Ngạc nhiên lẫn xúc động là cảm giác rõ rệt nhất của tôi khi nghe được những câu thơ đầu tiên trong bài “Vừa đủ” của Trần Nhương như là một món quà để dành riêng cho tôi một dịp thật đặc biệt. Nếu như gặp “Vừa đủ” sớm hơn hẳn tôi sẽ không xúc động nhiều đến thế. Tuổi 32 và “vừa đủ” đã đem lại cho tôi, ngoài một sự vỡ lẽ ra và còn hơn thế nữa, đó là sự chiêm nghiệm “vừa đủ”.
Quả thật rằng, để đạt được trạng thái “vừa đủ” không phải là điều dễ, nhất là trạng thái cảm xúc của con người chúng ta bao giờ cũng quá. Và cái điều “quá” đó sẽ đem lại những hiệu quả ngược lại, nó dằn vặt hành hạ con người đến khổ sở vì những “tác dụng phụ”. Sau khi trải qua những điều đã quá, “Vừa đủ” của Trần Nhương trong tôi trở nên nhiều ý nghĩa.
Em vừa đủ để anh khao khát
Vừa đủ làm cho anh thật là anh
Trời chớm thu vừa đủ nét xanh
Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt
Ta có thể tưởng tượng trong một khung cảnh buổi chiều mùa thu nào đó, chàng trai ngồi một mình và nghĩ về người mình yêu. Một cảm giác yên ổn, thanh bình, một không gian thư giãn đưa chàng trai đến một cảm xúc viên mãn để nhận ra sự “vừa đủ” là điểm đến của một tình yêu dã đạt đến độ chín muồi đây khao khát. Sự so sánh đó xuất phát từ những biển đổi rất đời thường mà tác giả cảm nhận được ở người mình yêu:
Em vừa đủ để qua thời non nớt
Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh
Trong vững bền vừa đủ sự mong manh
Trong đăm thắm vừa đủ lòng nghi kị
Em đàn bà vừa đủ men thi sĩ
Em trang đài vừa đủ nét chân quê
Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia
Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy
Em già dặn vừa đủ điều non bấy
Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền
Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên
Em gìn giữ vừa đủ lòng nổi loạn
Phải nói rằng, chàng trai trong bài thơ đã rất đỗi già dặn khi nhận ra những trạng thái tình cảm trong lòng mình khi đem so sánh những trạng thái tâm lí đầy biến chuyển của người yêu mình. Từ nét "thục hiền", "đằm thắm","trang đài", "ngay thẳng", "tươi vui" cho tới chút "đành hanh", lòng "nghi kị", "ưu phiền" thậm chí đến cả lòng "nổi loạn"... Bị cuốn trong những điều đó, chàng trai cứ thế so sánh “em thế này vừa đủ để em thế kia”. Hai trạng thái cứ liên tục đối lập ban đầu đưa lại cảm giác hoài nghi nhưng càng so sánh ta lại cành nhận ra những điều "không đẹp" kia không làm cho nét đẹp hiện hữu của người con gái trở nên lu mờ mà chính những cảm xúc thật đó đã mang lại cho tình yêu đạt đến ngưỡng của sự dung dị.
Bài thơ không lạ về cấu trúc, lời thơ giản dị và nhẹ nhàng. Nhưng chính sự giản dị và nhẹ nhàng trong từng câu chữ đó mang đến sự thăng hoa. Điệp từ “vừa đủ” đã làm cho những điều lẽ ra bị phủ định lại không hề bị phủ định, ngược lại chúng mang đến cho tình yêu sự đa sắc, đa diện. Và chính sự “vừa đủ” của nhân vật “em” ở những vế trên đã khiến người đọc vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là cái cớ để cho cái ao ước “vừa đủ” của nhân vật “anh” không dừng lại ở vừa đủ.
Anh khao khát với trái tim lãng mạn
Mong suốt đời vừa đủ để yêu em
Thực lòng rằng, cuộc sống luôn chứa đầy những điều bất trắc. Mọi sự đủ đầy đều không thể nào cân đo đong đếm được. Tình yêu càng hơn thế. Nỗi niềm của nó thì vô cùng mà không ai có thể lường trước được. Vì vậy, tác giả chỉ cần “vừa đủ” nhưng đó lại là sự “vừa đủ” cho suốt cả cuộc đời. Hình như đến đây, ta như thấy một sự gặp gỡ, không biết vô tình hay hữu ý của những tâm hồn thơ đồng vọng
Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim
Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,
Em là nữ hoàng của vương quốc đó
Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.
(R.Targo)
Và lẽ thế, tất cả chỉ là “vừa đủ” nhưng trong cái sự vừa đủ ấy lại là sự vô tận của khát khao mà con người hướng tới.
Trần Quỳnh Nga
Nguồn: Báo hatinh online