Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phạm Văn Nghị, tấm gương về văn hóa từ chức

Nhà văn: Đăc Trung
Thứ sáu ngày 2 tháng 5 năm 2014 5:36 AM

 

      Hoàng giáp Phạm Văn Nghị người làng Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định). Năm 1845 ông xin từ quan về quê mở trường dạy học. Là người giầu đức độ, tài năng nên hàng ngàn môn sinh tìm đến. Ông đặc biệt giảng về lòng yêu nước, về "quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Học trò ông nhiều người nổi tiếng như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Hoàng giáp Trần Bích San, các chí sĩ lớn như Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao, Nguyễn Hữu Lợi, Lã Xuân Đại...

      Năm 1858 giặc Pháp tấn công đánh chiếm Đà Nẵng ngông cuồng xâm lược nước ta. Phạm Văn Nghị dâng "Trà Sơn kháng sớ" thỉnh cầu vua quyết tâm chống giặc cứu nước, đồng thời chiêu mộ thành lập đội quân nghĩa dũng gần 400 người do đích thân ông dẫn đầu vào Kinh đô Huế tham gia đánh Pháp. Vua Tự Đức sợ giặc, chủ hoà không chấp nhận. Phạm Văn Nghị dẫn quân trở ra Bắc lập phòng tuyến tại vùng Núi Già (thuộc xã Yên Bình, huyện Ý Yên ngày nay) tổ chức kháng chiến. Ông là người đầu tiên mở ra phong trào Nam tiến chống giặc cứu nước (1859), tạo tiền đề cho cuộc Nam tiến đánh Pháp năm 1945 và đội quân trùng trùng điệp điệp "xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ" thống nhất đất nước năm 1975.

      Vì sao ông xin từ quan?

     Trước đó Hoàng giáp Phạm Văn Nghị được bổ nhiệm làm tri phủ Lý Nhân. Gặp năm mưa bão đê quai bị vỡ nhà cửa, ruộng đồng, cây cối ngập trong nước. Thấy mình có tội khi nhìn lương dân đói khổ, Phạm Văn Nghị dâng tấu tự nhận trách nhiệm và xin từ chức. Nhà vua xét thấy do mưa quá to, bão quá lớn đê không thể chịu nổi mà vỡ chứ không phải lỗi tại quan tri phủ thiếu chăm sóc, đôn đốc cho miễn tội rút ông về làm quan Biên tu trong Quốc sử quán. Lòng vẫn băn khoăn day dứt về trách nhiệm của mình và mặc cảm tội lỗi với dân, ông quyết từ quan về mở trường dạy học góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.

      Chỉ có nhân cách lớn mới làm được vậy. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đã nêu tấm gương sáng về "văn hóa từ chức" hàng trăm năm nay. Lẽ nào chúng ta là hậu thế lại không làm được?