Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà số 4 - những câu chuyện bên gốc đại già

Ngô Vĩnh Bình
Thứ ba ngày 30 tháng 12 năm 2008 11:35 AM
 

Mới ngày nào, là anh Trung sĩ, lính của một sư đoàn bộ binh đóng quân trên miền sơn cước khoác balô lớ xớ về Văn nghệ Quân đội mà Tết này đã 30 năm! Ba mươi năm làm việc ở phố nhà binh (phố Lý Nam Đế -Hà Nội)... được đứng trong đội hình các nhà văn áo lính lẽ dĩ nhiên là tôi rất tự hào vì từ ngôi “nhà số 4” của chúng tôi đã có những nhà văn bước ra làm Bộ trưởng (1 ông ), Chủ tịch Hội Nhà văn (2 ông ), Tổng Biên tập báo Văn nghệ (3 ông ); trở thành những tướng lĩnh của quan đội (4 ông ); được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (4 ông ) trong đó có những tên tuổi đã được gắn biển cho những trường học, đương phố; dĩ nhiên là tôi rất tự hào vì tờ báo chúng tôi là một Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và địa chỉ “số 4” được nhà thơ Xuân Quỳnh sinh thời ví như một “Hội Nhà văn thứ hai” của các nhà văn trẻ…Nhưng có lẽ, cái mà tôi bị ám ảnh nhất, dai bền nhất là những chuyện thường ngày bên hai gốc đại già, chuyện “ lao động nhà văn” ở đây.


          Nói là lao động nhà văn cho to tát, văn vẻ chứ thực ra chỉ là những chuyện làm nghề với đầy những tất bật, cũng lao tâm lao lực, “mồ hôi mồ kê” như những nghề bình thường khác.


           Nhà văn ở những cơ quan khác không biết thế nào chứ nhà văn nơi “nhà số 4” thì luôn phái sống trong cảm giác “không bình yên” nếu không cầm bút!. Nhà văn Chu Lai bảo đôi lúc thấy rất sợ hãi khi phải ngồi đối diện với màu trắng của màn hình computer (trước kia là trang giấy trắng), nhưng rồi cũng phải “ngả giấy ra mà viết”. Và viết với ông đã như ăn cơm ăn uống nước hàng ngày.


           Nhà văn Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung - tác giả của Bức thư làng Mực năm nào năm nay đã bước vào tuổi 80, sau những năm trận mạc máu lửa và bận rộn đáng lẽ được nghỉ ngơi, vẫn lọc cọc chống nạng đi thực tế trong nam ngoài bắc, cắp sách đến Trung tâm sáng tác Hội Nhà văn… học viết văn để rồi có được tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út vừa đoạt Giải Hội Nhà văn 2008. Người ta kể rằng, thời chiến tranh, cùng sống và đánh giặc trên một mặt trận, ông và ông Nguyên Ngọc trong một thời điểm cam go nhất của chiến trường Khu Năm đã ngoeó tay với nhau viết một cái gì đó để cổ vũ đồng bào chiến sĩ ta chiến đấu. Và Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc cùng Bức thư làng Mực của ông đã được hoàn thành trong những căn lều dã chiến giữa rừng sâu, trong cơn đói và vòng vây của biệt kích pháo bầy.


Cùng tuổi sắp bát tuần như Nguyễn Chí Trung, nhà văn Hồ Phương vừa cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Cha và con viết về thời thơ ấu của Bác Hồ. Cuốn sách được in với số lượng rất lớn, được đưa vào vòng chung khảo Giải Hội Nhà văn, trước đó chừng một hai năm Hồ Phương đã viết tới ba tập truyện vừa, tiểu thuyết khác. Nghĩ về chuyện viết của ông, tôi lại nhớ khi ông còn đương chức có lần gõ cửa buồng Phó Tổng Biên tập xin chữ ký thấy ông vừa bỏm bẻm nhai kẹo vừa lia bút, phải đợi một lúc mới ngẩng lên: “Xin lỗi vì nhà xuất bản sắp sang đòi chương cuối bản thảo Cánh đồng phía Tây!”. Lại có lần nghe nhà văn Vũ Sắc kể: năm 1964, đồng bào và chiến sĩ cả nước nóng lòng muốn biết về chiến công của bộ đội ta ở đảo Cồn Cỏ anh hùng, Tổng cục Chính trị yêu cầu phải có một quyển sách viết về các chiến sĩ ở đó trước Tết nguyên đán. May đúng dịp có đồng chí Trần Đăng Khoa đảo phó Cồn Cỏ ra Hà Nội công tác đang nghỉ ở Trạm 66. Chớp thời cơ, Hồ Phương đến “ tác nghiệp” ngay. Hỏi chuyện đến đâu, viết luôn đến đó. Kế hoạch mỗi ngày một chương, viết đến đâu, nhà xuất bản đánh máy, duyệt đến đó. Mệnh lệnh được đưa ra là trước Tết ông táo (23 tháng Chạp) phải có sách! Chừng 20 ngày, Hồ Phương lia xong bản thảo cuốn và đúng hôm táo quân về chầu giời 15.000 trong tổng số 30.000 cuốn Chúng tôi ở Cồn Cỏ được in ra. Nghe nói, Bác Hồ rất xúc động khi nghe đồng chí Thư ký riêng đọc cốn sách này, nhiều đoạn Bác bảo đọc lại Bác nghe…


           Tuổi Ngọ 1930 ở “nhà số 4”, ngoài các nhà văn Nguyễn Chí Trung, Hồ Phương, còn các nhà văn Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu nữa, năm ông cả thảy mà ông nào viết cũng “rất trâu”.


           Xuân Thiều ngay từ thời còn là anh lính 20 tuổi làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời nơi bờ bắc sông Bến Hải đã “không nản chí trước những lời giễu cợt” của bạn bè đêm đêm sau những giờ bôn tập, canh gác lại buông mùng thắp đèn lầm lũi viết. Viết hết tin đến  bài, lại làm thơ và sáng tác truyện gửi báo Quân độ nhân dâni, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… chỗ nào cũng hoặc không thấy hồi âm và nếu nhận được thư trả lời thì đó chỉ là những lời chê. Vậy mà năm 1958 chính cái ông viết thư chê ông nhiều nhất là nhà văn Hà Mậu Nhai ở VNQĐ lại là người đầu tiên báo tin truyện ngắn Trắng đêm của ông được giải trong cuộc thi truyện ngắn và sắp tới ông sẽ được Tổng cục Chính trị triệu tập về Thủ đô để viết! Sau này khi đã thành danh, đẫ là “sếp” ở nhà số 4 Xuân Thiều vẫn cứ hay “ tránh việc quan đi..viết” như vậy. Nhớ một thời, trong văn giới lưu truyền câu ca: Trời sinh ra bác Xuân Thiều/ Nơi nào mở trại là điều bác đi (trại ở đây là trại sáng tác văn học). Làm việc hết mình như vậy nên khi từ giã bạn bè người thân về cõi Vĩnh Hằng, Xuân Thiều đã để lại một văn nghiệp không lớn nhưng cũng không thể gọi là nhỏ bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, bình luận văn nghệ, câu đối và quanh ông cũng có biết bao giai thoại.


          Nguyễn Minh Châu thì khác, ông mê viết, nghiện viết nhưng phải ngồi một mình tĩnh tại mới cầm cây bút được. Nhà ông bấy giờ ở tập thể quân đội 3B - Ông Ích Khiêm (Hà Nội) chật chội nên sáng sáng ông đạp xe đến cơ quan uống trà, giao lưu một vài câu chuyện mà thường là kể lại những gì ông vừa mới thấy trong sách, trong khu tập thể hay ngoài đường, chờ đến khi vợ con đã ra khỏi nhà ông mới mò về đóng cửa ngồi “cày”. Cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, nằm trên giường bệnh ông vẫn có thói quen “viết lén” bác sĩ, viết lén vợ. Nhà văn Đỗ Chu kể, vào một ngày đầu năm 1989 ông từ Bắc Ninh về Hà Nội và đến Viện quân y 108 thăm Nguyễn Minh Châu . Lúc ấy bệnh tình của tác giả Dấu chân người lính đã nặng lắm, người “gầy sọp, ngực lép, tiếng nói vốn đã khẽ, đã rè, nay càng khê, càng rè hơn”. Ông Châu hỏi  là thích cái nào sau khi được biết ông Chu vừa đọc xong mấy cái truyện ngắn của ông. Đỗ Chu thưa Khách ở quê ra, Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài xa. Nguyễn Minh Châu cho biết sẽ viết một cái nữa về quê ông có tên là  Phiên chợ Giát nếu cầm lại được cây bút. “Em đợi!”- tác giả của Hương cỏ mật năm nào và Thăm thẳm bóng người mới in thưa. Bà Nguyễn Thị Doanh- vợ nhà văn, nhớ lại, bà cứ sểnh ra là ông lại nhoài người vớ lấy cây bút, có đêm chờ cho bà thiu thiu ngủ, ông thò đầu ra khỏi mùng lấy ánh sáng viết. Truyện ngắn cuối cùng của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã ra đời như vậy!


           Nhưng tất cả những ông nhà văn “ngựa vía” kia đều phải “chào thua” nhà văn Nam Hà. Ai đã đọc Mùa rẫy của ông mới thấy chuyện viết văn của ông ở chiến trường Khu Sáu những năm chưa xa cực nhọc như thế nào. Một nhà văn nước ngoài đọc xong tập sách nói, một nhà văn phương Tây giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không thể hình dung được lao động của các nhà văn quân đội Việt Nam thời bấy giờ! Khi ở chiến trường đã vậy, lúc hoà bình rồi việc vết văn với Nam Hà cũng không “cải thiện” được là bao.  Năm 1979 ông “ trốn” vợ con vào trại an dưỡng Quân đoàn 4 nằm ở ven sông Sài Gòn- một khu biệt thự sang trọng vốn là nhà nghỉ cuối tuần của Tổng thống Thiệu- nhưng ông vào đó không phải là để nghỉ dưỡng mà là để viết, để hoàn thành bộ tiểu thuyết Đất miền Đông (hai tập, 1.300 trang ). Nhiều cán bộ chiến sĩ phục vụ ở đó đến giờ còn nhớ có ông bộ đội nhà văn ăn uống không theo một giờ giấc, quy định nào. Làm việc quên ngày, quên đêm, chỉ khi nào đói bụng mới mò xuống nhà bếp chén mà là chén sạch cả đồ nguội,  cả những thứ mà người ăn trước ăn không hết (ông bảo không phải là ăn thừa mà là ăn thêm). Biết chuyện, các đồng chí cán bộ đến an dưỡng ở đây áy náy vô cùng nên không ai bảo ai, mỗi người trước khi ăn đều lặng lẽ bỏ vào xuất cơm của Nam Hà khi là miếng thịt, miếng đậu khi là thìa canh, cọng rau. Thời gạo châu củi quế thế là quý nhau lắm. Nam Hà rất lấy làm cảm động. Hôm đánh cái dấu chấm hết bản thảo Đât miền Đông và liên hoan chia tay ông bày tỏ lòng biết ơn các đồng đội và tự trách rằng, đã làm phiền, đẫ để nhiều đồng chí lắm phen phải ..đói. Nghe vậy có đồng chí sĩ quan xua xua tay: “Rồi, rồi, chuyện nhỏ mà anh Hai, chẳng qua tụi tui cũng muốn sớm được coi tác phẩm!”. Sau này khi đi thực tế đường dây 500 kilôvôn để viết tập bút ký Dặm dài đất nước (ngót 500 trang), ông cũng cứ xe đò, xe tải, xe ôm đến từng lán trại, ăn xuất cơm, uống ca nước cùng anh em công nhân. Biết chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt  khi ấy rất lấy làm cảm động, đích thân ông đã lệnh cấp cho Văn nghệ Quân đội một chiếc xe con. Chiếc xe ấy hiện anh chị em nhà số 4 còn dùng. Năm trước, sau khi tổ chức “thất tuần đại khánh” (sinh nhật 70 tuổi)  ông đã từ Hà Nội khăn gói về quê Nghệ An và nằm lỳ ở đó cả năm trời để hoàn thành cuốn tiểu thuyết Thời hậu chiến  ngót 700 trang. Cuốn sách đang nằm trên bàn biên tập Nhà xuất bản QĐND và sẽ ra mắt bạn đọc vào thời gian tới.


         Chuyện viết lách nơi “nhà số 4” còn có thể lai rai như chuyện Thu Bồn tự tay đóng bàn viết, viết ngay buổi trưa để buổi chiều… còn đi gặp “bồ”; chuyện nhà văn Mai Ngữ “quan không ra quan, dân chả ra dân /đi đi , ở ở cóc ai cần”, nổi tiếng với câu nói khi bị thủ trưởng cơ quan phê bình đến họp muộn: “tôi đến sớm cũng không ngồi được vào chỗ của ai, tôi đến muộn cũng chả ai ngồi vào chỗ của tôi ”, đủng đỉnh cả đời thế mà làm nên những “chuyện như đùa” được người đời ví như một Azit Nêxin của Việt Nam; chuyện Vương Trọng “chán” làm thơ chuyển sang làm nhà “Kiều học” (ông mới dịch thơ tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có đến cả trăm bài )…


       Noi theo các bậc đàn anh, những nhà văn trẻ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội bây giờ cũng thế. Bầu trời riêng cử họ là cái màn hình máy tính, ngó vào phòng nào cũng thấy độc cái cảnh ấy. Người ta thế mình không thế ngượng lắm, i như thời trước, thấy Tướng Tổng Biên tập Dũng Hà mổ cò gõ máy chữ là anh em dưới quyền vô cùng sốt ruột bởi nghĩ có khi “sếp” sắp …xin đường!. Là thế nên Nguyễn Bình Phương mới có đủ trọn bộ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca, tiểu phẩm…Riêng tiểu thuyết anh “năm một” sòn sòn cả thể 7 tập (Vào cõi, Bả giời, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già,Thoạt kỳ thuỷ và Ngồi).


Người ta nói đất số 4 “ được đất” , ai về nhà ấy sớm muộn rồi thì cũng phải viết. Bằng chứng là cô Tuần quân y, bác Đương bảo vệ năm nào cũng viết truyện ngắn, được các nhà văn Triệu Bôn, Nguyễn Bảo rất khen, chỉ chê cách viết còn vụng; cái chuyên luận về Truyện Kiều của anh Hiên - trợ lý chính trị dày cả trăm trang cũng được đưa nhà phê bình văn học Hồng Diệu đọc, nhưng ông không cho ý kiến mà chỉ tủm tỉm cười…


Nhà phê bình văn học Nhị Ca- trưởng ban Lý luận phê bình đầu tiên của tạp chí có lần viết trên tờ Văn nghệ về thi sĩ Hoàng Lộc “cởi trần, đầm đìa mồ hôi ngồi viết Chặt gọng kìm đường số 4, trong đó có bài thơ Viếng bạn với những dòng chữ to như hòn bi, trên tập giấy bản hút mực nhoè nhoẹt”, dưới ánh nến nhựa trám bập bùng, tuôn khói khét lẹt, mắt thi sĩ  “sáng lên một cách lạ lùng, ánh sáng của phút phân thân sáng tạo và của cơn sốt âm ỉ báo hiệu anh chớm bị bệnh lao”. Đọc những dòng này có người bảo, đó là những tạo dựng ban đầu cho một phong cách viết của các nhà văn – chiến sĩ, rồi lâu dần thành thói quen. thành truyền thống của các nhà văn áo lính .


         Đất, nước chỗ hai cụ đại già nơi “nhà số 4” hay truyền thống của một quân đội vừa đánh giặc vừa làm thơ đã làm ra những câu chuyện như tôi vừa kể? Là người duy vật, nhưng tôi cũng mạo muội thưa rằng: “Dạ thưa! Cả hai! ”.

 Thập Tam trại, những ngày cuối năm 2008
NGÔ VĨNH BÌNH