Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phạm Sỹ Sáu & tiếng lòng hướng về những cánh rừng biên giới

Phan Hoàng
Thứ bẩy ngày 3 tháng 1 năm 2009 12:28 PM

 
Cách đây tròn 30 mùa xuân, trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng đất nước Chùa Tháp, có một người lính trẻ Sài Gòn gốc Quảng mà chỉ vài năm sau đã trở thành nhà thơ áo lính tiêu biểu của thế hệ thứ ba bước ra từ cuộc chiến này. Đó là Phạm Sỹ Sáu, tác giả của những bài thơ nổi tiếng Hành tráng sĩ mới, Ra đi từ thành phố, Điểm danh đồng đội, Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ,… đã từng gây xúc động lớn lao khi cả nước hướng ra tiền tuyến. Giữa sự tĩnh lặng kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử, hoàn thành sứ mệnh nghĩa vụ quốc tế, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã cho ra mắt tập thơ Khúc ca đồng đội (Nxb Trẻ) để tưởng nhớ bao người lính đã hy sinh và an ủi những đồng đội còn sót lại từ cuộc chiến khốc liệt gần như bị lãng quên... 

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ. Đại quân tình nguyện cũng đã hồi hương từ lâu. Tập đoàn diệt chủng Pol Pot- Ieng Sary kẻ bị tiêu diệt, kẻ chết thảm trong rừng già và những tên đồ tể còn lại phải ra trước vành móng ngựa quốc tế đền tội ác. Tuy vậy, trong ký ức những người lính trực tiếp tham chiến, nhất là những người - lính - thi - sĩ, thì cuộc chiến tranh khốc liệt ấy vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Khi cửa rừng biên giới Tây Nam khép lại thì đời sống tâm linh lại mở ra trong họ những kỷ niệm thiêng liêng xa xót. Như những câu thơ mang tính dự báo của Phạm Sỹ Sáu từ năm 1981:  

“Cái riêng trong lòng đã chia sẻ cho nhau

Vết thương nào không quằn quại cơn đau”

Ngồi tư lự với tôi trong quán cà phê, nhớ về thời đã qua, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chua xót: 

- Điều tôi đau khổ nhất là không hiểu sao cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam bị lãng quên. Khi trở lại thăm Campuchia, đến thắp hương những đền thờ tưởng niệm hàng triệu người diệt chủng, mới thấy được vai trò của quân tình nguyện Việt Nam là quyết định trong việc ngăn chặn bàn tay diệt chủng của Pol Pot. Thế giới cũng đã công nhận điều đó. Trong khi ở trong nước, mới 30 năm mà đã bị lãng quên, ngỡ như cuộc chiến này còn xa hơn cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp.

 - Anh có thử lý giải vì sao cuộc chiến khốc liệt và cao cả như thế mà bị lãng quên, thưa anh? 

- Tôi có cảm giác hình như do một sự mặc cảm nào đó. Trong khi rõ ràng đây là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và giúp bạn với tinh thần nghĩa vụ quốc tế, hy sinh xương máu rất nhiều. Thắng lợi từ cuộc chiến này là tiền đề cho sự hồi sinh và phát triển của nước bạn Campuchia lẫn nước ta. 

- Chuyển sang vấn đề thi ca, với tư cách nhà thơ mặc áo lính thuộc thế hệ thứ ba, anh nhìn nhận ra sao về sự đóng góp của hai thế hệ trước mình. Theo anh, những nhà thơ nào là đại diện tiêu biểu cho mỗi thế hệ? 

- Những nhà thơ quân đội thế hệ trước đã khắc họa được hình ảnh người lính kiểu mới trong thời đại mới. Đó là những chiến sĩ chiến đấu vì lý tưởng, vì mục tiêu độc lập, tự do cho Tổ quốc. Theo tôi, thế hệ nhà thơ quân đội chống Pháp tiêu biểu có Quang Dũng, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Chính Hữu. Thế hệ chống Mỹ thì các nhà thơ mặc áo lính nổi bật khá nhiều: Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Văn Lê,… 

- So với hai thế hệ trước thì các nhà thơ quân đội thế hệ thứ ba hơi khiêm tốn. 

- Đúng vậy. Sau khi đất nước vừa hòa bình thống nhất năm 1975 thì lại xảy ra hai cuộc chiến tranh ngắn ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Vì thời gian ngắn nên nó thiếu vắng hình dáng văn học. Chưa có một dòng văn học rõ ràng. Người lính làm nghĩa vụ quân sự có thời hạn. Các cây bút xuất thân từ trong chiến tranh thường mang tính tự phát, đội ngũ lại khiêm tốn. Trang viết mang hơi thở chiến trường, mới ở dạng phác thảo, ghi nhận chứ chưa có đủ độ lùi về thời gian, độ chín về suy ngẫm để xây dựng hình tượng người lính như giai đoạn trước. 

- Anh có thể cho biết rõ nét hơn về đội ngũ những nhà thơ mặc áo lính tình nguyện trên các mặt trận. 

- Những nhà thơ mặc áo lính thế hệ thứ ba ở Quân khu 7 có Thành Nguyễn và tôi, Quân khu 9 có Lê Mạnh Tuấn và Huỳnh Kim, Quân đoàn 4 có Nguyễn Quốc Trung, Quân khu 5 có Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn. Riêng Lê Minh Quốc và Đoàn Tuấn sau khi xuất ngũ trở về đời sống dân sự thì mới viết nhiều. Bên cạnh đó, có những nhà thơ thế hệ chống Mỹ tiếp tục cầm súng và viết về chiến tranh Tây Nam như Thu Bồn, Ngân Vịnh, Văn Lê, Trần Thế Tuyển, Lam Giang,… Ngoài ra, còn đông đảo đội ngũ nhà thơ từ hậu phương đi thực tế ngắn hạn chiến trường để viết.

 - Cho tới nay chưa có một sự tổng kết nào về văn học chiến tranh biên giới. Phải chăng do không có gì đáng kể để tổng kết hay còn vì lý do nào khác? 

- Dù các nhà văn nhà thơ mặc áo lính thuộc thế hệ thứ ba hơi ít, nhưng dòng văn học về cuộc chiến tranh biên giới khá phong phú, số lượng người viết khá nhiều, do sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cầm bút các thế hệ. Sở dĩ chưa có một sự tổng kết về văn học chiến tranh biên giới là do ý thức chung của toàn xã hội.  

***

Phạm Sỹ Sáu sinh trưởng ở làng Xuân Thiều, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Thời trung học ở trường Phan Chu Trinh, Phạm Sỹ Sáu may mắn được học Việt văn với những người thầy giỏi như Trần Xuân Mai, Dương Ngọc Tạo, Nguyễn Đình Trọng. Những người thầy đã chỉ ra được cái hay cái đẹp và đem lại cho học trò tình yêu mãnh liệt đối với văn chương dân tộc. Học hết bậc trung học, năm 1974 Phạm Sỹ Sáu vào Sài Gòn học Trường đại học Khoa học để lấy chứng chỉ thi vào Trường đại học Y khoa. Hai năm sau ngày đất nước thống nhất anh thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi sang chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. 

Cuộc đời nhà thơ Phạm Sỹ Sáu “vận” với con số 8. Những bài thơ đầu tiên anh làm vào năm lớp 8. Sau ngày miền Nam giải phóng anh ngừng sáng tác, cho tới năm 1978 khi ở quân ngũ mới có cảm hứng viết lại. Năm 1988, từ chiến trường nước bạn trở về, anh rời quân ngũ, hoạt động văn học chuyên nghiệp. Và như một định mệnh, mười bài thơ đầu tiên mà Phạm Sỹ Sáu viết khi học lớp 8 ở Đà Nẵng là về chiến tranh. Cũng dễ hiểu thôi, khi ấy cả miền Nam là một chiến trường, mà thành phố Đà Nẵng là một trong những căn cứ chiến lược quân sự lớn nhất do Mỹ đổ đôla xây dựng. Tiếng bom gầm đạn xé, cuộc sống thời chiến không tránh khỏi “phủ sóng” lên tâm hồn thơ bé Phạm Sỹ Sáu. Để rồi gần mười năm sau, anh trở thành một trong những nhà thơ viết về chiến tranh nổi bật thế hệ mình, thế hệ thứ ba của những người - lính - thi - sĩ lớn lên khi nước nhà thống nhất, tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc.  


 

Giống như thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ, thơ Phạm Sỹ Sáu chinh phục lòng người bởi đời sống tươi rói của chiến trường, mà ở đó không chỉ có đạn bom, không chỉ có bắn giết nhau, mà còn có tình yêu và lòng khát khao vô bờ về một cuộc sống bình thường của người lính. Trong bộ phim tư liệu Phạm Sỹ Sáu- Điểm danh đồng đội do VTV3 thực hiện cuối năm 2003, một đồng đội của anh là nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng thơ Phạm Sỹ Sáu là biên niên của những người lính trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Điều đó chẳng cường điệu chút nào. Cho tới nay nhà thơ Phạm Sỹ Sáu đã xuất bản các tập thơ: Hãy mở lòng ra mùa thu tới (1973), Khúc ca vào chiến dịch (1982), Điểm danh đồng đội (1988), Chia tay cửa rừng (2002), Khúc ca đồng đội (2008) và trường ca Ra đi từ thành phố (1994).

  Trong sổ tay của nhiều người, nhất là những người lính Tây Nam, tôi đã gặp những bài thơ thời chiến của Phạm Sỹ Sáu được ghi chép một cách trân trọng: Điểm danh đồng đội, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Thơ lính tặng những người con gái chưa quen, Trước đền Ăngco Vat, Với Poi Pét mùa mưa,… và đặc biệt là Hành tráng sĩ mới, bài thơ làm bằng thể hành mang âm hưởng Tống biệt hành của Thâm Tâm nửa thế kỷ trước, trong đó có đoạn: 

“Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch

Không là thở than của khúc Tống biệt hành

Tráng sĩ chừ qua sông, qua sông

Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ

Trận tiền chừ là nơi súng nổ

Cung kiếm chừ là khẩu AK

Chung rượu chừ tráng sĩ hề không say

Lòng say con mắt ai…” 

Vì sao nhà thơ Phạm Sỹ Sáu lại chọn thể hành để diễn đạt bài thơ này? Anh cho biết: 

- Chủ kiến của tôi khi làm bài Hành tráng sĩ mới là muốn tự so sánh những người lính tình nguyện giống như Kinh Kha một đi không trở lại. Và chỉ có thể hành mới diễn đạt được tư tưởng, còn dùng hình thức thơ khác thì dễ trôi đi, nó không khảng khái, bi tráng. Tuy nhiên, trong thơ tôi, thể hành không nhiều. 

- Sử dụng một thể thơ cũ để diễn đạt một tư tưởng mới, mà thành công, cũng là một sự sáng tạo, một cách làm mới thơ. Về nội dung, thơ anh đã ghi nhận và thể hiện được cuộc sống chiến đấu khốc liệt lẫn chiều sâu nội tâm cũng không kém phần “khốc liệt” của những người lính làm nghĩa vụ quốc tế.

 

hspace=0


Phạm Sỹ Sáu thời ở chiến trường K


hspace=0


Phạm Sỹ Sáu thăm lại chiến trường xưa


- Giống như đời sống của người lính trên chiến trường, thơ tôi nhiều từ ngữ thô ráp, nhiều chi tiết trần trụi. Cho tới bây giơ, tôi cảm thấy mình còn mắc món nợ lớn với đồng đội, nhất là những người đã mãi mãi ngã xuống. Thơ tôi vẫn hướng về những cánh rừng biên giới, về những miền đất xa xôi của chiến trường xưa… 

- Dù xương máu đổ ra không ít nhưng hình như cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc ít được nhắc đến như hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Anh có cảm giác như vậy không?

 - Tôi có cảm giác cuộc chiến tranh biên giới dễ bị lãng quên. Dù mới trôi qua gần mười lăm năm nhưng nó đã mất hút trong tiềm thức nhiều người. Vì vậy, đội ngũ cầm bút về cuộc chiến tranh này ít, dù số người trực tiếp cầm súng rất đông, xương máu đổ ra rất nhiều. 

- Bây giờ bình tâm nhìn lại, anh thấy có sự khác biệt gì giữa cuộc chiến tranh này so với hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ? Đâu là sự khó khăn lớn nhất mà người lính tình nguyện phải vượt qua cả vật chất lẫn tinh thần? 

- Đây là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng không ác liệt. Kẻ địch không mạnh. Nhưng quân ta hy sinh nhiều. Một phần vì chủ quan. Một phần do còn hậu phương để lui về. Tiến một trăm mét thì có thể hy sinh. Lùi một trăm mét lại sống cuộc sống hòa bình. Cuộc đấu tranh tư tưởng của người lính trên chiến trường đối với bản thân mình mạnh mẽ hơn thế hệ chống Pháp và chống Mỹ. Hai thế hệ trước chỉ có một con đường là tiến thẳng ra mặt trận, vì hậu phương cũng là tiền tuyến. Còn đối với người lính tình nguyện ở Campuchia, hậu phương tuy có khó khăn khổ nhọc nhưng không đổi bằng mạng sống. Hơn nữa, nếu anh không can đảm, đủ bản lĩnh trên chiến trường mà “quay” về thì dư luận cũng không gay gắt. Cái lớn của người lính trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lẫn phía Bắc là vượt qua chính mình để chấp nhận điều đó. 

- Vâng, có thể nói chỉ những người lính trực tiếp tham chiến như anh mới cảm nhận được điều đó. Thuở còn trên chiến trường, có vị chỉ huy nào còn để lại trong anh sự cảm phục? 

- Những vị chỉ huy ở Bộ tư lệnh Mặt trận 479 và Sư đoàn 5 mà tôi giữ nhiều ấn tượng sâu sắc là Trung tướng Hồ Quang Hoá, Thiếu tướng Anh hùng Trần Đối, Thiếu tướng Huỳnh Văn Bê, Đại tá Nguyễn Đức Bao. Ở cấp trung đoàn và tiểu đoàn tôi rất mến phục các anh Nguyễn Trùng Dương, Nguyễn Cao Sang, Xuân Oanh… 

- Từ năm 2003, anh bắt đầu hành trình trở lại thăm chiến trường xưa. Ấn tượng mạnh khi mỗi lần anh trở lại đất nước Chùa Tháp là gì? 

- Tôi rất ngạc nhiên trước sự thay đổi, chuyển biến đi lên mạnh mẽ của một đất nước từng bị chìm đắm trong chiến tranh dai dẳng. Trên mỗi mét đất tôi như cũng gặp lại tuổi trẻ mình cùng đồng đội trong mưa bom bão đạn. Đi lại những con đường mà ngày xưa đã đi tôi vẫn không cảm thấy lạ lẫm. 

Từ Battambang đi Sisophon, Poi Pet, Siem Reap có những đoạn đường tôi cứ nghẹn ngào không thể nói nên lời, đang đọc thơ mà nước mắt tuôn trào. Nhìn cuộc sống thanh bình, nhộn nhịp của những vùng đất hai mươi năm trước còn là chiến trường khốc liệt nhất, tôi bồi hồi nhớ về sự hy sinh vô giá của bạn bè đồng đội. Máu xương của những người lính tình nguyện đã đổ xuống đây khá nhiều để có được như ngày hôm nay. Tôi đứng trước niềm vui lớn mà cũng là nỗi buồn lớn!

Phan Hoàng
 

Nguồn: Vietimes