Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thầy Nguyên Hồng - bố Hồng - của chúng tôi

Hà Phương
Thứ ba ngày 30 tháng 12 năm 2008 1:46 PM
Hà Phương

Tháng 10 năm 1970, có một khóa học được khai giảng tại nhà sáng tác Quảng Bá - Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là khóa IV, khóa đặc biệt dành cho chiến trường miền Nam… 70 học viên, phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Văn và khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng một số cây viết trẻ đang nổi như Triệu Bôn, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… Chủ nhiệm khóa học là nhà văn Nguyên Hồng.
Tôi là một trong bốn nữ sinh viên khoa Văn, cùng hai chị giáo viên cấp 3 nữa là sáu nữ. Khi đó tôi mới 21 tuổi. Bác Nguyên Hồng (sau này chúng tôi đều gọi là bố Hồng) thương chúng tôi lắm, nhất là mấy đứa con gái.
Bác là một nhà văn lẫy lừng với những bộ tiểu thuyết đồ sộ: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Cửa biển… nhưng với chúng tôi, bác là một thầy giáo tận tụy, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm, nhân hậu…
Sáu đứa nữ chúng tôi ở trong hai căn phòng. Mùa đông rét căm căm, phòng nào cũng đóng cửa kín mít. Thỉnh thoảng bác lại gõ cửa: “Chúng mày muốn chết ngạt hay sao?”. Miệng nói, tay kéo ghế, bác trèo lên để mở cửa chớp phía trên cửa sổ. Tối nào bác cũng đi kiểm tra các phòng xem cửa nẻo đóng mở thế nào.
5 giờ sáng, chúng tôi đã bị “bố Hồng” đập cửa bắt dậy tập thể dục. “Không chịu khó tập luyện thì sức đâu mà đi tới nơi. Dậy. Cố gắng lên...”. Lúc đó chúng tôi cũng bực bội lắm nhưng nghĩ thương bác, gia đình ở tận Yên Thế, vậy mà bác bứt hẳn ra để “bám” khóa học này, chúng tôi đành uể oải rời phòng.
Bác chỉ dạy từng li từng tí… mãi sau này khi chúng tôi đã vào chiến trường rồi, bác vẫn đau đáu dõi theo…
Có lần mất điện, cả khu nhà tối om, trời rét không ra ngoài được, buồn kinh khủng. Điện sáng lóa lên, tụi tôi vừa tung cửa ra vừa reo: “Sướng quá, có điện rồi”. Lập tức bác đã từ đâu chạy đến “Các cháu ơi, con gái mà reo sướng thế à?”. Chúng tôi tiu nghỉu, thẹn thùng quay vào.
Trong một lần liên hoan, tôi ngồi cạnh bác. Khi tôi dừng đũa, mấy anh chị nói “Ăn nữa đi chứ”, tôi trả lời “Dạ, em no rồi”. Các anh chị vẫn gắp thức ăn bỏ vào bát của tôi, tôi lại nói “Em no lắm rồi”. Lập tức, bác ghé vào tai tôi chỉnh ngay: “Cháu nên trả lời: Em đủ rồi. Con gái mà ăn no kình bụng lên thì còn ra thể thống gì nữa. Nói năng phải ý tứ cháu ạ”. Mặt tôi nóng ran…
Sau khi đi thực tế ở trại an dưỡng về, ai cũng viết ít nhất một bài báo hoặc truyện ngắn hoặc thơ. Tôi viết truyện ngắn về hai vợ chồng mỗi người một chiến trường, chị bị bắt, bị tra tấn dã man….
Trong đó có câu: Ba năm trôi qua. Khi chấm bài, bác gạch đít những chữ cần sửa. Tôi không bao giờ quên, bác gọi tôi: “Cháu viết thật thà mà dễ dãi quá. Và câu này, bác chỉ tay: Không thể viết nhẹ tênh như thế. Họ yêu nhau tha thiết, xa nhau là cực hình, lại bom đạn, tù đày… một ngày phải dài đằng đẵng… Làm sao ba năm có thể trôi được. Phải cân nhắc từng chữ, nó phải chuyển tải được ý nghĩa nào đó…”.
Tất cả chúng tôi đều yêu quý bác Nguyên Hồng. Chia nhau đi nhiều chiến trường, sống chết, còn mất ra sao… chúng tôi hẹn sẽ tìm nhau qua liên hệ với bác. Ngay khi hành quân trên đường Trường Sơn, gặp giao liên, chúng tôi đều gửi thư về cho bác. Không biết bác viết cho riêng tôi bao nhiêu thư vì trong chiến tranh, thư từ thất lạc là chuyện thường.
Tháng 9 năm 1971, tôi vào tới Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (mật danh là B.9 ) thì được biệt phái ngay xuống T.4 (Khu Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định ) cùng với chị Trần Thị Thắng, anh Phan Xuân Biên, Phan An, Hà Công Tài. Đầu năm 1973, tôi nhận được một bức thư rất đặc biệt.
Anh Trần Đức Cường, công tác tại B.9, thấy có thư bố Hồng, sợ đi thêm chặng đường dài bom đạn nữa sẽ thất lạc, anh cẩn thận chép nguyên văn gửi cho tôi, bản chính thì giữ lại, mãi sau này gặp nhau, anh mới đưa thư gốc. Anh còn cười: Đâu phải bố Hồng viết riêng cho Thanh. Viết chung cho cả đám con chúng mình đấy chứ.
Đúng thế. Bố Hồng mãi mãi là bố chung của khóa IV chúng tôi.
Kỷ niệm về bác thì nhiều lắm. Trong ngày giỗ của bác, tôi thành tâm nhớ đến bác và chia sẻ cùng những ai quan tâm đến nhà văn Nguyên Hồng, bằng một trong những bức thư bác gửi cho tôi cách nay đã 36 năm, về tấm lòng của một nhà văn lớn đối với đất nước và với thế hệ sau.

Dịp hè, bố ra Hội thì nhận được thư con gái. Bố ra để chữa hai bản đánh máy Thời kỳ đen tối và Một tuổi thơ văn. Thời kỳ đen tối sẽ tiếp theo Cơn bão đã đến, còn Một tuổi thơ văn sẽ giới thiệu thêm quãng đời trẻ dại ở nhà trường của bố cũng tiếp cho Bước đường viết văn.
Từ ngày chia tay các con, bố về Hà Bắc viết ngay. Cũng phải tranh thủ. Suýt nữa thì chậm trễ kế hoạch, vì cuối 1971 bố phải thường trực giải thưởng Văn học công nhân.
Gần nửa năm, xong được việc đánh giá một số tiểu thuyết, ký sự, truyện ngắn, viết về công nhân, bố rất mừng và càng tin tưởng, yêu thương các cây bút trẻ. Lê Điệp được tặng thưởng chính thức về thơ. Bố không muốn đề nghị cho nó cả về tặng thưởng về truyện ngắn và kịch, không phải vì giữ kẽ, mà để nó cố hơn nữa. 

Toàn những đứa trẻ, rất chịu khó và khiêm tốn: Vũ Hữu Aùi với truyện vừa Mở đường, Trần Hoàng Bách, Trần Lưu, Thanh Tùng, vân vân. Phần lớn là công nhân Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội...
Kể mấy chuyện này, bố càng thấy nhớ cái Chiến, cái Hồng bé, tất cả những cái gái quí của Khóa IV cũng như những thằng lấc cấc, nghịch ngợm, rất ranh và rất trong trắng của Trường đang chiến đấu trong đó.

Mấy bài nhận xét và những ý kiến về lực lượng viết trẻ của bố đăng rải trong Tác phẩm mới. Chắc khó khăn lắm mới đến tay các con. Cũng như bố muốn gửi cho các con những bài, những sáng tác của bố, nhưng phải chờ dịp.

Đỗ Thanh con gái, thế là đã hai mùa hè con không ngồi ghế nhà trường nữa; Ngòi bút trong tay con đã trở thành vũ khí cùng với bắp tay mềm yếu của con rắn chắc dần mà chiến đấu với quân thù.
Mùa hè này bố ở Hà Nội những ngày nóng ngột, càng viết, càng căng thẳng trong không khí đánh bại những trận giặc lái bắn phá thủ đô, bố lại càng thấy phải viết.
Hôm ở Nhà xuất bản Văn Học, ở trong hầm nhìn lên trời xanh, bỗng nghe tiếng reo ầm ầm và ngoài đường đương lạnh ngắt bỗng rùng rùng cả lên, mọi người nhảy hết cả lên mặt đường để xem máy bay giặc bị cháy và giặc phải nhảy dù thì lại thấy dân Hà Nội nói riêng và dân ta gan dạ, kỳ thú, bình tĩnh.
Nhất là nữ và trẻ em. Trên đường phố, những tốp bộ đội gái, công nhân quốc phòng và thanh niên xung phong gái đi gần như chỉ có tiếng cười nói chuyện trò của họ.

Sau mùa hè này, bố lại viết tiếp cho xong bản thảo thứ nhất kịch Dương hậu để chuẩn bị tiết mục chào mừng miền Nam. Sang cuối mùa thu, bố sẽ về Hải Phòng. Nếu khóa V mở được, thì bố sẽ giúp một phần, khi bước vào mục truyện và thực tập viết. Mùa gặt tháng mười tới, bố lại viết tiếp bộ Cửa biển, cố xong tập kết cục Khi đứa con ra đời năm 1973 để bắt tay vào tiểu thuyết Hoàng Hoa Thám.
Con gái có gặp chúng nó báo tin bố vẫn khỏe, vẫn đạp cái xe “cùn” từ Yên Thế, qua các cầu phao và đi chơi Hà Nội, đi chơi cả các tỉnh khác. Thằng Nguyễn Vũ Sơn khập khiễng làm kỹ sư địa chất của bố, đã lấy một cô cùng đoàn, sắp có con.
Nếu như có ảnh gửi cho bọn con, thì con sẽ thấy một ông nông dân râu rậm, bế một đứa cháu bé, nhìn về phía các con trong ấy. Thăm các con sức khỏe, viết tốt, bảo ban nhau làm việc thật nhiều kết quả.
Ôm hôn các con.

Nguyên Hồng

Tái bút
: Các con bảo nhau ghi viết thật kỹ. Cố sao có được mấy tập ký sự, một tập truyện vừa, truyện ngắn và một kịch bản phim về địa phương nơi các con chiến đấu. Cố gắng phát hiện và giúp những bạn viết gần mình, nhất là những bạn trẻ.
Phải giữ gìn các bản ghi chép, nhật ký và các bản thảo, tìm cách gửi ra. Đọc cho nhau phải rất thẳng thắn trân trọng.