Trang chủ » Tin văn và...

RA MẮT TIỂU THUYẾT "NHỮNG KHOÁI CẢM KHÁC"

Thu Nga
Thứ ba ngày 12 tháng 5 năm 2015 1:12 PM


NVTPHCM- Trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu, chiều ngày 8 tháng 5 năm 2015, tại Trung tâm Văn hóa pháp L’espace Hà Nội đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Những khoái cảm khác” của nhà văn Ba Lan Jerzy Pilch,Lê Bá Thự chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhà thơ, dịch giả Hữu Việt dẫn chương trình, nhà lý luận phê bình văn học Văn Giá giới thiệu và bình luận tác phẩm.

Tới dự có ngài SzymonWudarski, Phó Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ nữ. Đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, dịch giả, đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, nhà ngoại giao, các giáo sư Đại học Mỏ - Địa chất, những người từng học tập, công tác, sinh sống và sang thăm Ba Lan, bạn bè của dịch giả Lê Bá Thự, các phóng viên báo đài trung ương và địa phương, các bạn đọc trẻ đã tới dự, khách ngồi gần kín hội trường.

Trong phần giới thiệu và bình luận tác phẩm, nhà lý luận phê bình Văn Giá nhấn mạnh ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm: “Tôi cho rằng, nhà văn không định đi theo hướng quy kết đạo đức trên lập trường của một nhà đạo đức học. Khác với nhà đạo đức, nhà tiểu thuyết muốn biểu đạt đời sống trong tính khả thể của nó. Chính vì thế, qua các nhân vật và giọng điệu trong tác phẩm, tiểu thuyết đặt ra nhiều vấn đề của đời sống nhân sinh.

Trước nhất, ông không hẳn lên án những người sống theo lối chạy theo cảm xúc. Sống theo cảm xúc cũng có những thú vị của nó. Thậm chí, những cảm xúc bền vững có khi lại thuộc về những tình cảm lớn đáng nể phục. Tình yêu của bà cụ đối với ông cụ Emilian Kohoutek chẳng phải thuộc về một tình yêu lớn đó sao? Trong tình yêu, người bất hạnh có thể lại là người có một thứ tình cảm nhợt nhạt, nghĩa vụ, như bổn phận, như một việc phải làm…

Thứ hai, có thể nghĩ đến ý tưởng này: nếu ai đó chỉ tuân theo cảm xúc không thôi, đến mức như là sự buông thả, thì sẽ chịu nhiều phiền toái, hệ lụy. Không chỉ gây ra phiền toái cho người tình, mà còn phiền toái cho người thân của mình, phiền toái cho cộng đồng.

Sống theo cảm xúc khả dĩ nhất là khi đừng vì nó mà bất chấp tất cả, vô trách nhiệm và gây hệ lụy cho người khác.

Thứ ba, vượt lên trên tất cả những suy đoán, tôi nghĩ, nhà văn đặt ra vấn đề: làm thế nào con người sống cân bằng giữa thế giới của khoái cảm, cảm xúc và thế giới của lý tính biết chấp nhận những quy ước, chuẩn mực cộng đồng. Đây là một bài toán của muôn đời. Nó là một hằng số đặt ra đối với tất cả mọi thời đại, mọi cộng đồng và mọi cá nhân. Điều này luôn là một thách đố không đơn giản đối với trí khôn của con người”.

Trong phát biểu của mình dịch giả Lê Bá Thự nói: “Thật là may mắn cho tôi, khi tôi được cử sang học tập tại Ba Lan, một đất nước mà người ta vẫn gọi là “Cường quốc văn học”, với chưa đầy bốn mươi triệu dân mà có tới bốn nhà văn và nhà thơ được giải Nobel. Đó cũng chính là nguyên do khiến tôi tôn vinh và tự tìm đến với văn học nước này. Nói một cách chính xác, các tác phẩm văn học cổ điển và đương đại Ba Lan đã cảm hóa tôi, đã thôi miên tôi, đã biến tôi thành người sùng bái nền văn học này. Không chỉ có vậy, tôi còn nuôi tham vọng đưa các tác phẩm văn học danh giá của đất nước Phượng hoàng đến với người đọc Việt Nam. Và dẫu lực bất tòng tâm, tuổi già lấn tới từng ngày, trong những năm vừa qua tôi đã dồn hết tâm trí, sức lực cho niềm đam mê của mình, cụ thể cho việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Ba Lan sang tiếng Việt, để những giá trị văn hóa và văn học Ba Lan đến được với người đọc Việt Nam, để người đọc nước nhà có cơ hội được thưởng thức các tác phẩm này, biết được, hiểu được người Ba Lan làm ăn sinh sống ra sao, tâm tư tình cảm của họ như thế nào, họ yêu và họ ghét như thế nào. 24 tác phẩm văn học Ba Lan, trong đó có mười tiểu thuyết, năm tập truyện ngắn, bốn tập truyện cười, một số tập thơ và truyện thiếu nhi mà tôi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt đã phần nào thỏa mãn tham vọng nói trên của tôi, góp phần khiêm tốn vào việc làm cho người Việt và người Ba Lan ngày càng gần gũi và hiểu biết nhau hơn”. “Giới thiệu cuốn tiểu thuyết thứ hai (cuốn đầu tiên có tiêu đề Dưới cánh Thiên thần Rượu, NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành năm 2012) của Jerzy Pilch, nhà văn đương đại hàng đầu Ba Lan, người dịch nhắm đích, theo đó người đọc Việt Nam một lần nữa lại được thưởng thức tài năng sáng tạo của một ngôi sao đang sáng chói trên bầu trời văn học đương đại Ba Lan”.

Phát biểu của nhà thơ Vũ Quần Phương được vỗ tay tán thưởng nhiều lần vì sự uyên thâm, tính phát hiện, dí dỏm và đầy chất thơ của ngôn từ. Trong lời phát biểu của mình nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo biểu lộ tình cảm của anh đối với dịch giả Lê Bá Thự và các tác phẩm dịch của anh. Khen bản dịch hay, thanh thoát, đọc rất vào, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã phân tích, mách cho mọi người những chương đoạn, tình tiết hay, thú vị của bản dịch tiểu thuyết “Những khoái cảm khác”. Nhà văn Văn Chinh phát biểu rất say sưa, vì ông rất thích cuốn tiểu thuyết này. Ông phân tích giá trị và và ý nghĩa của tác phẩm qua lăng kính xã hội Ba Lan thời kỳ sau năm 90. Mang theo cả con nhỏ năm tháng tuổi tới dự, nhà thơ Vi Thùy Linh phát biểu rất “VTL” – chân thành, cởi mở, thẳng thắn không vòng vo tam quốc. Vi Thùy Linh hỏi thẳng dịch giả LBT chuyện học hành, yêu đương hồi ông còn du học ở Ba Lan. Và dịch giả Lê Bá Thự cũng đã trả lời rất thành thật, không hề giấu giếm. Dịch giả “xin thề” nói thật: Hồi đó ông không dám và không hề yêu cô gái nào trên đất Ba Lan.

Cuộc giao lưu diễn ra đầy cảm xúc của những người tham dự. Có rất nhiều người đã đọc tiểu thuyết này, như nhà thơ Trần Ninh Hồ, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Sĩ Đại, nhà văn Phùng Văn Khai, nhà lý luận phê bình Tôn Phương Lan vv… muốn phát biểu. Tuy nhiên do thời gian có hạn, chỉ khoảng hai tiếng đồng hồ, ngay sau đó là cuộc giao lưu khác, nên MC Hữu Việt đành kết thúc buổi giới thiệu rất thành công tiểu thuyết “Những khoái cảm khác”.

THU NGA