Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CĂN CỨ VÀO ĐÂU ĐỂ “CÁC NHÀ KHOA HỌC” NÓI RẰNG: “HAI VUA TRẦN ĐÃ ĐÓNG ĐẠI BẢN DOANH Ở XÃ YÊN ĐỨC HUYỆN ĐÔNG TRIỀU, TỈNH QUẢNG NINH HIỆN NAY, ĐỂ TỪ ĐÂY MÀ TRỰC TIẾP CHỈ HUY TÁC CHIẾN TRẬN BẠCH ĐẰNG NĂM 1288 ” (?)

Trần Nhuận Minh
Thứ hai ngày 13 tháng 4 năm 2015 5:21 AM


Viết là ý kiến của “các nhà khoa học”, nhưng trong bài viết đăng báo Quảng Ninh cuối tuần, tác giả Xuân Quảng, số ra ngày chủ nhật 25 /1/2015 “Đông Triều – nơi ghi dấu chiến thắng mở màn chiến công hiển hách ’’ chỉ ghi tên hai người là giáo sư Phan Huy Lê và GSTS Nguyễn Quang Ngọc. Xuân Quảng viết: Trên cơ sở những cứ liệu mới, các nhà khoa học cho rằng hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đặt chỉ huy hay đại bản doanh ở khu vực núi Thiên Liêu ( nay thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức ) để trực tiếp chỉ huy các lực lượng tác chiến ở thượng lưu, trung lưu phía tả ngạn sông Đá Bạc. Khi đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đã lọt hẳn vào trận địa mai phục thì đạo quân của hai vua theo sông Đá Bạc tiến xuống phối hợp với đại quân của Trần Hưng Đạo ở hữu ngạn và khu vực trận địa cọc ở hạ lưu sông Bạch Đằng vào sông Chanh để đồng hoạt tấn công” ( những chữ in đậm do tôi nhấn mạnh - TNM). Tôi không tin điều đó đã được khoa học xác nhận, dù trong bài đã đưa tên hai vị giáo sư khả kính là Phan Huy Lê và Nguyễn Quang Ngọc, làm cho số đông người đọc nghĩ rằng, hai vị giáo sư trên đã nói điều này hoặc đồng thuận hay hậu thuẫn cho “các nhà khoa học” nói chính thức điều này, như “những cứ liệu mới” về khoa học lịch sử, trong hai cuộc hội thảo về khoa học lịch sử đã tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh về những chiến công của tỉnh Quảng Ninh ở thời Trần. Cũng có thể hai ông đã bị lợi dụng để làm tấm bình phong chăng? Tôi tìm trên mạng xem còn có căn cứ nào khác không, thì thấy ngay bài của Ngô Vương Anh trên báo Nhân dân điện tử cập nhật ngày chủ nhật 14 / 9/ 2014 có tên: “ Nơi ghi dấu chiến thắng mở màn chiến công hiển hách”. Bài này của Ngô Vương Anh liền kề với bài của Xuân Quảng trên giao diện. Tôi đọc hai bài, thấy cả đầu bài và nội dung cơ bản của 2 bài đều rất giống nhau và riêng đoạn này, Xuân Quảng chép y chang của Ngô Vương Anh, không khác đến cả dấu chấm phảy mà không mở ngoặc kép “... ” là mình đã lấy nguyên văn một đoạn văn khoa học đã xuất bản của người khác. Chưa nói đến việc Xuân Quảng đã “đạo văn” Ngô Vương Anh, hãy chỉ nói đến điều tôi và nhiều người đọc quan tâm, là “những cứ liệu mới” ấy căn cứ vào đâu, để có thể viết ra những điều quan trọng đến như thế về lịch sử một vùng đất.

Tôi đã đọc Đại Việt Sử kí toàn thư của thời Lê, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục của thời Nguyễn, hai bộ sử cối lõi, được coi là “văn bản gốc” của lịch sử Việt Nam thời xưa, trong đó có trang ghi rất cụ thể quá trình dẫn đến trận thủy chiến vĩ đại và diễn biến cụ thể của trận đánh đó của quân dân ta thời Trần trên sông Bạch Đằng năm 1288, tôi không thấy có bất cứ chi tiết nào về điều mà 2 báo đã công bố trên. Tôi đã đọc An Nam chí lược và các đoạn quan trọng liên quan đến chiến trận năm 1288 và mô tả chiến trận đó của Nguyên sử, hai bộ sử của nhà Nguyên về trận chiến lịch sử Bạch Đằng năm 1288, cũng không thấy ghi bất cứ một chi tiết nào về điều này. Trong các công trình nghiên cứu của ta vài chục năm nay, cuốn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, được tái bản nhiều lần, theo tôi là một công trình khoa học công phu, tâm huyết nhất, sâu sắc và cũng có đầy đủ chứng cứ đáng tin cậy nhất, cũng không thấy có bất cứ một chi tiết nào về điều này.

Còn Đại Việt sử kí toàn thư (ĐVSKTT) thì ghi Trần Hưng Đạo tháp tùng 2 vua Trần từ Thái Bình qua Kiến An rồi vào trận Bạch Đằng ở bờ Nam, thuộc Thủy Nguyên Hải Phòng bây giờ. Dọc đường vẫn còn nhiều tên làng mang dấu ấn đó, như Voi Phục, Lưu Kì, Lưu Kiếm ... vân vân... Tôi chưa thấy ai nói Trần Hưng Đạo để hai vua Trần ở Đông Triều, nơi gần sở chỉ huy của giặc, từ Vạn Kiếp, nơi Thoát Hoan chiếm được và đóng quân, đến đây chỉ trong khoảng 2 giờ ngựa phi, còn mình thì lánh về Thái Bình, rồi từ Thái Bình mà đưa quân ra “ phối hợp với hai vua ở bên kia sông”. Cũng chưa từng thấy đọc ở bất cứ tài liệu lịch sử nào ghi “hai vua đóng đại bản doanh ở Yên Đức để trực tiếp chỉ huy” mà không có Trần Hưng Đạo bảo vệ, rồi “hai vua theo đường sông Đá Bạc mà tiến xuống”. Còn toàn bộ trận đánh, ở đâu cũng có sự chỉ huy của hai vua và sự tiết chế cuả Trần Hưng Đạo, nhưng hai vua có “đặt đại bản doanh ở Yên Đức và trực tiếp chỉ huy trận Bạch Đằng” từ Yên Đức hay không, hoặc hai vua có đi thuyền theo sông Đá Bạc mà đánh xuống cửa Bạch Đằng, hay không, lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Đây là một “phát hiện” rất to lớn, làm thay đổi diện mạo văn hóa và lịch sử không chỉ của một xã, mà còn của cả tỉnh Quảng Ninh và là sự bổ sung rất quí hiếm vào lịch sử dân tộc. Có thể có một nguồn tư liệu khoa học nào khác mà tôi chưa biết chăng? Vậy tôi đề nghị hai tác giả và “các nhà khoa học” cho bạn đọc được biết những “phát hiện” đó được căn cứ từ nguồn tư liệu lịch sử đáng tin cậy nào? Tôi nêu vấn đề này, vì hiện nay ta có hội chứng “nói lấy được” rất đáng sợ, cũng có vị giáo sư này, tiến sĩ kia, mà tôi không tiện nêu tên, văn bản cũng khắc vào bia đá dựng trước nơi thờ phụng hẳn hoi. Ví như đền (miếu ) thờ hai vị anh hùng bị giặc Nguyên đánh rất dữ, hai vị phải chui vào hang cố thủ, để giặc Nguyên hun hang mà chết. Lạ lùng thay, ngày đó lại xảy ra sau chiến thắng Bạch Đằng đến hơn 1 tháng trời ( ?). Rồi đền ( miếu) Bến Đoan ở TP Hạ Long, mới thờ Trần Quốc Nghiễn từ tháng 10 năm Quí Sửu ( 1913) do 10 hộ chủ thuyền tỉnh Bắc Ninh, đứng đầu là ông Trần Đức Thuật, người xã Chính Hội, tổng Phù Đổng. huyện Tiên Du, cùng 9 vị khác có đầy đủ họ tên và làng xã, xây “ trong 1 ngày”. Các chủ thuyền Bắc Ninh thờ Trần Quốc Nghiễn trên đường đi biển, các vị vào đây để lấy nước ngọt vì ở trên biển ( lúc đó đến chân núi Bài Thơ chưa được lấp đầy như bây giờ) mà có một giếng nước ngọt, chả phải là một điều có thần nhân xui khiến sao? Hơn nữa, Kiếp Bạc, nơi Trần Quốc Nghiễn, con trưởng Trần Hưng Đạo đóng quân cùng cha ở đây, theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, từ thế kỉ thứ 18 trở về trước, thuộc huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, tức là tỉnh Bắc Ninh, quê hương các hộ chủ thuyền. ĐVSKTT ( trọn bộ, NXB Thời Đại, 2013, tr. 332) cũng ghi như vậy. Đơn giản vậy thôi. Thế mà bia đá trước đền Bến Đoan, Hạ Long, ghi Trần Quốc Nghiễn được phong đất ở đây, rồi chết ở đây từ thời Trần (?), nên mới có đền thờ ở đây. Tiếp đến, vợ quan chủ mỏ Pháp, bà này người Hà Đông, đưa miếu Cửa Suốt thờ Hoàng Cần lên xây tại vị trí hiện nay ở Cửa Ông, Cẩm Phả, thời gian xây là sau năm 1910, không rõ năm nào. Một vị Đại đức, cán bộ chủ chốt của Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho tôi biết, bia ghi công đức bà hiện còn ở Đền Mẫu. Theo một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Quảng Ninh, người đã đọc hồ sơ gốc của đền, cho biết là đến năm 1916, đền Cửa Ông mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ ( sau khi có nơi thờ anh Trần Quốc Tảng là Trần Quốc Nghiễn ở Hòn Gai từ 1913). Vậy mà sách lai lịch đền, mới viết và in vài chục năm nay, lại ghi đền xây ở thời Trần sau khi Trần Quốc Tảng mất năm 1313 và Trần Quốc Tảng đã đóng quân ở Cửa Ông, năm 1288, đánh ngược nước vào trận Bạch Đằng ở ngoài hàng cọc. Hiện sau đền có lăng mộ của ông, vị chủ đền nói Đại vương ức quá thắt cổ chết tại đây, khi ông đã được phong Đại vương, là anh vợ Thái thượng hoàng, bố vợ vua đương triều nhà Trần ( ?). Theo truyền thuyết ( mà truyền thuyết thì không phải là lịch sử) thì việc Trần Quốc Tảng có về thăm nơi đóng quân cũ tại làng Trắc Châu, huyện Thanh Lâm ( tức là huyện Nam Sách, nay thuộc TP Hải Dương ) rồi mất tại đó, không nói vì sao. Vậy mà “ các nhà khoa học” (tôi đặt 4 từ này trong nháy nháy “...” là để phân biệt với các nhà khoa học chính hiệu, nghĩa là những người thật sự nghiêm túc, tận tâm và có trách nhiệm cao, trong nói và viết, về các vấn đề lịch sử phức tạp mà tôi rất kính trọng) lại viết vào sách sử rằng: làng Trắc Châu huyện Thanh Lâm ( Hải Dương) nay là phường Cẩm Phú, Cẩm Phả ( Quảng Ninh). Để rồi phim lịch sử, vở chèo công diễn nhiều năm, sách giáo khoa dạy học trò, chưa kể lịch sử Đảng, đều khai thác chi tiết này và đều ghi địa danh Trắc Châu, Thanh Lâm (Hải Dương) là Cẩm Phú, Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hiển nhiên đến như vậy mà không sao cải chính được, vì người ta đã quen điều ấy từ nhiều chục năm nay rồi. Báo Quảng Ninh cuối tuần và báo Quảng Ninh điện tử cập nhật ngày chủ nhật 22/3/2015, có bài của Duy Linh, vẫn còn viết về Trần Quốc Tảng : “ ông đã cùng binh sĩ đóng quân đồn trú tại Cửa Suốt ( tên cũ của Cửa Ông), bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải Đông Bắc Tổ Quốc”. Hãy nhớ từ thượng cổ đến nay, giặc xâm lăng phương Bắc có đánh vào Việt Nam, nếu qua đường Quảng Ninh hiện nay, thì chỉ duy nhất đi theo đường thủy vào cửa Bạch Đằng mà thôi. Không có đường bộ. Cho nên Hưng Đạo Vương chỉ giao vùng biển và đất liền biên giới nơi này cho một vị tướng thủy là Trần Khánh Dư, đóng quân ở Vân Đồn là đủ. ĐVSKTT đã ghi rất rõ ràng điều đó (sách đã dẫn, tr. 313). Các tướng khác như Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Tảng... thuộc gia đình Trần Hưng Đạo, đều ở mặt trận trung tâm, từ Thăng Long qua Vạn Kiếp lên Lạng Sơn. Quân chủ lực của giặc là quân bộ và quân kị, đều đi qua đường hiểm yếu này mà đánh vào Thăng Long.

Còn đền Long Tiên ở trung tâm Hòn Gai ( nay là TP Hạ Long) do ông Quản Mai, một vị cai than của Pháp có lòng hảo tâm xây năm 1941, đưa Trần Hưng Đạo vào thờ từ năm 1943, sau khi đã có 2 nơi thờ hai con của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Nghiễn, thờ ở Bến Đoan năm 1913, Trần Quốc Tảng thờ ở Cửa Ông năm 1916. Vì quá gần, ai cũng biết, hơn nữa các con ông Quản Mai còn sống ở Hòn Gai, nên “các nhà khoa học” chịu, không thể nói là xây từ thời Trần được. Rồi Điều Ngự Giác Hoàng ( sau này gọi là Trần Nhân Tông) viên tịch ở am Ngọa Vân huyện Đông Triều, Ngô Sĩ Liên đã ghi điều ấy trong ĐVSKTT từ năm 1497, vậy mà một nhà sử học rất nổi tiếng, giáo sư sử học uyên thâm hẳn hoi, chắc là không đọc, nên trong phim về Yên Tử, đứng trên chùa Hoa Yên ( thị xã Uông Bí), ông chỉ tay xuống Tháp Tổ mà nói chắc như đinh đóng cột rằng: “Trần Nhân Tông mất ở đây” (?) ... Bây giờ, huyện Đông Triều đã xây xong đường bê tông đưa khách lên thăm am Ngọa Vân, nơi Phật Hoàng viên tịch, cách sau lưng nhà sử học ấy khoảng trên 40 km và ở một huyện khác. Và vân vân... Tôi phải nói những điều này là cực chẳng đã, vì đó là những giá trị thiêng liêng được thờ phụng hương khói nhiều năm rồi. Hơn nữa cũng không muốn va chạm với ai, nhất là về những vấn đề rất phiền toái. Tôi thấy các vị anh hùng có công với nước, có thể thờ, dựng tượng, ở bất cứ đâu trên đất nước ta, như Cửa Ông thờ Trần Quốc Tảng, Bến Đoan ( Hòn Gai) thờ Trần Quốc Nghiễn là đúng, rất hợp lòng người, hợp cả ý trời, cũng là vinh dự cho vùng đất Quảng Ninh, nhưng đừng bịa ra những điều mà suốt đời các vị nhân thần này không hề có. Xưa có câu: Thánh nhân vô kỉ, Thần nhân vô công, Chân nhân vô danh”, các vị thánh thần đó, đâu có bao giờ bằng lòng với bất cứ một sự tô vẽ bịa tạc nào. Thậm chí, Trần Hưng Đạo, “Khi sắp mất, dặn con rằng: Ta chết tất phải hỏa tảng, lấy ống tròn đựng xương, ngầm chôn ở trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người không biết chỗ nào, lại cầu cho chóng nát” ( ĐVSKTT, sách đã dẫn, tr. 332). Thánh nhân là thế, đâu có quan tâm đến chuyện thờ cúng mình, huống hồ lại còn bịa tạc ra và làm cho nó “hoành tráng” thêm. Và như thế, vô hình chung, ta đã xúc phạm các thánh nhân mà không tự biết hay sao? Nếu dùng sự dối trá để đánh cược với lịch sử, chúng ta sẽ mất trắng.

Liên quan đến hai vua Trần “ đóng đại bản doanh chỉ huy tác chiến trận Bạch Đằng ở xã Yên Đức, Đông Triều” ( ?) là “trận đánh mở màn chiến công hiển hách” mà hai bài báo trên đều nói. Đấy là điều có cơ sở vì đã được sử gia giặc ghi rất rõ ràng, tuy nhiên vẫn cần làm rõ thêm bằng những công trình nghiên cứu khoa học hẳn hoi. Tôi đã nghĩ đến điều này từ năm 1968, khi đọc ghi chép của sử gia đi theo quân Nguyên ( An Nam chí lược của Lê Tắc) và đã có ý thức tìm hiểu về việc đó. Tôi đã viết về sự tìm hiểu ban đầu của mình đăng trên một số báo từ những năm chống Mĩ. An Nam chí lược ghi rõ người chỉ huy đánh du kích, phá cầu qua sông là Trần Tung ( anh ruột Trần Quốc Tuấn, bác ruột Trần Quốc Tảng) mà vài nhà viết sử của ta đã viết nhầm là Trần Quốc Tảng, gây ra rất nhiều rắc rối cho tỉnh Quảng Ninh đến tận ngày hôm nay, vì Trần Quốc Tảng là chủ thần của đền Cửa Ông. Bài viết của tôi được sửa chữa và đăng lại ở nhiều báo, cuối cùng đưa vào sách Thời gian lên tiếng, Nxb Hội nhà văn, 2013, xin trích lại 1 đoạn, trang 66 – 67, trong đó, tôi cho rằng trận đánh ở chợ Đông Hồ năm 1288 có thể là ở Chợ Cột hiện nay, nhưng “ không ở vị trí chợ Cột hiện nay mà ở cách đó khoảng 1 km về phía đông, tức là phía tay phải đường Trần Nhân Tông, chạy dọc thị trấn Đông Triều ( tỉnh Quảng Ninh) bây giờ, cách lối bậc thang từ cổng huyện ủy Đông Triều xuống khoảng 6 - 700 mét về phía Bắc, bắt đầu từ khoảng Nhà văn hóa khu 3 thị trấn Đông Triều về phía làng Trạo Hà....Tôi đề nghị các vị cao minh xem xét thêm và dựng một tấm bia lớn ở đây để ghi nhớ một trận đánh góp công có ý nghĩa quyết định vào đại thắng (trận Bạch Đằng) của cả dân tộc”.

Trong việc nghiên cứu khoa học ( cũng như trong đời sống xã hội), nếu có sai sót hay nhầm lẫn là điều vô cùng bình thường. Cái chính là thấy sai và nhầm thì sửa và hoàn chỉnh thêm. Bi kịch của ta là nhiều người làm sai, nhưng không ai sửa cả. Và cái sai không những cứ thế tồn tại mà còn luôn được bổ sung, vì đây là thứ... không ai dám đụng đến. Ấy là chưa kể nó rất có lợi cho “kinh doanh thần thánh” trong du lịch và các dịp lễ hội.

Tôi ghi lại điều này rất mong được các vị cao minh và bạn đọc có tư liệu tin cậy hơn, chỉ giáo cho.