TNc: Sáng nau (14-11-2015), tại Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi họp mặt đón nhận tập sách của nhà thơ - nhà hoạt động xã hội Phan Duy Nhân (nguyên Phó ban Tôn giáo của Chính phủ). Nhà thơ Hồng Thanh Quang TBT báo Đại đoàn kết, nhà thơ Dương Đức Quảng, nhà báo Lê Đức Hùng đã lo liệu cho buổi ra mắt tập thơ này tại Hà Nội. Đông đảo bạn bầu cùng hoạt động với nhà thơ Phan Duy Nhân, các nhà văn nhà báo đã đến dự. Ông Phạm Thế Duyệt thủ trưởng cũ của nhà thơ Phan Duy Nhân cũng có mặt.
Phan Duy Nhân làm thơ từ năm 14 tuổi, đến khi 74 tuổi ông mới có tập sách của riêng mình
. Cuộc đời ông trầm luân nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách một người tử tế. Nhà thơ Dương Đức Quảng, nhà báo Lê Đức Hùng kể lại nhiều kỉ niệm vui buồn cuộc đời Phan Duy Nhân.
Ông sinh năm 1941, người con đất Triệu Phong – Quảng Trị ấy sau bao biến động của thời cuộc, bao nhục hình mà bản thân phải chịu, nay đã phải ngồi xe lăn. Nhưng vòng tay bạn bè đưa ra đón ông nhân ngày ra mắt tập thơ như kéo dài mãi niềm ấm áp.
Tập sách do bạn bè ông cùng thực hiện và NXB Đà Nẵng cấp phép ấn hành. Câu chuyện hình thành bản thảo tập sách đồ sộ hơn 460 trang này cũng là một niềm xúc động sâu sắc.
Ông Lê Nguyên Hồng – người từng nằm chung xà lim với Phan Duy Nhân – kể lại hoàn cảnh ra đời những bài thơ Phan Duy Nhân làm trong nhà tù Côn Đảo. Làm thơ xong đọc cho bạn tù nghe, rồi tác giả quên luôn thơ của mình, nhưng những bạn tù lại đọc thuộc thơ ông, và trong tập sách này, có khoảng 30 bài thơ được chép lại từ trí nhớ của những bạn tù như vậy.
Những ý kiến của bạn bè dành cho Phan Duy Nhân tưởng như vô cùng tận, nhà nghiên cứu Hoàng Phủ Ngọc Phan nhớ dáng nhà thơ trong chiếc áo lam, và những liên hệ gắn bó của Phan Duy Nhân với phong trào Phật giáo ở Huế. Nhà sư Thích Huệ Vinh đến từ Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng thì cảm phục tấm lòng thương mẹ của Phan Duy Nhân và tính cách nhiệt tình trong mọi chuyện cùng với tinh thần tự lập không muốn nhờ vả ai ngay cả khi sức khỏe ông đã có vấn đề.
Nhưng có lẽ, chính những vần thơ của Phan Duy Nhân đã cộng hưởng cùng những tấm lòng bè bạn, khơi gợi lại chất phong trào thanh niên thuở nào, làm cho buổi ra mắt thơ sôi động nhiệt thành.
Nhà thơ Cao Quảng Văn đọc thơ trong cảm xúc của phong trào đô thị những năm tháng hào hùng, nhà thơ Lê Thị Kim – một gạch nối với phong trào đô thị của những nhà thơ trưởng thành tại Sài Gòn sau 1975 - cũng chia sẻ những vần thơ xúc động. Sau đó thì Nguyễn Hải – chàng thanh niên phong trào ngày nào nhiệt tình mang đàn Guitar lên vừa đệm vừa diễn ngâm liên khúc các bài thơ của Phan Duy Nhân.
Và cứ thế, cái chất hào hùng của thanh niên bỗng sống dậy trong những gương mặt từng trải, đã già, bằng chính những vần thơ tha thiết. Có những đoạn thơ như làm người nghe thấy lại ngọn lửa cháy lên từ những trái tim của một thế hệ góp lửa làm nên lịch sử. Những vần thơ như còn rực nóng đến hôm nay: “Đang đến, hoặc không bao giờ đến nữa/ Đồng bào ơi biết bao giờ được thở/ Được cùng nhau vui xã hội công bằng/ Được nhìn nhau không hổ thẹn trong lòng…”(Thư gửi các bạn sinh viên).
Và trong tập thơ này có không ít điều bất ngờ thú vị, như Phan Duy Nhân từng dịch thơ Cao Bá Quát, đó là bài Du Hội An phùng thành giả ca với câu “Cựu du phương lạc lạc/ Nhất khúc mạc từ chung” được ông dịch thành “Bạn chơi ngày cũ rơi dần/ Tiếc chi khúc hát mà không trọn bài” cũng là một nét tài hoa hiếm thấy.
Nếu như không dọc kỹ thơ ông, hẳn chẳng ai ngờ Phan Duy Nhân có mối giao tình với thơ Vũ Hoàng Chương, mà bài Đêm trước nguyên tiêu nhớ nghĩ Vũ Hoàng Chương ông làm năm 2012 mới đây có những dòng đồng điệu với Vũ Hoàng Chương đến lạ kỳ: “Xuân viết cho thơ ‘bài cổ điển’/ Chuyện mình lẫn với chuyện nghìn năm/ Như loài hạt dấu trong sa mạc/ Em mấy mưa sương mới nẩy mầm?”
Cho nên, từ một “gia tài thơ” như vậy, thơ Phan Duy Nhân hẳn sẽ còn là đề tài, đối tượng nghiên cứu của dài lâu mai sau.(theo báo Tuổi trẻ)