Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ ANH TÔI

Nguyễn Hưng Chi
Thứ năm ngày 7 tháng 5 năm 2015 2:10 PM

Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa lỗi lạc Nguyễn Đổng Chi
GS.Nguyen Dong Chi.jpg

Nguyễn Đổng Chi (ngày 6 tháng 1 năm 1915-20 tháng 7 năm 1984) là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Hán Nôm, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.



Thời gian và tuổi tác đã xóa đi nhiều kỷ niệm, nên giờ đây ngồi nhớ lại cho hết những gì đã xảy ra trong mấy chục năm gắn bó thân thiết giữa hai anh em chúng tôi thật không phải dễ. Nhưng thật tình, nghĩ về người anh trai thứ Nguyễn Đổng Chi (mà tên quen thuộc vẫn gọi trong nhà là Gióng), hình ảnh vẫn thường hiện ra trong trí là một dịp Tết nào đấy cách đây dễ đã 55 năm, chúng tôi cùng ở trong phòng học – một căn buồng rộng, trước cửa có dòng chữ “Mộng Thương Thư trai”, hai bên tường là những giá sách chất cao đến trần – anh tôi sau hai ngày mồng một và mồng hai phải tiếp khách lu bù đang tranh thủ ngồi trước chiếc bàn gỗ lim to và dày lúi húi lật đi lật lại mấy tập sách chữ Hán và dùng cuốn từ điển Hán-Việt của cha tôi soạn, vừa tra vừa đọc rất chăm chú, còn tôi thì nằm duỗi dài trên chiếc ghế ngựa – chiếc ghế dài đóng bằng nhiều thanh gỗ, nếu rút chốt có thể choãi ra, giúp ta trong tư thế nửa nằm nửa ngồi thoải mái – đọc mấy tờ báo Thiếu nữ (La Fillette) và Thanh-Nghệ-Tĩnh tân văn anh tôi vừa mang ở Vinh về mấy hôm trước, trong khi ngoài vườn là vô số loài hoa đang nở: hoa hồng, hoa thược dược, hoa hải đường, xen lẫn hoa dong riềng đỏ tươi, hoa cải vàng lấm tấm... cùng với những cây ổi, cây nhãn, cây bưởi, cây dừa đang đâm những cành nhánh sum suê. Và gió ngoài cánh đồng thổi qua hai cửa sổ mở rộng đưa vào mùi hương tháng Giêng ẩm ướt, nồng nàn... Đấy là ngôi nhà “Chi gia trang” của gia đình chúng tôi mới dựng lên trước đấy một năm ở làng quê, ngôi nhà từng nổi tiếng một thời, là nơi mở rộng cửa cho mọi người dân trong vùng đến đọc sách, là nơi đã tổ chức những cuộc họp bí mật của Nhóm Thanh niên cứu quốc Can Lộc trong những năm 1943–45, dẫn đến cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền huyện ngày 15-8-1945([1]) một ngày sớm nhất trong toàn tỉnh, cũng là nơi rồi đây sẽ chứng kiến những bước thăng trầm, những bão tố dữ dội, làm xiêu liêu cả mấy anh em chúng tôi.

Tôi để ý thấy anh tôi đang ngồi chăm chú vào trang sách bỗng hình như thoáng nhìn thấy một cái gì, thế là anh vụt đứng ngay dậy, đóng chặt một cửa phòng thông ra sân bên trái, và đứng án trước một cửa phòng khác thông vào buồng giữa, miệng huýt một điệu sáo khác thường. Lập tức hai chú chó vện và chó đen của nhà nghe tiếng sáo từ đâu xông vào với dáng dữ tợn, cánh cửa liền đóng lại. Thế rồi anh tôi vừa điều khiển hai con chó chạy sục sạo từ góc này đến góc kia, vừa dùng một chiếc que dài xoi đi xoi lại phía sau các tủ sách. Bỗng chốc một chú chuột nhắt từ dưới tủ chạy vọt ra, con chó vện chồm tới. Một tiếng “chít” vang lên, chuột đã lọt vào giữa hai mõm chó. Cửa lại được mở ra, và anh tôi vừa cầm vào cái đuôi con chuột bé tí mang đi vứt vừa cười với tôi. Bấy giờ tôi đang học trung học ở Quy Nhơn mới trở về quê nghỉ Tết nên chưa được biết những trò này.

Anh tôi trở lại ngồi vào bàn và lại lặng lẽ như cũ. Bỗng không được lâu, bác Chất Nghĩa, một người lão bộc lâu năm của gia đình vừa đi chợ Huyện về, cho biết ở chợ người ta đồn mới có một vụ án mạng xảy ra ở Vạn Phần (Diễn Châu). Chúng tôi cùng bật dậy, chạy xuống nhà dưới để hỏi tin. Bác cho biết, nghe đâu có một anh tá điền bị cường hào o ép ngặt quá không còn biết xoay xở cách nào nữa đành liều cầm dao xông vào nhà Chánh tổng giữa ngày Tết, đâm chết y rồi đâm luôn cổ mình tự tử, bỏ lại một vợ và đàn con nhỏ. Nghe chuyện cả nhà chúng tôi ai cũng thở dài thương cho hai mạng người xấu số, lại thương cho chị vợ và đàn con anh nông phu từ đây không biết cậy nhờ vào ai. Nhưng tôi bỗng thấy anh Gióng có dáng vội vã. Không nói không rằng anh bỏ đi lên nhà trên, chỉ chốc sau anh đã trở xuống với chiếc cặp cà tàng, chiếc mũ trắng, tay dắt xe đạp. – “Anh đi đâu mà vội thế?”, tôi hỏi. – “Mình ra phủ Diễn đây. Phải lên Nghèn đáp ô tô Hồng Ký từ Hà Tĩnh ra Vinh mới kịp chuyến chiều. Thôi chú ở nhà chơi, mấy bữa mình về”. – “Anh đi xem án mạng sao?”. – “Đúng! Mình đang viết tập phóng sự về cái nạn cường hào([2]). Mấy lâu nay lặn lội khắp Nghệ-Tĩnh mà mãi vẫn không tìm ra một thiên truyện làm kết. Nay thì có rồi! Mà tuyệt nữa! Phải đấy, đúng là một kết cục như nó phải có. Merveilleux([3])!”. Thế rồi anh nhảy lên xe, bộ quần áo trắng biến mất ở cổng. Tôi vừa trở lại phòng học thì tiếng chuông xe đạp đã reo lên “kính coong” ở xa.

Tôi lại nằm xuống chiếc ghế ngựa và ngẫm nghĩ: người anh của mình trước sau vẫn vậy. Vẫn cái tính hiếu động ấy, cái thói quen làm việc nhanh như sóc ấy, cái tính thẳng thắn đến ương ngạnh ấy, và cái đức hiếu học ấy. Anh thực là một con người hoạt động mà suốt một thời tuổi trẻ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm tính của tôi.

Tuổi trẻ hiếu động

Thời niên thiếu, anh Gióng là một tay rất ưa nghịch ngợm. Anh chơi bời, phá phách, quấy rối hết thảy mọi người. Nghỉ hè, từ Vinh([4]) về nhà, trong vườn có mấy cây ổi, cây nhãn, anh trèo suốt ngày, hầu như ở trên cây từ khi quả còn xanh cho đến khi hết quả. Tôi và người chị kế sau anh – chị An – chỉ đứng chực dưới gốc để thỉnh thoảng được anh vứt xuống cho một chùm nhãn hoặc vài quả ổi. Có mấy cây nhãn ngon, mẹ tôi thường thuê người đan lồng để bu nhãn lại cho dơi khỏi ăn. Nhưng việc bu những cành nhãn nhỏ ở xa thì ai cũng chịu, chỉ anh tôi mới dám trèo ra để làm. Cũng vì leo trèo trên cây suốt ngày nên mẹ tôi lo nhỡ ngã thì què chân gãy tay hay có thể chết người nữa là khác. Năm đó anh tôi học ở Đồng Hới về nghỉ hè. Lẽ ra còn có thể ở thêm dăm hôm nữa rồi vào nhập trường cũng còn kịp, nhưng vì thấy anh leo trèo nhiều quá, mẹ tôi ra lệnh cho anh phải lên đường sớm hơn, chuẩn bị hành trang để vào thị xã Hà Tĩnh đón xe đi Đồng Hới. Anh tôi tính tuy ương nhưng cũng vâng lời mẹ ra đi. Đi được mấy tiếng đồng hồ, trong nhà thiếu anh trở nên vắng vẻ hẳn. Ai cũng như thấy thiếu một cái gì. Mẹ tôi đâm ra thương con bèn bảo bác Chất Nghĩa trèo lên cây nhãn bẻ vội mấy lồng rồi đuổi vào tận bến xe Hà Tĩnh để đưa cho anh.

Lại có một lần nghỉ hè, anh tôi lúc đó khoảng chín, mười tuổi, còn tôi thì còn bé tí. Nhân ngày rằm tháng Bảy, cha tôi dẫn cả ba anh em đi lễ chùa (chùa Ba Làng, một di tích liên quan đến vị tổ của chúng tôi là Trần Đức Mậu, ở thế kỷ XV). Sau cuộc lễ, thầy chùa mời các vị bô lão ở lại để thết cỗ chè. Thầy chùa định cho ba anh em ba chén chè nhưng cha tôi ngăn lại và đề nghị thầy chỉ cho thằng út một chén thôi (bởi vì thấy mâm chè cũng không nhiều nhặn gì lắm mà bô lão lại đông). Tôi được hưởng một chén chè còn anh chị tôi đành nhịn. Tôi ăn xong, cha tôi bảo ba anh em đưa nhau về trước còn cha ở lại để trò chuyện. Về nhà mẹ tôi đã trữ sẵn một vại nước mưa, bảo ba anh em cởi quần áo ra để mẹ tắm cho mát. Lúc quần áo cởi ra, thấy trên người anh có những nốt ghẻ, tôi thuận tay khảy mấy cái, không ngờ làm anh chảy máu. Thế là anh tôi chửi toáng lên: – “Mẹ cha đứa mô [nào] đẻ ra thằng Hưng để nó làm tao chảy máu đây này!”. Mẹ tôi thấy thằng con chửi hỗn bèn cầm roi ra đánh. Đánh được vài roi thì anh tôi bỏ chạy, thuận chân đá luôn chiếc liễn đựng mật đương phơi giữa sân hàu (sân làm bằng vôi cát và tro trộn mật, không có xi măng). Mật mía đặc trong liễn theo đường lăn của chiếc liễn chảy thành một dòng nhỏ như sợi bấc đèn. Nhân khi mẹ còn bận đuổi anh, tôi bèn rón rén theo dòng mật chảy, lấy tay vét đưa lên miệng... Chốc sau, khi đã tắm xong, chị An tôi cười bảo với mẹ: – “Chắc ông anh bực vì không được ăn chén chè của nhà chùa thôi, chứ nốt ghẻ chảy máu thì có đau đớn gì!”.

Cũng cái tính ương bướng như thế đã sớm tạo cho anh tôi một lối sống cứng cỏi, không để cho ai bắt nạt, cũng không giấu giếm bất bình trước mọi chuyện trái tai gai mắt mà mình bắt gặp. Cần nói rằng, có lẽ do sớm được đọc sách, ngay từ còn nhỏ anh em chúng tôi đã ít ham thích những tập tục cổ hủ của nông thôn như chuyện cỗ bàn xôi thịt, như là chuyện tranh giành nhau trong họ ngoài làng. Chúng tôi cũng có tham gia vào tất cả những chuyện ấy như các thành viên khác, nhưng chỉ tham gia lấy lệ mà không hề mê say (kể cả chuyện đánh tổ tôm mà tôi sẽ kể ở sau). Và khi những cuộc họp làng, nhất là họp họ đã đến chỗ gay cấn, trước chén rượu rót đã lửng chai và giọng nói của ai đó đã có vẻ lè nhè hay trở nên sừng sộ thì dù là con nhà tộc trưởng, anh em tôi cũng bấm nhau lặng lẽ rút lui, để cả họ ngồi lại khu xử (có khi nổ ra những cuộc cãi vã đỏ mặt tía tai và rồi bất kể thứ gì có trước mặt: chai, lọ, chén, bát, khay trầu, ghế tựa... đều dùng để trút lên đầu nhau... Mãi cho đến khi hết say rồi mới lại tìm cách dàn hòa).

Một lần câu chuyện xảy ra vào khoảng hè 1929, hoặc 1930, làng góp tiền để xây một cái giếng cho nhân dân đi lấy nước thuận lợi hơn, kẻo cả một xã rộng lớn chỉ dùng có mỗi một cái giếng cạn (giếng Tran) trên cồn (cồn Chủi), hơi xa và đông người quá, bất tiện. Hơn nữa giếng Tran đào như một cái ao, người lấy nước phải lội xuống, nghiêng vò cho nước chảy vào đầy rồi quảy lên, thành thử khi múc nước thì đôi chân bẩn cũng nhúng luôn vào nước. Người em họ của chúng tôi đã đứng tuổi là B., người xóm trong, được làng giao cho đứng ra lo liệu. Ông chủ trương đào giếng ở một địa điểm nằm giữa hai xóm trong và ngoài cho thuận lợi cả hai bên khi đi múc nước. Tại đó, có miếng đất bắc mạ của ông Ng. cũng là người trong họ, tuy đã đem cầm cho bà Q. Ch., vợ ông chú họ, để đi hút á phiện, nhưng ông vẫn cho làng đào giếng vào một góc. Tiếc thay vì không kiểm tra thử chất lượng trước nên giếng đào đúng vào mảnh đất chua phèn, nước không dùng được, làm xong bị dân loại bỏ, từ đấy chúng tôi vẫn gọi là giếng Chia, cũng chẳng hiểu vì sao. Nhưng điều đáng nói là việc đào giếng đã làm cho bà mợ Q. Ch. tức giận điên người, vì mảnh đất vốn đã được cầm cho bà. Nhân bữa giỗ họ vào rằm tháng Bảy, bà đùng đùng xông đến, bất thình lình vật ông Ng. xuống, đè lên và ra sức chửi mắng. Cuộc họp họ biến thành một cuộc giằng xé dữ dội giữa con cái ông Ng. và vợ chồng bà Q. Ch. Đã thế sau khi rượu vào, trong họ lại sinh hiềm khích. Một người em họ là H. nóng nảy lật cả một nong thịt vừa thái xong làm cho xôi thịt đổ ra tung tóe, việc đó lại gây nên một cuộc xô xát thứ hai. Chúng tôi được một bữa hồn vía lên mây. Nhưng sáng hôm sau đã thấy anh Gióng tụ tập bọn trẻ lại hát cho nghe một bài vè. Đứa nào nghe xong cũng lẩm nhẩm đến thuộc lòng như cháo vì bài vè lột tả thật sinh động bữa cỗ hôm qua mà chúng tôi vừa chứng kiến:

“Ngày rằm tháng Bảy tê [kia],

Mụ Q. Ch. ra hề.

Chuyện cũng hay, hay thật,

Xin kể ra đây nghe.

Làng đào giếng uống nước,

C. Ng. cúng đất bắc.

Mụ Q. Ch. nghe tin,

Vội đi ngay một bước.

Tới nhà thờ bữa rằm,

Họ chia phần vừa xong.

Mụ ôm vật C. Ng.

Đè xuống mà bảo rằng:

– “Mày thiếu tiền hút xách,

Tao đã liệu chu tất.

Mày gán ruộng ấy rồi,

Sao giờ lại cúng đất?”

C. Ng.: – “Đất của choa [chúng tao],

Cho không, mặc kệ mà!

Ai mượn mi dự đó?

Muốn tốt thả tao ra”.

Đoạn giữa kể đàn con ông C. Ng. xâu vào đánh giải thoát cho bố, tôi đã quên mất, chỉ còn nhớ đoạn cuối nói về sự kiện tày đình thứ hai, cũng tại nhà thờ hôm đó:

Cu H. nhảy đại vô,

Xô cái nong một xô.

Thịt rơi tung tóe cả,

Chó mèo được bữa no!

Cố Th. đứng dậy ngay,

Nói cho cố L. hay:

– “Phải đền nong thịt ấy”

Cố L.: -“C. đây này!”

Cũng nên nhớ là bài vè được viết lúc anh tôi chỉ mới mười bốn tuổi. Lũ trẻ chúng tôi vừa đọc cho nhau vừa rất phục tài anh. Nhưng vài ba năm sau, lại một chuyện khác xảy ra khiến cho tiếng tăm anh càng “nổi” hơn. Lúc này anh đã tốt nghiệp “rime” (Primaire) ở Đồng Hới, chuyển ra Vinh ở với cha tôi để tìm việc làm. Tôi cũng cùng với bà nội ra Vinh ở với cha tôi. Ra đến nơi, tôi thấy trên bàn anh để rất nhiều báo chí, đủ loại, do cha tôi mua về. Riêng anh còn lo ky cóp mua khá nhiều loại sách hồng (livre rose), và đọc suốt ngày đêm. Vì còn sống tự do, chưa có việc gì làm nên ban ngày đọc sách, tối lại anh lần mò đi học võ. Anh không học với ai xa lạ mà tìm xuống nhà dưới học với hai anh em một người lái xe, cùng thuê một phòng trong ngôi nhà khá rộng rãi chúng tôi đang ở. Tôi không rõ việc học hành võ nghệ của anh ra sao, vì mình còn quá nhỏ, nhưng một hôm, giữa đám bạn bè cùng ở trọ học tại đấy anh bỗng cười bảo: – “Cậu nào có muốn đấm mình không? Cứ xông vào đấm thật lực, mình không làm gì đâu. Đấm vào tay, chân, vào người, đâu cũng được”. Mấy cậu choai choai lúc đầu tưởng anh nói chơi nên chỉ cười, sau biết anh muốn thử xem sức học võ của mình đã tấn tới đến đâu, bèn vui vẻ đứng dậy xắn tay áo dang thẳng cánh quật vào anh tới tấp. Những cú đấm bịch bịch của họ xem ra cũng nặng cân lắm vì tôi thấy anh tôi nín thở đối phó, thỉnh thoảng lại “ự, ự”. Tôi đứng xem hơi hoảng, đang lo thay cho anh thì chợt thấy anh khoát tay một cái, một cậu kêu “ối” và ôm chặt lấy tay. Thì ra anh đã dùng ngón đòn chặt mạnh bàn tay vào tay cậu, làm cậu trẹo mất một ngón tay. Gần đây, sau khi anh tôi đã qua đời, cháu trai tôi có dịp gặp lại người bạn năm xưa của bố là Trần Xuân Phác, nay ở 57 Giảng Võ – ông Phác vẫn chưa quên chuyện cũ; vừa chỉ vào ngón tay út ông vừa cười, nói với cháu tôi: – “Nó vẫn trẹo đây này”.

Thế rồi một hôm, ít lâu sau ngày thử võ, anh tôi về nhà. Hồi ấy nhà tôi có một con bò cho người làng trên (Ích Mỹ) nuôi rẽ. Nuôi rẽ tức là nuôi bò cho người khác, theo chế độ: được cày bừa thoải mái nhưng nếu bò đẻ thì phải chia hai, một nửa của chủ có bò và một nửa của mình. Rất tiếc chúng tôi lại gặp phải một tay nuôi rẽ láu cá, và tính cách cũng vào loại “sừng sỏ”. Nên tuy bò đã đẻ mấy lứa mà anh ta vẫn “lỉnh”, không thèm bảo qua một tiếng với chủ có bò. Phiền nỗi là ở nhà quê chỉ có mình mẹ tôi, một người phụ nữ hiền lành, với người bố chồng già yếu lại bị què chân, nên chẳng làm được gì với tay này cả. Vừa về đến nhà, nghe chuyện, anh tôi đã hối hả lên làng trên hỏi cho ra lẽ. Mẹ tôi và ông tôi can mãi anh cũng không nghe. Ai cũng lo thay cho anh. Mẹ tôi liền cho bác Chất Nghĩa đuổi theo thám thính để nhỡ có chuyện gì còn kịp can gián. Nhưng ông vừa lên đến nơi thì cũng vừa kịp chứng kiến một chuyện lạ lùng: anh tôi đầu trần, bộ quần áo trắng, mới bước vào cổng gọi người nuôi bò rẽ thì từ trong nhà hắn đã sừng sộ bước ra với một chiếc đòn gánh cầm tay. Sau vài câu lời qua tiếng lại, anh chàng nuôi bò ỷ vào cái tính ngổ ngáo của mình, hạ ngay độc thủ, cầm đòn gánh giơ lên phang thẳng xuống đầu anh tôi. Mọi người nhìn thấy không ai là không thất sắc, nhưng chưa một ai kịp kêu lên thì anh tôi đã giơ cánh tay mảnh dẻ lên đỡ cú đánh ác hiểm. Thế rồi không hiểu sao chiếc đòn gánh to lừng lững kia lại không làm gãy tay anh mà trượt theo cánh tay xuống nách, và bị anh kẹp chặt lại ở nách, cứng như sắt. Chàng nông dân nọ đang đớ người ra trước một sức khỏe và sự nhanh dẻo dị kỳ như vậy thì liền bị cánh tay kẹp đòn gánh của anh tôi giật lùi một cái, cả người anh chàng ngã sấp xuống. Mọi việc xảy ra trong chớp mắt. Anh tôi không nói một tiếng, chỉ thả đòn gánh ra để cho anh chàng ngổ ngáo đứng dậy, mặt ngượng ngập, phủi bụi đất ở áo quần, rồi mới thủng thỉnh bảo: – “Cũng nên một vừa hai phải thôi chứ, không phải muốn làm gì ai cũng được đâu!”. Nói rồi anh chào người vợ và thong thả ra về. Từ đấy cả vùng quê tôi người ta đồn nhau: “Gióng là tay có võ!”.

Tập sự vào đời

Nhưng anh Gióng tôi ương ngạnh mà không “sinh sự” với một ai. Một đức tính ngày càng rõ nét ở anh: sự tự chủ. Có lẽ đây là một tập luyện lâu dài, tập luyện đến thành thói quen lúc nào không biết. Tự chủ, biết nén mình lại, nên dường như càng đến tuổi thanh niên anh càng ít khi nổi nóng. Anh nhũn nhặn hẳn. Sự thực thì để trở thành một con người như vậy là cả một nghị lực phi thường. Nghị lực đã được bộc lộ ngay từ nhỏ, thành một ý chí tự lập thường trực ở nơi anh. Một vài việc anh làm thuở bấy giờ, cứ tưởng là “trẻ con”, suy nghĩ lại mới thấy hết ý nghĩa của nó.

Việc làm đầu tiên là mở... “Bình Ân dược phòng”. Bà tôi ra Vinh vào khoảng năm 1931, lúc ấy bà đã 80 tuổi nên mắt kém và chân tay lóng ngóng. Một hôm bà từ nhà ngoài đi vào buồng ngủ, chân va vào bậu cửa và bị ngã. Đỡ bà dậy thì biết là xương tay bị gãy, cả nhà rất lo sợ vì đối với người già việc gắn lại xương gãy đâu phải chuyện dễ dàng. Có một bà cụ bán thuốc tễ quen thuộc tới thăm và bày cho cha tôi một phương thuốc Đông y tự chế lấy để dùng đắp vào chỗ gãy trước khi bó lại. Tôi còn nhớ là: lô hội trộn với quế chi giã nhỏ pha rượu vào, đun lên thành một thứ hồ lệt sệt màu đen, đắp vào chỗ gãy rồi lấy vải xô bó cứng. Ít giờ sau thứ hồ này cứng lại cũng giống như bột thạch cao bó xương của Tây y. Một thời gian sau mở băng ra thì xương đã liền và tay đã lành. Cha tôi rất mừng, mời bà cụ lại để cám ơn. Bà cụ cho biết thứ lô hội này nếu pha chế thật loãng thì còn có thể chữa được những căn bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ghẻ, v.v. Anh tôi nghe rất chăm chú. Sau đấy, anh dùng chữa thử cho một vài người thấy có hiệu nghiệm. Bỗng nhiên anh tôi nẩy ra ý định kinh doanh thứ thuốc này. Các vị thuốc thì chả khó khăn gì, ở cửa hiệu thuốc Bắc nào cũng sẵn. Cối giã quế chi đã có một cái cối giã vừng trong nhà bếp. Duy chỉ cần một chiếc niêu con để nấu thuốc, anh tôi bèn tìm bà Lộc ở nhà dưới hỏi mua chiếc niêu đất bé tí mà trước kia bà thường dùng để nấu cơm cho một mình bà ăn. Được nồi rồi anh tôi hí hoáy pha chế, sắc nấu thành một thứ nước đen lệt sệt. Rồi đi thuê đặt thổi mấy cỡ chai con, lại thuê in cả nhãn hiệu:

BÌNH ÂN DƯỢC PHÒNG

THUỐC GỊT

Chuyên chữa: ghẻ lở, mụn nhọt, gãy xương, bong gân

Mấy chữ “Bình Ân dược phòng”, nghe thật “oách” mà chung quy, “quy trình công nghệ” chỉ quanh quẩn trong một cái niêu và một cái cối giã vừng! Bình Ân là biệt hiệu của anh tôi, bởi tên anh là Gióng tức là Phù Đổng – Nguyễn Đổng Chi – anh hùng dẹp giặc Ân, nên anh mới đặt cho mình biệt hiệu trên. Chai lọ rót thuốc xong nút lại, rồi cũng được gắn xi và bọc một lớp giấy bóng kín đáo, đẹp đẽ, sau đó đưa đi cổ động bán. Hồi ấy trên tuyến đường biển Bến Thủy - Hải Phòng có một ông nhân viên người làng Kim Trùy, cách quê tôi chừng 3km, làm kiểm soát viên trên một chiếc tàu biển chở hàng, vào những ngày rảnh rỗi thường tới nhà tôi chơi. Nhân tiện, anh tôi bèn đề nghị ông cho đi tàu nhờ ra Hải Phòng để bán thuốc Gịt. Ông ta nhận lời đưa anh tôi cùng đi mấy chuyến ra Hải Phòng. Ngoài ra, anh còn cho in giấy quảng cáo để gửi đi các tỉnh quảng cáo thứ thuốc Gịt của mình, và thỉnh thoảng tôi thấy có thư gửi về mua thuốc. Cha tôi không nói gì trước việc làm của anh (chắc ông vẫn coi là trò trẻ) nhưng đôi lúc mắt ông đã có cái nhìn khang khác với đứa con mười sáu tuổi. Ngày nay, mỗi lần đi trên tàu hỏa, bắt gặp những ông đứng tuổi đeo kính đen, vai quàng xắc, tay cầm đủ loại thuốc cao đơn hoàn tán chìa vào tận mặt khách miệng nói liến thoắng: – “Nếu quý khách chẳng may có ai ghẻ lở, hắc lào, mẩn ngứa, phồng rộp chân tay... xin cứ bôi thử một tí vào da là khắc thấy hiệu nghiệm...” tôi lại bất chợt mỉm cười, lòng không khỏi thức dậy một cảm giác vui vui khi thốt nhớ lại hành vi có thể nói là “táo tợn” của một đứa trẻ nhà quê mười sáu tuổi cái thuở xa xưa ấy, là người anh hiếu động của mình.

Cũng vào thời gian làm thuốc Gịt Bình Ân, anh tôi còn phát hiện ra ở các phiên chợ Vinh có bán một thứ đồ tre khá đẹp. Đấy là đồ dùng chế tạo từ những ống tre non được luộc chín rồi ép phẳng như những tấm gỗ mỏng, có độ dày khoảng 4-5mm. Người ta dùng loại dao, cưa, đục rất nhỏ để cắt, đục, lắp ghép thành những cái khay để chén trà, khay đựng trầu, hộp đựng trầu, hộp đựng thuốc hình tròn hay lục giác, bát giác cho các bà lớn hồi đó dùng để đựng trầu, thuốc, hoặc để thuốc lào, thuốc lá sợi, v.v. Đặc biệt vỏ ngoài của thanh tre được luộc chín ngả màu ngà trên đó các nghệ nhân dùng lưỡi dao sắc nhỏ chạm lên những hình bông hoa, hình thú vật, hay hình người trông rất đẹp, hoặc tạc lên những câu chữ nho có ý vị...

Qua một vài phiên đi xem xét, anh tôi bèn mời một vài người bán đồ tre ấy về nhà mình để nói chuyện và trao đổi cách liên doanh liên kết với họ. Cuối cùng hai bên thỏa thuận với nhau là: phía anh tôi sẽ quảng cáo khắp ba kỳ món đồ tre đặc biệt của xứ Nghệ này để người ta biết mà tìm mua; anh tôi gợi ý với họ làm thêm một vài thứ đồ nhỏ như hộp thuốc lào bỏ túi, píp hút thuốc lá sợi để gửi đi biếu quảng cáo ở các tiệm buôn lớn và ngoài ra, về mặt chạm trổ trên mặt tre phải là hình các danh nhân đất nước: ví dụ Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng, Lý Thường Kiệt cưỡi ngựa đánh Tống, Hai bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, v.v. Bên mỗi bức chạm cũng có viết dòng chữ Hán ghi tên tuổi và hành động vị anh hùng được khắc họa. Làm vậy để đổi mới các đề tài cũ kỹ của họ. Còn việc đặt hàng sẽ được thông báo mỗi khi có giấy đặt hàng ở các nơi gửi về... Thế là cuộc kinh doanh đồ tre cũng được tiến hành đồng thời với thuốc Gịt Bình Ân và trụ sở đều ở số nhà 11 đường Paul Bert, Vinh.

Hồi anh Gióng còn học ở Đồng Hới có ông Viễn Đệ (em vợ anh Kinh Chi, người anh trai đầu) cũng từ Huế ra Đồng Hới sản xuất dầu tràm mà sau này ông đặt tên là dầu “khuynh diệp”. Quảng Bình là nơi có nhiều cây tràm mọc và dân ở các vùng có tràm từ lâu đã biết cất tinh dầu tràm để chữa bệnh. Ông Đệ vừa tự cất lấy dầu vừa mua dầu của dân đưa về pha chế thêm một ít nước màu riêng của mình thành một loại tinh dầu màu lá chuối trong xanh, chế vào từng cỡ chai to, bé để bán khắp ba kỳ. Người ta ưa chuộng dầu “khuynh diệp” vì nó chữa được một số bệnh nhức đầu, sổ mũi, nóng sốt khá hiệu nghiệm, và cũng vì tinh dầu của ông có màu sắc xanh đẹp khác hẳn với tinh dầu của người khác sản xuất màu vàng cỏ úa... Có thể chuyện làm ăn của ông Đệ đã có phần nào tác động tới anh tôi hồi đó. Vừa học tiểu học, anh tôi vừa tích cực làm quảng cáo cho hãng Viễn Đệ. Anh biến câu chuyện cổ tích mà ai cũng đã biết về hai bà mẹ tranh nhau một đứa con, thành một truyện thơ dài, trong đó chỉ có một tình tiết được anh “cải biên” là tình tiết sau cùng: khi vị quan phân xử đang lúng túng không biết nên trả đứa bé về cho người nào vì người nào cũng tỏ ý hết lòng thương yêu nó, thì bỗng trong túi một người rơi ra lọ dầu “Khuynh diệp”; thế là vụ kiện ngã ngũ – đứa con về tay bà mẹ có dầu. Phải chăng cái duyên của truyện cổ tích đã “bén” vào cậu học trò xứ Nghệ từ đấy? Tôi không rõ, nhưng cũng nhân việc này mà trước khi ra Đồng Hới, anh tôi được ông Viễn Đệ tặng cho một chiếc máy chữ xách tay, cấu tạo đơn giản, đánh theo kiểu mổ cò một ngón. Chiếc máy này khi ra Vinh mở Bình Ân dược phòng và hiệu đồ tre chạm đã giúp anh tôi đánh những giấy tờ giao dịch rất trang trọng, bề thế, như là một hãng sản xuất lớn. Không những thế, về sau, khi Nhóm Thanh niên cứu quốc Can Lộc thành lập và hoạt động, nó còn được dùng để đánh những giấy tờ quan trọng, những chỉ thị của Việt minh và những truyền đơn đánh Nhật đuổi Pháp... Và cũng chính nó đã làm chúng tôi một phen phải long tóc gáy mang đi chôn giấu ở trại Hồng, cách nhà 15km, khi có tin mật thám Pháp đến khám nhà.

Từ chỗ kinh doanh thuốc và đồ tre, anh tôi lại chuyển sang viết sách. Như ở trên đã nói, lúc còn đi học anh mê đọc loại sách hồng (livre rose) của Pháp viết cho thiếu niên nên mua rất nhiều, trong nhà còn lưu lại hàng chồng sách loại ấy. Ngoài ra, trong một cuộc bán phát mãi, anh còn mua được hàng trăm số báo La Fillette cũng xuất bản ở Pháp. Dựa vào vốn liếng chuyện trẻ em đã được đọc, anh bắt đầu nghề viết văn bằng cách viết sách truyện cho thiếu niên.

Trong thời gian 1932–33, anh tôi đã viết và cho xuất bản liên tiếp được 5 cuốn sách: 1. Chí quả quyết; 2. Tài trẻ nước Nam; 3. Một nhà tan họp; 4. Vườn xuân bạn trẻ; 5. Tìm ra Châu Mỹ.

Trong đó, cuốn Chí quả quyết phóng tác theo truyện kể trong một cuốn sách hồng nhưng lại lấy tên địa danh ở Nghèn (Can Lộc) và chú bé chính của câu chuyện là con ông trạm trưởng bưu điện. Hai điểm trên gây nên trong lớp học của tôi (bấy giờ tôi đã từ Vinh về học tiểu học ở Nghèn) những chuyện vui đùa vì trong lớp có một bạn là con ông trạm trưởng bưu điện Can Lộc thật. Tiếp đến cuốn Tài trẻ nước Nam, anh tôi giới thiệu với các bạn trẻ những mẩu chuyện danh nhân đất nước, ở tuổi thiếu thời có lòng can đảm, trí thông minh, hoặc có tài thơ văn, ví dụ ông Lê Quý Đôn với bài thơ “Rắn đầu biếng học”; ông Lương Thế Vinh đã tìm cách lấy được quả bưởi rơi vào trong cái hố nhỏ mà sâu nhờ kế đổ nước cho quả bưởi nổi lên; rồi Phù Đổng Thiên vương cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân, v.v. Đặc biệt, phần lớn số trang dành để kể chuyện ông Nguyễn Văn Giai, người học trò nghèo quê ở Ba Xã, thuộc dòng họ Nguyễn Văn của mẹ tôi. Nghèo nhưng có chí phấn đấu và có sức khỏe nên sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm thuê, ông đã thi đỗ Tiến sĩ thời Lê - Trịnh và làm quan to ở kinh đô. Đây là câu chuyện có thật nhưng cũng pha trộn thêm những chi tiết được anh lượm lặt theo truyện kể dân gian ở Ba Xã. Tiếp đến cuốn thứ ba Một nhà tan họp, phóng tác theo truyện kể trong tập báo La Fillette của Pháp, kể chuyện một ông Kỹ sư người Mỹ kết hôn với một phụ nữ người Pháp và sinh được một cô gái. Năm 1914–18 có chiến tranh Pháp - Đức, ông Kỹ sư cổ động nhân dân Mỹ đứng lên giúp Pháp đánh Đức. Hết chiến tranh, ông bị bọn người Đức sống ở Mỹ thù ghét, tìm mọi cách phá hoại cuộc sống ổn định của gia đình ông, làm cho ông mất việc, và làm cho vợ chồng ông thất lạc nhau. Sau khi thấy thế sống bất lợi, ông bèn dắt con gái sang Pháp tìm công ăn việc làm; cha con bắt đầu một cuộc sống khó khăn nhưng cô gái bé can đảm đã giúp đỡ cha trong việc nội trợ. Bọn Đức ở Pháp được sự thông báo từ bên Mỹ, lại tìm cách phá hoại cuộc sống của ông và tìm cách bắt cóc cô gái. Song nhờ lòng can đảm, trí thông minh, cô gái đã tìm được cách thoát khỏi nơi bị giam hãm và trở về với cha, đồng thời cùng cha đi báo cảnh sát về bọn côn đồ này. Cuộc vây ráp đã tóm hết bọn Đức lưu manh và cha con sống yên ổn trở lại. Tiếp đó người vợ thất lạc lại tìm được chồng con và gia đình đoàn tụ hạnh phúc. Cuốn thứ tư là một cuốn sách Tết, trong đó có những mẩu chuyện ngắn, những bức tranh vui, những bài thơ nhỏ và những mẩu chuyện của ngày Tết. Còn cuốn Tìm ra Châu Mỹ là câu chuyện về tấm gương mạo hiểm, vượt mọi trở lực để lập nên kỳ công tìm ra “tân thế giới” của chàng thanh niên tài ba Christophe Colomb ở thế kỷ XV.

Nói chung các cuốn sách trên gây được sự hấp dẫn trong lớp học trò nhỏ tuổi ở Nghệ-Tĩnh thủa bấy giờ. Hồi ấy tôi học lớp Nhì tại trường Nghèn; mỗi khi có in sách mới, anh tôi lại về qua chỗ tôi trọ trao cho tôi một cuốn. Được cuốn sách, đầu tiên phải đưa cho thầy giáo đọc trước rồi đến tôi, rồi đến các bạn bè khác trong lớp học. Anh tôi vừa sáng tác vừa xuất tiền thuê in ở nhà in Vinh, vừa sửa lỗi bản in, vừa quảng cáo, giao sách cho các hiệu sách, gửi sách đi các tỉnh... Nói chung chỉ một mình anh quán xuyến hết mọi chuyện để cho cuốn sách tới tay bạn đọc. Thế nhưng thời đó đói kém, kinh tế khó khăn, một hào chỉ đối với một người dân bình thường là quá to nên ít ai mua được, sách bị ế, đến cuốn thứ năm thì có lẽ anh cụt vốn đành phải ngừng viết, ngừng xuất bản. Cái chí làm sách cho trẻ con của anh thế là phải dừng lại. Nhưng cũng tưởng dừng lại là dừng hẳn, có ngờ đâu anh tôi dừng lại chỉ để tích lũy dùi mài, rồi sau đấy chuyển sang một bước nhảy vọt: viết hẳn loại sách cho người lớn. Và điều cũng không ai ngờ là sự tích lũy lại đưa anh nhảy vọt rất xa: không những viết sách cho người lớn mà viết hẳn loại sách khảo cứu, đòi hỏi bút lực của một học giả.

Hoạt động xã hội và từng bước định hướng

Vừa ngừng viết và xuất bản “Kho sách bạn trẻ”, đang chưa biết làm gì thì anh tôi nhận được thư của người anh cả (Nguyễn Kinh Chi, tên thân mật trong nhà là Kinh) đề nghị cùng vào Kon Tum sống với anh cho vui vì anh cả tôi là Y sĩ Đông Dương đang được điều lên phụ trách bệnh viện ở đây. Đối với một thanh niên mười tám tuổi thì đây là một chuyến đi không gì thích thú bằng. Thế là vào khoảng cuối 1933 hay đầu 1934 anh tôi thu xếp lên đường. Vào đến Kon Tum, anh Kinh tôi mới nói lên ý định muốn hai anh em cùng cộng tác để nghiên cứu, viết một cuốn sách giới thiệu phong tục, tập quán và cách sinh hoạt của người Thượng ở Kon Tum, cụ thể là người Ba-na (Bahnar). Anh Kinh vì bận việc chuyên môn nên chỉ có thể tìm hiểu, tham khảo trên tài liệu, sách vở của Pháp là chủ yếu, còn anh Gióng thì được phân công đi vào các làng bản để khảo sát thực tế.

Thời đó viên Công sứ Pháp mà tôi còn nhớ là Guilleminet, là một học giả dân tộc học có tiếng; ông đã viết một số sách nghiên cứu các dân tộc Tây Nguyên. Anh Kinh đã đến gặp và trình bày ý định của mình và được viên Công sứ nhiệt tình giúp đỡ, cho mượn nhiều tài liệu để đọc. Còn anh Gióng, ở cái tuổi trai tráng, anh nhận lời đi ngay vào các buôn xung quanh thị xã làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gồm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẩu chuyện dân gian, những bài ca hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những lễ hội đâm trâu... Anh đã đóng rất nhiều sổ tay để ghi chép và khi về, mang về hàng tập dày. Điều làm tôi lưu ý là những cuốn sổ tay ấy toàn bằng những phong bì đã gửi, khéo léo gỡ các mép dán ra và đóng lại; chả rõ anh góp nhặt từ bao giờ và ở đâu mà nhiều đến thế. Nhân dân các buôn anh thường đến đã dành cho anh nhiều cảm tình, nhất là các cô thiếu nữ thì yêu anh lắm – anh thường nhận được những vết cấu véo thâm tím của các cô gái trẻ, vì đối với phong tục dân tộc họ, đó là biểu hiện của tình yêu, yêu càng đậm, véo càng đau... Kết quả là, khi trở về, cả hai anh em đã mua được các dụng cụ gia đình, các nhạc cụ, quần áo... của người Thượng về để làm kỷ niệm. Anh còn mang về một bức tượng Chàm bán thân, cụt tay, khắc bằng loại đá thô ráp rất cứng, đặt cạnh cửa sổ phòng học cho đến ngày cải cách ruộng đất. Và vào năm 1937, cuốn sách Mọi Kontum của hai anh được in có lời đề bạt của vị Công sứ tỉnh Kon Tum.

Từ tỉnh Kon Tum trở ra Vinh, do chỗ cha tôi có quen với ông Phó Đức Thành là người bỏ vốn ra tờ báo Thanh-Nghệ-Tĩnh tân văn, nên anh Gióng được ông ta nhận vào làm việc ở tòa báo này. Công việc ở tòa báo là: sửa chữa bản in, gấp báo và dán băng, viết địa chỉ để gửi cho các độc giả. Thỉnh thoảng anh cũng có viết một đôi bài cho tờ báo. Tôi còn nhớ anh đã sưu tầm và cho đăng một số mẩu chuyện dân gian xứ Nghệ về hôn nhân và gia đình rất dí dỏm, được mọi người ưa thích, chẳng hạn truyện Xin đi chín chục, kể chuyện trong một đám cưới nọ, nhà gái đòi nhà trai tiền dẫn cưới là 100 quan. Nhà trai bèn trả lời “xin đi chín chục”. Bên nhà gái thấy nhà trai chỉ bớt có một chục bèn nhận lời. Hôm dẫn cưới, giở mâm ra thấy vẻn vẹn có 10 quan, nhà gái nói: – “Ông hứa là xin đi chín chục sao bây giờ chỉ có một chục?”, nhà trai trả lời: “Thì tôi xin đi chín chục, chẳng phải còn lại một chục là gì?”. Té ra từ “xin đi” của nhà trai có nghĩa là xin bớt, còn bên nhà gái lại hiểu là “xin nộp”. Hay là chuyện Tráo cháu đổi cô, kể chuyện một anh học trò đi hỏi vợ ở một nhà phú ông. Phú ông có một cô con gái vừa trẻ vừa đẹp nhưng lại có một cô em út đã quá thì và xấu xí. Để cho cô em cũng được “nên vợ nên chồng”, phú ông đầu tiên cho con gái ra để anh học trò xem mặt; anh học trò rất ưng ý, về nhà giục bố mẹ dạm hỏi ngay. Đến ngày cưới, cô dâu nằm trong cáng, hai bên có rủ diềm che kín. Đám cưới đến sân nhà trai, cô dâu trùm mặt xuống cáng và đi vào buồng. Đến lễ hợp cẩn, chàng rể bước vào buồng nhìn thấy một người khác hẳn người mà mình đã được xem mặt lần trước, anh ta liền phản ứng, không chịu. Để cho sự việc được êm thấm, phú ông bèn cho chàng học trò một số ruộng đất để vợ chồng làm ăn sinh sống. Vì nhà nghèo nên anh học trò đành phải nhận lấy cô thay cho cháu. Những truyện này càng cho thấy việc chuẩn bị vốn liếng của người anh mà sau này là nhà cổ tích học nổi tiếng thì ra đã bắt đầu từ rất lâu.

Anh tôi làm báo đến cuối năm 1935 thì xin nghỉ về quê ít lâu giúp đỡ mẹ già. Nhưng nghỉ rồi, anh vẫn còn tiếc cái nghề làm báo. Anh chăm chỉ đọc, và đi đó đi đây tìm kiếm đề tài viết thành bài đăng tải trên các báo ở Nghệ-Tĩnh. Cho đến năm 1936 thì có một sự kiện xảy ra làm biến đổi ít nhiều bộ mặt chính trị của đất nước, đó là ở bên Pháp, Chính phủ bình dân của Đảng Xã hội do Léon Blum lên nắm quyền. Mặt trận Bình dân Pháp được thành lập, và phong trào dân chủ nhanh chóng lan sang đến Việt Nam. Không khí tinh thần có phần cởi mở hơn trước. Kiểm duyệt bị bãi bỏ. Báo chí được nới rộng quyền tự do ngôn luận, và dân chúng thì sôi sục tố cáo bọn tham quan ô lại, nhất là đám cường hào ở nông thôn. Đã có một thời, báo chí thoải mái đăng báo chỉ trích phê phán các tệ nạn tiêu cực mà không phải lo sợ bị bịt mồm. Ở Trung Kỳ, tờ báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng là hăng hái nhất, liên tiếp đưa lên báo tiếng kêu cứu của nông dân trong các làng xã.

Chí làm báo, viết sách của anh tôi lại có dịp trỗi dậy. Không ngồi yên ở nhà, anh ra Vinh, gặp các tòa báo cũ nhận viết bài cho họ. Rồi anh đi khắp trong vùng Nghệ-Tĩnh tìm hiểu về tệ nạn cường hào, lấy tư liệu, ghi chép, thống kê rất tỉ mỉ. Anh viết không ngơi tay, và chỉ một thời gian sau, một loạt phóng sự về chuyện “phù thu lạm bổ”, “sưu cao thuế nặng” của anh tung ra, như một đòn giáng vào bộ máy hào cường có tiếng là ghê gớm của xứ Nghệ. Lúc đầu anh còn đăng báo, sau tập hợp lại thành sách, cho xuất bản, lấy tên Túp lều nát – ý nói túp lều của người nông dân đang bị sâu mọt đục khoét làm cho nát ruỗng.

Giọng văn hài hước của anh làm ai đọc cũng khoái chí, nhưng lối viết thẳng thừng đưa tên tắt của những nhân vật đang sống sờ sờ vào sách, với những sự việc đúng như nguyên mẫu, thì người đọc nào ở xứ Nghệ mà chẳng biết chúng nhằm vào ai rồi, nên tác giả không tránh được bị cả một giới hào lý hằn thù. Những người quyền thế trong họ mà anh dám hỗn xược “trêu” vào, càng bực bội với anh. Ít lâu sau, anh nhận được trát của mật thám Hà Tĩnh gọi vào chất vấn. Vẫn bộ áo quần phóng viên và chiếc xe đạp “kính coong”, anh bình tĩnh ra đi, mặc dù mẹ tôi và chị Đổng có ý lo. Suốt một đêm không thấy anh về, cả nhà không ai ngủ được. Nhưng hôm sau mặt trời lên chừng ba cây sào đã thấy tiếng chuông “kính coong” reo lên ngoài cổng. Ai nấy thở phào. Anh cho biết mật thám gọi vào một căn phòng và hỏi han lịch sự lắm. Nhưng họ vặn anh rất khéo mà vặn đủ thứ: mục đích viết sách là gì? Muốn “sách động” cùng đinh làm loạn ư? Có bị ai “xúi giục” không? Có thù oán gì ai không? v.v. Họ còn kín đáo cho anh biết tấm gương tày liếp của người chú ruột – Nguyễn Hàng Chi – từng “sách động” nông phu chống thuế ba mươi năm về trước đã bị tử hình ngay tại thị xã. Anh chỉ một mực cười ruồi: – “Nếu muốn lãnh án tử hình thì tôi làm cách khác chứ viết sách làm gì. Tôi chỉ theo gương cụ Huỳnh trên báo Tiếng dân mà Chính phủ Bảo hộ và Nam triều đang cho phát hành công khai trên khắp xứ Trung Kỳ. Cụ Huỳnh cũng nào có muốn đi nếm cơm tù Côn Đảo một lần nữa đâu!”. Thế rồi họ cũng thả anh về.

Thế mà anh vẫn không chùn bước. Dựa vào phong trào đương mở rộng, anh tôi lại bàn bạc với một số thanh niên trong làng, đề xuất ý kiến mở một phường đưa ma đặt tên là Phường Tập phúc. Trước đây, thời cha tôi còn sống, cha tôi đã thuê thợ làm một cái nhà táng bằng gỗ có chạm trổ và sơn màu trông cũng trang nhã, với mục đích là để phục vụ người trong họ trong làng... Dựa vào căn nhà táng đã sẵn có, anh lại sắm thêm một bộ chiêng, trống, cờ, phướn và quần áo cho đô tùy. Tiếp đó mời mọi người gia nhập phường, đóng góp cho phường một số tiền để làm quỹ mua sắm. Phường quy định giá: người trong phường thì giá rất nhẹ, người ngoài phường giá có cao hơn. Đặc biệt là đám ma do phường tổ chức thì tang chủ không phải làm cơm nước cho đoàn đô tùy, do đó đỡ được nhiều phiền phức và tốn kém. Phường Tập phúc ra đời được nhân dân hoan nghênh nhưng cũng lại được đám cầm quyền để ý. Sau khi được xã và huyện báo lên tỉnh là ở xã Ích Hậu có tổ chức một phường đưa ma do Nguyễn Đổng Chi cầm đầu, anh tôi lại được gọi vào Sở Mật thám Hà Tĩnh một lần nữa để tra vấn. Lần này đã có kinh nghiệm, anh đàng hoàng khai với nhà chức trách là chỉ tổ chức phường với mục đích làm giảm nhẹ khó khăn cho các gia đình có người chết cũng như để giúp đỡ lẫn nhau cho đỡ tốn kém chi phí đưa ma, ngoài ra không có một ý đồ gì khác. Viên chủ Sở Mật thám sau khi nói với anh tôi mấy lời tỏ ý hăm dọa rồi cũng cho về và cũng không bắt giải tán Phường Tập phúc, vì dù sao lúc đó phong trào bình dân cũng đương còn mạnh...

Tình yêu và sự nghiệp

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chuyện tình yêu của anh tôi. Đây chỉ là một câu chuyện bình thường như rất nhiều chuyện lứa đôi của mọi gia đình nề nếp thuở ấy, không có gì lãng mạn hoặc giật gân. Nhưng có lẽ anh Gióng là người có cái hạnh phúc chọn được một người bạn trăm năm biết san sẻ cùng mình mọi gánh nặng đường đời để mình yên tâm trên con đường sự nghiệp. Vì thế, nói đến những kỷ niệm về anh không thể quên hình ảnh của mối tình đó.

Suốt thời gian làm báo, anh tôi tới trọ ở nhà cụ Hàn Trì ngoài rìa thành phố Vinh kề đường sắt. Cụ Hàn là bạn dạy học cùng cha tôi, có thời gian đã từng chung sống trong nhà tôi ở Vinh. Cụ vừa dạy học vừa kê đơn chữa bệnh bằng thuốc Đông y, được ông Phó Đức Thành là chủ hãng thuốc Bắc lớn ở Vinh rất quý mến, nên cho cụ ở khu nhà gỗ lợp lá nằm trong một khoảnh vườn khá rộng có nhiều cây cối. Cụ Hàn đưa gia đình ra sinh sống ở đó gồm một vợ và bốn con, trong đó người con gái lớn là con bà cả đã mất. Vì nhà cửa rộng rãi nên cụ cho một số người tới ăn ở trọ ngay trong nhà gồm có hai ông viên chức Sở Đạc điền cùng với hai đứa con trai khoảng 10, 12 tuổi, và một ông viên chức Sở Vệ sinh còn sống độc thân. Anh tôi cũng ăn ở trọ ở nhà cụ và đi làm việc ở tòa soạn gần ga Vinh.

Sau một thời gian; anh trở về thăm gia đình. Sau khi kể cho cha nghe mọi công việc mình làm cũng như tình hình ở tòa báo, anh xuống nhà dưới là nơi mẹ và em gái đương làm bếp. Anh sà vào bếp và nói chuyện ở Vinh, rồi chuyện ăn ở trọ ở nhà cụ Hàn, và cuối cùng nói đến cô con gái của cụ: – “O ấy tên là Tịnh, cũng trạc tuổi như Jăngđa (Jeanne D’Arc: tên gọi thân mật của chị An tôi lấy theo tên nữ anh hùng nước Pháp) và cũng thân hình nhỏ nhắn thế...”. Chị An tôi hồi đó cũng là một cô gái đã đến thì nên chị quan tâm tỉ mỉ đến người con gái vừa được anh kể. Cuối cùng chị cười bảo anh: – “Thôi anh ơi, anh cố gắng làm ăn cho giỏi đi rồi sau này xin cụ Hàn cho anh làm rể... Chắc là cụ ưng thôi vì cha với cụ là bạn thân mà”. Rồi chị vừa cười vừa nhìn anh, rồi liếc sang mẹ: – “Được chứ mẹ nhỉ?”. Mẹ tôi trả lời: – “Được làm rể cụ Hàn thì tốt rồi, nhưng cần phải tìm hiểu xem o ta đã có ai dạm hỏi chưa đã”.

Rồi anh tôi lại trở ra Vinh làm việc và đi học. Tiếp sau đó, hết nghỉ hè, tôi cũng được ra Vinh học và cùng trọ tại nhà cụ Hàn. Có lẽ sau khi nghe những lời khuyến khích của cô em gái và sự đồng tình của mẹ, anh tôi đã mạnh dạn tìm gặp chuyện trò với o Tịnh, nhưng thuở ấy phong tục rất khắt khe, nhất là trong những gia đình Nho giáo “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, nên chắc là hai anh chị phải lén lút tìm cách gặp gỡ nhau. Tôi đoán vậy, bởi một hôm vào buổi tối anh tôi bảo tôi: – “Tối nay học bài xong, mày xuống bếp nghe o Tịnh đọc câu hát câu ví rồi chép cho tao nghe”. Tôi vâng lời, khoảng 9 giờ tối, cầm giấy và bút chì đi xuống nhà bếp thì thấy chị Tịnh và một bà già giúp việc đương ngồi bên bếp chuyện trò, bên cạnh có ngọn đèn con. Chưa kịp trình bày lý do có mặt của mình thì chị đã bảo: – “Ngồi đây, tôi đọc cho mà ghi”... Thế là tôi ghi hết câu này sang câu khác cho đến lúc chị bảo: – “Thôi về đi ngủ, hôm sau lại xuống đây ghi nữa”. Tôi vội cuộn mấy tờ giấy lại để trao cho anh tôi trước khi đi ngủ. Từ đó tôi là người ghi chép những câu hát ví hát dặm của vùng Đò Trai để sau này anh tôi tập hợp lại trong cuốn sưu tầm Hát dặm Nghệ Tĩnh. Thế mới vỡ lẽ là anh chị đã làm quen, chuyện trò với nhau từ lâu rồi nhưng kín đáo nên không ai biết cả.

Tuy vậy, vẫn có người biết. Ấy là ông Ch. nhân viên Sở Vệ sinh cũng trọ ở đấy. Ông là người Thanh Hóa cũng là trai chưa vợ, lúc ấy khoảng 25 tuổi, người cao lớn, da đỏ au, tóc quăn tự nhiên, có bề ngoài cũng hấp dẫn. Ông ta tới trọ từ trước, không rõ là năm nào và cũng có ý muốn hỏi o Tịnh làm vợ. Không rõ ông đã tỏ tình với o Tịnh chưa và có được chấp nhận không, nhưng với sự mẫn cảm của người đương yêu ông nhận thấy là ông đương gặp phải tình địch... Chả là trong những người con của bà kế có cậu Xuân là cùng tuổi với tôi nên hai đứa cùng học một lớp, về nhà lại cùng nhau chơi bi, đánh đáo, nên rất thân nhau. Thế rồi bỗng dưng ông Ch. bắt đầu nhìn tôi bằng con mắt ác cảm – trước đây ông rất vui tính. Tiếp đến khi tôi rủ cậu Xuân ra chơi bi, cậu ta chẳng nói chẳng rằng, mắt nhìn lánh xa xa... Tôi ngỡ là cậu ta bị cha mắng nên buồn. Qua hôm sau lại rủ chơi nữa, cậu ta vẫn tỏ thái độ như hôm trước; tôi ngán quá bèn mách với anh tôi, anh bảo: – “Nó theo phe ông Ch. đấy, để ghét anh em mình... Kệ nó, nhưng đừng có gây chuyện”. Thế là từ hôm ấy các trò chơi tay đôi bị chấm dứt, tôi đành tìm bạn khác để thay thế. Giữa anh tôi và ông Ch. cũng có sự kình địch ngấm ngầm và không còn trò chuyện với nhau nữa. Nhưng ưu thế vẫn ngả về phía anh tôi bởi vì giữa cụ Hàn và cha tôi vốn có tình nghĩa bạn bè từ lâu, và quê tôi cách quê cụ có vài chục cây số, phong tục tập quán giống nhau, đi lại dễ dàng (đò thuyền cũng như đường xe chạy đều qua Đò Trai), còn bên ông Ch. ở mãi tận Thanh Hóa cách Vinh hàng trăm rưỡi cây số, mà phong tục tập quán thì chưa rõ như thế nào...

Thế rồi xảy ra biến động lớn của gia đình: cha tôi qua đời. Anh tôi phải xin thôi việc để về quê giúp mẹ tôi quản lý gia đình. Đầu năm 1936, anh tôi đảm nhiệm việc làm nhà. Nguyên hồi còn sống cha tôi đã chuẩn bị hầu như đầy đủ các vật liệu thiết yếu cho một ngôi nhà lớn mà ông đã nhờ người vẽ lên, nhưng vì sức khỏe nên ông chưa vội xây dựng. Căn nhà được căn bản hoàn thành vào hè 1936 và cũng hè đó anh tôi cưới vợ. Về phần tôi, ngay sau khi cha mất, tôi phải theo anh cả vào Quy Nhơn để thi vào trường quốc học, mãi cho đến nghỉ hè mới trở về nhà, thì thấy đã có ngôi nhà mới, so với kiến trúc trong vùng là một ngôi nhà cao rộng, có nhiều phòng, có nhà chính và nhà ngang nối nhau bằng một nhà cầu, có cửa sổ mở ra cả bốn phía nên rất sáng sủa, người ta gọi đấy là “nhà Tây”. Mặt cửa chính trông ra vườn và hồ, anh tôi cho làm một vòm mái che hiên, trên có đắp hình một cuốn sách để mở, hai bên là một thanh kiếm và một quản bút giao nhau, trong sách có câu cách ngôn của cha tôi dùng để dặn con cháu: “HỌC TẬP LÀM LỤNG TA NGÓ LÊN, ĂN MẶC TA NHÌN XUỐNG”.

Nhà xây xong mẹ tôi lo lắng về hoàn cảnh neo đơn của gia đình, bèn cho làm một tờ giấy và cử người đi lấy chữ ký của hết thảy các thành viên vai vế trong họ hàng nội ngoại, xin cho anh tôi được cưới vợ khi chưa đoạn tang cha tôi. Cứ tưởng việc sẽ khó trót lọt vì “gia lễ” bấy giờ rất nghiêm, nào ngờ lại hóa ra dễ dàng. Mọi người nghe xong ai cũng ký vào. Thế là sau lễ giỗ đầu cha tôi, chúng tôi lo tổ chức đám cưới rước dâu chị tôi. Họ hàng nhà gái đưa dâu bằng thuyền đi từ bến Đò Trai đến bến đò Kênh Cạn ở quê tôi (chừng 20km) rồi từ đó vượt qua mấy cánh đồng để về làng Đông Thượng. Đường đò, đường bộ đều đã chuẩn bị người đi theo để hướng dẫn. Ba anh em họ chúng tôi (tôi, Duyên và Táo) thì được phân công đi đón đám rước dâu ở cổng chùa Ba Làng, ở đây chúng tôi đặt sẵn một chiếc bàn có trầu, nước, thuốc lào, điếu cày... để khi họ nhà gái vượt hết cánh đồng thì tạm dừng lại nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp, và cũng là để chúng tôi cho người chạy về nhà thông báo là họ nhà gái đã tới, để còn chuẩn bị. Ba chúng tôi quần áo chỉnh tề vào ngồi đợi ở cổng chùa. Chờ mãi, chờ mãi, đến quá trưa sang xế chiều mà vẫn chưa thấy bóng dáng đám rước dâu ở đâu cả. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, nóng bức nên cởi phăng áo dài ra nằm nghỉ trên bãi cỏ. Đương nằm tán gẫu, bỗng nghe một cậu bé trong xóm ngồi chơi bên cạnh kêu to lên: – “Đám dâu đến rồi kìa!”. Bọn tôi nhổm lên, trông ra cánh đồng thấy quả thật đám dâu đã đến gần rồi, lòng mừng quá cả ba cùng reo to lên một tràng dài, rồi hối hả mặc áo vào, chuẩn bị mọi thứ để tiếp đón. Sau đó hỏi ra mới biết vì có một vài trục trặc trên đường đi, nên thuyền đến chậm mất vài ba tiếng đồng hồ.

Về đến nhà, tiệc tùng giữa hai họ thật vui say mãi đến tận chiều mới chia tay. Riêng cô dâu được dẫn vào căn phòng cuối cùng của ngôi nhà mới, giường chiếu mới tinh do tự tay bà Hàn Thạnh, cô ruột tôi trải. Lễ trải chiếu được chọn bởi bàn tay người cô con cái đầy đàn, cửa nhà hưng thịnh đã dẫn đến kết quả anh chị đã chung sống với nhau 48 năm, sinh được năm trai một gái (trong đó có một trai ra đời được mấy hôm thì mất), mãi đến giữa năm 1984 anh tôi mới đột ngột ra đi.

*

* *

Nhưng anh tôi lấy vợ không phải để chỉ còn biết chí thú với vợ con. Trái lại, lấy được người vợ ý hợp tâm đầu, anh như có thêm sức động viên, toàn ý toàn tâm bắt tay vào những việc mình thích. Có hai việc mà anh thích nhất: được tích lũy thêm về học vấn để cầm bút một cách thật vững chãi, và được cùng bạn bè hoạt động, để nếu có cơ hội thì... “giành lại giang sơn gấm vóc” như cách nói các cụ ta thuở bấy giờ. Anh đã không lựa chọn riêng một việc nào và bỏ đi một việc nào.

Trước hết là việc “cạo đầu đi... học”. Thường người ta nói: “cạo đầu đi tu”, nhưng anh tôi thì đúng là lại “cạo đầu đi học”. Lúc đó đã vào cuối thập kỷ 30, lúc Nhật đã tràn vào Đông Dương. Anh tôi có khuynh hướng chuyển sang nghiên cứu văn chương của các nhà văn dân tộc ở các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, v.v. mà trong tủ sách gia đình có một số sách chữ Hán của cha tôi để lại có nhiều tài liệu. Nhưng muốn đọc được các sách đó thì phải giỏi chữ Hán để tự mình đọc và nghiên cứu. Thế mà trình độ Hán ngữ của anh tôi bấy giờ chỉ mới lõm bõm. Nguyên trong làng, chúng tôi có một ông chú họ – chú Nguyễn Lợi – làm nghề dạy học ở trường xã đã thôi việc và đương mở tại nhà một lớp học chữ Hán. Anh tôi bèn xin theo học, mỗi tháng nộp cho chú một quan tiền đóng học phí (tương đương với một đồng Đông Dương). Chú Lợi tuy không đỗ đạt gì, chỉ là một thầy đồ còm trong xã, nhưng hồi nhỏ đọc nhiều, học lực Hán văn vững vàng, hiểu biết sâu rộng. Tuy nhiên, muốn học chữ Hán là một văn tự khó phải có một quyết tâm cao mới đạt được. Để có được một trình độ Hán học có thể đọc được sách ít nhất cũng phải mất vài ba năm dùi mài chăm chỉ, mà anh tôi lúc đó đương còn ở độ tuổi thanh niên là tuổi còn thích du ngoạn, vui chơi. Biết làm sao đây? Anh tôi quyết định: – “Chú cắt trọc tóc cho anh!”. Chả là nhà chúng tôi có sắm một bộ đồ cắt tóc để sử dụng trong gia đình: một tông-đơ (tondeuse), một kéo, một dao cạo, bỏ trong chiếc hộp gỗ nho nhỏ. Hồi đó Nhật đã vào Đông Dương nên trong thanh niên cũng đã có một số cắt trọc đầu kiểu lính Nhật. Anh tôi đâm băn khoăn: – “Nếu cắt trọc để dân chúng hiểu lầm mình thân Nhật thì cũng phiền!”. Ngẫm nghĩ một chốc, anh bảo tôi: – “Cắt trọc nhưng chừa cho mình hai mái tóc đào và một mái tóc đáp”. Đấy là kiểu tóc trẻ con vùng quê tôi ở độ tuổi 9, 10 trở lại. – “Sao anh lại muốn cắt vậy? Xấu chết!”, tôi thốt lên. – “Có vậy mình mới không dám mò đi đâu xa và mới yên tâm đi học với chú Cửu Lợi được”. Tôi làm theo ý anh, để cho anh hai mái tóc đào dài dài bé bé và một mảng tóc đáp hơi phủ xuống trán. Cắt xong hai anh em cười ngặt nghẽo. Tôi gọi mẹ và chị ra xem, các bà tỏ ý không bằng lòng lắm; mẹ tôi kêu lên: – “Cái thằng! Mày làm trò gì rứa?”. Còn chị tôi chỉ cười tủm, nhìn cái đầu trái đào của anh tôi một chặp rồi bế con vào. Thế rồi với mái tóc mới, anh tôi tiếp tục học chuyên cần, buổi đầu cũng có gây ra tiếng cười trêu của những người trong xóm và trong gia đình chú tôi, sau đó thì rồi quen dần, chẳng ai chú ý đến nữa. Đợt cắt sau anh dặn: – “Chú bỏ mảnh tóc đáp đi vì nó quặp xuống trán hơi khó chịu, chỉ để hai mái đào thôi”. Rồi dần dần anh tôi đã nắm được khá nhiều từ Hán văn để có thể tự mình đọc được. Gặp các từ khó, sẵn cuốn từ điển Hán-Việt mà cha tôi cùng cụ Hàn Trì biên soạn, anh đưa ra tra cứu. Đến những bước này thì buổi học đã nhằm vào tập cổ văn mà anh tôi mang theo; chú cháu đọc, nghiên cứu chữ nghĩa từng bài thơ, tìm hiểu các điển tích mỗi khi gặp phải, rồi hai chú cháu cùng nhau nghiền ngẫm tìm mọi cách dịch bài thơ, bài văn đó cho thật đúng nghĩa, đúng ý... Anh tôi đã dẫn chú Lợi từ chỗ là thầy dạy chữ trở thành người cùng cộng tác trong việc phiên dịch các áng văn thơ xưa. Trải qua 3, 4 năm vừa học vừa làm việc gia đình, vừa nuôi dạy con, anh tôi đã viết nên cuốn Việt Nam cổ văn học sử, đưa ra Hà Nội được nhà xuất bản Hàn Thuyên mua bản quyền để đưa in vào năm 1942. Từ đó vốn liếng Hán văn của anh tôi vững hẳn lên, anh đã tự đọc lấy các sách Hán văn không cần dựa vào thầy, cũng chẳng phải tra cứu từ điển luôn tay, và về sau này lại còn là người phụ trách Viện Hán Nôm đầu tiên với một dự án nghe nói được nhiều bạn bè trong ngoài nước tán thành. Từ một thanh niên chỉ biết chút ít chữ Hán trở thành một học giả Hán học có trình độ cao, có mấy ai biết rằng những nhát tông-đơ buổi đầu và cái nhìn ý nhị của người vợ lại quyết định tất cả! Là người trong cuộc, chính tôi cũng không thể lường được.

Những năm anh Đổng Chi cạo đầu đi học chữ Hán cũng là những năm cam go của cuộc chiến tranh Nga – Đức. Hàng ngày, ngoài công việc và học hành, anh em chúng tôi còn một việc lớn là háo hức theo dõi diễn biến của chiến tranh. Chúng tôi đặt mua một tờ nhật báo để nắm được tin tức hàng ngày. Bản thân tôi còn tìm mua được một tấm bản đồ Liên bang Xô-viết do một nhà in ở Hà Nội xuất bản (các địa danh đều được phiên âm qua từ Việt), đem về treo ở phòng học, ngày ngày cùng nhau dùng bút chì kẻ các đường tiến thoái của quân Đức trên đất Nga. Chúng tôi nhận thấy từ sau khi phá vỡ phòng tuyến biên giới phía Tây của Nga, quân Đức chỉ tiến mà không có một chỗ nào lùi, duy chỉ trong cuộc vây hãm Mạc-tư-khoa (tiếng gọi hồi đó) thì chúng có lùi lại ít lâu rồi lại chuyển tiến sang hướng khác. Anh em tôi theo dõi và lo lắng cho số phận nước Nga, vì cứ dõi theo bản đồ thấy mỗi ngày lại mất đi bao nhiêu tỉnh và thành phố sầm uất, giàu có ở phía Nam, cả về lượng người, công nghiệp và lương thực. Đến khi chúng đánh vào Stalingrade (tức Volgagrade bây giờ) thì hai anh em nhìn nhau sững sờ. Anh tôi nói nhỏ: – “Nga thua to mất rồi! Thế là Liên bang Xô-viết, mầm hy vọng của thế giới sắp đi đứt!”. Tôi chỉ vào bản đồ, qua vùng Sibérie mênh mông, bảo anh: – “Nhưng đất Nga còn nhiều, mới mất phần nhỏ thôi, họ còn đánh được!”. Anh tôi bảo: – “Vùng đó chỉ là vùng đất nghèo, dân ít, kỹ nghệ chưa có gì, còn vùng đất Đức chiếm mới là vùng quan trọng. Không khác gì đây là thân thể, còn Sibérie chỉ là tay chân thôi. Chú tính giập óc, lòi ruột rồi thì chân tay còn nguyên vẹn cũng dùng làm gì được nữa?”. Tôi thấy anh nói có lý và anh em lại càng chăm chú theo dõi diễn biến chiến sự ở Stalingrade, vì chúng tôi xem đó là mấu chốt sự thành bại của Liên Xô, giữ được nó thì còn hy vọng gỡ lại, mất nó thì sẽ mất hết... Cuộc đụng độ vô cùng ác liệt đã diễn ra trong lòng Stalingrade, lính Nga chiến đấu hết sức anh dũng, nhưng quân Đức vẫn tiến vào và vẫn chiếm dần từng khu nhà, từng dãy phố. Báo chí thời đó tuy lấy nguồn tin từ phương Tây nhưng vẫn mô tả diễn biến của cuộc chiến đúng như sau này ta đọc qua sách của Liên Xô. Thế rồi phần đất cuối cùng của thành phố lọt vào tay quân Đức và chúng đã tiến sát đến bờ sông Volgare và đương tập hợp phương tiện để vượt qua sông, tuy trong lòng thành phố còn lẻ tẻ một số cụm chiến đấu của quân Nga không chịu đầu hàng. Anh em chúng tôi thở dài, xem như trận đánh đã đến hồi kết liễu, sự tồn tại của Liên Xô cũng sắp chấm dứt. Chúng tôi nản đến mức một thời gian bẵng đi, không buồn xem tin chiến sự nữa.

Một hôm, anh Phan Thao, người láng giềng của chúng tôi, làm thợ may ở thị xã về thăm nhà, ghé sang chúng tôi chơi vào lúc hai anh em đương ngồi nghỉ sau bữa cơm trưa. Chuyện trò một chốc, anh báo tin chiến thắng Stalingrade của quân Nga, rồi anh kể một số chi tiết mà anh được xem qua báo và nghe qua đài. Thì ra quân Đức sau khi chiếm được thành phố, tuy tiêu diệt được gần hết quân Nga cố thủ trong đó nhưng cũng bị thiệt hại rất nặng. Chưa kịp lành vết thương thì quân Nga ở bên kia sông Volgare đùng đùng kéo sang với những lực lượng rất lớn, phương tiện tối tân và đầy đủ. Quân Đức trụ không nổi, rút lui bị cắt đường, bị bao vây, một thời gian đành phải ra hàng từ tướng cầm đầu là Paulus đến anh binh nhì, không ai thoát hết. Kết quả Nga đã tiêu diệt và bắt tù binh trong trận này đến hơn 30 vạn. Chúng tôi tròn xoe mắt trước nguồn tin đột ngột, chỉ há hốc mồm mà nghe, mà nuốt từng lời, từng câu. Mấy đứa con của anh tôi xúm xít quanh bố, đứa đứng sau lưng, đứa đứng trước mặt, đứa quẫy trong lòng. Bỗng nhiên anh tôi nở một nụ cười rạng rỡ, ôm chầm lấy các con rồi reo lên: – “Cha con ta sống rồi các con ơi! Cha tưởng đời cha và các con rồi chìm nghỉm dưới gót giày phát xít. Nếu Nga còn thì ta sống, nhất định sống rồi!”. Anh Phan Thao, một tay cộng sản thời 30–31, phấn khởi cất lời: – “Nhất định là thế, Nga sẽ thắng, Đức sẽ thua!”. Năm ấy là năm 1943, năm anh em tôi đã tham gia phong trào Việt minh.

Những canh bạc đỏ...

Tôi sẽ không kể lại đây câu chuyện về những ngày hoạt động bí mật trong Nhóm Thanh niên cứu quốc Can Lộc và những ngày khởi nghĩa cướp chính quyền Can Lộc sôi nổi hào hứng – và cũng không phải không có đôi ba việc đáng buồn lòng – mà hai anh em chúng tôi đều là những nòng cốt. Chuyện ấy báo chí và sách vở ít nhiều đã nói. Nhưng tôi muốn kể lại đây một kỷ niệm cuối cùng để làm đoạn kết cho thiên hồi ký này. Đó là “những canh bạc đỏ” của anh tôi. Như đã nói ở trên, hồi trước Cách mạng tháng Tám, anh em tôi thỉnh thoảng cũng tham gia một vài canh bạc tổ chức trong những nhà quen ở trong làng. Cũng có lúc chơi tổ tôm hoặc khi lên chơi nhà anh rể ở Phù Lưu Thượng, những lần ấy thế nào cũng ở lại đêm, anh rể tôi tổ chức một hội tổ tôm vì bà cụ của anh cũng ham lắm; hoặc khi ở làng thì thường do chú Lợi tổ chức. Tham gia thường là hai anh em, người em họ là Táo và người chú họ là chú Huyền. Còn trong họ thì bắt đầu từ rằm tháng Chạp có giỗ họ, lại là ngày chia tiền “học điền” cho con cháu đương đi học nên sau bữa giỗ, anh nào cũng có rủng rỉnh ít quan tiền, thường tụ tập nhau lại để chơi bài hoặc xóc đĩa thâu đêm. Riêng mấy ngày tết thì chơi lu bù, bài mười, bài bất, ngay trên chiếc phản đặt ở giữa nhà cầu, xóm giềng, bà con tới bâu kín để tham gia vào cuộc đỏ đen. Chúng tôi chơi cũng say mê, nhưng cơn say mê không kéo dài nên không sa đà, và lúc thua thường biết ngừng cuộc chứ không đi đến chỗ gán ruộng, bán bò như một số kẻ khác. Đến nay tôi còn nhớ mấy canh bạc liên tục trong mấy ngày đêm liền mà anh tôi tham gia với vận đỏ “ngoài sức tưởng tượng”.

Một năm nào đó vào thập kỷ 40, người em họ là ông Tr. sau khi thi đỗ được bổ về làm Tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ngày giỗ ông cụ thân sinh, hai ông bà về quê dự lễ. Thường ở đại gia đình ông (mà T. cùng trạc tuổi tôi, là tộc trưởng), ngày giỗ đó rất đông con cháu nội ngoại về dự. Ngoài ra, còn mời nhiều người trong họ trong làng nữa, nên bữa giỗ rất long trọng. Và sau bữa giỗ, thông thường vẫn trải chiếu ra để bày cuộc đỏ đen. Năm đó cũng vậy, anh em tôi cũng được mời tới ăn giỗ và chơi bạc. Do T. rỉ tai trước nên lúc ra đi cả hai anh em đều có mang sẵn một số tiền. Đây là canh bạc trong gia đình và có “chú huyện” cũng tham gia nên bà mẹ T. bằng lòng cho chơi trong nhà (trước đây bà vẫn phải cảnh giác với T. vốn có máu mê về món này và khi thua nhẵn túi có gan cầm bán ruộng để lấy tiền chơi tiếp). Cuộc sát phạt bắt đầu và là canh xóc đĩa. Ông Tr. lấy giấy bút ra để bên cạnh và mỗi khi mở bát, ra chẵn hay ra lẻ, ông đều đánh dấu vào tờ giấy. Đầu tiên chúng tôi lấy làm lạ nhưng sau vỡ lẽ ra là ông kiểm xem canh bạc xóc ra lẻ nhiều hay chẵn nhiều để dựa vào đó mà đặt tiền vào phía có nhiều triển vọng. Ông chơi thế kể cũng có phần “khoa học” nhưng tiếc thay, vận đen ám ông không rời, rốt cuộc ông thua nhẵn túi. Ông định vào rút tiền ở ví bà ra chơi tiếp nhưng không được nên đành nghỉ cuộc... Còn canh bạc vẫn cứ tiếp diễn đầy hào hứng cho đến sáng mới tan. Về nhà, anh em kiểm lại thấy được khá nhiều: tôi thì xưa nay vẫn chơi cò con, đánh từng hào một nên chẳng được bao nhiêu, còn anh tôi thì một túi cộm, đếm ra được gần 200. Vội vàng ăn vài bát cơm rồi lăn ra ngủ.

Chiều đến, Chắt S. trong xóm cho người sang gọi, mời hai anh em sang uống rượu nhắm thịt bò tái... Chúng tôi sang, bàn tiệc đã sẵn sàng. Giữa bàn là nồi nước dấm đặt trên chiếc lò than, sôi liu riu, bốn bên bày những đĩa thịt bò còn sống thái lát mỏng đầy tú ụ, với bát nước chấm và bún, rượu, v.v. Cả một bàn la liệt. Khách được mời hầu hết là khách đêm qua bên nhà bà T. Chắt S. trịnh trọng tuyên bố: – “Nhân dịp cậu huyện về quê ăn giỗ nên có làm một bữa thịt bò nhúng mời cậu mợ tới ăn, tiện thể mời một số bà con tham gia cho vui”. Anh nói thêm: – “Thịt bò thái sống, ai ăn thì gắp nhúng vào nồi dấm đương sôi, làm vậy để ai muốn ăn tái nhiều, tái ít tùy sở thích từng người”. Chúng tôi vào bàn và bữa ăn diễn ra rất thú vị. Xong bữa, trải chiếu ra và thế là canh xóc đĩa lại mở màn. Canh bạc không chỉ dành cho người dự tiệc mà cả những người trong xóm cũng đến tham gia. Chả là Chắt S. có ý định này từ trước nên đã loan báo với các tay máu mê trong xóm để khi tiệc tàn là nhập cuộc ngay. Canh bạc lại nhóm lên sôi nổi không kém gì hôm qua, và điều cũng khá bất ngờ là cũng hệt như hôm qua, anh tôi lại luôn luôn gặp vận đỏ. Đến khoảng nửa đêm thì hầu như toàn chiếu bạc đánh đối mặt với mình anh tôi: họ đặt tiền xuống một mặt rồi thách anh tôi mở bát. Anh tôi chấp nhận và vẫn tiếp tục thắng nhiều hơn thua. Có một canh bạc anh tôi thắng, tiền đồng vun về hàng đống, bạc giấy đủ loại, hai anh em thu nhặt phân ra loại hào, loại một đồng, loại năm đồng, v.v. để nhét vào túi. Cũng vì say mê đếm bạc nên hai anh em không biết lúc ấy nhà cái (Chắt S.) đã úp bát lại và tuyên bố là đã xóc rồi, ai đánh vào mặt nào xin cứ đặt tiền ra. Nhưng kỳ thực mấy đồng tiền mo trong bát vẫn nguyên như ván trước và chưa xóc chút gì. Và điều đó thì ai cũng biết cả, chỉ trừ hai anh em chúng tôi. Thế là cả làng ồ ạt đặt tiền vào mặt mà họ đã biết và ai có đồng nào, chinh nào đều trút ra hết. Anh tôi vẫn nhận mở bát. Chắt S. bảo: – “Xin làng chưa được mở, để tôi đi lấy thêm tiền đặt nữa”. Rồi anh đi một chốc mang một quan tiền đồng về đặt đánh cộp xuống phản và mời anh Gióng mở bát. Anh tôi không chút nghi ngờ, cầm bát mở ra. Cả làng tròn xoe mắt khi nhìn thấy mấy đồng tiền trong bát lại đã nhảy từ “sấp hai” sang “sấp ba”, tức là từ chẵn sang lẻ. Họ ngơ ngác không hiểu như thế nào cả, nhưng không ai dám thốt một lời. Anh em tôi lại thắng to và chúng tôi vơ tiền đồng, bạc giấy vào túi áo túi quần chật ních đầy căng, còn cả làng thì đều nhẵn túi. Canh bạc tan, anh em ra về. Đến nhà, giở bạc ra đếm lại, sơ bộ cả hai đêm có được đến 500 đồng Đông Dương, một số tiền lớn. Tiền đồng anh đưa cho chị để đi chợ còn bạc giấy gói cất. Vài hôm sau T. tới chơi, trầu thuốc xong mới ngà ngà kể chuyện: – “Gớm, sao mà ông đỏ thế! Ván bạc cuối cùng mình tưởng anh em ông sẽ trắng tay nào ngờ ông vơ sạch”. Rồi ông kể tỉ mỉ câu chuyện: – “Chắt S. lợi dụng lúc anh em ông đương đếm bạc, úp bát lại và tuyên bố là đã xóc xong, mời làng đặt tiền đánh. Cả làng đều biết và thấy là “sấp hai” nên ai cũng tuôn tiền đặt vào cửa chẵn. Chắt S. thấy ngon ăn quá, sang nhà hàng xóm nài nỉ vay tiền để về đặt thêm, hẹn xong canh bạc là đưa sang trả và kèm thêm một quan tiền lãi. Nào dè lão vay được tiền sướng quá, dằn quan tiền đồng xuống phản quá mạnh nên một đồng tiền mo trong bát nảy lên và lật sấp. Thế là mở bát ra, “sấp hai” chuyển sang “sấp ba”! Cả làng sờ sững nhưng khi còn anh em ông ở đó không ai dám thốt lên một lời. Đến khi anh em ông ra về họ mới nhao nhao xỉa xói Chắt S., cu cậu vừa bị chửi vừa mất tiền, chỉ ngồi đực mặt ra mà chịu trận”.

T. về rồi tôi bèn bàn với anh tôi: – “Số tiền được bạc ta đưa mua cái gì đi. Tôi thấy trên cửa hiệu Đồng Minh (ở Nghèn) có mang một chiếc máy khâu Singer mới tinh về bán, ta mua quách đi, đưa về khâu vá cho vui”. Anh tôi đồng ý. Tôi bèn đạp xe lên Nghèn mua chỉ hết 450 đồng, nhờ anh bạn Chung Anh giúp một tay đưa về gửi ở nhà anh, ít bữa sau mới đưa được về nhà. Chiếc máy khâu về chưa được bao lâu, một hôm tôi gặp ông giáo Ng. Đ. M. dân Trảo Nha. Ông M. bảo tôi: – “Có một người có một bộ Bách khoa toàn thư Larousse thế kỷ XX (Larousse du XXè siècle), anh em ông muốn mua không? Nếu muốn thì mình mua hộ cho”. Tôi hỏi luôn: – “Của ai vậy? Có xa đây không? Giá bao nhiêu?”. Ông M. cho biết: – “Của quan huyện đấy, đương để ở quê ngoài Nghệ kia, nhưng ông muốn mua thì mình lấy về cho. Bảo đảm trăm phần trăm là sách còn rất mới, mình đã xem qua rồi. Quan bảo 300 đồng, không hơn không kém. Quan không nói thách đâu. Các ông mà ưng mua thì đưa tiền lên, mình đi lấy về cho”. Tôi về nhà kể chuyện cho anh tôi nghe, hai anh em thấy đây là bộ sách rất quý, không phải cứ có tiền là mua ngay được, nhất là vào thời buổi chiến tranh, ta với Pháp đương mất liên lạc, phải mua ngay kẻo kẻ khác biết thì họ vớ mất. Nhưng kẹt cái, 300 đồng không phải nhỏ, bói đâu ra? Anh tôi đương vò đầu suy nghĩ, tôi bèn bảo: – “Tiền ở chỗ chiếc máy khâu chứ ở đâu nữa. Bán béng nó đi, để nó ở nhà chỉ làm cảnh thôi. Anh và tôi thì muôn thủa chắc không làm thợ may được, còn chị thì với đàn con mọn, thì giờ đâu mà học may”. Anh tôi gật đầu và tôi vội đi tìm khách mua. Thủa đó máy khâu không nhập được vì chiến tranh nên cũng có phần khan hiếm, khách mua tới ngay và anh tôi bán được giá kha khá. Tôi lại cầm tiền lên Nghèn tìm ông M. và nhờ ông đi lấy sách về hộ. Ông M. hứa: – “Tớ sẽ mang về ngay!”.

Thế rồi một tháng, hai tháng trôi qua chẳng thấy tăm tích ông M. đâu cả, đã nhiều lần tôi tìm tới tận nhà gặp bà vợ để hỏi, bà ta đều bảo ông đi vắng. Tôi hốt hoảng, tìm tới Chung Anh kể sự tình. Chung Anh thốt lên: – “Gay đấy bạn ơi. Lão này là tay đánh bạc đò dọc khét tiếng. Coi khéo lão nướng hết tiền rồi lẩn mất cũng nên”. Tôi hốt quá, chỉ biết nhờ Chung Anh quan tâm hộ, hễ thấy lão về là báo tôi ngay để tôi lên gặp bằng được. Thế rồi một hôm được Chung Anh về phi báo, tôi lập tức phóng xe lên tận Nghèn cách làng tôi 7 km, cùng Chung Anh tìm vào nhà ông, thì đúng ông M. có nhà. Lần này tôi không còn giữ được phép lịch sự nữa mà nói thẳng vào mặt ông ta những điều đã giày vò tôi. Ông xin lỗi mãi và nói: – “Tôi đã đưa bộ từ điển về đây rồi, để tôi lấy ra cho anh”, và ông mang nó ra đặt lên bàn. Chúng tôi cởi dây buộc mở ra xem: một bộ sách 6 quyển lớn đùng và dày cộm, ôm lấy một quyển đã thấy nặng. Kiểm tra từng quyển một thấy sách còn rất tốt, không xệch xạc, dơ bẩn, cũng không bị mất tờ tranh nào. Tôi mừng rơn nhận lấy bộ sách, cùng Chung Anh khệ nệ mang về nhà anh. Tối đó chúng tôi chia nhau xem chán chê cho mãi tới khuya mới đi ngủ. Sáng mai gói buộc cẩn thận và đèo sách về.

Thế là phòng sách “Chi gia trang” được trang bị thêm một bộ sách vô giá, tuy chưa phải cần dùng ngay nhưng để cho tương lai sẽ nhiều lúc cần đến. Bộ sách cùng với các giá sách tồn tại cho đến ngày cải cách ruộng đất thì bị tịch thu, nhưng không phải đưa vào thư viện quốc dân mà để cho trẻ con xé làm cờ quạt rải khắp đồng... Sau này mỗi khi nhắc lại chuyện được bạc thần kỳ rồi chuyện nhờ được bạc mà có bộ sách, cuối cùng thì sách vào nhà rồi lại ra đi... tôi đã bảo đùa anh tôi: – “Chính là hồn cha nhập vào anh để thắng canh bạc thua một trăm phần trăm ấy đấy! Nếu Chắt S. không hám ăn chạy đi vay tiền, và nếu như anh ta không dằn mạnh quan tiền xuống phản, hoặc vay được bạc giấy thì anh phải mất sạch nhẵn tiền thắng trong cả hai đêm rồi chứ còn gì nữa! Canh bạc đã lật ngửa cho cả làng xem chỉ trừ hai anh em mình, thế mà lại lật ngược lại. Phải có hồn ma mới làm được thế, mà phải là hồn ma rất thiêng! Hồn cụ hẳn muốn cho “Mộng Thương Thư trai” có thêm một bộ sách quý để con cháu và dân xã đọc sau này, không vất tiền vào chỗ bạc bài. Nhưng rồi khi cụ thấy tình thế cũng chẳng còn ai đọc nữa, khi mà những chuyện đốt sách đang rầm rộ khắp nơi, thì hồn cụ lại nhập vào bọn trẻ con, bảo chúng xé nát ra mà chơi cờ cho bằng thích. Rút lại, đúng là “những canh bạc đỏ... đen”. Anh tôi nhìn tôi, không nói, chỉ cười, một nụ cười buồn đến se lòng mà lần đầu tiên sau gần một đời gần gũi, tôi mới đọc thấy nơi ánh mắt anh.

*

* *

Những ngày gần đây về chơi nhà cháu, con trai đầu anh tôi, tôi lại thấy một bộ Larousse thế kỷ XX (Larousse du XXè siècle) đúng như bộ sách hồi nào anh em tôi đã mua. Tôi ngỡ ngàng mất một giây lâu, cứ tưởng đấy là bộ sách ngày trước lại tìm được trở về, nằm đúng vị trí cũ của nó. Tôi lan man nghĩ ngợi. Buổi tối, một mùi dạ hương nồng nàn đưa vào phòng học cháu tôi, làm tôi lại một phen bàng hoàng sửng sốt, phảng phất nghe như mùi dạ hương thuở nào, tối tối tỏa lan trong khu vườn cũ ở quê nhà. Tôi hỏi cháu tôi thì cháu bảo: – “Trồng một mùi hương để tìm lại những khuôn mặt dĩ vãng”. Người Huế thường nói dạ lan hương là mùi thơm có ma. Tôi bâng khuâng tự hỏi không biết có linh hồn không, và nếu có thì linh hồn anh tôi ở thế giới bên kia giờ đang ở nơi nào. Nhưng trong gian phòng vắng vẻ này của cháu tôi, với những bộ sách mà cả hai cha con đã cố tìm tòi thu nhặt lại từ mấy chục năm nay, đang tỏa lên một mùi sách vở quen thuộc, cùng với cái mùi dạ lan hương nồng ngát đến làm ta mất cả cảm giác về thực tại, tôi bỗng như đang được lờ mờ đối diện với khuôn mặt thân thuộc của người anh thuở trước. Đúng! Vẫn con người ấy, cái nhìn nhân hậu mà sắc sảo nghiêm nghị ấy. Vẫn cái tính thẳng thắn không sợ nhìn vào sự thật ấy, dù rằng tính tình thì không còn ương bướng như thời còn trẻ... Tôi còn nhớ trước lúc anh mất ít lâu, một lần tôi có hỏi anh: – “Tại sao anh vừa xây dựng một dự án to tát cho Viện Hán Nôm lại đã tự ý rời bỏ nó?”. Anh trầm ngâm mãi rồi mới chậm rãi trả lời: – “Chú Hưng à! Hình như định mệnh dành cho tôi là kêu cứu về “một túp lều đang nát”([5]) chứ không phải là “xây mới một tòa nhà”. Chú cứ nghiệm mà xem! Sách Hán Nôm của ta bảo quản lỏng lẻo, đội ngũ chuyên môn chưa vững vàng, chưa thuần, hiện đang là cả một vấn đề gay cấn, nhưng lúc này mà lên tiếng “kêu cứu” thì hẳn bị coi là lạc lõng. Vả, đây là một cơ quan khoa học chứ đâu phải cái làng quen thuộc của mình! Ngẫm lại, chính mình đã nhận lầm sở đoản làm sở trường”. Anh chỉ nói đến đấy. Nhưng tôi biết, đằng sau mấy lời vắn tắt kia là tâm huyết của một người đang suy xét về mình thật nghiêm túc, với cái nhìn đầy trách nhiệm của một trí thức giữ vẹn lương tri.

NGUYỄN HƯNG CHI

Trích Nhớ lại và suy gẫm 1992, chưa xuất bản



(*) Dịch giả Động vật đời tiền sử, em ruột GS Nguyễn Đổng Chi, nguyên Kỹ sư Xây dựng Mỏ Thiếc Cao Bằng.

([1]) Về ngày khởi nghĩa này, do lịch Việt Nam vài thập kỷ trước có sửa đổi trong đối chiếu lịch âm dương nên hiện lich mới là ngày 16-8, nhưng hôm đó là phiên chợ Nghèn, vào đúng ngày 9 tháng Bảy Ất Dậu mà theo lịch đối chiếu âm dương cũ thì đó là ngày 15-8.

([2]) Tức cuốn Túp lều nát, in năm 1937.

([3]) Merveilleux: tuyệt vời, kỳ diệu.

([4]) Anh tôi sinh ở Phan Thiết, khoảng 4 tuổi theo cha trở ra Vinh, rồi học ở Vinh đến khoảng 12 tuổi thì vào Đồng Hới ở cùng người anh cả, học tiếp và thi tiểu học ở đấy. Tốt nghiệp xong ra Vinh thi vào Trường Quốc học Vinh bị hỏng anh xoay sang viết sách, về sau vào học trung học tư thục và làm báo.

([5]) Anh nhắc đến cuốn Túp lều nát viết để chống chế độ cường hào, mở đầu cuộc đời cầm bút.