Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHO XIN VÀI "VÉ" KHỎI VỀ TUỔI...HƯU !

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 15 tháng 4 năm 2015 5:22 AM

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Dân trí) - Xin ghi nhận tấm lòng phục vụ của các bác này nhưng cũng cầu mong các bác đừng “đó rách ngáng chổ”. “… già giữ xương” quyết “bám trụ kiên cường”, cố “xin vài vé… đi về tuổi thơ” bởi khi đó, cơ quan công quyền sẽ thành nơi… dưỡng lão.

“Xin một vé đi tuổi thơ” là tên một cuốn sách nổi tiếng của Nhà văn viết cho thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh.
Thế nhưng, cái câu cầu mong của cái ông nhà văn viết cho thiếu nhi này giờ đây lại là câu “thần chú” cho không ít quan bác mấp mé trước ngưỡng cửa nghỉ hưu.
Đã không ít cán bộ, công chức ngày đêm “lẩm bẩm niệm câu thần chú” này để hi vọng “trẻ hóa” mình thêm vài tuổi để “cống hiến cho nước, cho dân” mà ông Phó chánh thanh tra tỉnh Hậu Giang Lê Khả Đoàn đã làm thủ tục trẻ lại ba tuổi là một ví dụ.

Theo thông tin trên báo Pháp luật TP HCM ngày 11/4, bài “Phó chánh thanh tra tỉnh xin trẻ ba tuổi sẽ tiếp tục khiếu nại” ngày 10-4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, tờ giấy khai sinh mới (ngày 9-9-2011) ghi ngày sinh 28-5-1958, ông Đoàn làm thủ tục điều chỉnh hộ khẩu, CMND, bằng cấp… khác với lý lịch Đảng nhưng không thực hiện theo quy trình mà điều chỉnh xong mới báo.

Theo đó, UBKT Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá ông Đoàn là cán bộ chủ chốt của tỉnh nhưng thiếu cân nhắc trong việc làm, thiếu gương mẫu, chấp hành chưa nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm và làm ảnh hưởng đến uy tín Đảng.
Việc ông Đoàn sử dụng các giấy tờ ghi ngày sinh 30-6-1955 suốt gần 37 năm nhưng khi gần tuổi hưu lại xin giảm ba tuổi gây dư luận không tốt.
Tóm lại, trước đây trong hồ sơ, ông Đoàn sinh năm 1955 nhưng gần đây, chả hiểu sao ông lại “xin” cho mình “một vé về tuổi thơ” thành… sinh năm 1958, tức là “trẻ hóa” 3 tuổi.
Thực ra, việc “cải lão hoàn đồng”, “cưa sừng làm nghé” và cả “cải đồng hoàn… lão”, “gắn cựa mong già”. “cắm râu cầu lão” không phải là hiếm.
Đã có không ít thi sĩ và chị em thực hiện khá thành công sứ mệnh “cải lão hoàn đồng”, “cưa sừng làm nghé” và nhân loại đã rút ra kinh nghiệm mang tầm văn hóa: “Không hỏi tuổi phụ nữ và các nhà thơ”.
Ấy là một niềm “an ủi” chứ không mang tính pháp lý bởi cái sự “trẻ hóa” này nó chẳng liên quan, ảnh hưởng tới ai.
Việc “cắm râu cầu lão”, “cải đồng hoàn lão” thì tùy từng trường hợp cụ thể.
Có điều khá phổ biến là chuyện “cải đồng hoàn lão”, mong sớm hưởng chế độ thường xảy ra ở đám công nhân lao động trực tiếp thì việc “cải lão hoàn đồng” lại hay xảy ra ở những cán bộ có chức, có quyền mà như dân gian nói là có nhiều bổng lộc đang ở thời trước ngưỡng cửa về hưu.
Lạ! Rất lạ! Lạ bởi các bác đã đến tuổi về hưu, sau bao năm vì nước vì dân, thông thường người ta đều muốn nghỉ ngơi để không chỉ an nghỉ tuổi già, còn có cơ hội giúp đỡ gia đình, vợ con sau những tháng năm dài cống hiến.
Thế mà một số bác lại vẫn muốn tiếp tục hi sinh? Chắc hẳn là các bác ấy có “tinh thần tuyệt đỉnh”, quyết phục vụ nhân dân đến… hơi thở cuối cùng với ý chí: “Thà chết hơn… hưu!”
Lạ, còn bởi cái”tinh thần tuyệt đỉnh” ấy lại thường xuất hiện ở các bác có chức, có quyền, có bổng, có lộc chứ còn không "màu mỡ" thì điều đó chẳng thấy xảy ra.
Có lẽ cho đến lúc này, chưa có bác lao động chân tay, không chức không quyền lại có cái “tinh thần tuyệt đỉnh” ấy.
Nhưng các bác ạ, xin cám ơn các bác, ghi nhận tấm lòng của các bác.
Chỉ có điều khi viết những dòng này, mình chợt nghĩ về những đời của những chiếc lá.
Những chiếc lá không chỉ biết "lá lành đùm lá rách", không chỉ biết già "rụng về cội" mà mỗi mùa đông, còn biết tự rụng để mùa xuân, nhường chỗ cho những chồi non mới.
Hình như chỉ mỗi cây chuối là suốt đời không rụng lá. Loại lá thiếu tự trọng từ lúc mọc đến khi thối nẫu cũng không chịu rời bỏ thân cây. Và cũng vì thế, khi chuối đã ra buồng là không còn chiếc lá non nào được sinh ra nữa.
Xin ghi nhận tấm lòng phục vụ của các bác này nhưng cũng cầu mong các bác đừng “đó rách ngáng chổ”. “… già giữ xương” quyết “bám trụ kiên cường”, cố “xin vài vé… đi về tuổi thơ” bởi khi đó, cơ quan công quyền sẽ thành nơi… dưỡng lão.
Bùi Hoàng Tám