Trang chủ » Tin văn và...

TÀU CHIẾN MỸ ĐÃ VÀO 12 LÝ QUANH ĐÁ SUBI (QĐ TRƯỜNG SA)

Trọng Giáp - Phương Vũ
Thứ ba ngày 27 tháng 10 năm 2015 1:53 PM

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên xác nhận tàu USS Lassen đã vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.

Trang bị trên khu trục hạm Mỹ triển khai ở Trường Sa
Tàu Trung Quốc theo dõi tàu Mỹ trước cuộc tuần tra đảo nhân tạo
.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ. Ảnh: US Navy

Tàu USS Lassen đã di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Subi, USA Today dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ danh tính nói. Tàu đi cùng các máy bay trinh sát của hải quân Mỹ. Nhiệm vụ "hoàn thành mà không gặp sự cố nào", Washington Post dẫn lời quan chức giấu tên nói.

Hải quân Mỹ làm vậy để duy trì lợi ích của Mỹ với tự do đi lại trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ nơi nào trên thế giới luật quốc tế cho phép, quan chức nói.

Straits Times cũng dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa của hải quân nước này sáng sớm nay vào trong 12 hải lý xung quanh một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Randy Forbes, nhà lập pháp Mỹ từng kêu gọi hải quân tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý, ca ngợi quyết định bật đèn xanh cho nhiệm vụ này. Ông cho rằng việc các tàu Mỹ đi vào trong 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông là phản ứng cần thiết dù quá chậm đối với hành vi gây bất ổn khu vực của Bắc Kinh.

"Luật quốc tế rõ ràng cho rằng Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp với các vùng biển này và đã thực sự đến lúc chính quyền tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ với tự do đi lại trên biển và duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương", ông Forbes cho biết trong tuyên bố.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này vẫn đang xác thực xem tàu khu trục Mỹ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo hay chưa. "Nếu là thật, chúng tôi khuyên Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi hành động, không hành động mù quáng hay gây chuyện", Guardian dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong đó trích lời ông Vương.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Hình ảnh đường băng được Trung Quốc san nền trái phép trên đá Subi,
thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Trọng Giáp
___________
Khu trục hạm Mỹ đang tiến sát đảo nhân tạo
Trung Quốc xây trái phép

VNExpress
Thứ ba, 27/10/2015 | 06:39 GMT+7

Hải quân Mỹ hôm qua đã điều một tàu khu trục tên lửa dẫn đường để vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Việt Nam lên tiếng về tin Mỹ sắp điều tàu áp sát đảo nhân tạo
.
Tàu khu trục USS Lassen. Ảnh: navsource.org

Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu USS Lassen đang đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp lớn để biến chúng thành các đảo từ năm 2014. Tàu Lassen có thể ở trong khu vực trong vài giờ.

Quan chức này trước đó cho biết máy bay giám sát P-8A, và có thể cả P-3, có khả năng đồng hành cùng con tàu.

Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khác vào những tuần tới, và cũng có thể tiến hành quanh các thực thể mà Việt Nam và Philippines xây dựng tại quần đảo Trường Sa. "Đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần", quan chức này nói.

Khi được hỏi về bất kể hoạt động cụ thể nào, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest đều chỉ dẫn các phóng viên đến hỏi Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ đã làm rõ với Trung Quốc tầm quan trọng của tự do thương mại tại Biển Đông.

"Có hàng tỷ USD thương mại đi qua khu vực đó", Earnest nói trong một cuộc họp báo. "Đảm bảo tự do thương mại là điều rất quan trọng với nền kinh tế toàn cầu", ông nói thêm.

Trong khi đó, đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói rằng khái niệm tự do hàng hải không nên được sử dụng như một cái cớ để phô diễn sức mạnh và Mỹ nên "kiềm chế, không phát ngôn hay làm bất cứ điều gì khiêu khích". Cơ quan Trung Quốc này nói rằng Mỹ "nên hành động có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực".

Cuộc tuần tra sẽ đánh dấu sự thách thức mạnh mẽ nhất của Mỹ với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khiến Bắc Kinh tức giận. Trung Quốc hồi tháng trước ngang nhiên nói rằng sẽ "không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào" vi phạm lãnh hải và không phận của họ trong quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Trung Quốc xây trái phép các đường băng ở Trường Sa như thế nào (chi tiết).
Đồ họa: Tiến Thành

Việt Nam nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở hai quần đảo này mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của VnExpress về kế hoạch điều tàu tuần tra của Mỹ vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói rằng: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này".


7 đá Trung Quốc cải tạo trái phép ở Trường Sa. Đồ họa: The Diplomat. (Xem chi tiết)

Xem thêm: Ba kịch bản khi tàu Mỹ tiến sát đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông

Phương Vũ