Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ca dao, thơ về ao làng

Đường Văn
Thứ hai ngày 16 tháng 12 năm 2013 9:37 PM
   
    Vụt hiện trong trí nhớ của tôi ít câu ca dao, tục ngữ, thơ, liên quan đến ao làng. Xin chép lại, kèm đôi lời bình luận rất ngắn, ngõ hầu mua vui cho bạn đọc.

  + Thơ cổ:

-    Ao cạn vớt bèo, cấy muống,
     Đìa thanh, rẫy cỏ, ương sen.
                    (Nguyễn Trãi)
-     Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
     Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
                     (Nguyễn Bỉnh Khiêm)
•    Bình:
        Hai bậc đại nho – thi sỹ – ẩn sĩ gần nhau ở trí tâm thích thảng, tiêu dao tự tại. Nhưng đọc kỹ, thấy Nguyễn Ức Trai nghiêng về thú làm việc nông tang; nghĩa là vẫn chưa thôi Bui 1 tấc lòng ưu ái cũ; còn Trạng Trình thì nghiêng hẳn về ẩm thực và hưởng thú nhàn tản nơi ao làng bên Bạch Vân am, dường như toàn ý toàn tâm là Bạch Vân cư sỹ - triết nhân, giương cao triết lý Nhàn.

     * 3 bài thơ thu của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến:

-    Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo
     Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…
     …………………………………
     Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
                        (Thu điếu)
-    Nước biếc trông như tầng khói phủ
                        (Thu vịnh)
-     Làn ao lóng lánh ánh trăng loe
                        (Thu ẩm)
•    Bình:  
        Cả 3 bài thơ Nôm nức danh về mùa thu của Yên Đổ đều nuôi thi hứng từ cái ao riêng nhà cụ (chắc chắn khác nhiều so với cái ao phục chế hiện nay: vuông chằn chặn, lối đi rộng, nhẵn dành cho khách tham quan tha hồ ngắm cảnh, chụp ảnh, quay phim, hoài niệm.) Nhưng từng bài tả ao lại rõ nét riêng, không hề trùng lặp.
    Ao trong Mùa thu câu cá (Thu điếu) lạnh lẽo, trong veo, bé xinh, có xu hướng như càng ngắm càng thu nhỏ hơn, do tác dụng của vần eo và từ láy tẻo teo. Ao thu trong và chiếc thuyền câu lơ lửng, vèo rơi vài chiếc lá tre khô vàng suộm. Cảnh tranh thủy mạc. Đơn sơ, gợi thoáng.
    Ẩn tâm trạng người câu cô đơn, buồn lặng lặng. Hiển nhiên nhà thơ muốn mượn chuyện ao thu, câu cá ao thu để gửi gắm tâm sự sâu kín về thời cuộc và bản thân của mình. Nói chung là tâm trạng buồn nản, bất lực, yếm thế.
    Ao trong Mùa thu làm thơ (Thu vịnh), chỉ bằng 1 câu so sánh trực tiếp: nước ao biếc như khói phủ, như bốc hơi, như sương buông trong đêm thu. Cảnh thực nhòa đi để mơ hồ, huyền ảo chiếm lĩnh.
    Ao trong Mùa thu uống rượu (Thu ẩm), theo cảm nhận Xuân Diệu: độc đáo, tài tình ở chỗ sử dụng đắc địa vần oe (gợi sự loe ra, lóe lên, rất linh động). 4 phụ âm l  trong 1 câu gợi hình 4 tia nước ao bắn vọt lên dưới ánh trăng thu. Tôi cho rằng lời bình giảng của ông hoàng thơ tình tinh tế, tài hoa nhưng cũng có phần suy diễn.
    Tóm lại, cho đến nay, bộ ba thơ Nôm mùa thu của Nguyễn Khuyến vẫn là vô địch về tả ao làng mang hồn vía mùa thu làng quê Bắc Việt.

+ Ca dao, tục ngữ:

-    Anh đi, anh nhớ quê nhà,
Nhớ ao (canh) rau muống, nhớ cà giầm tương,
•    Bình:
        Rau muống ao mềm, xanh mướt, ngon hơn hẳn rau muống trồng ngoài ruộng hay trong vườn. Nhớ quê hương làng Việt chính là nhớ linh hồn ẩm thực văn hóa muôn đời của nó: ao rau muống, cà giầm tương. Người Việt xa quê, càng xa lâu, xa thẳm (ở nước ngoài),  khi đọc lại câu ca dao này, ai chẳng nao nao, ngùi ngẫm và có khi thèm đến nhỏ nước miếng!

-    Đêm qua ra đứng bờ ao
     Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
* Bình:
        Bờ ao, con cá lặn, ngôi sao mờ  không chỉ đóng vai trò không gian tâm tưởng mà còn cộng hưởng với nỗi niềm, tâm tư riêng khó nói: buồn rầu, cô đơn, khắc khoải, thất vọng… của cô gái làng.

-   … Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
          Có rửa thì rửa chân tay,
     Chớ rửa lông mày chết cá ao anh!

* Bình:
        Trong câu này, ao và hồ là 1. (Thực ra, không hoàn toàn như vậy!). Dùng cách nói thậm xưng ngoa ngoắt để trả lời cô gái đẹp, đài các, đáo để mà anh nông phu vừa yêu đắm say, sẵn lòng cung phụng vừa có phần trách móc, hờn lẫy. Từ (ngữ) lông mày (lông mày, lông mi, lông của mày) chứng tỏ chàng trai cũng vào loại chua ngoa, đáo để.

-    Ta về ta tắm ao ta,
     Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn.
* Bình:   
        2 câu tiềm ẩn nhiều ý nghĩa nông sâu, gần xa hữu lý, thú vị, bắt đầu khơi nguồn bằng quan niệm tắm ao nhà vẫn hơn. Mặt trái, nhược điểm của tư tưởng này từng bị Thế Lữ (Lê Ta) phê bình một cách khoa học, thực chứng mà dí dỏm, lịch sự: Khen cho người thục nữ quê đẹp, hiền thế mà lại sống kiểu mất vệ sinh! Mặt phải, ưu điểm, rất thực tế, có lẽ là: Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng đem cho/Có con mà gả chồng xa/Trước là mất giỗ, sau là mất con. Cùng môtíp: Trâu ta ăn cỏ đồng ta/Tuy rằng cỏ cụt, nhưng mà cỏ thơm!

-    Trong đầm gì đẹp bằng sen,
      Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.
        Nhị vàng, bông  trắng, lá xanh,
Gần bùn, mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
(Bảo Định Giang  Ca dao)

 

* Bình:
        Đọc tham khảo 2 lời bình cuả: Huy Cận, Hoàng Tiến Tựu (Bình giảng ca dao; NXBGD, 1990). Tôi nghĩ, cả 2 ông đều có lý, tinh tường, qua cách cảm luận riêng của mình.

-    Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
                                                                                       (Tục ngữ)
•    Bình:
        Chân lý về tình cảm ruột thịt, chung dòng máu, họ hàng, sắc tộc được đề cao ghê gớm với 2 mặt trái ngược của nó. Nghĩa trái với các câu: Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/Anh em vô ngãi thì đừng anh em! Nghe thật đau xót nhưng dứt khoát đặt cái nghĩa (ngãi) lên trên cái tình ruột thịt

+ Thơ hiện đại:

-    Mới đến cầu ao, tin sét đánh:
    Giặc giết em rồi, dưới gốc thông!
                                                                                  (Núi Đôi - Vũ Cao)
•    Bình:
    Chiếc cầu ao quen thuộc, một trong những điểm hẹn tình yêu ngày nào, nay bỗng thành thời điểm báo tin khủng khiếp. Người lính trẻ khựng lại, sững sờ, tái tê, đau lặng… Câu sau là sự nhập vai, tái hiện dung dị tiếng kêu thầm, tâm trạng nhân vật trữ tình của người kể chuyện – nhà thơ.
-    Tám năm xa gốc chanh,
     Giàn trầu, cầu ao vắng bóng
… Rửa chân bên cạnh cầu ao
     Em vội cúi đầu, khỏa sóng.
     Đôi  bóng đung đưa, chân cầu lay động
    Ánh mắt thẹn thùng lặn xuống đáy sâu.
(Hoa chanh - Nguyễn Bao)
•    Bình:
        Lại cầu ao, với 2 lần điệp. Nhưng đây là cầu ao trong ký ức, hoài niệm về những kỷ niệm với người thương, trong nỗi nhớ của chàng bộ đội xa quê, xa nhà thời kháng chiến chống Pháp. Cầu ao đã chứng kiến hơn 1 lần hình ảnh hai người yêu nhau vui thích mà ngượng ngùng rửa chân chung. Hai câu đặc tả ngọt ngào, đáng yêu. Nhất là câu cuối thật có hồn, đẫm chất thơ tinh tế: Ánh mắt thẹn thùng lặn xuống đáy sâu.

-    Ao làng trăng tắm, mây bơi,
    Nước trong như nước mắt người tôi yêu
                                                                       (Gò Me - Hoàng Tố Nguyên)
* Bình:  
        Y như là ca dao xưa nhưng lại chính là thơ hiện đại (1956).  Là bởi sự kết hợp và nối tiếp 3 so sánh liên tiếp, trực tiếp;  2 ẩn dụ – nhân hóa nhằm tả cái ao  làng quê Trung trung bộ, cũng trong nỗi nhớ diết da của người lính trẻ đang chiến đấu ở nơi xa. Nước ao làng, nhìn qua lăng kính người đang yêu, không còn là ao trong veo nước lã mà ao nước mắt trong sáng, trong suốt, trong xanh của tuổi trẻ, tình yêu và nỗi nhớ.

-    Nhớ những lần trốn học,
                                            đuổi bướm cạnh cầu ao.
     Mẹ bắt được,
                          chưa đánh roi nào… đã khóc!
                                                                       (Quê hương - Giang Nam)
* Bình:
        Kỷ niệm tuổi thơ vốn đã nên thơ, được tái hiện chân thật, lại càng xúc động, nên thơ hơn nữa!

-    Ao làng vẫn nở hoa sen,
     Bờ ao, vẫn chú dế mèn vuốt râu!
                                                        (Trần Đăng Khoa)
* Bình:  
        Đáng nể, đáng phục! bởi đây là sáng tác của chú bé thần đồng (9 – 10 tuổi) con nhà nông dân ở Việt Nam. Nếu nghiêm khắc hơn, thấy câu lục: thường! Câu 2 cũng vẫn tả cảnh thực. Tuy nhiên, hình ảnh chú dế mèn vuốt râu khoan khoái, ngạo nghễ (vì vừa ăn no, chẳng hạn!) không chỉ tươi vui, khỏe khoắn, ngộ nghĩnh, rất phù hợp với tâm lý trẻ con mà đặt trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ ác liệt cuối những năm 60 thế kỷ 20, đã góp phần thể hiện tinh thần, khí phách hào hùng, lạc quan, tự tin của cả một thế hệ tương lai, một đất nước, một dân tộc. Cái ao làng và bờ ao trong thơ Khoa nổi tiếng đến giờ, vì thế.

-  Đâu cây đa cỗi bên chuà vắng?!
Nào thấy ao bèo gió lạnh sang?!
                                                                                (Hoàng Đảo)
* Bình:  
        Đó cũng là hoài niệm của người viết chùm bài Những mảnh hồn Thụy Phương (Hồn Trèm) và nhiều người, nhất là người cao tuổi làng Trèm hiện nay. 2 câu hỏi buông, không có câu trả lời vì những cảnh cũ kỹ ấy chỉ còn trong ký ức 1 đi không trở lại. Hỏi cũng chỉ để mà hỏi, cho khuây, vợi nỗi niềm… mà thôi!

-    Ao cũ.
     Con ếch nhảy vào,
     Vang tiếng nước xao…
                                                 (Hai cư của Bashô (Nhật Bản)        
        100 năm sau, Ryokan viết:
-   Ao mới,
    Con ếch nhảy vào,
    Không 1 tiếng vang…

•    Bình:
    Không phải là sự đáp lại, sự phủ nhận tài năng của người đi trước, mà là sự phủ định của phủ định bằng nhận thức về ngoại cảnh.(ao cũ/ao mới). Cú nhảy của con ếch xưa/nay vẫn thế. Nhưng khi ếch nhảy vào ao mới thì không được chú ý nữa, không còn tiếng vang nữa. Điều đó đáng vui hay đáng buồn, tùy người thưởng thức. Rõ ràng, hai cú nhảy cách nhau 1 thế kỷ đã rất khác nhau về giá trị thẩm mỹ...
        
         (Trích lời bình của Cao Ngọc Thắng. Trích bài: Thơ Haicư của Ryokan và Santoka (Báo Văn Nghệ, số 40, ra ngày 5 – 10 – 2013; tr.11)

Đông – xuân Nhâm Thìn - Quý Tỵ
(11 – 2012 – 12 – 2013)