Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chính nhân ân sư

Đường Văn
Thứ năm ngày 31 tháng 10 năm 2013 1:29 PM

 

(Một vài hồi ức về Thầy-Giáo sư Phan Trọng Luận)

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!
(Danh ngôn cổ Trung Hoa)
Không thầy, đố mày làm nên!
(Tục ngữ Việt Nam)

         Với tôi, Thầy – Giáo sư Phan Trọng Luận – không phải là người thầy - vị ân sư đầu tiên, và chắc cũng chưa phải là người thầy khả kính cuối cùng. Nhưng trong số không nhiều các thầy, cô mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và tâm  nguyện suốt đời noi gương thì thầy Luận có một vị trí đặc biệt riêng. Còn đối với thầy, có lẽ tôi chỉ là một cậu học trò nhỏ bé và muộn màng trong bao lớp học trò rải từ Bắc chí Nam trên đất nước này mà thầy đã  hết lòng, hết  sức đào tạo, dìu dắt hơn bốn mươi năm qua. Vì vậy, những dòng viết dưới đây của chúng tôi – với tư cách học trò –gợi lại những hồi ức về một vài kỉ niệm, một vài dấu ấn trong rất nhiều dấu ấn sâu đậm mà thầy đã để lại trong tôi từ cuối những năm sáu mươi thế kỉ 20 cho đến bây giờ, khi thầy vừa mới đi xa, thay nén nhang thơm vĩnh biệt thầy. Thầy ơi!
                                                            ***
         Lần đầu tiên tôi được biết thầy Luận cũng đã cách đây gần nửa thế kỉ rồi. ấy là khi nhóm học sinh giỏi văn khối lớp 9 (lớp 11 bây giờ) của trường phổ thông cấp 3 Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội chúng tôi được thày Phan Bá (Hỡi ơi! Thầy cũng đã qua đời trong cô đơn ở mãi tận trường PTTH Thủ Đức, Nam Bộ hai năm trước – 2002) giao chuẩn bị một dạ hội văn học cho toàn khối. Nội dung dạ hội gồm:
      -  Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi;
      -  Chuyển thể và diễn một đoạn vở kịch nói Nổi gió của Đào Hồng Cẩm.
        Thầy đồ Nghệ Phan Bá cũng là một trong những thầy giáo mê sách có hạng của tổ Văn, trường Xuân Đỉnh. Khi thấy chúng tôi lo lắng, băn khoăn về sách vở, tài liệu khó tìm thì thầy mỉm cười, nhìn mấy cô cậu học trò đang ngơ ngác một cách tinh quái rồi bỗng đột ngột chìa cho chúng tôi 2 tập Vỡ bờ dày cộp, tập kịch bản Nổi gió.  Đặc biệt hơn nữa là cuốn Công tác ngoại khoá văn học ở trường phổ thông của tác giả Phan Trọng Luận.  Hai cuốn trên, tôi rất thích và cần, nhưng cuốn thứ  ba, với tôi, mới là lạ nhất. Ngay tối hôm đó, tôi đã hăm hở đọc cuốn chuyên luận đầu tiên về một lĩnh vực vừa quen vừa lạ. Và tôi đã rất thú vị vì lần đầu tiên được tìm hiểu một vấn đề về phương pháp giáo dục và dạy học ở trường phổ thông: công tác ngoại khoá văn học, duới một góc nhìn mới mẻ, mang tính lí luận và khoa học cao nhưng không hề khô khan. Cách viết dễ hiểu, dung dị, rất mạch lạc. Có một số hình thức, biện pháp ngoại khoá Văn học mà tác giả gợi ý, chúng tôi có thể thực hành được ngay. Đọc hết cuốn sách, đọc lại lần nữa, lại  đọc thêm cuốn Vỡ  bờ một lần, tôi đã đủ dũng khí và tự tin lên bục thuyết trình tác phẩm của Nguyễn Đình Thi không chỉ với các bạn trong lớp mà còn được thầy Phan Bá tín nhiệm, yêu cầu trình bày trong toàn khối lớp 9 (11). Và có lẽ hình như lần ấy tôi đã không làm thầy Phan và các bạn phải thất vọng. Nhờ cuốn sách của tác giả Phan Trọng Luận, tôi được mở rộng tầm mắt về lĩnh vực này và từ ấy càng say mê đọc sách, say mê học văn hơn. (Tôi vẫn còn giữ được cuốn sách quí đó cho đến nay như một kỉ niệm về thầy mà vào thời gian đó, với tôi vẫn là văn kì thanh bất kiến kì hình...) Nhưng cái tên Phan Trọng Luận thì vẫn còn rất lạ. Không hiểu tác giả có phải là nhà giáo hay nhà nghiên cứu chuyên về lĩnh vực này?… Đôi lúc tôi vẫn vẩn vơ, băn khoăn tự hỏi mình như vậy.
      Hơn 2 năm sau, một đêm cuối hè năm 1966, ở nơi sơ tán  mang bí số hòm thư bưu điện: 2811. BC. 40 D (chính là các thôn Cửa Ngòi, thôn Tân Lập, xã Nhạo Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc ngày nay), giáo sinh các lớp văn – sử, khoa Xã hội, Trường sư phạm trung, sơ cấp (10 + 2) Hà Nội được tập trung tại hội trường  - một lán tranh dài rộng, nửa nổi nửa chìm phòng, tránh máy bay Mĩ ném bom - để nghe thầy ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1 nói chuyện chuyên đề  Giảng dạy văn học gắn với đời sống.
       Qua ánh sáng vàng vàng, tù mù của mấy ngọn đèn bão, chúng tôi nhìn lên cái bục đắp vội bằng đất thó nện chặt, thấy một thầy giáo trạc ngoài ba mươi, dáng cao cao, gầy gầy, sơ mi trắng cộc tay, vầng trán rộng, phẳng, tóc đen nhánh vuốt ngược, ánh mắt lấp lánh sáng lên từng lúc, đang say sưa, hùng hồn diễn giảng. Giọng miền Trung âm vang sang sảng. Tay thầy lúc giơ cao, lúc hướng về phía trước, có lúc lại chém xuống cạnh bàn. Nội dung bài nói chuyện như thế nào, riêng tôi cũng không còn nhớ lắm. Nhưng vẫn còn đọng mãi trong  chúng tôi, những thanh niên mới mười tám, mười chín, đôi mươi, những chàng trai, cô gái Hà Nội đang háo hức học làm thầy, cô giáo, ấn tượng về một thầy giáo đại học trẻ tráng, nhiệt tình và uyên bác, và có cái gì đó không thật giống với các thầy đang dạy chúng tôi: thầy Thục điềm đạm, thầy Thành đĩnh đạc, thầy Hoằng dí dỏm và hóm, cô Thanh, cô Lan duyên dáng. Có lẽ phong cách thuyết trình của thầy Luận gần với cách dạy của thầy Thạc dạy tâm lí – Giáo dục. Nhưng thầy Thạc thì có phần cực đoan và nghệ sĩ hơn. Nhưng nghe  giọng nói  sôi nổi như có lửa, trong lời giảng truyền lửa thao thao vang lên giữa đêm rừng trung du thời chiến ấy thì hình như các thầy cô đều có chung cái hừng hực, cái nhiệt tình yêu người mến trẻ, yêu nghề đến mức sinh nghệ, tử nghệ, mà lúc nào, khi nào, nhất là khi lên lớp, đều muốn tìm mọi cách giãi bày, dốc hết, truyền hết, chia sẻ hết cùng người nghe, cho lớp trẻ.
        Vừa nghe giảng vừa thi thoảng lén xì xầm trò chuyện với mấy anh chị giáo viên đi học, tôi mới được biết đó là thầy Phan Trọng Luận - chính là tác giả cuốn sách mà tôi đã đọc hồi nào. (Càng bất ngờ và thú vị hơn khi được biết hồi ấy thầy lại là rể của khoa chúng tôi.)
                                                           ***
     Mãi sau này, khi thầy trò đã thân thiết, tôi mới đôi lần hỏi thăm gia cảnh và cuộc đời của thầy. Nhưng thầy vốn không thích nói, không thích kể về mình.Vả tôi cũng ngại, không dám hỏi nhiều. Bởi vậy, chắp nối lại từ những lần trò chuyện ấy, tôi mới có thể hình dung được đôi điều về thầy. Quê ở  làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh  Hà Tĩnh, thầy vốn là dòng dõi một gia đình khoa bảng và yêu nước họ Phan ... Cụ nội, ông nội của thầy đều đỗ đại khoa. Ông nội của thầy – tiến sĩ Phan Trọng Mưu từng tham gia phong trào Cần vương, chiến hữu của cụ Phan Đình Phùng. Thân phụ của thầy - cụ Phan Trọng Quảng – lão thành cách mạng - tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, cùng với đồng chí Trần Phú, thuộc thế hệ thanh niên Việt Nam đầu tiên dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Cụ Phan Trọng Quảng từng bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Cụ là bạn tù cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng…
        Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng và khoa bảng như thế, thấy Luận sớm đã chọn con đường sư phạm, con đường làm thầy dạy học như một lẽ tất nhiên. Thầy Luận bắt đầu nghề dạy học từ đầu những năm năm mươi. Rồi thầy học và dạy ở khu học xá Trung Quốc (1953). Mấy năm sau hoà bình lập lại, thầy dạy ở một số trường phổ thông cấp 3 (Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên, Chu Văn An, Hà Nội...).  Thầy  Luận là một trong những giáo viên phổ thông cấp 3  của Thủ đô sớm được thủ tướng Phạm Văn Đồng vào dự giờ thăm lớp. Rồi thầy lên Bộ Giáo dục làm chuyên viên phụ trách môn Văn. Mãi đến đầu những năm 60, thầy mới về tổ Giáo học pháp Văn, khoa Văn trường ĐHSP Hà Nội và làm việc tại đó hơn bốn mươi năm cho đến ngày nay.
        Cũng từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, thầy đã quyết định đi sâu vào chuyên ngành lí luận dạy học Văn – một chuyên ngành còn rất non trẻ ở nước ta. Ngoài ra, thầy thường xuyên tham gia hoạt động khoa học, viết bài cho nhiều báo chí về các vấn đề văn học, văn hoá và giáo dục.
        Trải hơn nửa thế kỉ cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, thầy đã được nhận nhiều huân chương, huy chương cao quí của Nhà nước và các danh hiệu cao đẹp: Nhà giáo ưu tú (1990), học hàm Giáo sư (1991), Giải thưởng nhà nước (2000). Sự đánh giá và ghi nhận đó là rất xứng đáng. Nhưng, đối với chúng tôi, với riêng tôi, tôi vẫn thích gọi là Thầy – Thầy Luận, giản dị vậy thôi!
                                                            
                                                               ***
         Trở lại dòng hồi tưởng…
         Từ ấy, trên những nẻo đường học tập và giảng dạy, để tự nâng cao trình độ và mở rộng kiến văn, tôi vẫn  thường ham đọc và thu thập, sưu tầm các sách báo, các tạp chí  chuyên ngành. Hễ gặp bài của thầy là tôi vui như tình cờ lại được gặp ân sự sau bao ngày xa cách. Tôi  mừng và chăm chú đọc, đọc để học, để tập cách nghiên cứu, cách viết. Và tôi đã ngộ ra nhiều điều, nhiều mặt nhờ những suy nghĩ, những luận điểm và chỉ dẫn của thầy.     
         Khoảng chín mười năm sau – vào khoảng cuối thập kỉ 70, khi đã trở thành một thầy giáo dạy văn cấp 2  ở ngoại thành Hà Nội, ngày ngày vượt dòng sông Hồng mấy lần, hăm hở và bồn chồn trong cái nghiệp dạy người, dạy văn, dùng văn để dạy người thì tôi lại tình cờ và may mắn được đọc hai chuyên luận mới của thầy Luận trong tủ sách ít ỏi của những trường phổ thông cấp 2 huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm hồi ấy:
       - Rèn luyện tư duy  qua giảng dạy văn học  (1969);
       - Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường (1977).
       Trong tâm thế mới, với trình độ tiếp nhận đã được nâng cao lên một bước mới, tôi  sung sướng nâng tầm đón nhận của mình lên để thâu nhận những ý tưởng mới mẻ và sâu sắc trong các sách của thầy. Đến khi ấy, tôi mới thật thức nhận, rằng cần và phải hiểu rõ sự thống nhất và sự khác nhau giữa tác phẩm văn chương và tác phẩm văn chương trong nhà trường. Và bản chất, qui trình, mục đích, qui luật của việc phân tích tác phẩm văn chương trong nhà trường là phức tạp đến thế. Nghiên cứu các vấn đề: Phân tích nêu vấn đề, câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học Văn học ở Việt Nam, phải chăng thầy là một trong  những nhà khoa học phương pháp bổ những nhát cuốc khai phá đầu tiên? Dạy văn là dạy cách cảm thụ, là dạy cách tư duy, là kết hợp nhịp nhàng giữa cảm thụ và tư duy. Dạy văn là bồi dưỡng tâm hồn đồng điệu, đồng cảm, năng lực suy nghĩ, khám phá, sáng tạo, là rèn luyện tỉ mỉ và công phu những kĩ năng làm văn (viết và nói) cho học sinh – bạn đọc sáng tạo đặc biệt trong nhà trường... Những tư tưởng lí luận sư phạm  mang tính định hướng cơ bản ấy, chúng tôi đã tiếp nhận  một cách sáng tỏ từ hai cuốn sách trên. 
         Bẵng đi hơn mười năm nữa, do cuộc đời đưa đẩy, tuy đã liên tục học lên bậc cao đẳng, rồi đại học, trong nước rồi nước ngoài, tôi vẫn chưa có dịp  trực tiếp được thụ giáo thầy. Mãi tới đầu những năm chín mươi, tôi đang dạy học phần Văn học Nga ở trường CĐSP Hà Nội, một buổi chiều đông, tôi bỗng nhận được bức thư tay của thầy gửi qua ông bạn là phụ huynh một sinh viên năm thứ 3. (Bức thư giản dị ấy bây giờ tôi vẫn giữ  và đã ố vàng vì thời gian). Trong thư, thầy có lưu ý tôi giúp đỡ thêm cho cháu H. M. một số tác phẩm của L. Tônxtôi mà cháu muốn nghiên cứu sâu hơn để làm luận văn thay thế môn thi tốt nghiệp. Tất nhiên, tôi rất vui lòng đáp ứng lời đề nghị khả ái và trân trọng của thầy. Mặc dù cũng có phần ngạc nhiên vì, với thầy, tôi chỉ vào loại học trò nhỏ, cách xa hàng thế hệ, lại chưa một lần gặp gỡ, chuyện trò trực tiếp.
                                                              ***
         Đến tận  cuối năm 1991 đầu năm 1992, khi học cao học ở khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyển từ chuyên ngành Văn học Nga sang chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Văn học (để thay thế thầy TR.V.C. ở tổ Văn, khoa Xã  hội, trường CĐSP Hà Nội vừa về hưu và qua đời), tôi mới có dịp gặp gỡ và được nhận sự chỉ bảo, dìu dắt trực tiếp của thầy Luận, mới có dịp tìm hiểu kĩ hơn về thầy, mới có dịp thi thoảng đi về căn phòng nhỏ, giản dị  đến xuềnh xoàng của thầy cô - căn phòng được chia cho các giáo viên từ năm nảo năm nào, lặng lẽ nằm dưới bóng cây cổ thụ, trong khuôn viên của một trường THPTDL khá nổi tiếng (vừa mới chuyển đi nơi khác), thuộc số 30,  phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, Hà Nội.
          Nhưng thực ra có thể nói cái cơ duyên gắn bó thầy trò chúng tôi đã ươm mầm từ trước đó rất lâu.. Mà hình như không phải chỉ từ phía tôi hướng tới thầy… Nhớ có lần, trong lúc vui chuyện trò, thầy bảo đã biết đến tên tôi trong kì thi tuyển sinh vào Đại học Sư phạm Hà Nội 1, năm 1979 với cái bài làm văn khá bạo dạn đến ngang ngạnh, dám cãi cả người ra đề!...
         Có lần, bỗng nhiên thầy nghiêm giọng hỏi tôi:
- Này, Đ! Cậu có thích cách bình thơ của Hoài Thanh?
- Anh đã đọc được những gì của Hoài Thanh?
         (Với học trò, chẳng kể ít  hay đã có tuổi, lúc thì thầy gọi em, anh, cậu, cô, lúc lại gọi là ông, bà, lúc lại gọi tên…!?). Như được chạm vào chỗ ngứa, vì tôi vốn yêu Hoài Thanh từ lâu, từng đọc Phê bình và tiểu luận, tập 1 của ông hồi còn học lớp 7 THCS.
       Và tôi đã nhanh chóng lựa chọn đề tài luận văn thạc sĩ khoa học, chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Văn học, do thầy hướng dẫn:
Nghệ thuật bình thơ của Hoài Thanh
với phương pháp giảng bình thơ ở nhà trường phổ thông.
        Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo ân cần, sâu sát của thầy, tôi đã bảo vệ thành công luận văn, lại được Hội đồng chấm nhất trí cho phép chuyển tiếp nghiên cứu sinh trên cơ sở nâng cao và mở rộng đề tài này. Hơn một năm sau (1996), tôi bảo vệ luận án PTS (TS) về Hoài Thanh và phương pháp giảng bình thơ trong nhà trường Cả hai lần,  anh Từ  Sơn, con trai đầu của  cố nhà văn Hoài Thanh, đều đến dự  và phát biểu ý kiến, cảm động cảm ơn thầy.
                                                             ***
      Từ đó đến nay tôi có dịp được làm việc với thầy nhiều hơn, thường xuyên hơn. Trong các hội thảo chuyên ngành phương pháp, ở cấp trường, cấp Bộ, khi tham gia viết sách tham khảo, sách giáo khoa THPT do thầy làm Tổng chủ biên, khi tham dự các Hội đồng chấm luận án thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành do thầy làm chủ tịch hoặc hướng dẫn khoa học… ở đâu và lúc nào tôi cũng vẫn nhận được sự giúp đỡ, gợi mở từ ý tưởng khoa học đến phương pháp tư duy, cách thức làm việc  với nhiệt tình, tận tâm và sự vô tư nhất mực của thầy. Mỗi lần được thầy nhắc nhở hoặc dặn dò, hoặc góp ý  cho bản thảo một bài báo, một công trình nghiên cứu viết chung hay viết riêng nào đó, tôi đều thấy thấm thía, sáng mắt sáng lòng. Tôi lại thấy làm khoa học quả thật không chỉ cần mê say, không chỉ cần đọc nhiều biết rộng, không chỉ hay nghi ngờ, lật đi lật lại mỗi vấn đề và khi đã tin chắc đó là chân lí thì cần phải đủ dũng cảm và bản lĩnh, tự tin bảo vệ đến cùng mà muốn đạt hiệu quả vững chắc còn phải lấy ngắn nuôi dài, còn cần sự kiên trì nhẫn nại, có khi phải chấp nhận thất bại tạm thời, có khi phải đi đường vòng miễn là cái tâm phải sáng, lòng phải trung thực, nhất là phải khiêm tốn lắng nghe, thật chịu khó lắng nghe. Người nghiên cứu phải sớm xác định được hướng nghiên cứu lâu dài cho riêng mình, không nên sa vào những cái lặt vặt, ăn xổi ở thì, đừng ham viết nhiều mà cố gắng làm ra tấm ra món và quan trọng nhất là phải có tư tưởng. Tư tưởng riêng là cái đinh, là điểm tựa cho những bài viết, nhữmg công trình nghiên cứu của mình…Bài viết, bài nói phải có luận điểm; luận điểm phải vững, luận chứng phải sắc gọn, kín kẽ… Có thể trình bày báo cáo trong một giờ, hai giờ mà ý vẫn không đuối, lời không lép; lại có thể thu ngắn trong mươi, mười lăm phút mà vẫn tóm được cái hồn, cái nhân lõi của vấn đề. Chán, nhạt nhất, vô duyên nhất là cứ đọc, đọc triền miên, trong khi tất cả đã in trong kỉ yếu rồi. Nhưng muốn thế, phải khổ luyện, phải nắm vững vấn đề như trong lòng bàn tay và phải tự tin, nhìn thẳng vào mắt người nghe mà biện thuyết…
      Đôi lúc cao hứng, cởi mở tâm tình, xung quanh lũ học trò đang bước đầu, bỡ ngỡ làm khoa học, thầy vân vi giảng giải về kĩ năng và nghệ thuật trình bày báo cáo khoa học trong các hội thảo, hội nghị … nên và cần như thế, như thế…
                                                                  ***     
          Nghĩ đến thầy Luận là nghĩ đến một nhà khoa học chuyên ngành Phương pháp giảng dạy Văn học đầu đàn, một trong những cây đại thụ trong làng phương pháp ở Việt Nam gần nửa thế kỉ qua. Trưởng thành bằng con đường chủ yếu là tự học, nhờ có trí thông  minh, có nghị lực cao, tình yêu văn chương và yêu nghề  dạy văn sâu nặng, tự nguyện gắn bó với chuyên ngành từ khi nó còn trứng nước, thầy đã được coi là một trong những người khai sơn phá thạch, đào móng đắp nền cho chuyên ngành khoa học Phương pháp giảng dạy Văn học trẻ tuổi ở nước ta trong nửa sau thế kỉ XX.
        Về mặt bồi dưỡng đội ngũ, trong vòng hơn bốn mươi năm qua, thầy đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển tổ bộ môn Phương pháp Văn đầu tiên của trường ĐHSP Hà Nội – trở thành tổ bộ môn Phương pháp giảng dạy Ngữ văn hùng mạnh nhất trong các tổ Phương pháp giảng dạy Ngữ văn ở  các trường đại học, cao đẳng nước ta hiện nay. Thầy đã góp phần đào tạo hàng nghìn cử nhân, hướng dẫn 40 thạc sĩ và 15 tiến sĩ chuyên ngành bảo vệ thành công xuất sắc luận văn, luận án (trong đó có cả những nghiên cứu sinh nước ngoài). Có dễ hầu hết các cán bộ giảng dạy bộ môn Phương pháp dạy học Văn học ở các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đều trực tiếp hoặc gián tiếp là môn sinh của thầy.
        Về nghiên cứu khoa học, thầy là tác giả của hàng trăm bài báo, hơn hai chục cuốn sách giáo trình, chuyên luận. Giáo trình Phương pháp dạy học Văn do thầy làm chủ biên đã được tái bản, bổ sung và sửa chữa đến lần thứ 7, thực sự là cẩm nang cho nhiêù thế hệ sinh viên ĐHSP, CĐSP Việt Nam. Có những cuốn đặt ra những vấn đề lí luận phương pháp dạy học Văn mới mẻ, thời sự – khoa học ở Việt Nam: Chẳng hạn các chuyên luận Rèn luyện tư duy qua giảng dạy văn học, Cảm thụ văn học- Giảng dạy văn học, Học sinh – Bạn đọc sáng tạo – Con đường đổi mới phương pháp dạy học tác phẩm văn chương, Con đường nâng cao hiệu quả dạy văn, Đổi mới giờ học tác phẩm văn chươn, Thiết kế bài học tác phẩm văn chương (2 tập)…
     Càng về sau, trong những năm cuối thập kỉ 90 của thế kỉ trước và những năm gần đây, thầy càng mở rộng đề tài và chủ đề, các bài viết càng có xu hướng vươn ra tìm hiểu và suy ngẫm những vấn đề văn học nhà trường trong mối quan hệ hữu cơ biện chứng với văn hoá, xã hội trong nước và thế giới, phân tích và hệ thống từ các chiều đồng đại và lịch đại. Những kiến giải sâu sắc, đầy tâm huyết của tác giả không chỉ được chia sẻ rộng rãi trong nhiều giới bạn đọc mà còn là những gợi mở cho những ý tưởng, những vấn đề nghiên cứu trước mắt và lâu dài không chỉ đối với ngành PPDHVăn. Trong tạp chí Thông báo khoa học của cảc trường đại học, Hà Nội, năm 1997, tôi đã vinh dự được giới thiệu cuốn sách đầu tiên của thầy triển khai viết theo hướng nghiên cứu liên ngành mở rộng này – cuốn: Xã hội – Văn học – Nhà trường (NXB ĐHQG Hà Nội, 1996).
         Tiếp theo là các công trình: Văn học – Giáo dục – Thế kỉ XXI (2002)…Văn chương –Bạn đọc sáng tạo (2003)… Những bài đặc sắc như:  Tuyên ngôn Độc lập - một áng văn chương thời đại, Văn học nhà trường không chỉ là chuyện văn chương, Nỗi lo giá lạnh tâm hồn, Không chìm trong đợt sóng thuỷ triều, Tự học – chìa khoá vàng, Giáo dục Việt Nam thế kỉ XXI, Sách giáo khoa thế kỉ XXI, Tư trưởng xuyên môn ở đại học, Chuyện quá tải học đường, Công nghệ thông tin với khoa học xã hội và nhân văn…. thuyết phục và hấp dẫn bạn đọc đâu chỉ vì vấn đề đặt ra mơí mẻ, bức thiết, đâu chỉ vì những kiến giải sắc sảo của một  sức nghĩ, sức viết quảng bác mà còn tìm được sự đồng cảm, sẻ chia của đông đảo người đọc trong, ngoài ngành bởi nhiệt tâm vẫn nồng đượm bất chấp thời gian và tuổi tác nơi nhà giáo, nhà nghiên cứu lão thành.
                                                          ***     
        Đối với một số ít trí thức như thầy Luận, tôi cảm thấy móng vuốt của thời gian khó mà chạm được tới người. Hơn hai mươi năm trước, thỉnh thoảng tôi thoáng gặp thầy với dáng cao cao, gầy gầy đạp lao lao trên chiếc xe đua Liên Xô cũ kĩ, nét mặt trầm tĩnh và hơi đăm chiêu, khắc khổ hướng về trường ĐHSP  Hà Nội; thì khoảng giữa những năm chín mươi, có vài dịp tôi đã được tháp tùng thầy đi họp bằng xe máy. Tôi đã phải kinh ngạc vì phản ứng nhanh, làm chủ tốc độ của một ông già tuổi đã  ngoài sáu mươi mà vẫn làm cho một trung niên khoẻ mạnh ngoài bốn mươi như tôi theo mướt. Nhưng dần dần tôi mới biết được, rằng để giữ được sức khoẻ bền lâu, để chống lại sự lão hoá đang diễn ra từ  từ, âm thầm mà càng hiện rõ trong  cơ thể, thầy đã rất kiên trì và tích cực luyện tập thể thao, thể dục không mệt mỏi, rất đều đặn sớm sớm chiều chiều, bao nhiêu năm nay. Thầy là thành viên thường xuyên của câu lạc bộ  TDTT Ba Đình, Hà Nội. Không ít lần tôi hẹn  xin ra gặp thầy vào buổi chiều thì đều đựơc thầy hẹn lại nên đến sau bảy giờ tối. Có không ít lần vì công việc quá gấp không thể chờ thêm, tôi cứ đánh bạo ra gặp thì thì phải đến tìm thầy ở câu lạc bộ… Lần thì gặp thầy đang đánh bóng bàn  nhanh nhẹn, thoắt tiến thoắt lùi như  vận động viên, lần thì thấy thầy vừa từ  dưới bể bơi lên, lần thì lại thấy thầy đang say mê đánh cầu lông  với thầy H.N. H…
        Thì ra bí quyết trẻ lâu của thầy là thế!
        Tôi biết mà thật khó học theo thầy vì cái tính lười thể dục, lười vận động cố hữu của mình.
       Có lẽ do rèn luyện thường xuyên, đều đặn nên cơ thể bảy mươi của thầy vẫn săn chắc, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, cử chỉ vẫn quả quyết, dứt khoát  vừa vững chắc vừa tự  tin. Nhưng quan trọng hơn nhiều là đầu óc của thầy, là sức nghĩ, sức viết vẫn rất dồi dào như càng ngày càng thăng hoa, trong tuổi vàng vô cùng đáng quí của những trí thức thế hệ thầy. Thầy thường cười bảo chúng tôi, rằng với một số người, tuổi bảy mươi là tuổi nghỉ ngơi, lão giả an chi, còn với những người như thầy, đây mới là những tháng năm mùa thu vàng lần thứ hai của cuộc đời, những tháng năm làm việc với tầm cao, độ chín của trí tuệ và kinh lịch của bảy mươi năm trải nghiệm và thử thách. Nhưng chẳng có bí quyết gì hơn ngoài sự cần mẫn lao động, đọc và suy nghĩ không ngừng, không mỏi, đặc biệt là không vướng bận vào những lo toan nhỏ nhặt, những mưu cầu công danh, lợi lộc tầm thường mà làm quẩn trí, nản lòng bao người…  kết hợp với một chế độ ăn uống thanh đạm và tập luyện hợp lí. Anh em học trò chúng tôi mỗi mùa xuân đến chúc tết thầy vẫn chỉ thầm ao ước mình theo được một phần cung cách làm việc và vài ba phần hiệu quả công việc, như thầy.
       Gần đây, đã hơn một lần thầy vừa khuyên vừa động viên vừa nhắc nhở chúng tôi, rằng đã mang tiếng là người làm khoa học, là người nghiên cứu thời nay thì không thể không rành (thành thạo) ít nhất một thứ tiếng nước ngoài, không thể không biết sử dụng vi tính, không thể không nối mạng để truy cập thông tin. Thầy không chỉ nói, mà còn viết thành bài đăng trên các báo và tạp chí bày tỏ quan điểm và kì vọng của mình vào lớp các nhà nghiên cứu trẻ. Và chính thầy cũng  là một trong những nhà nghiên cứu cao tuổi nêu gương đi đầu trong việc tự học ngoại ngữ, (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga) và sử dụng máy vi tính trong công việc. Anh em chúng tôi vẫn tự lấy làm xấu hổ, là trong lĩnh vực này cũng còn lạc hậu, cũng lại phải học thầy rất nhiều.
       Không biết uống rượu, không thích uống bia, chè lá cũng chẳng mấy mặn mà, nhưng nhà thầy thường có rượu ngon, trà ngon, bánh kẹo ngon để tiếp đãi khách, chiêu đãi các thế hệ học trò của mình. Mỗi khi nhìn chúng tôi nhâm nhi li rượu quí nho nhỏ do thầy ân cần đưa mời, hoặc nhấp chén trà thơm bốc  khói, thầy thường nheo nheo mắt nhìn chúng tôi hoặc mỉm cười, vẻ hài lòng rồi nhanh chóng bàn ngay vào công việc.
                                                            ***
      Mùa xuân này, thầy Luận cũng đã ngoài thất thập cố lai hi, nhưng nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người  bằng văn chương trong thầy vẫn đang tích tụ và tiếp tục sinh sôi. Được giao trọng trách  Tổng chủ biên, thầy nghiêm cẩn,  hào hứng dẫn dắt và cùng một số anh chị em cán bộ giảng dạy đại học, cao đẳng và giáo viên PTTH hoàn thành bộ Sách giáo khoa Ngữ văn THPT mới (bộ 2) với bao tâm huyết. Thầy chỉ đạo nhóm tác giả chúng tôi cố gắng đảm bảo tính khoa học, tính chuẩn mực, sao cho thể hiện thật rõ tư tưởng mới:Tích hợp, Tích cực, Giảm tải và Hiện đại.  Đây là bộ sách giáo khoa dạy cách tự học cho học sinh THPT ở thế kỉ XXI. Thầy nhấn mạnh yêu cầu cẩn trọng, từ tư tưởng đến cách dùng từ, đặt câu, cố đạt tính mẫu mực, trong sáng, nhưng mặt khác vẫn cần phải khẩn trương, tích cực để đảm bảo tiến độ. Thầy luôn nhắc chúng tôi cần chăm chú nghiên cứu ý kiến của từng thành viên Hội đồng thẩm định, lắng nghe dư luận để kịp thời sửa chữa, bổ sung và hoàn chỉnh bản thảo  tới mức cao nhất có thể được. Làm việc cùng với thầy thật nghiêm nhưng cũng thật vui. Riêng tôi, tôi cứ tâm niệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa học theo thầy và theo các đồng nghiệp  đàn anh.
        Những ngày áp tết Giáp Thân (2004) này, thể theo đề nghị của nhà xuất bản Giáo dục, thầy đang  mải miết chuẩn bị bộ Tuyển tập tác phẩm (2 tập) của mình, nhằm  tổng kết gần nửa thế kỉ học tập và nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo. Thế là đêm đêm, ngoài trời gió đông bắc reo lộng trên những tán lá cây già. Sóng nước hồ Tây vẫn dào dạt vỗ bờ. Trong căn phòng nho nhỏ tầng 1, phố Phan Đình Phùng, có một người thầy vẫn đang cần mẫn gõ phím cho một bài nghiên cứu mới sắp sửa hoàn thành, xong lại chuyển ngay sang lựa chọn, sửa chữa từng trang bản thảo Tuyển tập. Mái tóc hoa râm vẫn mềm dài toả xoã, nghiêng xuống bàn phím. ánh mắt vẫn trầm tư nghĩ ngợi…
         Có tiếng chuông điện thoại reo. Đó là cô biên tập viên hoặc của Nhà xuất bản Giáo dục, hoặc của báo Văn nghệ, hoặc  ở Tạp chí Văn học, Tạp chí Giáo dục gọi tới… hỏi về một chi tiết trong bản thảo chuẩn bị đưa in, hay một cậu học trò nghiên cứu sinh nào đó xin thêm ý kiến về luận án đang trong giai đoạn chuẩn bị bảo vệ. Có khi lại là điện của một cô học trò - đồng nghiệp – cộng tác viên – vừa từ Thành phố Hồ Chí Minh phax ra… Thầy lại chậm rãi cầm máy, gịong trầm ấm vang lên:
           - Alô! Tôi nghe! Tôi là Luận đây!
       Mỗi khi hình dung về Thầy – Giáo sư Phan Trọng Luận, một trong những chính nhân ân sư của chúng tôi, ngay cả trong những ngày tháng đau thương này, khi thầy đã vĩnh viễn hạc giá tiên du ở tuổi đại thọ 87, tôi lại nhớ đến hình ảnh thầy trong tư thế ấy, lại như đang hồi hộp, bồn chồn lắng nghe câu thoại mở đầu không thay đổi ấy…Thầy ơi!..../.
                                                              Những ngày cuối năm Quí Mùi - 2003
– 18 – 1 – 2004.
Đọc lại, sửa và bổ sung: 31 – 10 - 2013
                                              
                                                              Đường Văn