Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỬ TÌM NGUYÊN NHÂN VÌ SAO SÂN KHẤU ĐANG BI KỊCH

Nhà văn Nguyễn Hiếu
Chủ nhật ngày 21 tháng 6 năm 2015 11:07 AM



Trong một lần trò chuyện với một số kịch tác gia có danh, tôi bất chợt được nghe một định nghĩa vui nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn lớn của giới kịch nứơc ta hiện nay. Một vị bảo “nói xa xôi làm gì, bi kịch là kịch viết ra không ai dựng, kịch dựng rồi nhưng không bán được vé”. Nghe ông nói tôi chợt nhớ đến thời hoàng kim của sân khấu Hà Nội vào những năm 70,80 ..của thế kỉ trước. Trước thềm nhà hát lớn, người ta chen nhau để mua vé xem bộ ba kịch ngắn của Chu Nghi. Trứơc rạp Công nhân, cũng ồn ã người mua vé xem” Hà Mi của tôi”. Nơi bán vé rạp Cửa Năm, còi công an inh ỏi để giữ trật tự hàng người mua vé xem” hoa pháo” của Trần Vượng. Còn bây giờ , ngày ngày đi qua rạp Đại Nam, rạp Công Nhân…chỉ thấy khung cảnh buồn thiu, vắng như chùa Bà đanh của người bán vé bên cạnh mấy tấm Pa nô quảng cáo kịch mới. Còn Nhà hát lớn, nơi thế hệ U70 chúng tôi, những kẻ từng khao khát có một tấm vé để được vào xem “ Chuông điện đồng Hồ Krem lanh” giờ luôn luôn quạnh quẽ, trầm tịch như một chứng tích bảo tàng với vài cặp tân hôn lấy cảnh chụp ảnh, hay thảng hoặc đỏ loè lên vì những cờ quạt, pa nô kỉ niệm ngày thành lập của doanh nghiệp này, ngày kỉ niệm nọ, giới thiệu tác phẩm của mấy vị tác giả lắm tiền chơi sang…

Vì sao sân khấu kịch của ta lại lâm vào tình trạng bi kịch đáng thương như vậy ? Mặc dù từ các cơ quan quản lý, Hội NSSKVN cho đến các nhà hát, các đoàn kịch và ngay cả các tác giả, đạo diễn đều cố hết sức mình để tạo sự hấp dẫn cho kịch trường, với hi vọng lôi kéo khán giả trở lại với sân khấu, để đêm đêm nhà hát tưng bừng ánh đèn với các kịch mục đặc sắc. Vì sao khán giả lại tỏ ra hầu như không quan tâm đến sân khấu kịch, không chịu bỏ tiền, bỏ thời gian đến với sân khấu ? Vì sao các nhà hát, các đoàn kịch từ trung ương đến địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp để từng bứơc đi đến gạt bỏ triệt để hiện tượng các nhà hát kì công chọn vở, bỏ tiền, bỏ công, bỏ tâm trí ra dựng vở để rồi chỉ biểu diễn báo cáo vài ba buổi, rồi đưa lên phát ti vi xong cuối cùng xếp vào chết lặng trong kho kịch mục của đơn vị mình ?

Khi cắt nghĩa tình trạng buồn của nền kịch hiện nay các nhà chuyên môn thường nói đến sự xuất hiện của nhiều loại hình văn hoá, văn nghệ giải trí. Sự bùng nổ của công nghệ truyền hình đã đưa sân khấu, sân cỏ, phim ảnh đến tận giường ngủ mỗi cá nhân. Rồi thói quen xem kịch bằng giấy mời vv và vv đã làm mất thói quen đến rạp mua vé xem kịch cùa người dân hiện nay. Tôi không hề phủ nhận nguyên nhân vừa nêu. Nhưng tôi lại nghĩ đến một thực tế. Sân cỏ Việt nam từng vắng teo trong các giải bóng đá quốc gia nhưng lại chính những sân cỏ này lại sôi động đến vỡ sân khi có U19 ra sân. Nhà hát Hòa Bình của Hải Phòng tối nào cũng tẻ ngắt nhưng cũng thật bất ngờ trong hội thi sân khấu Chèo lại chật cứng, người xem ngồi kín cả hành lang, đường lưu không ở giữa, hay những đêm liên hoan kịch của Vũ ?

Vậy sự chán kịch của dân ta bắt đầu từ đâu ? Sự dựng vở để rồi cất kho có nguồn gốc nào ?

Để trả lời câu hỏi này tôi phải quay lại những nguyên lý cơ bản về thể loại kịch trong mối tương quan với đời sống con người.

Kịch là một loại hình sân khấu ra đời từ thủa nhân loại biết làm nghệ thuật. Ngay từ thủa sơ khai sân khấu đã được gọi bằng mỹ từ cao quý là thánh đường nghệ thuật. Càng về sau với tố chất và đặc trưng của mình các kiệt tác của các gia vĩ đại thánh đường này từng đánh dấu hoặc mở ra các giai đoạn lịch sử của nhân loại. Kịch của Ét Sin, Xô phốc thời Cổ Hy La phản ảnh bi kịch của con người cổ đại đang vươn dần đến nền văn minh. Kịch Xếcxpia đánh dấu giai đoạn tiền tư bản. Kịch của V.Huy gô báo hiệu sự bùng nổ của cách mạng tư sản Pháp 1789, kịch của Gớt và Sin lơ mở đầu cho thời kì “bão táp và xung kích”( Sturm und Drang) cuả nứơc Đức đang phá vỡ nền quân chủ lập hiến vv và vv…Nói như vậy để hiểu rằng kịch bản hấp dẫn người xem vì phản ảnh những mâu thuẫn lớn, trung tâm của xã hội, những gì người xem đang quan tâm, lưu ý và cũng từ đó chuyển tới người xem những thông điệp về xã hội, đạo đức, lẽ sống…Đồng thời phê phán mạnh mẽ những trở lực ngăn cản sự phát triển của xã hội. Đối chiếu với những phẩm chất cao quý và rất đặc trưng luôn gắn liền của sân khấu như vậy để thấy sân khấu của ta hiện nay đã tự mình từ bỏ những thiên chức cao quý của thể loại này. Nói như NSƯT, Đạo diễn Lê Chức là các kịch bản, vở diễn của ta trong vòng trên dưới 20 năm trở lại đây chỉ phản ảnh những mâu thuẫn vụn vặt, nhỏ bé mà bỏ qua, hoặc không động chạm đến những mâu thuẫn lớn, vấn đề trong đại của xã hội. Kịch của Vũ thủa sinh thời được đón nhận gắn liền với giai đoạn nhà nứơc ta bắt đầu thực hiện công cuộc đôỉ mới, cởi trói cho văn nghệ. Những kịch bản hay nhất của Vũ giai đoạn đó phản ảnh, nói lên những điều người xem quan tâm. Những điều này đến nay vẫn còn tính thời sự . Đó chính là nguyên nhân kịch Vũ hấp dẫn được người xem. Còn hiện nay không thể phủ nhận không ít các tác giả với bản lĩnh của mình cũng luôn luôn cố gắng để phản ảnh những vấn đề lớn của xã hội, những điều người xem quan tâm để cho ra những kịch bản đủ sức kéo khán giả đến với sân khấu. Đáng tiếc với cách chọn vở “sợ bóng sợ gió”, muôn an toàn cho kịch mục, cho đơn vị và cho cá nhân các vị lãnh đạo của đòan, của nhà hát nên hầu hết các nhà hát, các đoàn kịch đều thẳng thừng gạt bỏ những kịch bản bị gán cho hai chữ “nhạy cảm”. Với những kịch bản nhàn nhạt phản ánh những vấn đề đứng ngoài trung tâm, vòng xoáy của cuộc sống tức là ngoài sự chú ý, quan tâm của người xem thì làm sao đủ sức bắt người xem bỏ tiền mua vé vào rạp đêm đêm. Trong một bài phê bình 2 bộ phim “ma làng sau mười năm” “bão qua làng”, tôi đã viết, sở dĩ khán giả truyền hình không thích thú hai bộ phim này như họ từng mong ngóng “bí thư tỉnh uỷ”,”chủ tịch tỉnh”…Vì những vẫn đề sôi động nhất của nông thôn hiện nay là nông dân mất đất, thất nghiệp trên mảnh đất của mình, tình làng nghĩa xóm bị phá vỡ…thì không phản ảnh, lại phản ảnh những mâu thuẫn quá nhỏ như chọn trưởng thôn… thì làm sao hấp dẫn được người xem. Sân khấu của ta hiện nay cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Bây giờ đã là giữa thập niên thứ hai của thế kỉ 21, khi trình độ khoa học kĩ thuật của con người đã tiến rất xa. Chính vì vậy mọi loại hình nghệ thuật cũng được hỗ trợ rất nhiều sự tiến bộ này để tìm ra những phương pháp thể hiện mới đủ sức cạnh tranh với các loại hình nghệ thụât khác. Trong nghệ thuật, một trong những tố chất của các nhà sáng tác là luôn luôn tìm con đường sáng tạo riêng, đặc trưng cho mình. Vì vậy ngoài sự tuân thủ những nguyên tắc kinh điển làm nên tính chất của mỗi thể loại thì việc cách tân trong sáng tác của các nhà văn, các nhà viết kịch là việc làm tất yếu để làm nên phong cách riêng. V. Huy Gô bằng những kiệt tác kịch của mình như Héc na ni, Crôm Oen…từng dầy công phá vỡ luật tam nhất trong kịch( luật này từng là hình bóng thể chế quân chủ lập hiến Pháp) tồn tại hàng thế kỉ mà Coóc nêi và Ra Sin là hai đại diện kiệt xuất. Gớt, Sin Le đưa yếu tố và kết cấu lãng mạn vào kịch để tìm ra hướng đi cho phong trào ”bão táp và xung kích”…và gần đây nhất vào đầu thập niên 70 của thế kỉ 20 nhà viết kịch trẻ Văm Pi lốp đã tạo ra một phương pháp viết kịch dựa trên chất trữ tình và ngẫu nhiên đã viết nên hàng loạt kiệt tác làm lung lay hệ thống Xtanilápski…Còn ở ta chất thơ và sự suy gẫm trong những kịch bản của Nguyễn Đình Thi đã phá vỡ ít nhiều tư duy kết cấu hành động trong kịch làm đau đầu bao đạo diễn. Kịch bản của ông chỉ bừng sáng lên trong cách đạo diễn tài ba của NSND Nguyễn Đình Nghi. Như trên tôi đã nói trình độ khoa học kĩ thuật của nhân loại giờ đây đã tiến quá xa, các nhà viết kịch trong xu thế đổi mới cũng đi tìm nhiều phương pháp biểu hiện mới….Nhưng đáng buồn thay không ít các nhà hát, các đoàn kịch giờ đây vẫn lấy tiêu chuẩn nghệ thuật phải là Xtaní, phải có hành động kịch rõ ràng cùng với chủ đề không nhậy cảm thì mới chọn vở….Với lối chọn kịch bản cổ lỗ, trì trệ cả về nghệ thuật biểu hiện với đề tài hiền lành như vậy trách chi người xem nhất là người xem trẻ từ chối sân khấu.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói đến yếu tố thương mại và thông tin. Dù nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng cao đạo đến đâu thì cũng không thể thoát khỏi hai đặc trưng này. Không phải ngẫu nhiên phí qủang cáo ở các nứoc tiên tiến chiếm từ 30-35 thậm chí có sản phẩm lên đến 40% giá thành sản phẩm. Còn sau khi các vở kịch ở ta dàn dựng xong theo lệ thường mời mấy nhà báo (đa phần là không hiểu gì về kịch) đến xem rồi viết môt bài giới thiệu theo giọng của tác giả, giám đốc nhà hát và đạo diễn. Đơn vị có vở mới coi đó là xong. Tôi nhớ, cách đây ba, bốn chục năm ở trang cuối nhiều tờ báo đều có mục giới thiệu phim và kịch chiếu ở các rạp mồi tối Nay người yêu kịch muốn xem cũng không biết xem ở đâu. Các nhà hát, đoàn kịch đã từ lâu thụ động, ngủ yên vì tiền dựng vở được rót từ ngân sách. mảng phê bình kịch – cũng là một cách quảng cáo- quá yếu vì không được coi trọng, vì không có nhà phê bình nào đúng nghĩa ngoài mấy bài phê bình sáo rỗng “vở kịch đã đụng vào rung cảm trái tim”…Thiếu năng động trong quảng cáo tức là tự bịt thông tin về sản phẩm của mình, thiếu sự mổ xẻ đánh giá tác phẩm, tác giả đạo điễn…Đa giết chết sự hướng dẫn, thu hút khán giả đến với tác phẩm của mình. Mỗi kì có kỉ niệm nọ kia, lại lấy tiền ngân sách dựng vài kịch mục kiểu pa nô hoành tráng với nghệ thuật viết cũ mèm …Phỏng làm sao hấp dẫn được người xem đang ngày một thông minh, am hiểu và trong guồng quay của đủ mọi phương tiện giải trí cách tân và đa dang.

Nền kịch chúng ta đang sa vào bi kịch là vậy .

Nhà văn Nguyễn Hiếu