Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyên An với đậm đà văn nhân xứ Nghệ

Kim Hùng (Báo Nghệ An)
Thứ tư ngày 27 tháng 11 năm 2013 3:50 PM

 

      

      Người cầm bút có uy tín, nhận viết một chuyên mục nào đó, bài in liên tục trong khoảng thời gian nhất định, đôi khi kéo dài vài ba năm và để lại ấn tượng đậm với bạn đọc...Hiện tượng này tuy không nhiều lắm trong làng báo nước ta, nhưng xem ra lại rất cần cho sức hấp dẫn của một tờ báo. Các nhà báo, nhà văn tên tuổi như Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Hoài Thanh...trước Cách mạng; hay như Chế Lan Viên, Hữu Thọ, Dạ Ngân, Tạ Duy Anh, Trần Hoà Bình...trước và sau năm 1975 là những dẫn chứng thuyết phục.
      Ở Báo Nghệ An, tôi nhớ thời gian trước tách tỉnh Nghệ Tĩnh, nhà thơ Trần Hữu Thung được bạn đọc yêu thích với loạt bài giai thoại làng văn xứ Nghệ. Tư liệu xác thực, bố cục gọn gàng, lời văn hóm hỉnh, chỉ mấy nét bút Trần Hữu Thung đã dựng được một chân dung văn nghệ sĩ mà ông muốn lưu lại cùng hậu thế. Sau đó, không rõ còn tác giả nào nữa?  Năm 2010, nhà phê bình văn học Nguyên An khá có duyên trong loạt bài in gần như liên tục ở chuyên mục “Văn nhân xứ Nghệ”, trang 4-5, Báo Nghệ An cuối tuần.
      Sinh năm 1951, quê Hưng Nguyên, học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng của TP.Vinh, tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội, nhà văn Nguyên An gắn bó nhiều với công việc làm sách giáo khoa, sách tham khảo, từ điển của ngành Giáo dục. Bảo vệ luận án PTS đề tài Chân dung văn học Việt Nam, anh có nhiều lợi thế khi viết chân dung nhà văn quê Nghệ Tĩnh, các thế hệ sau Cách mạng mà phần lớn anh quen thân, hay chí ít cũng là có quan hệ công việc...Với Nguyên An, thì “Đi tìm vẻ đẹp trong những trang văn và trong mỗi cuộc đời, rồi giới thiệu cho người khác cùng biết, tôi nghĩ, cả đời mình cứ cố làm như thế và được làm như thế, là hạnh phúc lắm rồi!” (Nhà văn Việt Nam hiện đại - 2007). Một lần gặp nhau tại Hà Nội, do biết được sở trường của bạn văn tôi đặt vấn đề mời anh cộng tác “dài hơi” một tí với Nghệ An cuối tuần. Anh vui vẻ nhận lời, chỉ yêu cầu nếu có bài in thì gửi sớm cho mỗi số 2 tờ. “Bọn mình ở Hà Nội,  xa quê nên được đọc báo quê là sướng lắm. Hùng nhớ cho điều này nhé!”. Thế rồi ban đầu là Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đức Bính, Huy Cận, Xuân Diệu, Chính Hữu, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Nguyễn Minh Châu, Sơn Tùng, Võ Văn Trực...Rồi đến Hoàng Ngọc Hiến, Huy Phương, Thuý Bắc, Anh Ngọc, Vương Trọng, Bá Dũng, Thạch Quỳ, Nguyễn Khắc Thạch, Mai Hồng Niên, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Đức Thọ...Báo in được gần 50 bài thì dừng lại, do Nguyên An vừa cho ra mắt cuốn Phiên bản văn nhân dày gần 400 trang. Sách do NXB Văn học ấn hành, chia 2 phần, phần một là chủ yếu gồm 51 bài viết tác giả đã chọn lọc kỹ. Rất vui là hầu hết đã đăng Báo Nghệ An cuối tuần! Cuốn Phiên bản văn nhân được tỉnh Nghệ An trao Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm 2012. Thú thật, ở Hà Nội, Nguyên An đâu biết gửi sách về mà dự giải, một vài bạn bè quý mến gọi cho anh biết, rồi đưa sách gửi hộ. Cái tình của người làm sách, của người đọc ở quê hương trong hoàn cảnh bây giờ, kể cũng cảm động thay! Còn nhớ năm 2004, cũng thuộc thể loại chân dung văn học, Nguyên An đã cho xuất bản cuốn Một thoáng văn nhân.
        Trong chừng mực một bài đăng báo, từ 800 đến 1000 chữ, cô đọng kiến thức về một đời văn, cùng tấm ảnh cỡ 3x4 cm, thì lối viết của Nguyên An là rất phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của số đông bạn đọc. Từ đó, nếu ai  muốn tìm hiểu sâu hơn, họ có thể đến với những sách báo khác chuyên sâu. Thời gian sử dụng liên tục mảng bài “Văn nhân xứ Nghệ” của Nguyên An, tôi cảm thấy tờ báo có không khí hẳn. Một số bạn đọc có ý chờ đón, số khác gọi điện về hỏi nhà văn nọ nhà văn kia rất xứng đáng sao chưa thấy trên báo cuối tuần? Nên biết, danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tính đến gần đây khoảng 1150 người, riêng Nghệ An có gần 100 người và Hà Tĩnh có hơn 40 người. Làm sao tờ báo đáp ứng được tất cả, nhưng anh em làm báo chúng tôi thì thấy háo hức lắm!
       Qua những lần như thế, tôi tự rút ra vài điều tâm đắc cho bản thân. Đừng nghĩ báo chỉ đơn giản chỉ là thời sự của những con số, sự kiện, đánh giá, giải pháp này nọ. Bài báo tốt đáng được trân trọng gọi là tác phẩm, nghĩa là có sáng tạo, tâm huyết, cả nghệ thuật của người cầm bút nữa. Nếu kịp thời mà lại hay, tác phẩm báo chí vẫn có chỗ đứng đàng hoàng và sức sống lâu bền. Văn, dù là văn hoá hay văn học nghệ thuật rất cần vai trò “ bà đỡ”  của báo, và ngược lại báo cũng nhờ văn mà đến được và ở lại, có khi lâu dài với số đông bạn đọc...

 

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA LÀ MÁU THỊT VIỆT NAM

Cuốn sách Hoàng sa - Trường Sa là máu thịt Việt Nam (Nhiều tác giả, TS. Mai Hồng và PGS. TS. Lê Trọng là đồng chủ biên, NXB Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Văn hóa Tràng An xuất bản, phát hành 10/2013).
Cuốn sách là hệ thống tự liệu phong phú, quý giá có giá trị khoa học, lịch sử, pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đó là các bản đồ, thư tịch, sự kiện… của Việt Nam, các nước phương Tây và của chính Trung Quốc như:
- “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”: Tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, được xây dựng qua gần 2 thế kỷ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Hoàng đế nhà Thanh (công bố 1904), được các giáo sỹ phương Tây đảm nhiệm kỹ thuật đo đạc, can vẽ đã thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước họ.
- Các bản đồ, atlas khác của Trung Quốc cũng đều khẳng định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc, không hề có Hoàng Sa - Trường Sa trong lãnh thổ nước họ (Bản đồ tổng thể lãnh thổ Trung Quốc trong cuốn Postal Atlas of China - Atlas Trung Hoa Bưu chính dư đồ xuất bản 1919; Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ, xuất bản 1908; v.v…).
- Các bản đồ cổ của Việt Nam và Pháp (“Đại Nam nhất thống toàn đồ” - bản đồ được làm dưới triều Minh Mạng 1820 - 1841 đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam; “An Nam đại quốc họa đồ” in trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam xuất bản 1938 khẳng định Cát Vàng tức Hoàng Sa là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam; “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương”, in năm 1940 ghi rõ Đài Pattle tức Hoàng Sa và đài Itu Aba tức Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương; v.v…) đều phản ánh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
- Các châu bản triều Nguyễn: Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838); Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830)… nói về việc khai thác, gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
- Trên Cao đỉnh - một trong chín báu vật thời Nguyễn (Cửu đỉnh) đã chạm nổi Đông Hải (Biển Đông) thể hiện lãnh thổ Việt Nam bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
 - Vào thời Tây Sơn, có tờ sai đề vào năm 1786 của quan Thượng tướng công ghi việc: “Sai Hội Đức hầu đội Hoàng Sa dẫn 4 chiếc thuyền câu vượt biển đến thẳng Hoàng Sa và các cù lao trên biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng và đại bác, tiểu bác, đồi mồi, hải ba, cùng cá quý mang về kinh đô dâng nộp theo lệ”.
- Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp cũng rất chú trọng việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (ví dụ, năm 1938 Pháp dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa).
- Những nhân chứng, sự kiện gần đây vào các năm 1958, 1974 - chỉ rõ rằng lúc đó hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản giữ, không nằm trong địa giới hành chính thuộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Sau khi đưa ra các chứng cứ lịch sử đầy sức thuyết phục trên, các tác giả: TS. Mai Hồng, PGS. TS. Lê Trọng, Nhà nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, TS. Đinh Công Vĩ, Nhà nghiên cứu Lịch sử Phan Duy Kha… đã phân tích sâu sắc để chứng minh rằng những yêu cầu của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là không có căn cứ.
Các tư liệu, chứng cứ lịch sử nêu trên cũng là các tư liệu đã được ông Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng CSVN, GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc xem và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. PGS. TS. Lê Trọng còn nhấn mạnh: “Hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông không phải là vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc” (trang 77).
Trong sách còn nhiều nội dung có giá trị lịch sử, văn hóa khác (như  Những tục lệ, nghi lễ cúng tế linh thiêng bao đời ở đảo Lý Sơn về việc gìn giữ, bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa; Lý Sơn - đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa - Trường Sa…). Bài Những người con đất Việt “nặng lòng ” với Biển Đảo quê hương nói tới: TS. Mai Hồng, TS. Trần Công Trục, TS. Nguyễn Nhã, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, PGS. TS. Lê Trọng, v.v… Với những người “kỷ lục” sưu tầm bản đồ, tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền  không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa phải kể đến: ông Trần Thắng (cháu nhà thơ Tế Hanh, Việt kiều ở Mỹ, hiện là Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tìm được 3 cuốn atlats quý và 170 tấm bản đồ của Trung Quốc và các nước ở Âu, Mỹ; TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng tìm được 91 bản đồ, trong đó có tấm “Bản quốc địa đồ” thời Tự Đức vẽ vùng biển xứ Quảng Nam và Thừa Thiên có ghi rõ “Hoàng Sa chử” (tức Hoàng Sa).  
“Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” - GS. AHLĐ.Vũ Khiêu kết luận.
*
Với giá trị to lớn, in ấn chất lượng cao, cuốn sách này được xếp vào loại: Sách của mọi người, mọi nhà - Sách của hôm nay, mai sau!

   BÙI PHÚC HẢI
(ĐT: 0912 344 084).