Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trường Sơn là điểm hẹn

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 1 tháng 5 năm 2014 9:26 PM


 

(Đôi dòng cảm nhận sau khi đọc bài thơ:

“Trở lại Trường Sơn” của Nguyễn Hưng Hải)

 

TRỞ LẠI TRƯỜNG SƠN

 

Đồng đội đã đi qua

Con đường tôi trở lại

Trường Sơn xanh quá đỗi

Như bầu trời sau mưa

 

Cây nấm nâu năm xưa

Còn rung trong tiếng sấm

Vỡ òa con gió nóng

Cháy xém cành sau sau

 

Bạn bè đang ở đâu

Ong bay rung vòm lá

Đứng trước màu hoa lạ

Lòng tôi sao thẫn thờ

 

Phiến đá này năm xưa

Chân ai từng tụt dép

Có những cơn sốt rét

Đến giờ còn rung cây

 

Đồng đội tôi ở đây

Cây Trường Sơn che nắng

Lớn lên cùng năm tháng

Để đến tôi bây giờ

 

Chưa kịp đặt ba lô

Tuổi ba mươi đã đến

Trường Sơn là điểm hẹn

Tuổi trẻ mình gặp nhau

 

Như một mối tình đầu

Trường Sơn tôi trở lại

Bao nhiêu là lá ải

Phủ đầy lên hố bom

 

Đốt một nén hương thơm

Gọi tên người bạn cũ

Tôi trở thành bé nhỏ

Trước vòm cây, con đường

 

Một Trường Sơn tơ non

Đón tôi vào vô tận

Đường tôi đi ra trận

Lại bắt đầu từ đây…

 

(Rút trong tập: “Chiều mưa hai đứa đợi tàu” NXB Quân đội Nhân dân năm 2003)

 

“Trở lại Trường Sơn” với bao kỷ niệm một thời đẹp nhất của tuổi trẻ cùng đồng đội không quản gian khổ, hi sinh vì Tổ quốc không có nghĩa nhà thơ Nguyễn Hưng Hải chỉ sống với những kỷ niệm mà hơn thế những kỷ niệm ấy làm sống lại một quá khứ oai hùng, như một điểm tựa vươn tới ngày mai tươi sáng, mở ra một không gian vô tận của tương lai và góp phần thức tỉnh lương tri.

Bài thơ đưa người đọc cùng nhà thơ trở lại nơi: “Đồng đội đã đi qua”. Mỗi bước đi đều chạm vào kỷ niệm, hình ảnh “Cây nấm nâu sau mưa/ Còn Rung trong tiếng sấm” khiến người đọc bắt nhịp với hơi thở của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại hôm nào. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng những kỷ niệm mãi còn tươi rói. Nhà thơ tự hỏi: “Bạn bè đang ở đâu”, chỉ có: “Ong bay rung vòm lá”, những anh linh như hiện về quây quần cùng đồng đội năm xưa chia bùi, sẻ ngọt. Khổ thơ: “Phiến đá này năm xưa/ Chân ai từng tụt dép/ Có những cơn sốt rét/ Đến giờ còn rung cây” thật độc đáo như găm vào lịch sử, bám rễ vào lòng người. Phải có một sự đồng cảm và ân tình sâu nặng lắm nhà thơ mới nhìn thấy những những cái tưởng như vô hình ấy đã đi vào quá khứ. Cũng trong mạch thơ ấy nhà thơ tâm sự: “Đồng đội tôi ở đây”, đó là những đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa, những liệt sĩ có tên và chưa tìm được tên đã ngã xuống vì quê hương đất nước, như một điểm hẹn để: “Tuổi trẻ mình gặp nhau”. Sự tiếp bước sự nghiệp của những người đi trước được diễn đạt thật dung dị và sâu lắng. Nhà thơ trải lòng mình: “Như một mối tình đầu/ Trường Sơn tôi trở lại”. Lối ví von thật đắc địa, ngày ấy theo tiếng gọi của non sông, bao người con dũng cảm, tài hoa của đất Việt đã hiến dâng cả tuổi trẻ và máu xương của mình cho Tổ Quốc. Điểm hẹn là chiến trường, sự “trở lại” ấy như cuộc đi tìm lại bản ngã của chính mình, dẫu hôm nay: “Bao nhiêu là lá ải/ Phủ đầy lên hố bom”, thời gian có thể xóa nhòa những vết sẹo đất song thời gian không thể xóa nhòa những đau thương mất mát của bao người. Ta như thấy mối giao hòa âm dương linh thiêng, cao cả, các anh linh đồng đội năm xưa luôn cùng chúng ta trên trận chiến mới không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, khốc liệt. “Lá ải” kia đầy sức gợi, vì đâu chỉ lá mục mà phải chăng còn là sự thờ ơ của không ít người hôm nay?

Người đọc cũng tự đặt ra cho mình một câu hỏi về trách nhiệm trước sự hy sinh cao cả của bao anh hùng, liệt sĩ. Trường Sơn trở thành một hình tượng nghệ thuật xuyên suốt bài thơ chứa đầy kỷ niệm và như một điểm tựa cho mỗi người. Ý thức rất rõ điều đó nên khi thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh, nhà thơ thấy: “Tôi trở thành bé nhỏ/ Trước vòm cây, con đường”. Mà không bé nhỏ sao được khi mỗi mảnh đất, mỗi con sông đều thấm máu của bao người. Ý thức công dân, phần người được thức tỉnh.

Khổ thơ cuối được lặp lại hình ảnh: “Trường Sơn” nhưng là: “Trường Sơn non tơ” đầy sức sống, đầy thi vị song chan chứa ân tình: “Đường tôi đi ra trận/ Lại bắt đầu từ đây…”. Cuộc sống vận động không ngừng và không trở lực nào ngăn được. Trận tuyến không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, khốc liệt lại bắt đầu. Dấu ba chấm ở cuối bài đầy sức gợi, ẩn sau câu thơ nhẹ nhàng ấy là cả nỗi niềm và ý thức công dân cao đẹp.

Bài thơ được viết lên bằng cả tấm lòng với những đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa và cả những đồng đội đã hi sinh vì nước nên chân thực và thật cảm động, diễn đạt được những điều lớn lao, sâu sắc và để lại trong người đọc những ấn tượng khó phai. Tuy nhiên giữa những bộn bề kỷ niệm mà tác giả luôn trân quí từ những điều nhỏ nhất, chọn lựa được ý thơ đắt giá, cô đọng, tiêu biểu, làm chủ được mạch thơ hơn sẽ nâng bài thơ lên  một tầm cao rộng cả về không gian và thời gian hơn nữa.

 

        

          Trần Vân Hạc