Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ NÊN THẾ KHÔNG ?

Trần Kỳ Trung
Thứ ba ngày 5 tháng 5 năm 2015 6:52 AM

         Tôi nhận được giấy mời  của BCH Hội nhà văn Việt Nam  tới dự Đại hội Bắc miền trung, Nam miền trung và Tây Nguyên. Đại hội này tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 6 và 7 tháng 5 /2015. Mang tiếng là hai ngày, nhưng theo nội dung giấy mời, thì đại hội chỉ tổ chức có 1 ngày, vì đón khách bắt đầu từ 15 giờ ngày 6/5/2015.
         Một đại hội các nhà văn ở một khu vực tập trung rất nhiều nhà văn, nhà thơ …là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, có bao nhiêu việc phải bàn, trao đổi  mà tổ chức có 1 ngày?
         Chuyện lạ có thật!
          Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hiện tại là khu vực “ nóng bỏng” nhất so với các khu vực khác trong cả nước, đủ mọi lĩnh vực từ chính trị đến kinh tế, xã hội. Liên tục mấy năm qua những sự kiện lớn gây chấn động đều liên quan đến khu vực miền trung – Tây Nguyên như Vũng Áng, Bô xít, xây dựng nhà máy điện nguyên tử, ô nhiễm môi trường, biểu tình của người dân mất đất, thói nhũng nhiễu vô cảm trước sự đói nghèo của người dân của một số cán bộ lãnh đạo… trách niệm của nhà văn trong vấn đề này như thế nào? Lên án hay thờ ơ hoặc không có trách nhiệm. Đó là chưa kể, trong những năm vừa qua hoạt động của nhiều chi hội nhà văn Việt Nam được thành lập theo quyết định của BCH Hội nhà văn Việt Nam, ở các tỉnh miền trung hoạt động cầm chừng, rời rạc, không liên kết, “bỏ thì thương, vương thì tội”,  nguyên nhân do đâu? Cũng trong những năm vừa qua, bên cạnh việc kết nạp nhiều hội viên mới thì ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nhiều nhà văn, nhà thơ có tên tuổi  lần lượt ra đi như nhà thơ Lưu Trùng Dương, Lê Văn Ngăn, Phan Cao Toại… đã đến lúc cần phải tri ân những nhà thơ, nhà văn có tên tuổi bằng hành động cụ thể chứ không phải chỉ là một mục cáo phó và một, hai bài báo tưởng niệm trên báo “ Văn Nghệ”. Đó là tôi còn muốn nói, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên  có một số nhà văn, nhà thơ tham gia ban vận động “ văn đoàn độc lập”, hiện rất nhiều ý kiến hiểu không đúng về ban vận động thành lập “văn đoàn độc lập”, nhiều nhà văn, nhà thơ ở miền trung tham gia ban vận động thành lập “ Văn đoàn độc lập” muốn có một diễn đàn để họ trình bày, nhất là với các anh, chị em Hội viên HNV Việt Nam đẻ mọi người hiểu về  động cơ của việc làm này? Việc tổ chức Đại hội này là một cơ hội thuận lợi cho họ làm việc đó. Nhưng liệu BCH Hội Nhà văn Việt Nam có cho phép làm việc này không? Miền trung và Tây Nguyên, cho dù bây giờ điều kiện đi lại thuận lợi, dẫu vậy việc gặp gỡ, trao đổi về học thuật của các nhà văn, nhà thơ ở khu vực này hầu như rất khó, do nhiều lý do. Ước ao của các anh chị em Hội viên HNV Việt Nam mong mỏi có một dịp nào đó, thật thuận lợi, được nhiều thời gian ngồi với nhau bàn việc sáng tác, phê bình. Vậy đại hôi chỉ tổ chức có 1 ngày, chỉ chào nhau đã hết ngày, nói chi đến chuyện trao đổi học thuật!!!
       Trong những năm vừa qua, nhiều anh chị em hội viên HNV Việt nam, trong đó có tôi, có cảm tưởng rằng BCH Hội Nhà văn Việt Nam, thích “ hướng ngoại “ nhiều hơn ví như đi nước ngoài nhiều, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài bằng hình thức gặp gỡ, trao đổi với các nước trong khu vực và thế giới với những hội nghị hoành tráng, Thơ “ nguyên Tiêu” nặng về hình thức. Trong khi đó, “hướng nội” như gặp gỡ, trao đổi, hoặc tổ chức giới thiệu,phê bình tác phẩm… của anh chị em là Hội viên HNV là một yêu cầu bức thiết, thì hình như BCH không để ý. Rõ nhất các hoạt động của các Chi hội nhà văn Việt Nam ở địa phương, như ở khu vực miền trung, Tây Nguyên này “được chăng, hay chớ”  BCH Hội nhà văn Việt Nam không quan tâm!!!
      Một nhà thơ có trách nhiệm nói với tôi, đại hội nhà văn khu vực năm nay, nội dung quan trọng nhất là bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên tổ chức ở Hà Nội trong tháng 7/2015.
      Nếu đúng như thế có cần tổ chức đại hội nhà văn khu vực hay không?
      Nhà văn, nhà thơ đích thực không cần ai đại biểu, đại diện hay phát biểu hộ mình. Nhà văn, nhà thơ đích thực, mỗi người đều có tiếng nói riêng của họ thông qua tác phẩm và những bài phát biểu nói rõ chính kiến của mình về thời cuộc, xã hội, quan điểm để sáng tác ,phê bình. Vậy nên, bầu đại biểu đi dự cấp trên, vô hình dung, thừa nhận có một nền văn học “ phân cấp” “ kẻ sang, người hèn”. Mà điều này, không bao giờ những nhà văn, nhà thơ chân chính chấp nhận. Hơn nữa, nếu như đây là đại hội để bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên, đâu có cần phải tổ chức đi lại, ăn ở tốn kém như thế. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng, có bao nhiêu đại hội , thậm chí cả bầu cử đại biểu Quốc Hội cũng chỉ là hình thức, vì đảng đã chỉ đạo, định hướng… Hội nhà văn Việt Nam hoạt động cũng trong sự định hướng đó. Vậy thì  BCH Hội nhà văn Việt Nam cứ việc triệu tập những nhà văn, nhà thơ  mà BCH Hội nhà văn Việt Nam thấy chấp nhận được với tôn chỉ, mục đích của mình. BCH nói rõ điều đó, tôi tin sẽ có rất nhiều nhà văn, nhà thơ là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam sẽ không thắc mắc, sẵn sàng nhường tiêu chuẩn của mình cho những đại biểu mà BCH Hội nhà văn Việt Nam đã chọn.
         Thâm tâm của tuyệt đại đa số nhà văn, nhà thơ là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam là muốn mỗi kỳ đại hội là đại hội toàn thể. Việc này có lợi rất nhiều điều:
          Trao đổi học thuật chắc chắn sẽ có nội dung phong phú hơn. Với nhiều ý kiến đa chiều, lãnh đạo HNV Việt Nam sẽ hiểu tình hình sáng tác của anh chị em Hội viên hơn. Có người nói, cứ đại hội nhà văn toàn thể, lại giống như cái “ chợ” ai cũng muốn lên nói, nói đủ đề tài, rồi chưa kể chuyện chửi xỏ, nói xấu nhau, chê nhau…  đã từng chứng kiến nhưng tôi cho đó là chuyện bình thường. Một hội nghề nghiệp, phải cho người ta có quyền “ nói”. Anh nói sai, sẽ có người góp ý, anh nói đúng, sẽ được hoan nghênh… Chuyện “vô tổ chức” trong cách phát biểu, đừng nên trách người phát biểu mà quan trọng, người điều hành đại hội giỏi. Ở các nước phương tây, họp quốc hội, có lúc chỉ vì một vấn đề bất đồng mà người ta còn đấm đá nhau, cuối cùng cũng chẳng có việc gì. Pháp luật vẫn thực thi rất kỷ cương, xã hội ổn định, nền hành pháp đi vào nề nếp. Nên thế, chỉ sợ sự “ linh tinh” trong một đại hội , nhất là đại hội nhà văn, mà làm một việc chẳng đừng, là tiến hành đại hội khu vực, nghe thì “ oai” mà nội dung chính chỉ là tìm cách “ thanh lọc” bớt những người hay “ nói”, phát biểu  “trái chiều”… Nếu đúng như vậy, BCH Hội nhà văn Việt Nam tự đánh mất uy tín của mình, thể hiện một sự bị động, đối phó, yếu về bản lĩnh. Điều nguy hại thấy rõ nhất, chỉ chọn những nhà văn, nhà thơ “ hứa đi chung một đường, cùng nhìn một hướng, viết chung một dòng” nền văn Học Việt Nam sẽ đi về đâu? Hơn sáu mươi năm, kể từ năm 1954, nền văn học hiện thực XHCN ở miền bắc và sau năm 1975, cũng nền văn học ấy ở cả nước được đảng, nhà nước tài trợ, cho  phép in trên báo giấy, ở các NXB, nền văn học ấy đã đạt được thành tựu gì để bạn bè quốc tế công nhận. Không lẽ một đất nước, một dân tộc có những biến cố lịch sử lớn, mang tầm thời đại mà chỉ có một cuốn tiểu thuyết “ Nỗi Buồn Chiến Tranh” được bạn bè quốc tế nhắc. Nhắc lại việc này, buồn chứ! Trách nhiệm chính nguyên do này là thuộc về BCH Hội nhà văn Việt Nam. BCH Hội nhà văn Việt Nam trong quá khứ, bao năm không dám khuyến khích, không động viên in những tác phẩm văn học  có tiếng nói nhân bản, khác với tiếng nói đã được chỉ đạo. Chán đến độ, nhiều tác phẩm văn học, do tác giả là Hội viên HNV Việt Nam viết, buộc phải in ở nước ngoài để rồi… tự nhiên thành “sách cấm” không cho phép phát hành trong nước, trong khi bạn đọc đang khao khát đọc những tác phẩm này.
         Lỗi này, nguyên nhân đã nhìn thấy rõ, mọi người muốn phát biểu, muốn hiến kế sách. Những lời phát biểu, hiến kế sách đó đều thành tâm muốn BCH hội Nhà văn Việt Nam phải thay đổi cách điều hành,  muốn có những nhà văn có uy tín, có bản lĩnh , thực tài, thực giỏi lãnh đạo BCH, đưa nền văn học Việt Nam phát triển theo kịp, đúng với dòng chảy thời đại, của quy luật lịch sử. Muốn Hội nhà văn là một tổ chức nghề nghiệp được đảng, nhà nước tôn trọng trên thực tế chứ không phải chỉ là những dòng chữ ca ngợi trong những bài diễn văn chào mừng. HNV phải là một tổ chức với ý nghĩa là một “thành viên” chính phủ, có những tiếng nói quyết định, tuy chưa thay đổi lịch sử, nhưng sẽ góp phần đưa đất nước Việt Nam chảy đúng dòng lịch sử.
         Trên đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, đang sinh sống, viết ở khu vực miền trung - Tây Nguyên. Những ý kiến này có thể chưa đầy đủ, chưa chính xác, cần trao đổi, bàn luận thêm. Dẫu vậy, tôi vẫn nghĩ, vẫn có rất nhiều Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đang sinh sống, viết ở khu vực này cũng muốn phát biểu như tôi.  Chắc chắn những ý kiến đó sẽ  đầy đủ, hay hơn. BCH Hội nhà văn Việt Nam nên dành thời gian nghe những ý kiến này ( 1 ngày sẽ không đủ), biết đâu sẽ tìm ra được một hướng đi mới cho nền văn học Việt Nam, để nền văn học Việt Nam có những thành tựu lớn, đáng tự hào, sánh ngang bằng với các nền văn học lớn thế giới,  mà bao thế hệ người Việt Nam đang mong đợi.
 Nguồn trankytrung.com