Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tài tử và phong lưu

Nguyễn Hưng Hải
Chủ nhật ngày 30 tháng 3 năm 2014 6:30 PM


 

            Không phải ai cũng dũng cảm, cũng may mắn, cũng quyết tâm bền bỉ được như hoạ sĩ Lưu Công Nhân, con người tài hoa và khó gần này, năm mới 19 tuổi đã hiện diện trong bài thi vào trường mỹ thuật, tài tử như một bài thi tốt nghiệp.

            24 tuổi đã là nghệ sĩ tự do. Bước ra khỏi biên chế Nhà nước trong sự dắt dìu của Đảng, đi về nông thôn làm một nghệ sĩ lang thang, tung hoành trên nóng lạnh những gam màu, nét vẽ, ông trở thành “người được sủng ái của Nhà nứơc”, “Người khôn khéo trong ứng xử”. Và có lúc chính sự sủng ái đó lôi ông ra khỏi quỹ đạo, dạy cho ông những bài học ngọt ngào mà chua chát, ấy là 2 lần triển lãm tranh không có người thưởng thức.

            Hội hoạ là một thứ nghệ thuật đắt tiền và hiếm, là thế chăng? Ông từng bảo: “ông là người không thích nói bằng lý luận mà nói bằng tranh”.

            Đánh giá về ông và nghệ thuật của ông có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhất là từ khi ông nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. Khi mà các món ăn đặc sản cũng đã trở thành trò tra tấn đối với ông, thì việc bắt lỗi chất lãng tử trong tranh ông không khéo lại hoá ra trò cười.

            Ông đã là người thiên cổ nhưng những giá trị mà ông để lại qua từng bức tranh thì còn sống mãi. Sinh thời, ông là kẻ thích “thiên di”. Đến đâu cũng nghe bảo ông vừa đi khỏi. Vừa nghe nói, ông ở Hà Nội, thoắt cái đã nghe ông ở Phú Thọ, Vĩnh Yên; rồi Quảng Ninh, Đà Lạt, Sài gòn. Liệu chừng nào ông về? Trời! Trừ chính ông - Và có khi cả chính ông cũng chẳng biết được khi nào về với phòng vẽ Vĩnh Yên, với người vợ cả đời đau khổ và hạnh phúc vì ông? Thế cũng có nghĩa, ông là người không biết dừng lại để tự vuốt ve mình?. Sau mấy chục năm cầm bút, bỗng dưng ông cho in một bài viết nói rằng, ông chẳng làm được gì vì đi sai đường ,vì ông quá thiên về những tìm tòi theo hướng phương Tây? Vậy chừng ấy năm đeo đuổi nghệ thuật, ông vẽ gì và vẽ để làm gì?

            Con người ông thật quá mâu thuẫn, nhưng cũng nhờ có mâu thuẫn mà ông vẫn còn là ông, một mảnh vỡ của thuỷ tinh - một ẩn sĩ đeo gươm nghệ thuật?

            Ông đã vẽ khắp sứ sở, mọi nẻo đường, vẽ bên bìa cát mỏng, cạnh cây phượng già, nơi đầu ghềnh, ngõ phố . Đất nước, con người và cảnh quan Việt Nam được thu nhỏ lại trong thế giới tranh ông, và nó như một viện bảo tàng lưu giữ những giá trị đích thực của thời đại ông.

            Trong màu tràm của núi rừng nhà sàn loé lên những vệt xanh tươi vô tình của các kĩ xảo Việt Bắc, có cái công bút và hơi khí của hội hoạ Trung Hoa. Mực Nho đen ở tay ông tung hoành thoả mái, đặc biệt là với phố cổ Hội An; đứng đâu, ngồi đâu hình như ông cũng tìm ra góc đẹp. Phải chăng Hội An là bố cục chặt chẽ của những góc vuông vừa cổ điển, lại vừa hiện đại cho ông vẽ. Và những bức tranh vẽ ở Hội An của ông đang làm nhiệm vụ chính sử.

            Tiếc thay nghề hội họa là một nghề quá tốn kém. Nhưng cũng thật may vì là họa sĩ mà ông trở nên sang trọng, giàu có. Và sự sang trọng của ông cũng ít có người học được. Phải chăng từ những ấn tượng ban đầu trong tranh ông ám ảnh, là sự giản dị đến bất ngờ trong ý tưởng, trong hình tượng, trong thủ pháp diễn đạt nhằm đạt đến sự trong trẻo của hội họa Phương Đông; mặc dù ông được đào tạo hoàn toàn theo Phương Tây? Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông là một trong những học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân trong khóa mỹ thuật kháng chiến được tổ chức ở chiến khu Việt Bắc những năm 50 của thế kỷ trước.

            Cũng vì vậy, xem tranh ông có cảm giác, ông có cái nhìn của một đạo sĩ trước biến thiên nhiên của thời cuộc, kiếp người. Với ông, dường như chẳng cái gì còn mới lạ nhưng ông yêu cuộc sống và ông nhìn những cái không mới lạ bằng cặp mắt của một gã tình nhân si mê đắm đuối. Chẳng thế mà trong những bức vẽ thiếu nữ khỏa thân của ông, người xem cảm được cái mơ màng đem treo hết cả hồi ức lên khung tường, trinh trắng mà nồng nhiệt, dâng hiến mà đài các, từng đốt cháy ông, xúi bàn tay ông pha, quyệt và ngây ngất.

            Cũng nhờ những bức tranh trong trẻo, hồn nhiên mà chúng ta tin sự trinh trắng khỏa thân không vụ lợi. Ông đã chả từng nói: Không bán tranh mà phải cố giữ cho hậu thế những nét đẹp rất phương Đông của ngày hôm nay, là gì?

            Thóc mách, nhưng cứ thử hỏi, nếu không bán tranh thì phải bằng cách nào mới xóa đói giảm nghèo được cho mỗi đời họa sĩ. Và có lần ông đã thú nhận: Ông đã bán hết tranh siêu thực - Hình như cả những bức tranh “Nuy” cũng thế.

            Làm nghệ thuật là phải biết tước bỏ đi những phần thừa. Ông chủ tâm như vậy, cũng có nghĩa ông đã ý thức được rất rõ những việc mình làm. Cũng như ông từng ý thức phải vẽ tranh thoát như thơ Thiền.

            Nghệ thuật không tính ở số lượng nhưng lao động sẽ nảy sinh và kết tinh những hạt mầm giá trị: Đó cũng là hiện diện của con người ông trầm tĩnh đến lạnh lùng, quyết không viết tiểu thuyết trong tranh, không tạo những cú xốc quái dị trong tạo hình. Ông trước sau vẫn là con người hồn nhiên, thả lỏng nét bút của mình, đơn giản hóa và sử dụng độ nhòe trên tranh như một nhà quay phim quen dùng kỹ sảo. Dường như sở trường của ông là chuyển sắc độ - Dường như ông đánh hơi được sự quyến luyến giữa gam các màu như có một giao lưu tình ái giữa nóng - lạnh, âm - dương vậy. Ông đã làm nên nhiều bất ngờ nhưng bất ngờ đến sửng sốt là tranh tĩnh vật của ông. Với mực nho, họa sĩ còn nhiều dằn vặt. Có một màu xanh rất tài tình, trong trẻo tan ra thành nước thành ánh sáng và bồng bềnh trôi. Ông chỉ những muốn đạt tới độ thần bút của tranh Tàu, chứ không dừng lại ở ký họa, nhưng vẫn rất Việt Nam. Phải chăng đó là sự bừng tỉnh của nội lực đã chắt chiu tích lũy trong trở trăn, đau khổ trước vẻ đẹp khôn cùng của ngoại giới và ông đã bỏ lại sau lưng mình những mảnh vụn đã rữa nát và tối tăm.

            Phần lớn tranh ông không có tên, nhiều bức ở dạng ký họa tài liệu nhưng vẫn có một sự hoàn chỉnh nghiêm túc, thể hiện một tính cách rất riêng của ông (Coi nghệ thuật như một thú chơi sang trọng ở đời).

            Có lúc ngỡ như ông còn lâu mới đạt đến sự nghiêm túc. Nhưng xem ra con người gần với khinh bạc đến khó chấp nhận này lại rất nghiêm túc trong hồi ức nhân tình. Và hồi ức bất ngờ, ngay cả đối với chính ông là hồi ức vợ. Hình như trong sâu ẩn, ông luôn day dứt về nước mắt của những người đàn bà - Và những chiếc lá đang non tươi kia, cuối cùng đều lả tả rơi. Và ông tiếc nuối - Và ông hối hận? Rất có thể, sau đó ông sẽ lại mỉm cười.

            Ngay từ thời trai trẻ ông đã nhìn thấy dưới bóng ngọn đèn dầu có một vùng không sáng và trên những nét trạm tài hoa của ngôi đình Lâu Thượng quê ông, ánh lên khát vọng kiếm tìm. Ông đã vẽ thay cho bao người dân quê ông, vẽ thay cho bao bạn bè đồng nghiệp - Vẽ như mắc nợ trời đất. Vẽ như một sự trả ơn. Thành công trên bước đường nghệ thuật của ông chính là thành công của một sự thử nghiệm - Văn nghệ sĩ cần được tự do sáng tạo.

            Lưu công nhân - Một con người hứa hẹn là thế, tài hoa là thế, lang bang là thế, vô vọng là thế và cũng phong lưu đắm đuối là thế mà sinh thời lúc nào cũng như một ẩn sĩ với lòng mong muốn rất Á Đông“Tôi muốn cứ đi vẽ ở đâu đó rồi đem treo chúng ở đây - ở đây có nghĩa là ở Việt Nam, chứ không phải là bên kia đại dương./.