Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sao lại đánh mất đi hai tiếng "Yên Hưng"

Dương Phượng Toại
Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2014 8:16 PM

 

Năm Nhâm Thìn 2012, kỷ niệm 210 năm trấn lỵ Quảng Yên (1802-2012), huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh tiến hành tái, thành lập Thị xã Quảng Yên. Thị xã Quảng Yên thành lập là niềm vui, là sự kiện trọng đại của nhân dân Yên Hưng.

Mảnh đất Yên Hưng bên dòng Bạch Đằng giang vốn giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Yên Hưng khoác lên mình tấm áo mới Thị xã Quảng Yên. Nhưng biết bao sự kiện LS&VH đi vào trầm tích vẫn lấp lánh trong tâm khảm của mỗi người dân và tâm hồn các văn nghệ sĩ mảnh đất này! Thị xã Quảng Yên xuất hiện các phường, nhưng sẽ ẩn đi, thậm chí sẽ mất đi những địa danh, tên tuổi gắn liền với những chiến công của dòng chảy lịch sử và của một nền văn hóa. Đặc biệt hai tiếng Yên Hưng gắn bó như ruột mềm và là niềm tự hào của cư dân, thật vô cùng thiêng liêng. Bởi đời Trần nó được nổi danh là đất “An Hưng nghĩa dân”, là nơi chiến địa tiêu diệt giặc Nguyên Mông xâm lược. An Hưng tức Yên Hưng tồn tại cả một dòng chảy lịch sử và địa danh đi từ trại An Hưng, làng Yên Hưng rồi trấn An Hưng, huyện Yên Hưng cho đến ngày nay. Nói đến Yên Hưng là nói đến chiến thắng Bạch Đằng và ngược lại nói đến Bạch Đằng là nhớ đến Yên Hưng. Hai tiếng “Yên Hưng” đã là nỗi nhớ, là niềm tự hào của người dân bao thời đại.

Yên Hưng còn là tên gọi một làng cổ: làng Yên Hưng, sau là xã Yên Giang.

Vốn có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, xã Yên Giang nằm giữa thị trấn Quảng Yên và xã Hiệp Hoà. Thời Trần, tên làng là trại An Hưng. Thời Lê là làng Rừng vì nơi đây từng là dải rừng già của đại ngàn Yên Tử và Yên Lập chạy xuống giáp cửa sông Bạch Đằng. Tới đời vua Lê Anh Tông thì đổi thành xã Yên Hưng. Đến năm 1959, xã Yên Hưng đổi thành xã Yên Giang và khi TX Quảng Yên  tái lập thì xã Yên Giang đổi thành phường Yên Giang.

Trước đó, từ xa xưa, vùng đất Yên Hưng đã được các triều đại đặc biệt coi trọng trong chiến lược giữ gìn và bảo vệ bờ cõi non sông Việt. Theo nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc: Lý Anh Tông là vị vua thứ 6 Vương triều Lý, tháng 10 năm 1147 đã cho “dựng hành dinh ở trại Yên Hưng. Trong tài liệu nghiên cứu của mình, ông Nguyễn Quang Ngọc đã viết:

“Theo chúng tôi, trại Yên Hưng tuy không lớn như một đơn vị hành chính ngang với cấp phủ, lộ, nhưng cũng không phải là đơn vị hành chính cấp cơ sở, mà chỉ là tập hợp một số các đơn vị cư trú cả dân sự và quân sự ở khu vực tương đương với các xã Yên Hưng, Quỳnh Lâu tổng Hà Bắc trước đây. Về vị trí của trại Yên Hưng, bản dịch các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên đều thống nhất chú giải “nay là đất huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh”, hay nói một cách cụ thể hơn tức là đất thị trấn Quảng Yên và các xã phụ cận như Yên Giang, Cộng Hòa huyện Yên Hưng. Thời Lý, để tăng cường cho triều đình kiểm tra, quản lý các địa phương trọng yếu, nhà Lý còn đặt ra các hành cung, hành dinh phủ đệ. Sau hành dinh ở trại Yên Hưng dựng năm 1147, liên tục trong các năm 1154, 1155, 1156, Lý Anh Tông cho dựng các hành cung Ứng Phong ở Nam Định, hành cung Lỵ Nhân ở Hà Nam, hành cung Ngự Thiên ở Thái Bình, phủ đệ ở Phú Lương (Thái Nguyên), phủ đệ ở châu Quảng Nguyên (Cao Bằng)Tuy chưa biết được vị trí thật chính xác của hành dinh Yên Hưng, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định nó không thể ở ngoài khu vực xã Quỳnh Lâu, tổng Hà Bắc xưa (nay là thị trấn Yên Hưng và xã Cộng Hòa, huyện Yên Hưng). Đây chính là nơi đầu tiên vua Lý Anh Tông, Vương triều Lý và các nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai và thực thi một chiến lược xây dựng và bảo vệ các vùng biển đảo, các kế hoạch chặn đứng và đánh tan các đạo quân xâm lược tại vùng cửa ngõ yết hầu của đất nước, dù chúng hùng hổ kéo quân từ biển vào đất liền hay đã bị đánh bại trong đất liền đang tìm đường tháo chạy ra biển. Truyền thống Bạch Đằng - một truyền thống lớn của dân tộc Việt Nam đã được hình thành, tiếp nối, nhân lên và thăng hoa từ vùng cửa sông Bạch Đằng, từ khu vực trại Yên Hưng nổi tiếng này. Đấy cũng chính là chiều sâu lịch sử-văn hóa của đô thị Quảng Yên, đô thị trấn giữ biển đảo, đô thị che chắn cho Kinh đô Thăng Long, hưng vong cùng non sông đất nước nghìn năm qua và mãi mãi về sau…”

Như vậy, từ một làng Rừng nhỏ bé bên sông Bạch Đằng, trải qua nhiều thế kỷ, cư dân các nơi về đây sinh cơ lập nghiệp ngày càng đông đúc thành huyện Yên Hưng. Làng Yên Hưng, xã Yên Giang- phường Yên Giang và huyện Yên Hưng-Thị xã Quảng Yên hôm nay đang không ngừng phát triển, đổi mới.

Nhưng thế rồi hai tiếng Yên Hưng nay bỗng dưng không còn nữa, bởi không được các nhà hoạch định và quản lý giữ lại, đặt tên ở bất cứ một làng xã, thôn xóm nào trên thị xã Quảng Yên. Hai tiêng “Yên Hưng” không hiểu do vô tình hay vô tâm làm nó mất đi trên bản đồ hành chính thời đổi mới? Trừ danh hiệu “Làng tranh Yên Hưng” trong lĩnh vực văn học nghệ thuật do công chúng các nơi yêu mến các họa sĩ người Yên Hưng và tác phẩm của họ, còn giữ lại được. Thật là một điều rất đáng tiếc! Trong khi đó hai tiếng “Quảng Yên” lại đặt trùng nhau cho hai dịa danh: phường Quảng Yên và thị xã Quảng Yên! Cách gọi này đã gây không ít nhầm lẫn cho cư dân và du khách!

Với tình yêu quê hương tha thiết, đa số người dân ở đây đặt câu hỏi: cái tên Yên Hưng của làng cổ, của huyện cổ vốn quá đỗi thân thương liệu có nên bị quên lãng, để mất đi? Và nên chăng, thay vì lấy tên phường Yên Giang như hiện tại thì đổi lại là phường Yên Hưng; hoặc phường Quảng Yên trùng tên với tên thị xã Quảng Yên nên gọi là phường Yên Hưng? Đã giữ cái tên Quảng Yên, thì phải giữ cả cái tên Yên Hưng mới đúng với đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn! Để cái tên Yên Hưng mãi là tên gọi thiêng liêng, hãy trả nó lại với thời gian cùng trầm tích LS&VH tồn tại bền vững trên mảnh đất “An Hưng nghĩa dân” của Bạch Đằng Giang...