Trang chủ » Tin văn và...

KHÔNG CHẤP NHẬN HỘI VIÊN HNVVN THAM GIA CÁC TỔ CHỨC BẤT HỢP PHÁP

Dạ Miên
Thứ sáu ngày 22 tháng 5 năm 2015 2:18 PM

(PetroTimes) - Ngày 21/5, Đại hội Nhà văn khối CAND đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN); nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch HNVVN; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn CAND…

Dự thảo báo cáo của HNVVN tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc đã cho thấy, điều lệ Hội Nhà văn đã có sửa đổi, bổ sung, như điều khoản về hội viên mở rộng hơn với cả những người không có quốc tịch Việt Nam, hay bổ sung: “Hội viên HNVVN không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp.”

Các nhà văn đề nghị HNVVN có thái độ trước việc nhiều nhà văn tuyên bố ra khỏi Hội vừa qua, hoặc tham gia cái gọi là Văn đoàn Độc lập.


Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Đại hội

Nhà văn Như Phong cho rằng: "Việc các nhà văn tham gia Văn đoàn Độc lập là việc của họ. HNVVN là tổ chức tự nguyện, ai không thích tham gia thì cứ việc ra, nhưng phải cho đàng hoàng. Khi anh vào, anh làm đơn, nay muốn ra, cũng phải có lá đơn…"

"Ngoài ra, Điều lệ HNVVN cần làm rõ, ai làm đơn xin vào HNVVN thì không được tham gia các hội đoàn bất hợp pháp. Một vấn đề nữa cũng phải được quan tâm, xem xét, đó là chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, thì tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Chấp hành HNVVN cũng phải có sự thay đổi để phù hợp" - nhà văn Như Phong phát biểu thêm.

Góp ý với dự thảo báo cáo của HNVVN, nhà văn Bùi Anh Tấn cho rằng, điều lệ “Hội viên không tham gia các tổ chức bất hợp pháp” còn mơ hồ, cần xác đinh rõ thế nào là bất hợp pháp? Có căn cứ để xác nhận Văn đoàn Độc lập là tổ chức hội bất hợp pháp? Thế nào gọi là “vi phạm pháp luật”, hay qui định “làm mất thanh danh” của Hội?

Theo nhà văn, Thiếu tướng Khổng Minh Dụ, không nên nặng nề, mà cần rõ ràng với Văn đoàn Độc lập. Dù sao thì hàng loạt nhà văn “ly khai” HNVVN cũng là nỗi buồn của HNVVN. Ban Chấp hành Hội nên làm rõ lý do các nhà văn tuyên bố rời khỏi HNVVN, vì không phải họ chống Đảng, chống đất nước, mà có khi chỉ là thái độ với HNVVN.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, trước sau, HNVVN không chấp nhận các nhà văn đang sinh hoạt tại Hội lại tham gia các tổ chức bất hợp pháp. Tuy nhiên đến nay, HNVVN chưa gạch tên một nhà văn nào tham gia Văn đoàn Độc lập, bởi: “Chúng tôi không rẻ rúng danh hiệu nhà văn và vẫn kiên trì vận động, chờ đợi họ quay trở lại với HNVVN”.

Chiều 21/5, Chi hội Nhà văn Công an đã tiến hành bầu Ban Chấp hành mới.


Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhân dân nhiệm kỳ 2015-2020.

Thay mặt Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an, nhà văn Ngôn Vĩnh nhìn lại: Năm năm qua, hoạt động sáng tác của Chi hội Nhà văn Công an phát triển mạnh mẽ. Ở mảng tiểu thuyết lẫn lý luận phê bình, các nhà văn Công an đã ghi được nhiều dấu ấn. Nhà văn Lương Sĩ Cầm, đã 86 tuổi, cao tuổi nhất Chi hội, nhưng bút lực vẫn sung mãn và tác phẩm “Đèn kéo quân” vừa được giải A của Bộ Quốc phòng cho thấy điều đó. Nhà văn Bùi Anh Tấn đã xuất bản nhiều tiểu thuyết, viết về một đề tài nhạy cảm là đồng tính và đã thành công với giải A do Bộ Công an - Hội Nhà văn trao. Cuốn "Ký ức ăn mày" của nhà văn Tôn Ái Nhân hàng ngàn trang vừa được xuất bản sau 10 năm miệt mài viết. Nhà văn Trần Hữu Tòng đã gắn bó với cuộc sống của các chiến sĩ biên phòng và vừa tiếp tục ra mắt cuốn “Kỳ tích chốn non xanh” và được Trung tâm Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế trao thưởng. Với bút lực mạnh mẽ, nhà thơ Khổng Minh Dụ có tới 5 cuốn trong 5 năm đã được nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu. Sau sự kiện “Mãi mãi tuổi 20”, Đặng Vương Hưng tiếp tục là “bà đỡ” cho nhiều cuốn nhật ký, hồi ký có tiếng vang với bạn đọc như: “Không thể mồ côi”, “Những lá thư thời chiến” là 2 trong hàng chục cuốn sách như thế. Nhà văn Như Phong cũng tiếp tục có hàng trăm tập kịch bản phim và 3 cuốn tiểu thuyết viết về lực lượng CAND. Sau khi nhận giải thưởng của HNVVN với cuốn “Tản mạn nghiệp văn”, nhà văn Đinh Quang Tốn tiếp tục xuất bản “Khát vọng nghệ thuật”. Nhà văn Phạm Khải in tới 7 cuốn trong 5 năm và 2 cuốn đã được nhận giải thưởng.

Các nhà văn, nhà thơ công an khác, đều tiếp tục khẳng định mình qua các tác phẩm mới.

Nhiều nhà văn đề nghị tổ chức hội thảo về một số cuốn sách của các hội viên, như “Kiếp người” của nhà văn Hữu Ước, để có ý kiến đánh giá mang tính chuyên môn.

Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 5 nhà văn: Hữu Ước, Nguyễn Hồng Thái, Ngôn Vĩnh, Phạm Khải và Bùi Anh Tấn.

Trước đó, các đại biểu cũng đã bầu 18 nhà văn đi dự Đại hội HNVVN nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức vào tháng 7/2015.

Dạ Miên

(Năng lượng Mới)