yêu quý của anh không có lỗi. Vì cái cảm xúc chênh chao xao xuyến trước một người đàn bà đẹp làm cho lý trí và bổn phận người đàn ông là Lai lú lẫn. Và Lai tìm đến những cuộc hẹn hò để hưởng cái cảm giác yêu đương ngọt ngào mới lạ đầy ma lực hút cuốn kia mà trong lòng ngỡ rằng đây mới là tình yêu đích thực.
     Huệ là một thiếu phụ yêu chồng, thậm chí cô tin tưởng chồng cô- một người đàn ông chỉ biết có công việc và rất trách nhiệm với vợ con. Huệ không mảy may nghi ngờ thậm chí tin yêu chồng đến độ thành kính. Nhưng trước tình cảm chân thành của Lai, Huệ lần lữa né tránh nhưng rồi cuối cùng cô cũng bị xiêu lòng lạc bước. “Lai đã thổi bùng trong lòng Huệ ngọn lửa tưởng từ lâu đã tắt”. Huệ đấu tranh dằn vặt có nên gặp Lai?  Nhưng có một phút phiêu lạc thì lòng chung thuỷ của Huệ đành chào thua vì thổn thức của con tim lâu ngày ít khi nào loạn nhịp. Huệ quyết định gặp Lai dù cô không phải tuýp những người đàn bà lả lơi.
     Và, thật không thể ngờ được chính Huệ phải chứng kiến cảnh chồng cô, người mà bấy nay cô tin tưởng, anh lại là kẻ ngoại tình. Huệ bị sốc! Cơn sốc này khiến Huệ tỉnh ra, Huệ ân hận vì suýt nữa cô đã là kẻ tội đồ tự phá hoại hạnh phúc của chính mình. Truyện không lạ, chúng ta vẫn thấy đâu đó trong  đời thường. Có điều người kể cứ nhẩn nha thủ thỉ để các tình tiết tự nó bung ra rồi găm lại trong lòng người đọc. Khoảng lặng là một truyện ngắn mang tới cho đời sống tình yêu vợ chồng một sự lay thức cần thiết cho bản năng con người hãy sống và làm tròn bổn phận và giữ gìn cái “Khoảng lặng” quý giá của riêng mình.
     Cùng với Khoảng lặng là những truyện Thức tình, Biển hôm nay không có sóng, Vẫn biết trời không mãi xanh cùng một vài truyện khác nữa của Dương Thị Nhụn là những “ Câu chuyện đời” của thời chúng ta đang sống. Tác giả có khả năng cập nhật và khá nhạy cảm trước những biến đổi phức tạp của xã hội thời kinh tế thị trường. Phải là người nặng lòng với con người với cộng đồng tác giả mới yêu ghét, thân thương nâng đỡ nhân vật của mình như thế.
     Cặp vợ chồng già sống gần nhau tình nghĩa mỗi ngày một thêm sâu nặng nhưng cái xuân thì thì đã là thời mãn khai quá vãng. Vào cái tuổi xế bóng ấy người vợ muốn nương tựa chốn thiền môn tịnh vắng hơn là thụ hưởng thú vui trần tục. Bà thấy ngại, thấy sợ phải thực hiện giới phận của người đàn bà. Tuy nhiên, cái nghĩa tình chồng vợ bấy nay của bà thì bà không thể…bà thấy thương ông nhiều lắm. Nhưng quy luật đời người chẳng cưỡng nổi thời gian, tuổi tác. Người vợ để chồng ở lại quê nhà (dù bà hoàn toàn không phải là hạng người vô cảm) bà đi theo con cháu sang sống mãi tận bên trời Tây. Nhưng đến cái hồi phải xa mặt cách lòng thì cả hai người già chồng vợ ấy mới thấy cần đến nhau biết nhường nào. Có lẽ sự xa cách, thiếu vắng, cô đơn đã khiến mối tình già nguội ngắt kia ấm nồng trở lại. Nhưng để nhận chân được điều này con người ta cũng phải nếm trải, phải ngấm thấm cái sự “tự đánh mất” mới ngộ ra rằng họ không thể không nên thiếu nhau. Dương Thị Nhụn đã lý giải điều đó trong truyện ngắn Thức Tình.
       Truyện ngắn Dương Thị Nhụn dường như không có chủ trương đề cập đến vấn đề thế sự to tát mà chị rẽ vào mảng vỉa sinh hoạt đời thường như trên đã nói. Tuy nhiên để bước vào địa hạt đời sống thường nhật và muốn gặt hái hay ít nhất gieo được một sự chú ý đồng cảm sẻ chia nào đó của người đọc thì đâu có dễ dàng gì. Thật may, Dương Thị Nhụn là một người viết  sinh ra lớn lên ở nông thôn, trưởng thành rồi mưu sinh ở thành thị nên những trải nghiệm chị có đã giúp chị rất nhiều trong khi viết về cuộc sống thời đô thị hoá quá xô bồ ào ạt hôm nay. Tác giả là người phải trăn trở nhiều lắm mới viết ra được những điều mình muốn chuyển tải, nói khác đi là gửi thác những thông điệp mình nhận biết đến với người đọc.
       Phải ghi nhận rằng Dương Thị Nhụn đã chọn cho mình một hướng đi đúng, một phương cách thể hiện phù hợp với từng tác phẩm. Dương Thị Nhụn biết vịn dựa vào nội lực và thế mạnh giới tính của mình cho nên mỗi trang viết của chị luôn nồng nhiệt đằm mặn không hề bị đuối nhạt, gượng ép vì thiếu vốn sống và cảm xúc. Chị “rất  thuộc” đời sống của nhiều loại dạng nhân vật: từ nông dân đến quan chức, trí thức hay những hạng  người nhỏ nhen đố kỵ, hợm của học đòi trưởng giả nên trong mỗi tác phẩm  hiện rõ cái tâm lực cái tình của người viết. Không “ thuộc” không thể gom chắt được nhiều chi tiết sống động như thế.
       Chúng ta hãy đọc những truyện ngắn khác như Sống ngược,  Kiếp phù du, Cái bóng, Đổi mầu,  hay Chuyện ở đám giỗ, Hai người đàn bà… sẽ chia sẻ được điều này.
      Phần lớn tác phẩm trong Kiếp phù du của Dương Thị Nhụn không mang tính luận đề máy móc giáo điều, song những gì đặt ra trong mỗi câu chuyện người đọc cảm nhận được nhiều điều gần gũi với luân lý chân thiện. Tác giả không hề có sự lên gân, cưỡng gượng mà với lối viết tinh tế của chị tự nó hiển lộ ra điều ấy. Đây có lẽ là một dấu hiệu rất đáng mừng với người dám lấy chữ nghĩa làm kiếp nghiệp dấn thân. Tôi nghĩ rằng tác giả Kiếp phù du còn có thể đưa đến cho chúng ta nhiều tác phẩm đẹp như những bài thơ - một câu chuyện cổ tích về ý nghĩa nhân văn, tình ruột thịt mà truyện ngắn Liễu ven hồ là một ví dụ đáng để chúng ta hy vọng nếu tác giả không dừng lại không bằng lòng với những gì hiện có.
    Kiếp Phù du, tập sách gồm 17 truyện ngắn, 259 trang in, bìa màu trầm huyền ảo của Nhà văn Dương Thị Nhụn do Nhà xuất bản Lao Động- Nhà sách 30 Hàn Thuyên liên kết ấn hành đã đến tay bạn đọc Hải phòng và bạn đọc cả nước. Với giới hạn của bài viết nhỏ này tôi mạo muội đôi dòng suy nghĩ và cảm nhận đầu tiên về tập sách. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
                                                                                         Đêm cuối Thu năm Chuột
                                                                                               Vũ Quốc Văn
ĐC: Vũ Quốc Văn
Hội Nhà văn Hải Phòng
19- Trần Hưng Đạo Hải Phòng
ĐT: 0313.823112
DĐ: 0985993329