|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore, ảnh: AP/Japan Times. |
The Strait Times ngày 7/11 đưa tin, phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore sáng nay sau khi đến thăm đảo quốc Sư tử hôm 6/11 kế tiếp chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông Tập Cận Bình lại lặp lại tuyên bố sai trái cho rằng "các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại" và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình.
Vậy là bằng tuyên bố này, ông Tập Cận Bình đã tự chứng minh cho dư luận Việt Nam, khu vực và thế giới thấy cái ông gọi là "xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, kiểm soát và xử lý bất đồng thông qua thương lượng hòa bình" khi Việt Nam đặt vấn đề đàm phán, giải quyết các mâu thuẫn tồn tại giữa hai nước ở Hoàng Sa cũng như với các bên khác ở Trường Sa, Biển Đông chỉ là kế hoãn binh, đầu môi chót lưỡi.
Trung Quốc vẫn cứ làm theo ý mình trong khi mong muốn và tìm cách ép các bên liên quan, bao gồm Việt Nam phải theo luật chơi của họ. Điều này sẽ chỉ làm Biển Đông thêm căng thẳng và nỗ lực đàm phán không đi đến đâu, bởi lẽ khi người ta cứ khăng khăng "chủ quyền do tổ tiên để lại" và phải bảo vệ cái gọi là chủ quyền, lợi ích hàng hải ấy theo kiểu lý sự cùn, hay dân gian vẫn gọi là Chí Phèo thì không ai có thể đàm phán nổi với Trung Quốc.
Ấy vậy mà ông Bình vẫn nói rằng Trung Quốc đang tìm cách giải quyết vấn đề của mình với các bên yêu sách khác mà ông vu cáo là "chiếm đóng đảo của Trung Quốc" thông qua đối thoại hòa bình. Đối thoại với Chí Phèo còn có Bá Kiến, nhưng đàm phán với nước hay lý sự cùn như Trung Quốc thì chắc không ai làm nổi. Ra tòa là một biện pháp hòa bình và văn minh, thiết nghĩ các bên liên quan và Việt Nam cần có phương án chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Tập Cận Bình nói: "Hiện nay không có vấn đề gì với (tự do an ninh) hàng hải hay hàng không, điều đó cũng không bao giờ xảy ra trong tương lai (trên Biển Đông)". Vậy tại sao Trung Quốc phải nhảy dựng lên khi tàu USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra tự do ở vùng biển quốc tế trong 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp trên bãi đá lúc nổi lúc chìm Xu Bi, một điều mà chính học giả nước này phải thốt lên là pháp luật quốc tế không cấm?
Đó là Hải quân Hoa Kỳ, lực lượng mạnh nhất trên Thái Bình Dương cũng như các vùng biển quốc tế hiện nay mà Bắc Kinh còn lớn tiếng đe dọa, không biết tàu thuyền các nước nhỏ qua lại khu vực này thì sẽ ra sao? Đó là Trung Quốc mới bồi lấp, xây xong đảo nhân tạo mà đã hành xử như vậy, khi họ kéo máy bay, tên lửa, vũ khí tối tân ra khu vực này thì tình hình sẽ thế nào?
Nếu không muốn một kiểu "tự do trong khuôn khổ" hay "tự do đặc sắc Trung Quốc", có lẽ các bên liên quan cần đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn nữa và sẵn sàng các biện pháp hòa bình, hợp pháp và có hiệu quả để đối phó, khởi kiện cũng là một cách.
Một lần nữa ông Tập Cận Bình lại "đuổi khéo" Mỹ, Nhật khỏi Biển Đông khi nói rằng: "Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tất cả các nước châu Á hiện nay là đảm bảo sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, đòi hỏi một môi trường hòa bình và ổn định. Đây là lợi ích chung lớn nhất của các nước châu Á, các quốc gia không nằm trong châu Á nên hiểu và tôn trọng điều này, đồng thời đóng vai trò mang tính xây dựng hơn"?!
Vừa xây dựng căn cứ quân sự khổng lồ bất hợp pháp trên phần lãnh thổ Việt Nam mà Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt phi pháp, đe dọa uy hiếp trực tiếp đến an ninh quốc gia, không gian sinh tồn của các nước trong khu vực cũng như hoạt động lưu thông của tàu thuyền quốc tế qua vùng biển quốc tế ở Biển Đông, ông Tập Cận Bình vẫn có thể lớn tiếng kêu gọi các nước đang bị Trung Quốc đe dọa, uy hiếp phải "bảo vệ hòa bình và ổn định", thì không biết các nước này nên bảo vệ như thế nào?
Giải pháp ông đưa ra nghe khôi hài làm sao: "Đầu tiên chúng ta không bao giờ nên để cho tình trạng thù địch chia rẽ chúng ta". Đúng hơn có lẽ phải là, đầu tiên cần nhận thức cho rõ nguyên nhân của tình trạng thù địch, chia rẽ chính là những hành xử bất chấp luật pháp và công luận quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu thực sự trân quý hòa bình, thượng tôn công lý và lẽ phải, Trung Quốc nên từ bỏ cách tiếp cận hung hăng, áp đặt và leo thang tranh chấp.
Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore - một thành viên ASEAN "trung dung, trung lập" trong vấn đề Biển Đông cũng phải thốt lên rằng quốc đảo này cũng như ASEAN không thể "nhắm mắt làm ngơ" vơi tình trạng tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông hiện nay. Asia One ngày 7/11 dẫn lời Thủ tướng Long cho biết, Singapore đang nỗ lực thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc ký kết COC càng sớm càng tốt.
"Là một nước nhỏ phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại, chúng tôi đặc biệt quan tâm chú ý đến quyền tự do hàng hải và hàng không, cũng như việc bảo vệ luật pháp quốc tế", Thủ tướng Lý Hiển Long được Asia One dẫn lời khẳng định
Nguồn: GDVN