Thưa ông VH, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy đôi câu đối trên ít nhất có thêm hai nơi khác đang sử dụng. Đó là Trường Mầm non Xuân Phong (Quận Nam Từ Liêm-Hà Nội) và Văn miếu Trấn Biên-Đồng Nai. (Riêng câu soạn cho Thanh Hóa có khác chút ít ở vế thứ hai: “Xây cao văn hiến...” được tác giả sửa thành“Vươn cao khí thế...” (!)
Cập nhật: Sau khi đăng bài, nhiều độc giả đã cung cấp thêm thông tin: Cụ Vũ Khiêu còn tặng đôi câu đối cho thêm nhiều tổ chức, cá nhân nữa.Ví dụ: Khu đô thị xanh ECOPARK; Trường Quốc Tế Vũ Khiêu; Đền thờ Bác Hồ-An toàn khu Định Hóa-Thái Nguyên; Tặng GS Trần Văn Khê; Đề ngôi đền ở chân núi Tản Viên; Tặng Bảo tàng Phú Quốc.
Theo Website mamnonxuanphong.vn đây là đôi câu đối GS Vũ Khiêu “đề từ” và được hiểu: “Học sinh trong Trường Xuân Phong từ bậc mầm non đến đại học và xa hơn nữa là sau đại học, cần có được sự chăm sóc toàn diện ngay từ đầu cả về thể chất, tinh thần và thấm nhuần cốt cách, văn hóa, văn hiến Việt Nam một cách trọn vẹn; hội tụ các kỹ năng, tri thức của công dân toàn cầu.” Và“Mục tiêu mà Trường Xuân Phong hướng đến về văn hiến, xây dựng con người phát triển đa trí thông minh, tựu trung trong câu đối sau: Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này-GS.AHLĐ Vũ Khiêu đề từ.” Thực tế, Trường Mẫu giáo Xuân Phong đã dùng đôi câu đối này phóng cỡ chữ to để trang trí đầu Website của Nhà trường.
Trong khi đó, theo Báo Đồng Nai: “...trong các câu đối, đại tự cũng do chính GS (tức GS Vũ Khiêu-HTC chú thích) viết tặng Văn miếu Trấn Biên, GS rất tâm đắc với câu đối đặt tại gian thờ Hồ Chủ tịch: “Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Hai câu này đã toát lên được nhân cách và sự tài hoa của Bác Hồ, một người suốt đời học tập, nghiên cứu kiến thức Đông Tây kim cổ, được thế giới suy tôn là danh nhân văn hóa, là người tiêu biểu cho văn hiến Việt Nam khiến thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ”.
Như vậy, ở Văn Miếu Trấn Biên, câu đối “Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này” được dùng để thờ Hồ Chủ tịch.
Theo tôi, xét câu chữ, từ ngữ: “thu hết”; “lại”; “này” là cách diễn đạt khá nôm na, dàn trải của văn nói, không phải ngôn từ chặt chẽ, súc tích của câu đối thờ. Đặc biệt, cấu trúc “Thu hết.... lại” đã tạo ra tính chất, ngữ điệu của một câu cầu khiến, trong đó người cầu khiến và đối tượng được cầu khiến bị lược bớt, ẩn đi.
Để dễ hiểu hơn, ta thử đặt một câu khác tương tự: Thu hết đồ rởm, hàng giả lại. Đây là lời cầu khiến, hoặc chí ít cũng là kế hoạch cho một hoạt động nàođang hoặc sẽ tiếp tục (cần, phải) thực hiện trong tương lai, chứ không phải (người nào đó) đã thực hiện có kết quả. Chúng ta thử lắp vế đầu đôi câu đối vào ngữ cảnh: Bay đâu, “Thu hết tinh hoa kim cổ lại” !; Hay “Thu hết tinh hoa kim cổ lại” cho ta !, sẽ thấy ngay tính chất và ngữ điệu cầu khiến rất rõ rệt trong đôi câu đối.
“Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giảng nghĩa thứ 7 của từ “lại”như sau: “từ biểu thị hướng của hoạt động nhằm quy tụ về một chỗ hoặc thu nhỏ, thu hẹp phạm vi hoạt động hay quá trình: dồn lại một đống; xích lại gần nhau; nằm co người lại”. Như vậy “thu hết...lại” là hoạt động mang tính chất cơ học, không phải sự hội tụ, tiếp thu “tinh hoa kim cổ” để tạo nên phẩm chất một con người. Hơn nữa, giữa hai ý trong câu có mối quan hệ của tình huống tiếp diễn, có mở đầu, kết thúc (thu hết...lại để xây cao...) chứ không tồn tại như hai vế độc lập thường thấy của một đôi câu đối.
Bản thảo câu đối biên soạn cho Thanh Hóa có chữ ký của GS Vũ Khiêu
Ảnh: Bạn đọc VH cung cấp
Thêm một ví dụ khác. Tên sách “Cổ học tinh hoa” (tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc-Từ An Trần Lê Nhân) tạm dịch: sách này chứa đựng tinh hoa học vấn của người xưa. Nhưng nếu viết: Thu hết “cổ học tinh hoa” lại; sẽ sang một nghĩa hoàn toàn khác: lệnh cho ai đó đi thu hết “cổ học tinh hoa” đang nằm rải rác khắp nơi quy tụ lại một chỗ; đâu phải tên sách, hay ca ngợi nội dung cuốn sách (hoặc phẩm chất một con người) nào đó chứa đựng “cổ học tinh hoa”?
Như vậy, có thể nói, nội dung đôi câu đối không nhằm ca ngợi phẩm chấtmột cá nhân, hay vùng đất nào. Càng không phải “đã toát lên được nhân cách và sự tài hoa của Bác Hồ, một người suốt đời học tập, nghiên cứu kiến thức Đông Tây kim cổ...” như cách giải thích của báo Đồng Nai (chắc hẳn cũng chính là lời giảng nghĩa của cụ Vũ Khiêu?)
Đến đây, có bạn đọc đưa ra ý kiến: cũng có thể cụ Vũ Khiêu đã hiểu sai đôi câu đối của mình! Ví như giờ đây có đôi câu đối ca ngợi ông Giám đốc Thư viện nào đó: Thu hết tinh hoa tri thức lại, Đem về xây dựng thư viện này, là nói về công lao của ông Giám đốc đã xây dựng nên một Thư viện nhiều sách hay, tập trung tinh hoa tri thức của nhân loại, chứ đâu phải ngợi ca chính ông là tinh hoa tri thức của nhân loại? Theo đó, “Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này” là nói về công lao chứ không phải ca ngợi phẩm chất của Hồ Chủ tịch. Nghĩa là đôi câu đối được diễn giải và hiểu như sau: Bác đã thu hết tinh hoa kim cổ lại; Đem về xây cao văn hiến nước non này.
Vậy, thực tế có chuyện đó không? Theo tôi không có. Cũng chưa ai đánh giá về Hồ Chủ tịch như vậy cả. Bởi "tinh hoa kim cổ" là những gì? Hẳn nó phải là tất cả những gì tốt đẹp, tiêu biểu nhất do con người sáng tạo về mọi lĩnh vực:kiến trúc, thi ca, văn học nghệ thuật, phong tục, tập quán... văn hóa vật thể và phi vật thể..., đã có quá trình đào thải, chắt lọc qua hàng ngàn năm lịch sử. "Thu hết tinh hoa kim cổ lại" nghĩa là nhặt nhạnh hết "tinh hoa kim cổ" nằm rải rác khắp nơi trên thế giới đem về Việt Nam để "xây cao văn hiến nước non này"? Thử hỏi trên thế giới đã có cá nhân, triều đại, địa phương, quốc gia, châu lục...nào làm kiểu này hoặc làm được điều này không? Có thể khẳng định là không! Không ai làm như vậy cả! Bởi tinh hoa của đất nước, nền văn hóa này chưa hẳn đã là tinh hoa của đất nước, nền văn hóa khác. Tinh hoa của triều đại hay thời kỳ lịch sử này chưa hẳn đã là tinh hoa của triều đại, thời kỳ lịch sử khác. Chuyệntiếp thu tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác là có, nhưng tiếp thu phải có chọn lọc, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Đâu phải cứ thấy tinh hoa của người ta là “thu hết lại” đem về, tạo ra một mớ tạp nham, hổ lốn? Ấy là chưa nói đến chuyện xác định, phân biệt những gì đúng là"tinh hoa kim cổ" để “thu về” là cả một vấn đề, nói chi đến chuyện "thu hết"?
Hơn nữa, “văn hiến” của một đất nước được hình thành, bồi đắp suốt chiều dài lịch sử, do cả dân tộc đóng góp, xây dựng, đâu phải một cá nhân, đời người có thể đứng ra chỉ đạo, xây cao hay xây mới? Chưa kể đến chuyện GS Vũ Khiêu hiểu thế nào là “văn hiến” mà lại đem hết “tinh hoa kim cổ” về để “xây cao văn hiến”?
Như vậy, theo tôi, dù có hiểu theo hướng nào, câu đối cũng lộ rõ sự tối nghĩa, ngoa ngôn, sáo rỗng, hoàn toàn thiếu ý nghĩa thực tế. Với câu biên soạn cho Thanh Hóa, GS đổi “xây cao văn hiến” thành “vươn cao khí thế”, khiến đôi câu đối càng thêm khó hiểu.
Qua tư liệu độc giả cung cấp, chúng tôi thấy đôi câu đối “Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này” có vẻ như được “lấy cảm hứng”hoặc “chế” từ vế đầu đôi câu đối GS Vũ Khiêu từng tặng Nghệ sĩ nhiếp anh Võ An Ninh (mừng thọ cụ Võ 70 tuổi):
“Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại,
Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi.”
Đây là đôi câu đối có “tứ” khá hay. Cụm từ “Nửa mắt nhìn đời...” khiến vế đầu không trở thành câu cầu khiến, mà có thể hiểu là cách ngợi ca, đánh giá khả năng khái quát tài tình của người nghệ sĩ trong những bức ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, khi tác giả chữa “thu cả tinh hoa trời đất lại” thành “thu hết tinh hoa kim cổ lại”, rồi bỏ "nửa mắt nhìn đời" đi để ca ngợi phẩm chất Hồ Chủ tịch (như cách giảng của báo Đồng Nai), cái “tứ” này lại trở nên tối nghĩa đến vô nghĩa.
Như vậy, theo thiển ý của tôi, đôi câu đối “Thu hết tinh hoa kim cổ lại, Xây cao văn hiến nước non này” có chăng cũng chỉ phù hợp với Trường Mầm non Xuân Phong mà thôi. Vì “câu đối” như lời GS Vũ Khiêu (với tư cách là “Chủ tịch danh dự và Cố vấn cao cấp đặc biệt”-trích lời giới thiệu của Nhà trường Xuân Phong-HTC) dặn dò, giao nhiệm vụ cho nhà trường. Bằng không, nó giống như lời kêu gọi, hiệu triệu của GS Vũ Khiêu cho Đồng Nai, hay hơn 3 triệu con dân Thanh Hóa, hãy: “thu hết tinh hoa kim cổ lại” để “xây cao văn hiến (hoặc “vươn cao khí thế”) nước non này”; hoàn toàn không phải lời bình, hay ngợi ca một người nào đó, vùng đất nào đó hội đủ cả “tinh hoa kim cổ”! Thực tế, việc Trường Mầm non Xuân Phong sử dụng “ngon lành” đôi câu đối này làm khẩu hiệu đã chứng tỏ điều đó. Và chính tác giả của nó-Cụ Vũ Khiêu, phải chăng cũng nhận ra sự “đa năng" lợi hại của đôi câu đối này nên mới đem tặng cho cả 3 nơi, và hiện tại nó đảm nhận ít nhất hai chức năng hoàn toàn khác nhau?
Hiện chúng tôi chưa biết GS Vũ Khiêu chép đôi câu đối “rất tâm đắc” của mình thờ Hồ Chủ tịch ở Văn Miếu Trấn Biên đem về tặng cho Trường Mầm non Xuân Phong làm câu khẩu hiệu, hay ngược lại. Nhưng, có vẻ dị bản ở Thanh Hóa (4/2014) có "niên đại" muộn nhất? Lại trộm nghĩ: Nếu GS Vũ Khiêu không “cho”, liệu Trường Xuân Phong có dám “nẫng” đôi câu đối ca ngợi Lãnh tụ tậnVăn Miếu Trấn Biên xa xôi đem về làm sologan trang trí đầu báo, tóm tắt tôn chỉ, mục đích hoạt động của nhà trường? Ngược lại, Văn miếu Trấn Biên và Thanh Hóa đâu dám tự tiện chép đôi câu đối của “Chủ tịch danh dự-Cố vấn cao cấp đặc biệt” GS Vũ Khiêu đã mến tặng các cháu Trường Mầm non Xuân Phong, thêm bớt vài chữ rồi đem về thờ Tổ quốc, Bác Hồ hay Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng Liệt sĩ quê mình giữa thanh thiên bạch nhật?
(Hết phần I)
HTC/Thanh Hóa 30/3/2015
Chú thích:
(*) Phần trong ngoặc kép là nguyên văn văn bản có chữ ký của GS Vũ Khiêu. Tuy nhiên, chính xác công trình này tên là Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng Liệt sĩ được xây dựng với số tiền 150 tỉ đồng trên đồi Cánh Tiên-Hàm Rồng-Thanh Hóa.