Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi câu lục bát và chuyện đạo thơ ở Hải Phòng

Đỗ Trọng Khơi
Thứ ba ngày 25 tháng 6 năm 2013 4:05 PM

         Trên  website trannhuong.com đang có chuyện lùm xùm về việc đạo thơ giữa nhà thơ Phạm Xuân Trường và tác giả Ngọc Châu, cả hai ông đều ở Hải Phòng. Đạo thơ văn là câu chuyện xẩy ra không hiếm xưa nay. Nó cũng giống như những việc móc túi, ăn cắp đồ khác. Thơ văn là thứ tài sản tinh thần cao cấp, lại dễ trôm nên các bác nhà ta cứ "tự sướng" là có thể máy tay, hạ bút phê ngay tên mình vào. He he!... Lẽ ra cũng như nhiều bạn bè tôi chỉ cười khà một tiếng, bỏ qua, chuyện chả quan trọng bằng chuyện bọn "trôm biển đảo" đang rình rập. Rất cần dựng bút canh trừng. Thế nhưng, việc "đạo thơ" xung quanh hai bài thơ Sẻ chia của nhà thơ Phạm Xuân Trường và Phơi trăng của tác giả Ngọc Châu, có liên đới tình cảm tới tôi và nhà văn Trần Văn Thước, nên thấy cần thiết phải có đôi lời.
         Tác giả Ngọc Châu tố giác nhà thơ Phạm Xuân Trường đạo thơ, qua cơ sở hai bài thơ của hai ông có hai câu thơ khá giống nhau. Đó là : "Xin gom ngọn gió ngoài đồng/ Cánh cò cõng cả dòng sông mang về - bài Sẻ chia", và : "Tôi gom những ngọn gió đồng/ Gom cánh cò cõng dòng sông mang về - bài Phơi trăng". Qủa thực hai câu thơ này giống nhau đến nỗi không thể không nghĩ tới việc "đạo".
         Và quả rằng việc đạo thơ đã xẩy ra.
         Vấn đề, ai đạo của ai?
         Dân làm luật có câu "án tại hồ sơ". Cứ theo bằng chứng thời gian sáng tác được ghi trong tác phẩm, thời điểm thời gian hai tác phẩm trên trình làng, qua NXB hay các trang web, Blog thì đã có thể khẳng định chắc chắn : chính tác giả Ngọc Châu mới là người đạo thơ. Bằng chứng hai 5 rõ 10:
         - Bài thơ Sẻ chia (đăng trên trannhuong.com với tựa đề là Gửi Đỗ Trọng Khơi và Trần Văn Thước), được nhà thơ Phạm Xuân Trường sáng tác năm 2004, trong đợt đi trại viết ở Thái Bình do LHVHNTVN tổ chức. Và bài thơ này cũng đã được in trong tập thơ riêng của nhà thơ, tập Cỏ cháy - 2006, NXB Hội Nhà văn.
         - Trong khi, bài Phơi trăng của Ngọc Châu, cứ liệu thời gian khả tín nhất được biết, sáng tác năm 2009 - web VANDANVIET.NET, và bài thơ này được in trong tuyển Văn thơ Việt, tập 1 - NXB Văn hoá văn nghệ, TP HCM năm 2011, (bài thơ in ở sách này không ghi thời gian sáng tác) do tác giả Lê Bá Duy cùng nhóm biên tập tuyển in, và đây cũng là tập sách mà tác giả Ngọc Châu lấy làm cơ sở minh chứng và tố giác việc đạo thơ giữa ông với nhà thơ Phạm Xuân Trường.
         Vậy rõ ràng cả hai cứ liệu thời gian sáng tác và công bố bài thơ Phơi trăng được Ngọc Châu lấy làm dẫn chứng "đạo thơ", như đã biết, thì qua chính cứ liệu thời gian đó mà xét lại cho thấy tác giả Ngọc Châu mới là người ĐẠO THƠ Phạm Xuân Trường.
         Đây hiển nhiên là điều không thể biện bác.
         *****
         Điều khiến tôi ít nhiều phân vân, là tác giả Ngọc Châu đã "cố tình" đạo thơ rồi lại lớn tiếng la làng vu cáo nhà thơ Phạm Xuân Trường, hay do ông cũng "vô tình" đọc được thơ của bạn rồi quên, tới khi gặp thi hứng tương hợp đã hồn nhiên đưa "hai câu thơ trong trí nhớ" đó vào bài thơ của mình, mà chính mình không hay đang đạo thơ người? Trong thư gửi trannhuong.com, ông Ngọc Châu có nêu ra giả thiết này "…có khi chỉ vô tình thôi - đọc rồi không nhớ của ai, lúc mình làm thì mượn ý đó".
         Anh em trong làng văn, những người bạn của hai ông hẳn ai cũng mong câu chuyện "đạo thơ" giữa các ông, thực tâm chỉ là sự lỡ tay, vô tình mà gây ra lỗi. Rất đáng tiếc sự thể không như vậy. Tác giả Ngọc Châu đã đinh ninh mình đúng, và cũng không muốn khoan nhượng, nên trong thư tố giác đăng trên trannhuong.com ông tỏ rõ nỗ lực trong việc đưa ra cả những lời lẽ nhằm hạ thấp giá trị thơ của nhà thơ Phạm Xuân Trường, qua cách mượn lời ông Trịnh Anh Đạt, cũng như cách đặt nghi vấn cả câu thơ "Nỗi đau đau đứng, nỗi buồn buồn nghiêng" là của ai đó nữa, chứ không phải của tác giả bài Sẻ chia. Đây là những nhận xét rất chủ quan, không thấu đáo. 
         Về thơ và thơ lục bát của nhà thơ Phạm Xuân Trường, qua các tập thơ Cỏ cháy, Ở trọ hồn làng, cùng những bài thơ đã được ghi nhận, đi vào trí nhớ người yêu thơ, như các bài Làm vua, Cỏ hát, Chôn dọc, Công nông… nhà thơ Phạm Xuân Trường đã thực sự khẳng định được giá trị của thơ mình. Và tôi đoan chắc rằng, ở Hải Phòng, thơ Phạm Xuân Trường có một vị trí đáng kể và riêng biệt.
         *****
         Tái bút: Viết xong bài, chưa kịp gửi đi thì đã gặp trên mạng trannhuong.com bài của tác giả Trịnh Anh Đạt viết về chuyện đạo thơ này. Trong bài ông Trịnh Anh Đạt có đưa ra nhận xét, là "Có thể nói hai câu thơ lục bát giống nhau như hai giọt nước, hoặc như hai chị em sinh đôi…", và sau đó ông lại hạ bút : "Xét về lý thì câu thơ của Ngọc Châu xuất hiện sau câu thơ của Phạm Xuân Trường tới 3 năm, nhưng kết luận Ngọc Châu “đạo” thơ của Phạm Xuân Trường, cũng chưa đủ cơ sở…"  Thiết nghĩ,  người sáng tác thơ chả ai khi biết "thơ mình viết sau 3 năm, lại giống thơ người như hai giọt nước" lại không thấy giật mình e ngại. Càng không ai dám đi làm cái việc tố người đạo thơ, lại còn khăng khăng rằng tôi tố cáo ông đạo thơ thì tố, chứ ông chớ có mà bảo tôi đạo, "chưa có cơ sở" đâu nhé!.. Xin ông Trịnh Anh Đạt trả lời giùm, phải viết giống nhau cỡ nào mới được coi là "có cơ sở" kết luận đạo thơ?

ĐTK