Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ

Dương Hướng
Thứ bẩy ngày 20 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
 Trong không khí cởi mở, dân chủ đón chào đại hội, tôi xin phép được nêu ra vài nhận xét về mối quan hệ cốt tử cho sự sinh tồn và phát triển giữa văn nghệ sỹ và người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn nghệ trong giai đoạn hiện nay của cả nước nói chung và Quảng Ninh chúng ta nói riêng.

           Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thân Giới trí thức, văn nghệ sỹ có thể không giỏi làm lãnh đạo, không giỏi làm quản lý, bởi người làm lãnh đạo, quản lý phải có tố chất đặc biệt, có được cái tài cai trị nhất là cai trị văn nghệ lại càng phải có cái nhìn và hiểu thấu đáo về văn nghệ. (thiên chức lãnh đạo ở đây tôi muốn nói tới con mắt xanh của người làm lãnh đạo văn nghệ bao hàm cả bộ máy công quyền các cấp từ trung ương đến địa phương) nhận thức sâu sắc về vai trò văn nghệ sỹ chúng ta trong giai đoạn hiện nay. Thời nhà thơ Vũ Cao còn sống, ông đã nói câu rất nổi tiếng là ‘bí quyết của lãnh đạo văn nghệ là tỏ ra không lãnh đạo gì cả  Chúng ta không nên hành chính hóa văn nghệ.

    Nói tới văn nghệ là nói tới đội ngũ văn nghệ sỹ chúng ta đang hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tôi xin phép được nói thẳng vào cốt lõi của vấn đề. Chúng ta tự hào là những người câm bút viết văn làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhac, kịch và biểu diễn được nhân dân tin yêu. Đối tượng phục vụ của chúng ta là nhân dân. Chúng ta luôn đứng về phía nhân dân, biết vui khi nhân dân no ấm hạnh phúc, biết căm phẫn đau buồn khi nngười dân lao động chân chính bị đói khổ bị áp bức, bị trà đạp. Chúng ta là những người làm đẹp cho tâm hồn dân tộc, làm vẻ vang cho non sông đất nước Việt Nam ngày càng phát triển ngang tầm với thế giới. Đó là mục đích và tiêu chí của văn nghệ sỹ chúng ta từ ngàn xưa đến nay. Các hội văn học nghệ thuật của chúng ta được nhà nước công nhận là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Nhưng cái đặc thù nghề nghiệp của chúng ta khác xa với mọi nghề nghiệp khác. Nó khác bởi nó khó, vô cùng  khó. Sản phẩm làm ra (tác phẩm) của mỗi người nghệ sỹ hoàn toàn độc lập, nó mang hồn cốt riêng của chính nghệ sỹ đó. Nó không thể là những khuôn mẫu, những xếp đặt của bất kỳ tổ chức cá nhân nào. Nó càng khác nhau, càng mới lạ, càng cá biệt và có tầm khái quát cao thì càng giá trị. Bởi vầy mỗi văn nghẹ sỹ chúng ta phải đặt tiêu chí Nghề Nghiệplên hàng đầu. Muốn giỏi nghề, muốn có tác phẩm hay, phải biết toàn tâm toàn ý sống chết vì nghề mới hy vọng tồn tại. Tổ chức hôi chúng ta là nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng chứ không phải chỉ là nơi làm phong trào vui chơi ca hát sinh hoạt theo kiểu câu lạc bộ. Chức năng này là của các câu lạc bộ, các phòng văn hóa quận huyên và sở văn hóa. Tôi xin nhấn mạnh hội của chúng ta là hội nghề nghiệp.  Công bằng mà nói, nền văn học nghệ thuật nước ta nói chung và Quảng Ninh nói riêng so với các nước tiên tiến, chúng ta còn thua kém trên mọi phương diện cả về chiều sâu và tầm cao. Trong bài này cho phép tôi được nói thiên về lĩnh vực văn học. Không nhìn đâu xa, ngay nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc, nền văn học Trung Quốc xưa nay đã vượt xa chúng ta. Gần đây, một loạt những tác phẩm của họ được dịch ra khắp thế giới được dư luận đánh gái cao như tiểu thuyết Đàn Hương Hình, ‘Báu Vật Của Đời của tác giả Mạc Ngôn; tiểu thuyết Huynh Đệ của Dư Hoa... Đọc họ, ta không chỉ thấy tài năng của các nhà văn, mà còn thấy rõ các nhà  lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc còn tài hơn, vĩ đại hơn. Nghệ thuật cai trị văn nghệ của họ quả là cao thủ, mà không chỉ cao thủ mà còn sang trọng nữa. Họ có con mắt xanh nhìn trí thức, văn nghệ sỹ thật sâu sắc đến thế thì quả là kỳ tài. Họ biết nhận ra những lỗi lầm của quá khứ, những hạn chế của lịch sử, họ biết nhìn nhận đánh giá đúng giá trị tác phẩm, biết trân trọng thực sự công sức lao động sáng tạo của nhà văn nên các tác phầmât gọi là gai góc ấy mới được xuất bản và dịch ra khắp thế giới Tại sao ta không lấy đó làm gương. Chỉ đọc qua một loạt tác phẩm của họ nếu cứ theo cách nhìn của các nhà lãnh đạo văn nghệ của ta thì những tác phẩm kiểu như tác phẩm Đàn hương hình sẽ bị diệt vào diện có vấn đề. Điều này báo chí ta đã nói dài dài: Nào là tự do sáng tác, tự do xuất bản...Nhưng thực tế diễn ra không được như ta mong muố, cũng chỉ nói để mà nói.Tranh luận cãi vã cho sướng tai sướng miệng mà không tìm ra căn nguyên. Hoặc đã biết, đã tìm ra căn nguyên nhưng vẫn là tình trạng .biết rồi khổ lắm nói mãi. Rất nhiều ý kiến nhân danh này nọ lý sự cùn bảo ta khác, họ khác. Đúng là so sánh trên mọi phương diện ta và Trung Quốc khác nhau về mọi mặt: dân số họ lớn hơn, tiềm năng kinh tế mạnh hơn, Quốc Phong hùng hậu hơn, và cả nền văn hóa Trung Hoa cũng nhất thế giới. Nhưng điều tôi muôn nói ở đây là tài năng sáng tạo văn học nghệ thuật và sự phat triển của nó lại không hẳn phụ thuộc vào những yếu tố mạnh và ‘lớn đó. Không phải cứ đánh nhau giỏi, có nhiều xe tăng đại bác thì sẽ có nhiều nhà văn có tài. Tôi xin được nhấn mạnh: Có tác phẩm hay và lớn, phụ thuộc vào tri thức và tài năng của từng cá nhân nhà văn và cái xứ sở đó biết nuôi dưỡng, biết tự hào trân trọng nó? Một ví dụ để ta thấy, đất nước Tây Ban Nha dân số chỉ bằng già nửa dân số Việt Nam ta (45 triệu ) thuộc vùng cao nguyên với độ cao trung bình 650m mà nền văn học, âm nhạc, hội họa của họ đã ảnh hướng lớn tới toàn thế giới. Lĩnh vực văn học của họ, với tác phẩm kinh điển như Đon kihôntê được cả nhân loại ngưỡng mộ. Ai mà ngờ rằng xứ sở của nền thể thao văn hóa bò tót lại có tới 5 nhà văn nhận giải Nôben văn học.Điều này quả kinh hoàng nêu ta biết nhìn nhận so sánh. Còn nền hội họa của họ có được danh họa nổi tiếng thế giới của thế kỷ 20 là Pablo Picasso (1881-1973 ) và ai có thể ngờ cây đàn ghi ta nổi tiếng thế giới cũng lại xuất xứ từ một đất nước Tây Ban Nha có một kho tàng âm nhac dân gian thật đặc sắc và  Tây ban Nha còn có được cả kiến trúc cung điện Alhambra tuyệt mỹ...Chỉ một ví dụ nhỏ để ta ngẫm ngợi mình cần phải có một tư duy đổi mới cấp thiết đến mức nào.

     Nhất là trong bối cảnh hiện nay nghành công nghệ thông tin bùng nổ, xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia lớn nhỏ, xóa nhòa giữa nông thôn đô thị, giữa thành phố và tỉnh lẻ. Nhà văn của chúng ta ngày xưa sống ở vùng nông thôn mơ có ngày được ra thành thị. Ngày nay chúng ta ngồi đây nhưng biết cả thế giới đang làm gì trong giây phút. Vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta phải làm thế nào để cho văn học nghệ thuật nước nhà phát triển lên tầm cao thời đại. Muốn vậy trước tiên phải tìm ra những hạn chế cơ bản trong tư duy của chính những văn nghệ sỹ chúng ta và những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn nghệ. Trong đại hội này tôi xin thẳng thắn đưa ra những hạn chế cơ bản sau đây:

    Môt là  Những hạn chế của lịch sử

  Chúng ta xưa nay đã quá quen bám víu, phụ thuộc vào những khuôn mẫu tưởng như bất di bất dịch của phép tắc xã hội cứng nhắc, của lề lối, tập quán cũ kỹ lạc hậu. Lối tư duy xáo mòn, khuôn mẫu đã ngấm vào tiềm thức quá sâu trong thời gian quá dài của hoàn cảnh lịch sử. Chính vì lẽ đó đã tự thủ tiêu ý chí sáng tạo, tước đi sự tinh tế, niềm khát khao sâu kín trong tâm hồn của văn nghệ sỹ. Chúng ta chỉ dám suy nghĩ một chiều, trong sáng tác chỉ được phép ca ngợi chiến thăng. Âm vang của tác phẩm là bài ca ra trận với tiếng súng vang rền. Còn nơi hậu phương công trường phải là những vần thơ nghe rổn rảng âm thanh lục cục lào cào anh đào chị cuốc, đá lở đất nhào. Chẳng thế mà nhiều nhà văn tên tuổi cả đời hưởng trọn niềm vinh quang tổ quốc dành cho mà cuối đời vẫn kêu lên lời sám hối thống thiết.Thật xót xa bi hài quá. Lẽ ra những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, cụ thể là các văn nghệ sỹ chân chính chúng ta phải là những người có bản lĩnh và nhạy cảm nhất để hiểu cho thật thấu đáo chuyện này. Chúng ta phải là những đối tượng biết bứt phá vượt qua mọi rào cản, vượt qua cả những hạn chế của lịch sử. Thậm chí phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân trước mắt để bênh vực, để  bảo vệ chân lý và làm nên những tác phẩm có giá trị đích thực. Trong thời đại mở cửa hội nhập với toàn thế giới, chung ta không ngại gì khi phải nói tới những hạn chê của chúng ta vì hoàn cảnh chiến tranh, lực lượng văn nghệ sỹ của chúng ta trong suốt thời gian dài mê mải say sưa nhiệt huyế sáng tác những tác phẩm được gọi là giá trị để phục vụ cách mạng, để giải phóng dân tộc. Điều đó hoàn toàn đúng. Chúng ta không được phép coi thường nó. Nhưng giờ đây trước tình hình mới,chúng ta lại phải có cái nhìn mới hơn, cao hơn. Kinh nghiệm cho ta thấy trong quá khứ, các nhà lãnh đạo văn nghệ và cả văn nghệ sỹ, rồi cả các nhà phê bình cũng đá mắc không ít sai lầm- Sai lầm trực tiếp hoặc gián tiêp đã chôn vùi không ít những tác phẩm và tác giả đi tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật. Có những tác giả suốt đời không ngóc đầu lên được phải chịu sống ngắc ngoải lay lắt, và cả vào tù oan uổng. Cụ thẻ như các tác giả trong vụ nhân văn giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Nhóm tự lực văn đoàn, và cả đến Phan Khôi, Trần Đức Thảo... Quảng Ninh có cụ Như Mai mới chỉ bị ảnh hưởng hơi hướng nhẹ với tác phẩm‘Thi sỹ máy mà cũng khối chuyện đau lòng. Sau vụ  nhân văn giai phẩm thì đến vụ tác phẩm chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi ngọc Tấn bị nghiền thành bột giấy. Chẳng phải nhìn đâu xa, trong lĩnh vực sân khấu Quảng Ninh chúng ta đã có trường hợp cán bộ lãnh đạo văn hóa văn nghệ đã ra lệnh cấm diễn vở vụ án người đốt đền một vở kịch kinh điển của nền sân khấu thế giới. Sở dĩ tôi muốn nhắc lại những câu chuyện cũ bi hài dở cười dở khóc, và cả đau đớn như thế để chúng ta cảnh tỉnh. Nhưng chẳng hiểu sao những chuyện đại loại như vậy vẫn cứ diễn ra, đang diễn ra. Nó vẫn còn diễn ra mỗi thời một khác nhưng cốt lõi vẫn như thế. Ngay bây giờ, và cả sau này nữa có lẽ cũng lai vẫn có những mẫu người lãnh đạo văn nghệ kiểu như thế nhưng nó sẽ ở cấp độ khác, tinh vi hơn, siêu đẳng hơn với những lý lẽ rất chi là tốt đẹp, cao cả, làm an lòng chúng ta trước mắt. Nhưng tôi tin sau này con cháu chúng ta nó mới lại nhận ra cái sự vô lý, cái sự ấu trí của chính chúng ta hôm nay. Nó cũng giống như chúng ta một thời mỗi địa phương có cả đội quân cờ đỏ ra đường gặp ai ăn vận quần loe ông tuýp, hay thanh niên để tóc dài thì cắt và rạch. Hành động kỳ quặc vô văn hóa ấy, chẳng hiểu sao ngày ấy lại được coi là tích cực mới lạ lùng. Những chuyện đại loại thế, ở thời nào cũng có, chỉ có điều vai trò của trí thức nói chung, văn nghệ sỹ nói riêng, chúng ta có nhiệm vụ hạn chế, hoặc không để nó lộng hành trong một xã hội văn minh của thế kỷ này. Mới đây tôi đọc bài viết của nhà thơ Trần Nhuận Minh trên trang blog của nhà báo Trương Thiếu Huyền viết về cụ Nguyễn Hữu Đang mà giật mình kinh hoàng, xa xót quá, đớn đau quá- một người được tín nhiệm làm trưởng ban tổ chức ngày quốc khánh 2/9/1945, người che ô cho Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập mà cuối cùng phải vào tù oan lâu đến nỗi không biết đất nước có sự kiện ngày 30/4/1975. Tôi cho đây là một bi kịch điển hình của thời đại đối với giới trí thức. Đến như nhà thơ Phùng Quán, người được mệnh danh làm những vần  thơ cách mạng hào hùng, viết tác phẩm nổi tiếng vượt côn đảo lại là cháu ruột của nhà thơ Tố Hữu mà vẫn bị diệt vào nhóm nhân văn giai phẩm. Mặc dù trong thời gian qua, hội nhà văn Việt Nam đã có những việc làm rất tốt, tái bản toàn bộ những sáng tác, dịch thuật, phê bình của cụ Nguyễn Hữu Đang. Trong phạm vi của đại hội này tôi chỉ nêu ví dụ một vài trường hợp cụ thể mà báo chí đã nhắc nhiều. Và mới đây nhất trong lĩnh vực văn học có một số tác phẩm vừa ra mắt độc giả đã gặp phải những rào cản vô hình làm cho dư luận xôn xao, tác giả và cả những cơ quan xuất bản và in ấn gặp không ít khó khăn.

 Hai là: Sự mặc cảm nặng nề:

Chúng ta những văn nghệ sỹ đang ngồi đây vẫn còn mắc căn bệnh mặc cảm địa phương tỉnh lẻ  Như tôi đã nêu ở trên, trong thời đại thông tin bùng nổ, chúng ta có quyền xóa bỏ ranh giới giữa địa phương tỉnh lẻ để tự hào đứng ngang hàng trên mọi phương diện với các thành phố lớn trong cả nước, nâng cao năng lực sáng tạo để có nhiều những tác phẩm mang tính chuyên nghiệp hơn. Lâu nay ta vẫn có quan niệm sản phẩm địa phương, chất lượng có kém tý cũng không sao. Đây là căn bệnh trầm kha dai dẳng không chỉ riêng văn nghệ sỹ Quảng Ninh chúng ta. Lực lượng sáng tác và biểu diên của Quảng Ninh so với cả nước, chẳng hề thua kém, thậm chí có khi còn vượt trội ở một số bộ môm. Chúng ta tự hào có nhiều những văn nghệ sỹ đã đạt được những giải thưởng trong các cuộc thi do các ban ngành từ địa phương đến trung ương trao tặng trong 5 năm qua. Đặc biệt nhà thơ Trần Nhuận Minh còn được giải thường nhà nước- một giải thưởng không dễ gì các văn nghệ sĩ đạt được Nhưng điều quan trong hơn tôi muốn nói ở đây, ngoài những thành tựu vừa nêu, chúng ta vẫn còn rất nhiều hạn chế. Những sáng tác của chúng ta có quá nhiều những tác phẩm tầm tầm ở mức độ trung bình, sáng tác theo phong trào, rất ít có tác phẩm thật hay. Chức năng nhiệm vụ của hội văn học nghệ thuật là tập hợp được đỗi ngũ, nuôi dưỡng tài năng văn nghệ sỹ có được những tác phẩm thật xuất sắc, những tác phẩm đỉnh cao. Vẫn biết rằng ca dao, hò vè, thơ văn ký họa là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa, là nhu cầu của đời sống tinh thần của nhân dân, cần được phát huy nhân rộng ở khắp mọi nơi. Nhưng nếu chỉ ở tầm giải trí vui chơi, chúng ta chỉ cần thành lập các câu lạc bộ hoặc chỉ cần giao cho các phòng văn thể, phòng văn hóa thông tin của huyện thị và của sở văn hóa là đủ. Chúng ta phải xác định rõ hội chúng ta phải là một hội nghề nghiệp mà chức năng của sở văn hóa không làm được.Đã xác định là nghề nghiệp, đội ngũ văn nghệ sỹ chúng ta ngồi đây cần phải có tay nghề cao, có đôi bàn tay vàng, có bộ não thông minh để làm ra những sản phẩm tinh túy (chất lượng cao) chứ không cần số lượng nhiều mà chất lượng kém.Trước sự xuống cấp của những tập thơ,  nhưng tập truyện  được xuất bản.tràn lan nên có người đã phải nói vui rằng: Cứ đà này có lẽ chúng ta phải có những giải thưởng dành cho những người viết ít nhất. Rõ ngược đời vậy. Thật may mắn trong thời gian qua tôi được trực tiếp đọc hầu hết các tác phẩm văn xuôi chuyện ngắn và ký của các tác giả gửi đăng báo Hạ Long và những tác phẩm tiểu thuyết và những tập truyện ngắn của các tác giả dự giải văn nghệ Hạ Long. Tôi xin thành thật nhận xét một câu ngắn gọn rằng: Nếu là một giám khảo trung thực, công tâm xét cho những tác phẩm vào giải sao cho thật công bằng  và chính xác thì quả là khó khăn. Khó khăn bởi tất cả các tác phẩm cứ sàn sàn ngang nhau. Ít có những tác phẩm vượt trội hẳn lên để trao mà không một ai có thể so bì được. Có những đợt giải, chọn tác phẩm hay thật khó, đành chấp nhận so bó đũa chọn cột cờ vậy. Nhưng khốn nỗi tiêu chí để phân biệt chiếc đũa khác cột cờ cũng rất mơ hô. Tình trạng này không riêng gì chuyên nghành văn xuôi và cũng không riêng gì Quảng Ninh chúng ta mà đây là tình trạng chung của cả nước. Và một điều chúng ta cần phải khắc phục ngay lối tư duy hạn hẹp địa phương đưa ra cái quy chế giải thưởng với tiêu chí chỉ trao cho những tác phẩm viết về Quảng Ninh. Bởi thế nên mới có chuyện ban giám khảo làm sao phân biệt được bức tranh con cò. Con cò nào là cò Quảng Ninh cò nào là cò Thái Bình và như thế nếu ta có sáng tác về bác Hồ cũng sẽ bị loại, vì bác Hồ không phải người Quảng Ninh. Chính vì những nhận thức hạn hẹp ấu trĩ đó, không ít các hội văn nghệ địa phương và cả ban nghành trung ương đã xảy ra mất đoàn kết trong việc xét giải.Tình trạng này nó thể hiệ sự yếu kém của những người lãnh đạo quản lý văn nghệ và sự non tay nghề của văn nghệ sỹ chúng ta.

 Ba là: Sự sợ hãi vô hình luôn rình rập ngay trước trang viết.

Chính xuất phát từ hai nguyên nhân nêu trên đã làm thui chột ý chí sáng tạo, làm còi cọc cả tâm hồn lẫn thể chất của văn sỹ. Chẳng phải trước kia, ngay bây giờ, với những tác giả có nhiệt huyết muốn viết những tác phẩm mang tầm tư tưởng lớn vẫn còn có tâm lý dè dặt e ngại không dám viết, hoặc viết rồi mà vẫn phải chờ đợi cơ hội mới dám công bố tác phẩm của mình.Ở đây tôi loại trừ những tác phâm xấu được tung lên mạng internet bị dư luận phản đối. Đã có ý kiến đưa ra khá xác đáng vụ nhân văn giai phẩm Khi bị đánh những tác giả trong vụ này có một tâm lý lo sợ như gà phải cáo. Sợ quá  có người im lặng chờ thời, có người quẳng bút, có người lại quay ra sáng tác nói những điều vu vơ chẳng liên quan gì đến thời cuộc, chính trị xã hội. Vừa rồi tình cờ tôi đọc được những vần thơ của tác giả Trần Dần ở dạng như thế với những câu thơ như:

Tôi hát- tôi mát- tôi xạt / Tôi ngạt- tôi thạt- tôi đạt / Tôi phạt-tôi lac tạc / Tôi tác  vác- / tôi lốc xốc / Tôi thúc- tôi múc- tôi xúc / Tôi đúc- tôi khục- tôi pục / Tôi đục- tôi vac ...  Đọc xong mhững vần thơ này tôi có cảm tưởng thơ của những anh ngớ ngẩn. Có người bảo Trần Dần bị ‘đánh  nên mới thành ra ngẩn ngơ thế. Nhưng nghĩ lại, chắc  phải có căn nguyên gì đó, chẳng lẽ người như Trần Dần lại có những câu thơ kỳ quặc đến vậy. Vừa rồi hội văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thành tựu trọn đời cho nhà thơ Trần Dần. Chúng ta còn phải đánh giá xem xét vấn đề này thật cẩn trọng. Sở dĩ tôi muốn nhấn mạnh chuyện này vì trong lao động sáng tạo, người nghệ sỹ chúng ta rất cần có môi trường sống trong lành, không gian độc lập, cần được tự do tư tưởng. Cái ‘TÔI trong con người nghệ sý lớn vô cùng. Nhân danh cá nhân, là một nhà văn tôi khẳng định rằng, giới trí thức nói chung và văn nghệ sỹ chúng ta nói riêng đều có tấm lòng yêu dân yêu nước vô cùng. Những người trí thức chân chính, những văn nghệ sỹ chân chính xưa nay ít có người phản dân hại nước lắm. Tình yêu nhân dân, yêu quê hương đất nước của chúng ta cũng vô cùng trong sáng. Nó thể hiện sâu sắc trên trang viết, trong các lời ca bản nhạc. Chính vì đặc thù đó, giới văn nghệ sỹ luôn mong mỏi người lãnh đạo văn nghệ, lãnh đạo các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương phải có tâm, có tầm, có tài mới nhìn thấu đáo, mới tập hợp, quy tụ được đội ngũ văn nghệ sỹ. Bản chất văn sỹ xưa nay vẫn thế: thật dễ mà cũng cực khó, thật giản đơn mà laị phức tạp, kiêu kỳ mà rất dễ bao dung, nhanh bốc đông hung hăng mà cũng dễ nản và lại cũng dễ tổn thương nhất nhưng cũng giàu lòng tự trọng nhất. Đừng bao giờ đễ xảy ra như trường hợp ban tuyên giáo tỉnh ủy tình Cà Mau đã làm một việc hổ danh cho thời đại nhân quyền dân chủ đòi trục xuất nhà văn Nguyễn Thị Ngoc Tư ra khỏi tỉnh, người vừa được nhận giải thường văn chương ASEAN. Chúc các văn nghệ sỹ mạnh khỏe hạnh phúc.

Nguồn: duonghuongqn.vnweblog.com