Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn không đứng ngoài

Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 24 tháng 6 năm 2013 6:51 AM

Trước cuộc sống sôi động với không ít thách thức và nguy cơ đe doạ tiến trình “Đổi Mới” đất nước, khiến văn hoá, đạo đức suy thoái, thậm chí đe doạ sự sống của cả nhân loại, cũng như không ít nhà văn-nhà báo khác, với trách nhiệm một công dân, trong những năm qua, tôi đã nhiều lần lên tiếng bằng thể văn chính luận - một thể loại ngắn gọn, tác chiến kịp thời, với hy vọng mỗi bài viết được làm phận sự như là một “viên đạn” tiếp sức cho cuộc chiến đấu chống lại cái ác, cái xấu xa đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc; cũng có bài là những “hạt cát” góp vào việc xây dựng lại nền móng các giá trị đã bị biến dạng, bào mòn.
Văn chính luận thường đề cập đến những vấn đề có tính thời sự, những bài viết trong cuốn sách này tuy chỉ từ góc nhìn của một nhà văn-nhà báo, nhưng tập hợp lại, ít nhiều cũng góp phần phản ánh được cuộc đấu tranh để vượt qua những thách thức trong từng thời đoạn lịch sử vừa qua. Hơn nữa, có những cái xấu, cái ác như đã trơ lì, thậm chí là “căn bệnh” đã “di căn”, nên không ít bài viết từ 5-10 năm trước, sự việc thì đã bị thời gian vùi lấp - như các vụ “quan tham” cướp đất ở Phú Quốc, nhưng tệ nạn loại ấy thì nay ở đâu cũng có, do đó vấn đề đặt ra vẫn chưa hề cũ. 
Mặt khác, tập sách này còn có loạt bài liên quan tới lĩnh vực văn hoá-xã hội có ý nghĩa lâu dài, hẳn là cũng gợi ra đôi điều suy ngẫm bổ ích.
Để bạn đọc tiện theo dõi, cuốn sách chia làm ba phần:“Những bài học đắt giá”,  “Văn hoá & phản văn hoá”, “Để cái đẹp thực sự được lên ngôi”, tuy rằng sự phân chia ấy chỉ là tương đối mà thôi, cũng như tác giả không quan niệm thể loại một cách cứng nhắc nên mới gọi cuốn sách này là “văn chính luận”. Hầu hết các bài trong tập sách này đều đã đăng trên khoảng hai chục tờ báo và tạp chí ở ba miền Trung-Nam-Bắc (một số không ghi rõ báo nào in vì “hồ sơ lưu” thất lạc) nhưng bản in trong sách này là “nguyên văn”, còn không ít bài đăng trên báo đã bị cắt xén do khuôn khổ trang báo có hạn, cũng có thể do toà báo sợ…đụng chạm. Nếu quả vậy thì đó là chuyện “ngày xưa”, chứ hôm nay, đất nước sau gần 30 năm ĐỔI MỚI”, vào lúc mà ngay cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong dịp tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2012, cũng không ngại nói đến các vấn đề “nhạy cảm”, công khai phê phán “kiểu bầu cử dân chủ giả dối” và đề nghị mọi người : “Phải hết sức mạnh dạn suy nghĩ, hiến kế, đề xuất hết sức thẳng thắn đầy trách nhiệm, không nên e dè” (Theo "Tuổi trẻ" ngày 16/12/2012) thì còn can cớ gì mà phải “cắt xén” những ý kiến chân thành vì sự nghiệp “xây dựng một xã hội công bằng dân chủ văn minh”, cho dù trước mắt, ý kiến đó xem chừng “nghịch nhĩ” hoặc là thiểu số.
Đôi điều tâm sự cùng bạn đọc, hy vọng sẽ tìm được bạn “tri âm”…
                         
                                Trường An-Huế, những ngày đầu năm 2013