Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lạm bàn về Quốc phục

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ ba ngày 6 tháng 1 năm 2015 3:32 PM

Tạp bút

Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có thời gian đã đăng một số bài bàn về Quốc phục, Quốc hoa và Quốc tửu. Về y phục của phái nữ, thì chiếc áo dài không chỉ ở trong nước, mà cả quốc tế người ta cũng công nhận là đẹp, và độc đáo chỉ riêng Việt Nam mới có. Còn y phục của nam giới thì nhiều ý kiến còn rất khác nhau. có người phân vân không biết có nên dùng chiếc áo dài thâm (còn gội là áo lương) cổ truyền làm Quốc phục không? Vì chiều dài của nó không phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Nếu giảm chiều dài đi, thì giảm đến đâu, bao nhiêu phân là phù hợp? Rồi cả chiếc quần trắng nữa, chỉ có mỗi một mầu, liệu có đơn điệu không? Có ý kiến cho rằng nên chờ một thời gian nữa, để các nhà thời trang sáng tạo ra một kiểu y phục mới cho nam giới. Nhưng cái kiểu mới ấy phải dựa trên những tiêu chí nào thì chưa ai xác định được.
Về Quốc hoa. Căn cứ vào hai câu thơ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, của Bảo Định Giang, nên có người đề cử lấy hoa sen làm Quốc hoa. Nhưng có ý kiến phản biện rằng, từ thời xưa tượng Phật đã được chế tác ngồi trên đài sen, như vậy thì hoa sen đã là Quốc hoa của Ấn Độ rồi. Song, có người lại khẳng định rằng cúc vạn thọ mới là Quốc hoa của Ấn độ.
Được đọc những bài báo đó đã lâu, nên tôi không nhớ có ai đề cử loài hoa nào khác nữa không. Chỉ nhớ cuộc bàn thảo về Quốc hoa, các ý kiến cũng chưa thống nhất,
Còn Quốc tuý. Có ý kiến đề cử rượu làng Vân, Hà Bắc. Nhưng đã bị bác bỏ, vì cho rẳng làng Vân đã tự làm mất thương hiệu của mình. Chạy theo lợi nhuận, nhiều nhà đã cho phân đạm vào cơm rượu, hoặc pha chế cồn công nghiệp để tăng nồng độ cho rượu. Có người đề cử rượu Lúa Mới, nhưng không được mấy ý kiến đồng tình. Rồi sau đó trên báo không thấy có bài bàn tiếp nữa. Thế là cuộc bàn thảo thành ra chuyện đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, rồi chìm nghỉm vào quên lãng.
*
* *
Gần đây trên báo có bài: “Xã hội hoá văn hoá nên cẩn trọng”, của Nguyễn Trác (Văn nghệ số 39, ngày 27/9/2014). Tác giả cho biết tại đình Sơn Đông, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có chiếc trống cỡ trung, trên mặt trống in dòng chữ: “Made in China”. Bị phản cảm, tác giả tự hỏi, đình của người Việt, trống người Việt sản xuất, sao lại in nhãn mác Trung Quốc? Ở ngoài sân đình còn đôi sư tử đá, chế tác theo kiểu Trung Quốc. Mà theo PGS-TS Tống Trung Tín, thì đó là con linh vật canh mộ của người Trung Quốc. Nhưng ở nước ta hiện nay, con vật này không chỉ xuất hiện ở những nơi thờ tự tín ngưỡng, mà nó còn chễm chệ ngồi ở trước cửa không ít các cơ quan công quyền. Trong khi những con linh vật canh cửa vốn đã định hình trong nền văn hoá Việt Nam là con nghê, con sấu thì hầu như lại bị lãng quên.
Vâng, đó là thiếu sót của các cán bộ văn hoá ở các địa phương. Song có lẽ tại cơ quan văn hoá cấp trên chưa có chế định rõ ràng, cho nên ở các cơ sở sản xuất mới tuỳ tiện như vậy. Thời xưa, cũng là con rồng, nhưng con rồng thời Trần khác con rồng thời Ly, và con rồng thời Lê cũng khác với con rồng thời Trần. Vậy cũng là con sư tử, nhưng người Việt Nam chế tác thi phải mang dấu ấn của văn hoá Việt Nam, chứ sao lại bắt chước y như con sư tử của người Trung Quốc?
Đọc bài báo của Nguyễn Trác, bỗng tôi nhớ lại chuyện cũ: Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thành công. Các cơ quan kháng chiến của tỉnh Quảng Hồng khẩn trương, sôi nổi chuẩn bị tinh thần và vật chất để về tiếp quản khu mỏ. Trong đó có một việc mà tất cả trên dưới, già trẻ ai ai cũng hết sức vui mừng. Đó là việc được may quần áo mới. Chín năm ăn đói, mặc rách, nay nhờ được nước bạn viện trợ, cho nên lần đầu tiên mỗi cán bộ, nhân viên được Nhà nước phát cho năm mét vải caki Trung Quốc và một đôi giầy vải, để may quần áo mặc vào ngày về tiếp quản, Chúng tôi náo nức đi lĩnh vải, đem đến hiệu may để thợ may lấy số đo. Còn tiền công và kiểu mẫu quần áo thì lãnh đạo cơ quan đã bàn trước với hiệu may rồi.
Về kiểu quần áo. Chắc xuất phát từ quốc gia viện trợ vải, cho nên bộ quần áo ấy có cái tên vừa rất lạ, lại vừa có vẻ …oai oai là “Đại cán”, bộ quần áo Đại cán. Chiếc quần thì không có gì khác lạ, cũng là kiểu quần tây ba túi, hai túi bên và một túi mông. Nhưng cái áo thì thật là lạ, bốn túi, hai túi vạt, hai túi ngực, túi nào cũng có nắp cài khuy. Khuy áo cài từ vạt lên đến cổ. Ve áo có hai kiểu, một kiểu ve lượn hơi tròn, và một kiểu ve nhọn như cánh sẻ. Người ta bảo đó là kiểu áo của Tôn Trung Sơn, người đã lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi, năm 1911 lật đổ nhà Mãn Thanh Trung Quốc. Chẳng biết có đúng không? Nhưng mặc bộ Đại cán vào, chân đi giầy vải, nếu đầu đội chiếc mũ lưỡi trai nữa, thì quả thực chúng tôi cả già lẫn trẻ, anh nào, chú nào trông cũng giống hệt các vị chuyên gia Trung Quốc!
Sau một thời gian sử dụng, chẳng biết có phải là do các càn bộ, viên chức nhà ta nhận thấy Đại cán không phải là y phục của dân tộc mình? Hay thấy nó không đẹp, không sang bằng Âu phục, cho nên họ lại quay về với bộ quần áo véc, áo bu dông..Tuy cũng là kiểu ngoại nhập, nhưng thông dụng hơn và lịch lãm hơn. Thế là dần dần hình ảnh, bóng dáng bộ Đại cán đã biến mất trên thị trường thời trang nước ta. Và đến hôm nay, những thế hệ được sinh ra sau năm 1975, rất có thể nhiều người chẳng hiểu cái danh xưng “Đại cán” nghĩa là gì?
Ô…không! Không! Viết đến đây bất chợt tôi giật nẩy mình, vì sực nhớ ra hình ảnh bộ Đại cán vẫn còn rất nhiều trên những bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và rồi tôi lại lan man ngẫm nghĩ: Biết đâu 50 năm sau, hay vài trăm năm nữa hậu thế lại chẳng đặt ra câu hỏi này: “Cụ Hồ Chí Minh là người nước ta, dân tộc Kinh và là Chủ tịch nước Việt Nam, sao chiêc áo cụ mặc lại giống y như áo cụ Mao Trạch Đông, dân tộc Hán, Chủ tịch nước Trung Hoa?”.
Thưa các nhà điêu khắc Việt Nam, khi tạc tượng Bác Hồ, các Nhà có nghĩ đến việc phải trả lời hậu thế câu hỏi đó không? Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng dân tộc nào cũng có y phục riêng, thể hiện phong tục tập quán, lối sống và quan niêm về cái đẹp của dân tộc mình. Y phục của người Thái khác người Thổ, người Mèo khác người Êđê. Chứ không dân tộc nào bắt chước y phục của dân tộc nào. Đó là người cùng một nước mà còn giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình như vậy, huống chi là người ở hai nước như ta và Trung Quốc. Từ nghìn đời xưa ông cha ta đã phân biệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” (Lý Thường Kiệt), và : “Cõi bờ sông núi đã riêng/ Phong tục Bắc Nam cũng khác…” (Nguyễn Trãi).
Trong nền văn hoá dân gian của ta có câu thành ngữ: “Răng trắng như răng ngô”. Thành ngữ này chắc xuất hiện từ thời Bắc thuộc. Để chống lại mưu đồ “đồng hoá” dân ta của bọn thống trị. Cho nên ông cha ta đã nhuộm răng đen, để Ngô ra Ngô, Việt ra Việt, không bao giờ lẫn lộn được. Nền văn hoá của ta tuy có nhiều điểm tương đồng với nền văn hoá Trung Hoa. Nhưng về căn bản vẫn là riêng biệt. GS Trần Quốc Vượng cũng đã viết: “Tuy có sự giao tiếp và hỗn dung văn hoá Việt Hoa, nhưng khuynh hướng giao tiếp và hỗn dung vẫn là Việt hoá, chứ không phải là Hán hoá, và văn hoá Việt Nam không bao giờ là bản sao của nền văn hoá Trung Hoa”. Vậy sao bây giờ ta lại lẫn lộn y phục giữa người Bắc và người Nam như vậy?...
*
* *
Xin được trở lại chuyện bàn thảo về Quốc phục bị bỏ dở: Thiết nghĩ (dù đã muộn), Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng nên phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và các nhà Thời trang, tổ chức một cuộc thi sáng tác mẫu Quốc phục. Rồi công bố những tác phẩm tiêu biểu, đạt được tiêu chí của Ban tổ chức, để nhân dân tham gia ý kiến. Tác phẩm nào được đa số tán thành, thì đề nghị Quốc hội, hoặc Nhà nước phê duyệt, công nhận đó là Quốc phục của nước ta.
Nếu cuộc thi không thành công, không có tác phẩm nào đạt yêu cầu (Cũng như trước đây Nhà nước đã tổ chức thi sáng tác Quốc ca mới. Nhưng có bài nào hay bằng bài Quốc ca cũ của nhạc sĩ Văn Cao đâu?). Vậy thì ta nên quay về với bộ trang phục truyền thống. Tôi tán thành quan điểm của nhạc sĩ F. Schubert: “Cái mới chưa chắc đã hay. Và cái hay thì không mới”.
Năm 1946, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhậm chức Quyền Chủ tịch nước. Khi chụp ảnh với cụ Hồ và các thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh mặc áo dài thâm, quần trắng, đầu đội khăn xếp, trông rất đẹp, trang nhã, và lịch sự chả thua kèm gì các vị mặc Âu phục, com lê ca vát.
Rồi có lần đến thăm Nhà Bảo tàng cách mạng Việt Nam, tôi được xem tấm ảnh cỡ lớn, chụp chân dung cụ Hoàng Hoa Thám. Dân ta ai cũng biết cụ là một nhà khoa bảng, đồng thời là một võ tướng lừng danh, nhiều năm cụ đã làm cho bọn thực dân Pháp phải thất điên bát đảo…Chân dung cụ được lưu giữ ở đây, để hậu thế đời đời được chiêm ngưỡng diện mạo của người anh hùng. Song trên người cụ cũng chỉ mặc chiếc áo dài thâm cổ truyền của dân tộc mình, đầu vấn khăn nhiễu tam giang (Áo cài khuy bên nách tay phải, để phân biệt với áo của người phương Bắc, cài khuy ở bên tay trái). Chứ cụ có mặc nhung y, phẩm phục gì sang trọng đâu. Thế mà thần thái, dung nhan của người anh hùng trông vẫn uy nghi, lẫm liệt.
Và cả thầy giáo Nguyễn Tất Thành cũng vậy. Khi dời bến cảng Nhà Rồng đi sang nước Pháp, thày cũng mặc áo dài thâm, quần trắng như hầu hết người dân thành thị nước ta thời bấy giờ, mỗi khi bước ra khỏi nhà, dù là đứa trẻ đi học, người lớn đi làm ăn buôn bán, hây đi chơi cũng đều mặc như vậy…Cho nên cũng có thể khẳng định mà không sợ sai rằng: Dù chẳng được ai bình chọn, và cũng chẳng có báo chí nào tôn vinh, nhưng rõ ràng bộ quần áo cổ truyền đó đã rất xứng đáng là Quốc phục của người Việt Nam ta từ lâu rồi.
Tuy nhiên cuộc sống bao giờ cũng thay đổi. Khi phong trào “Âu hoá” nổi lên, và nhất là từ sau cách mạng Tháng tám thì kiểu trang phục đó đã thành ra lỗi thời, không thấy ai dùng nữa. Thậm chí cả ông thầy pháp đi cúng ở đám tang, cũng mặc quần tây áo sơ mi…Nhưng từ ngày “Đổi mới”, những cái cũ lại được phục hồi. Bộ y phục cổ truyền cũng nhanh chóng tái sinh, vả xuất hiện càng ngày càng nhiều ở các cuộc lễ hội, thờ cúng tâm linh, và ở các chiếu hát ca trù, quan họ Bắc Ninh…
Trong các bài báo bàn về Quốc phục, trên báo Văn nghệ trước đây, có tác giả đã đề cập đến chiếc áo dài thâm, nhưng chê chiều dài của nó không phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Không! Quan niệm như vậy là không thực tế. Quốc phục là bộ quần áo có tính lễ nghi. Nhà nước chỉ sử dụng trong các cuộc giao tiếp quốc tế. Người dân mặc để tế lễ thần linh. Còn quần áo hằng ngày, chúng ta vẫn mặc như hiện tại, đúng mốt thời trang.
Như vậy rồi đây, dù nhanh hay chậm, chắc chắn nước ta sẽ có Quốc phục. Và để mình được là, hoặc phải là chính mình, mình không bị lẫn vào ai, và nhất là mình không chịu bất cứ thứ “quyền lực mềm, quyền lực cứng” nào chi phối, ta có nên bỏ kiểu áo Tôn Trung Sơn đi, thay Quốc phục cho các bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh không?./.
Uông Bí, ngày 27/10/2014
Tạ Hữu Đỉnh