Trang chủ » Tin văn và...

THƯ CỦA CỤ NGUYỄN CÔNG NGHỆ GỬI ÔNG TẬP CẬN BÌNH

Nguyễn Công Nghệ
Thứ sáu ngày 6 tháng 11 năm 2015 1:27 PM


Khi biết thông tin First News và họa sĩ Bùi Lệ Trang tổ chức đấu giá bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, ngày 12/7 cụ ông Nguyễn Công Nghệ đã mang tiền tiết kiệm để tham gia với 730 triệu đồng. Cùng với số tiền ông tham gia đấu giá, còn có một bức thư dài 3 trang giấy, được viết bằng tay và lăn tay bằng máu của tác giả.




Báo Năng lượng Mới – PetroTimes xin đăng nguyên văn bức thư được viết bằng tay của cụ ông Nguyễn Công Nghệ:

“Kính gửi: Ông Tập Cận Bình,

Chủ tịch – Tổng Bí thư Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Thưa Ông!

Tôi đã từng được cử qua Trung Quốc học và công tác vào năm 1957-1958. Tôi đã từng thật sự rất tự hào về tình hữu nghị Việt Nam – Trung Hoa. Dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng tình cảm đó luôn ở trong trái tim tôi. Sau này tôi đã từng cùng các bạn Trung Quốc sang Việt Nam thức đêm hát vang bài ca Việt Nam - Trung Hoa (越南中国) với tình cảm dạt dào tình hữu nghị, tình anh em mà tôi không thể nào quên: “Việt Nam - Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông…”

Tiếc thay nghĩa tình cao đẹp đó sớm bị phai mờ bởi nhiều thăng trầm, thử thách trong quan hệ hai nước. Cho đến khi nghe tin Ông lên lãnh đạo Trung Quốc. Tôi và mọi người trong gia đình tôi đã rất vui mừng. Tôi nghĩ Ông là người rất có tài và có tầm. Ông đã được Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore đánh giá: "Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela...".

Tôi nhớ khi sang thăm Mexico vào ngày 4/6/2013, ông có lời phát biểu làm tôi rất ấn tượng: "…Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu Cách mạng; thứ 2, Trung Quốc không xuất khẩu đói nghèo; và thứ 3, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?".

Và một câu nói của Ông vào ngày 15/5/2014 về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Trung Quốc làm lòng kính nể và tin tưởng của tôi đặt vào Ông tăng lên bội phần: “Trong máu người Trung Quốc không có gen xâm lược”.

Nếu ông đã có thể nói được những câu nói vô cùng ý nghĩa đó, thì tôi rất tin là ông sẽ lãnh đạo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa làm đúng như những gì ông đã nói. Và đó là niềm vui mừng của nhân dân Việt Nam chúng tôi.

Sự kiện 64 người lính Hải quân Việt Nam bị Hải quân Trung Quốc giết hại một cách dã man ở đảo Gạc Ma trên bức tranh đã làm tôi và gia đình vô cùng thổn thức, đau lòng, và từng làm tổn thương sâu sắc những ký ức tốt đẹp đã có của tôi. Nhưng tôi tin là nguyên nhân sự việc đó là do người tiền nhiệm trước đây của ông, chứ không phải do ông gây ra, nên rất có thể ông không được biết. Nên nếu được phép, tôi thay mặt những người Việt Nam yêu nước muốn trao tặng Ông bức tranh ý nghĩa này.

Tôi biết ông cũng rất quí trọng tình hữu nghị giữa hai nước vốn có mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công xây dựng. Và với tình cảm đó, tôi nghĩ Ông cũng rất yêu thương những người lính Trung Quốc và người lính Việt Nam. Tôi không biết cảm xúc của Ông sẽ như thế nào khi nhìn thấy cảnh những người lính Việt Nam trong bức tranh bị bắn bằng súng có sức hủy diệt và sát thương cao trong khi trên tay không hề có một tấc sắt tự vệ? Tôi đã tự hỏi không biết bao nhiêu lần: Sao bên Trung Quốc lại cố ý bắn và hủy diệt những người lính trẻ của chúng tôi? Để họ phải chết tức tưởi bỏ cha mẹ, bỏ vợ, bỏ con hả Ông? Tôi tin Ông chắc hẳn cũng rất đau lòng - cũng như cảm xúc của chúng tôi khi nhìn thấy những người lính Trung Quốc đang trong hoàn cảnh tương tự trong các bộ phim.

Ước nguyện của tôi và gia đình tôi cũng như của tất cả người dân Việt Nam muốn gửi tới Ông thông qua bức tranh này là mong muốn nhân dân hai nước luôn sống trong hòa thuận và tình hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau. Tôi năm nay đã 88 tuổi, vào độ tuổi mà bất kỳ ai cũng đã hạnh phúc, mãn nguyện với con cháu rồi - nhưng với tôi - vào những tháng năm cuối cùng của cuộc đời lại có mong muốn tột cùng là làm được những gì trước giờ mình chưa kịp làm, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, tôi không còn gì phải ân hận, nuối tiếc nữa: Tôi ước nguyện với Đất Trời là từ nay và mãi mãi về sau, không có bất kỳ một người dân, người lính Việt Nam và Trung Quốc nào phải nằm lại giữa biển khơi như những người lính Gạc Ma trong bức tranh này.

Tôi rất tâm đắc câu nói của một cháu gái người Việt gốc Hoa vừa rồi khi nói về lời dạy của ông bà Tổ tiên của cô bé: “Đừng bao giờ chiếm lấy bất cứ cái gì mà vốn ban đầu không thuộc của mình, dù với bất kì lý do, mục đích gì đi nữa; và nếu đã lỡ lấy rồi, tốt hơn là hãy trả lại cùng với một lời xin lỗi”. Vì nó rất đúng với câu nói nổi tiếng của nhân loại “Cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar” – Vì không ai chết đi mà mang theo được bất kỳ điều gì – trừ danh tiếng con người để lại.

Tôi ước mong điều ước nguyện này trở thành hiện thực thay cho dân tộc Việt Nam vì tôi không muốn con cháu mình phải đi đòi, đi làm những gì mà cha ông chúng có thể làm được bây giờ”.

Kính thư và chúc Ông nhiều sức khỏe,

TP HCM 10/7/2015

Một người Việt Nam rất kính trọng Ông,

Nguyễn Công Nghệ

Nguồn Petrotime