Trong vườn của ông ngoại tôi- cụ Uông Khơm nơi đất nghèo Hà Tĩnh có cây thị cổ thụ. Hơn chục năm trước, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh gắn biển cây thị Di tích lịch sử cấp tỉnh, dấu tích ngót sáu thế kỷ trước (1425) dưới gốc cây thị này nghĩa quân Lê Lợi và nghĩa quân Nguyễn Tuấn Thiện tập kết trước giờ xung trận chống giặc Minh xâm lược, giải phóng huyện Đỗ Gia (Hương Sơn ngày nay.
Cây thị làng tôi, chính chủ là của cụ kỵ của ông ngoại tôi trồng hay là thứ cây của rừng già còn sót lại (?) trong vườn. Cả nước hiện có khoảng vài ba trăm cây cổ thụ được ghi tên, ghi tuổi, được đóng dấu là cây di sản. Gần nhất là cây thị ngót 250 tuổi ở xã Hoàng Phước huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đón nhận bằng cây Di sản. Cây thị của ông ngoại tôi chưa có cái “vinh dự” ấy, âu cũng vì nhiều lý do khác nhau; mặc dù dưới gốc cây thị này có gắn biển di tịch lịch sử cấp tỉnh. Rõ ràng cây thị này không chỉ gắn với lịch sử một thời chống ngoại xâm của dân tộc ta, mà còn là một trong những cây đứng vào hàng “siêu” thọ về cây cối nơi quê tôi. Năm nào cũng cho nhiều quả. Quả to, căng tròn, cho mùi thơm quyến rủ.
Như thế cũng đã oai lắm rồi. Vùng Hương Sơn- đất đại ngàn, đất văn hóa, đất lịch sử cũng chưa có cây di sản, dù đó là cây mang tên gì, họ gì. Dù đó là gỗ lim, trắc, gụ hay táo, giổi…Cạnh tấm biển di tich đặt một ban thờ nhỏ, có lư hương để ai đó khi đến đây chiêm nghiệm cây thị lịch sử, cây thị lâu đời với 595 năm, có dịp thắp nén hương tưởng niệm linh hồn những nghĩa quân yêu nước đã ngả mình để giải phóng Đỗ Gia, như là sự tri ân đầy nghĩa cử. Học sinh trường làng vẫn tới đây tham quan, thắp hương trước những mùa thi cử…
Những năm 1418 đến 1428 của thế kỷ XIV, khi cuộc kháng chiến 10 năm của Lê Lợi hiên ngang và dũng anh đến tuyệt vời chống lại quân nhà Minh xâm lược từ phương bắc tới. Huyện Đỗ Gia thời đó, trên dãy núi Thiên Nhẫn – nơi có 999 ngọn núi hợp thành một quần thể núi non, in bóng xuống sông Ngàn Phố nước trong xanh, thơ mộng đã hình thành chiến khu chống ngoại xâm của Vua Lê. Đó chính là thành Lục Niên trên đất làng cổ Xa Lang, cửa ngõ ngược vùng Hương Sơn, còn lui lại phía sau chính là dòng sông La đưa nguồn nước từ rừng đại ngàn Trường Sơn xuôi về biển nơi Bến Thủy, Cửa Hội, nơi sát nách của dãy núi Hồng Lĩnh tựa bức trường thành vững chải cả ngàn đời. Sự gặp gỡ của đất và nước, của dòng sông và núi đồi nơi đây giống như một tác phẩm hội họa trữ tình; có lẽ vì thế mà nơi đây, ngay dưới chân Hồng Lĩnh và bờ sông La từ lâu lắm rồi dân làng Cổ Đạm đã sản sinh ra lối hát ca trù độc đáo. Đây là gốc ca trù xịn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 1-10-2009. Không xa làng ca trù Cổ Đạm là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du, người đã tạo nên tác phẩm truyện Kiều bất hủ với 3.254 câu thơ tình được nhiều người Việt thuộc lòng tựa như máu thịt của mình. Bởi thế người Hà Tĩnh có câu hát “Nếu không có sông Lam, núi Hồng buồn biết mấy”…
Nhớ lại, khi nhà Minh xâm lược nước ta, chúng đổi Thăng Long thành Đông Quan. Chính tại nơi đây, trong những ngày bị kẻ thù giam cầm, Nguyễn Trãi lặng lẽ thảo sách Bình Ngô; sau đó cùng cậu mình là Trần Nguyên Hãn trốn về tụ nghĩa nơi đất Lam Sơn dâng kế sách chống quân Minh, cùng Vua Lê đem đại quân vào Hà Tĩnh - nơi thành Lục Niên để giải phóng một vùng đất rộng lớn của miền Trung. Kết thúc là trận Ải Chi Lăng chấn động trời Nam, khiến Liễu Thăng bị chém đầu, còn đệ tử là Tổng binh Vương Thông phải quỳ gối đầu hàng nhà Lê trong nhục nhã truyền kiếp.
Núi Trời (Thiên Nhẫn), sông Ngàn Phố cũng như miền trung du Hương Sơn là nơi đất lành chim đậu vốn không ít huyền thoại để đời. Dù đã trãi bao năm tháng với nhiều biến cố của trời đất, của gươm khua súng nổ… nhưng đến nay thành Lục Niên vẫn sừng sửng đứng đó là chứng nhân lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, chống giặc Tàu – kẻ thù xảo trá đời đời, truyền kiếp của người Việt vốn tràn trề tính nhân văn trong bao dung, trong vị tha, trong cả cay đắng, ngọt bùi vẫn là bên nhau, có nhau.
Cuộc kháng chiến chống giặc Minh hơn ba nghìn ngày là bản tráng ca bất hủ của Thái Tổ nhà Lê, của Nguyễn Trãi, của Trần Nguyên Hãn và những danh tướng thao lược khác sống trong đùm bọc của nhân dân yêu nước, thương nòi. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Trãi nói : “Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. ” Còn Bác Hồ kính yêu ngợi ca: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”.
Ai đó nói chưa một lần về quê anh, nhưng nghe kể đã thấy lòng bồi hồi xúc động. Mời bạn về Hương Sơn, lên thăm Lục Niên, hảy uống bát nước chè xanh khi ngồi hóng mát dưới tán cây thị lịch sử của làng Phúc Đậu, vùng đất do nhà Trần khai phá, dựng xây cách đây trên 830 năm. Rảo bước trên đường làng hay xỏa chân xuống dòng nước sông Ngàn mát lạnh, ở đâu cũng cho ta cảm giác khó tả về mãnh đất địa linh nhân kiệt. Phía bên kia thành Lục Niên là đất Nghệ An, quê hương của Cụ Hồ với Nam Đàn, Thanh Chương… âm vang một thời tiếng trống Xô Viết, với làng Đỏ, làng Sen, xóm thợ Trường Thi, làng Trù … giàu truyền thống chống ngoại xâm hòa quyện trong nền văn hóa xứ Nghệ. Bên này thành Lục Niên là đất Hà Tĩnh, mạn Hương Sơn, Đức Thọ…với Phan Đình Phùng, Cao Thắng nơi núi rừng Vũ Quang kiên trinh chống ngoại xâm; với Trần Phú có bộ não tài ba mới có bản Luận cương cách mạng đầu tiên của nước nhà… Vậy chi, trong và ngoài, phải và trái, phía bắc và phía nam của Thiên Nhẫn núi liền núi, sông liền sông mà chỉ với hát ca trù, đò đưa, ví dặm… thậm chí nếm một quả cà muối ăn cùng củ khoai luộc cũng đã say lòng người, chưa nói tới dũng khí yêu nước, thương nòi của các thế hệ nơi đây- đất nghèo cơm gạo nhưng lại thừa ngô khoai, nghĩa tình trước sau như ca dao: “Tay bưng chén lạc đĩa vừng/ Ba chìm bảy nổi xin đừng quên nhau”.
Chỉ hơi lăn tăn, ấy là cuối phố Hàng Bông- Thợ Nhuộm, giáp ngã tư phố Bà Triệu- Trần Hưng Đạo (Hà Nội) có nhà lưu niệm cố Tổng Bí Thư Trần Phú được lập cách đây trên 40 năm, nhưng hình như ít được chăm sóc nội ngoại thất, đó là chưa nói tới cái “hồn” của căn nhà lưu niệm mang tính lịch sử…Cũng có thể vì lẽ đó mà rất ít người tới đây để tưởng nhớ một trong những con người kiệt xuất.
Huyền thoại xưa còn lưu mãi đến tận bây giờ, trước khi có cố đô Huế, đáng lẽ núi Thiên Nhẫn và cả vùng sông nước bao la này trở thành kinh đô tuyệt đẹp, nếu như Thiên Nhẫn có đủ 1.000 ngọn núi đủ cho 1.000 chim phượng hoàng từ nơi nào đó thong dong bay về hạ cánh nơi đây. Tiếc rằng, dãy Thiên Nhẫn mới có 999 mõm núi, chỉ còn thiếu một mõm núi nữa thôi dành cho con chim phượng thứ 1.000, nên đàn phượng hoàng yêu dấu và lãng mạn không thể dừng chân, mãi miết bay về phương nam xa xôi, tìm đến núi Ngự sông Hương – đó chính là cố đô Huê thời bấy giờ.
Làng Phúc Đậu quê tôi (cách thành Lục Niên khoảng 7-8 km) vào thế kỷ XIV xuất hiện một người nông dân nghèo, cày ruộng, săn bắt thú rừng, cần mẫn kiếm con cá con tôm trên đồng làng nhưng ắp đầy tinh yêu quê hương xứ sở, nóng bỏng chí căm thù giặc Minh đô hộ, hà hiếp dân làng vào cảnh cùng cực không còn chỗ lui. Đó là người anh hùng Nguyễn Tuấn Thiện. Tròn tuổi 20, Thiện đứng ra lập đội quân mang tên Cốc Sơn (nghĩa quân Cốc Sơn) đêm ngày đúc đạn mài gươm, sớm tối luyện quân trên núi Hoa Sơn sẵn sàng chống ngoại xâm..
Năm 24 tuổi (1424) Nguyễn Tuấn Thiện sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn, cắt máu ăn thề kết nghĩa anh em khi hội tụ dưới gốc cây thị cổ kính trước giờ xung trận. Trận đánh đầu tiên với thắng lợi giòn dã của nghĩa quân trước quân Minh là trận Khuất Giang (vực rú Trụn) nằm sát quốc lộ 8. Năm ấy, không chỉ có dân làng tôi mà người làng Phúc Dương, Hữu Bằng, Kẻ Mỏ, Kẻ Sặt xuôi miệt Choi, Gôi… từ trong những vườn cau, đồi chè hồ hởi tràn ra chật đường chật lối để ăn mừng nghĩa quân thắng trận. Còn lũ giặc Minh sống sót khiếp hồn khiếp vía tháo chạy về nước Tàu không kịp ngáp trước sức mạnh của nghĩa quân yêu nước đất Văn Lang xưa.
Thắng trận Khuất Giang, giải phóng toàn vùng Đỗ Gia, thừa thắng xốc tới, nghĩa quân nhà Lê và nghĩa quân Cốc Sơn tiếp tục thắng trận ở núi Thành (giáp Nghệ) và trận bên kia Đèo Ngang (Quảng Bình) nơi có bài thơ để đời của Bà Huyện Thanh Quan “Qua đỉnh đèo Ngang bóng xế ta/ Cỏ cây chen lá đá chen hoa”…Do lập nhiều chiến công, Nguyễn Tuấn Thiện lần lượt được vua Lê Thái Tông phong tước Lĩnh Nam Tuyên lực Minh nghĩa khai quốc công thần hay: Đô Tổng quản, Phó Nguyên soái Trung lang đại phu tả phụng thần vệ tướng quân… Tướng Thiện họ Nguyễn chào đời năm 1401- cầm tinh con rắn, về cõi vĩnh hằng năm Giáp Dần (1494) mộ chí tại làng Sơn Ninh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nơi yên nghĩ vĩnh hằng của ông đối diện với trận địa vực rú Trụn, bên kia sông Ngàn Phố. Nơi đó, chắc rằng trong yên nghĩ đời đời ngày đêm tướng quân vẫn hằng nghe tiếng quân reo thắng trận thuở nào! Vậy là “Danh thơm chẳng mất trong trời đất/ Chính khí mãi còn với núi sông”(Câu đối ngợi ca nghĩa quân yêu nước).Thời kháng Mỹ, dân quân các xã bao quanh vực rú Trụn như Sơn Thủy, Sơn Bằng… là xã anh hùng bởi bắn rơi con ma, thần sấm…giả man ném bom cầu Nầm nằm trên đường số 8 chiến lược.
Lịch sử khéo sắp xếp hay là sự tình cờ (cũng không biết nữa). Chỉ có điều căn nhà tranh vách đất- nơi chào đời của Nguyễn Tuấn Thiện cũng như ngôi nhà thờ của tộc họ Nguyễn Tuấn (xóm Nậy xã Sơn Phúc) nay vẫn còn nép mình dưới những tán cây xanh mát vốn chỉ cách cây thị lịch sử cùng ngôi nhà của ông bà ngoại tôi chưa đầy năm bảy chục bước chân, nằm trên trục dọc bắc nam, phía trước là cánh đồng lúa mang tên đồng Đình nối thông với những thửa ruộng chênh chếch gần như bậc thang có tên là ruộng Tròn xen kẻ một số ngôi mộ mà khi đêm về, thanh vắng có nhiều “ma trơi” rủ nhau lên mặt ruộng nhảy múa chán chê rồi lại biến mất trong mờ sương. Trong một đêm như thế của tuổi học trò tôi đứng từ xa đã nhìn thấy cảnh rợn người làm nổi da gà đến nay vẫn còn trong nỗi nhớ mỗi khi nghĩ về quê nhà.
Mẹ tôi kể: Trong một lần vì nhầm lẫn tính canh, tính giờ nên sớm rời nhà đi chợ xa. Dừng nghĩ chân lề đường cạnh rú Hoa Bảy, đột nhiên có ai đó rất thân tình ngồi cạnh rồi vạch từng sợi tóc của mẹ để bắt chấy, giết trứng chấy kêu như ngô rang nổ. Hết chấy “ma” cũng biến mất. Nhà tôi cũng kể, ngày tuổi thiếu thời trong một lần chập choạng tối trên đường về nhà khi sắp qua cầu Ông Cân đã trực diện một đứa trẻ từ lùm tre bước ra tựa vệt hào quang, khiến nhà tôi lóa mắt. Sau cơn hồn vía lên mây, chưa kịp định thần “ma” đã biến mất không để lại dấu vết. Phải chăng và, suy cho cùng, sự sống và cái chết là nỗi bận tâm lớn nhất của mỗi người chúng ta, dù già hay trẻ, dù có hay không tôn giáo. Manilovski viết “Cái chết là sự khủng hoảng quan trọng và cuối cùng của cuộc sống”. Ma hay không có ma là điều bí ẩn chưa có lời giải.
Cây thị làng tôi là chứng nhân lịch sử, ít ra cũng đã qua mấy thế kỷ. Phúc Đậu xưa thuộc xã Phúc Dương, sau cách mạng Tháng Tám năm bốn lăm hợp nhất với làng bên, đất Thủy Mai để thành Phúc Thủy, đi gần hết cuộc chiến ba nghìn ngày thời chống “Tây” lại gộp với làng Trị Yên- Tiên Bì để thành xã Kim Hoa. Sau hòa bình lập lại, ấy là thời cải cách ruộng đất, anh nào lại về nhà anh ấy. Cuộc chiến đi qua ai còn ai mất, nhiều nhà đoàn tụ, cũng có một số nhà ly tán vì những nguồn cơn khác nhau. Đúng thời điểm ấy đáng ra cực vui, cực hồ hởi nhưng sự đời lại không chiều lòng người. Một số gia đình nông dân tạm gọi là khá giả một chút bỗng nhiên sa vào cảnh khốn đốn. Cảnh quan chùa chiền, đến đài, miếu mạo, những hàng cây cổ thụ có trăm, ngàn tuổi, nhưng cổng làng, cổng xóm, cổng nhà kiến trúc đẹp tồn tại, bồng bềnh trong ắp đầy thế giới tâm linh lần lượt bị hạ thổ. Một anh bộ đội Cụ Hồ tại ngũ bị gọi về xử bắn thay cho mẹ mình bởi gia đình địa chủ; riêng anh chẳng có tội tình gì với dân làng. Phải đến hai ba người thay nhau cầm súng anh bộ đội gặp mệnh oan mới ngã. Có anh trai làng vốn cuốc bẩm cày sâu nhưng tính tình hơi “dính ất ơ” bởi gen di truyền của người cha cũng phải vào tù khi bị “ông đội” lệnh bắt giam mà không giấy tờ, và mình không hề biết có tội gì? Ba năm tù đày nơi rừng thiêng nước độc bên Tây Hiếu- Phủ Quỳ xứ Nghệ, ra tù trở về nhà hình như chán đời, anh dạt sang đất Hương Khê lấy vợ sinh con đẻ cái “đất khách quê người”, rồi tự nguyện vào bộ đội, hắng hái xông vào chiến trường Tây nguyên chiến đấu chống giặc Mỹ. Đó là người trai làng Nguyễn Khắc Khoan, người cùng họ với tôi. Anh ấy là liệt sĩ ngã mình nơi chiến trận vào ngày 6-12-1973.
Kháng chiến thắng lợi, đem lại sự giải phóng cho toàn dân tộc. Đó là hạnh phúc không thể chối cãi và không dễ gì có được đối với một dân tộc đã trãi nghìn năm bắc thuộc và trăm năm đô hộ thực dân. Nhưng mất mát cũng chẳng thể nào tính được. Trong 30 năm chống giặc ngoại xâm từ 1946 đến 1975, rất nhiều trai làng tự nguyện ra mặt trận, Cha tôi là cán bộ xã nhiều năm nhưng 3 lần tự nguyện đi dân công hỏa tuyến khi tuổi ngoài lục tuần. Các cụ có Bằng Gia đình vẻ vang vào loại sớm nhất. Cả 4/4 anh em trai lần lượt ra chiến trường; chị gái đầu từ năm 1947 đã là dân quân-du kích xã. Nhờ Trời Đất, phúc Tổ mọi người đều trở về sau giặc dã.
Đau đớn hơn bởi 69 trai làng Phúc Đậu- những đứa con yêu quý của đất sắn, đất khoai ra chiến trường Việt- Miên- Lào mà không bao giờ trở về, trong số này có đến 52/69 người mà khi từ giả cõi đời này các anh vẫn chưa hề biết mùi đời của yêu thương, của những nụ hôn đắm đuối hạnh phúc, của ước mơ và hy vọng. Không chỉ có thế, làng tôi còn có 16 người đẹp, đó là em, chị, cô mà đa phần trong số đó trở thành hòn vọng phu khi tuổi đời của họ chỉ mới trong ngoài của độ tuổi hai mươi đẹp tựa trăng rằm. Họ ngồi đó dưới mái tranh nghèo, phe phẩy chiếc quạt mo để xua đi cái nóng của gió Lào, thẩn thờ như kẻ vô hồn, ôm vào lòng đứa con mà chúng chưa hề biết mặt cha. Trớ trêu, cũng ngay làng này, một số người mà họ cùng tắm chung nước con hói, con khe, cùng đón ngọn gió nồm nam nhưng có người chẳng bao giờ ra trận hay đi dân công chiến trường, nhưng họ lại có thẻ thương binh, sổ hưu trí… quanh năm hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước bằng tiền đóng thuế của dân. Phải chăng, đó cũng là nỗi đau của một thời trận mạc, tranh sáng tranh tối, coi đồng tiền là tiên là phật, như là sức bật…
Đã khá lâu rồi, chính quyền làng tôi thực hiện xã hội hóa xây Đài tưởng niệm các liệt sĩ xã nhà, ghi đầy đủ họ tên các liệt sĩ để làm nơi hương khói vọng về linh hồn những người con của làng đã đem toàn bộ sức lực, trí tuệ cùng tuổi trẻ của mình hiến dâng không hề suy tính cho chính quê hương xứ sở, cho nơi họ cất tiếng khóc chào đời, cắt rốn chôn nhau và nuôi mình khôn lớn. Năm tháng mỏi mắt chờ trông mà con cái không trở về, gia đình xây mộ gió khi đã cất công tìm kiếm nhưng chưa biết phần mộ của người thân hiện ở nơi nào? Đó là liệt sĩ Uông Tô Khai (xóm Trùa), Liệt sĩ Uông Chế Tạo, vào lúc xế chiều ngày 30-11-1972 người đã đem toàn bộ máu xương của mình dâng hiến cho sự nghiệp thiêng liêng giải phóng nước CHDCND Lào khi mới vào độ hâm mốt hòa với nước sông Nậm Giàng trên đất triệu voi, nơi phía Trường Sơn Tây, chỉ cách một hai ngày đường là về đến quê nhà.
Ông bà ngoại của tôi là một người dân bình thường, sống cuộc đời giản dị nhưng ắp đầy tình người, tình làng xóm quê hương. Ông không có học hàm học vị cao xa, nhưng sách sấm và truyện Kiều thì thuộc lòng hơn cả bàn tay của mình. Năm 1959, khi tôi từ chiến trường xưa- Điện Biên Phủ về phép đến thăm ông, thương cháu ngoại đang thời quân ngũ lại đóng quân nơi miền Tây xa xôi, ông bấm đốt ngón tay rồi nói, chỉ 15-16 năm nữa thôi bọn bù nhìn Ngô Đình Diệm sẽ đổ. Quả thật, ngày 30-4- 1975 ta đại thắng mùa Xuân thu giang sơn nước Việt về môt mối. Chỉ tiếc, vào ngày đó ông bà ngoại của tôi đã về nơi xa xăm của thế giới trần gian. Lúc 17giờ 30 ngày lịch sử đó gia đinh tôi đốt một tràng pháo to vừa để ăn mừng đại thắng vừa như để báo tin cho những người đã khuất.
Mẹ tôi là con gái đầu của ông bà ngoại, cố nhiên cha tôi là con rể. Bố vợ và con rể thông thạo chữ hán chữ nho thường đàm đạo chuyện đời, chuyện làng sau những ván cờ tướng trải chiếu ngay gốc cây thị lâu đời. Có lần ông ngoại nói, cha cháu thông minh, hiền từ. Nếu như cách mạng đến chậm khoảng vài ba chục ngày, cha cháu đã thành ông Bá- Bá hộ duy nhất của Phúc Đậu. Sau cách mạng cha cháu là thành viên Mặt trận Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc sau này)… Bà ngoại lại kể, đất Xa Lang nơi bà cất tiếng chào đời khi đã có thành Lục Niên trong làng, một thời là nơi đô hội, trên bến dưới thuyền nên được đặt là phố huyện nhà mình, về sau do lụt lớn tàn phá, nên phải di dời. Nghĩa quân của chú Thiện cùng xóm với ta cũng gắn bó với nơi đó cháu ạ. Bà kể với cháu ngoại như thế. Hồì tưởng cảnh xưa, ông ngoại tôi chêm mấy câu Kiều: “Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay”. Ngoại tôi lại đọc Nguyễn Du “ Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hay “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non khơi bóng vàng”… Ông ngoại giảng giải “Long lanh đáy nước hay thành xây khói biếc chính là ngợi ca về sông Ngàn Phố, về thành Lục Niên đã cùng nghĩa quân Cốc Sơn làng ta, xóm ta đứng dậy chống giặc Minh thuở cơ hàn.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, dân Nghệ nhưng có nhiều bài hát để đời về đất Hà Tĩnh láng giềng của ông. Câu hát “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh…” gợi nhớ những ai của miền quê này mỗi khi đi xa chẳng thể nào quên được người và cảnh nơi đây. Chỉ nói riêng cây cối, cây thị làng tôi cũng không hề đơn độc. Lão làng, cụ Nguyễn Đình Hán khi chưa hưu công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm nay đã ngoài tuổi cửu thập có lẻ mới đây kể: Trước năm 1953-1954, làng có hơn ba chục cây cổ thụ được trồng rải đều trên các đường trục, đường nhánh của làng, trong đó có 28 cây đa đều trên trăm tuổi, và thường do những người có học, đỗ đạt bắng cấp trong làng đứng ra trồng. Chẳng hạn cây đa cố Tú ở Cửa Diệc hay cây mui (trám) xóm Thọ Lộc. Cây vàng tim cao ngất nghểu trong vườn nhà cố Chương (xóm Khống) cây vãng nhà cố Tuyển (Thọ Lộc) một lô cây đa đất Cồn Thiên, cây thông xóm Trùa …là những cây thuộc loại “già làng” tựa chứng nhân của nhiều cuộc đời trầm bỗng đã đi vào ký ức nhiều người.
Trước nhà ở ba gian của ngoại tôi có lập ban thờ khá cao đứng cạnh gốc cây mơ năm nào cũng trỉu quả. Ngày nào các cụ cũng thắp hương hướng về cây thị cổ thụ, mà dưới gốc thị ngoại tôi tự tay trồng rất nhiều cây thuốc mang tên sa nhân, hễ ai cần cứ đến đây uống nước chè xanh và hái lượm. Mùa nhãn, bà tôi đặt lên bàn thờ những chùm nhãn chin như để tri ân tất cả. Ngoại tôi, khi đã cao tuổi rồi, nhưng không hiểu vì quý cây thị lâu đời hay vì lẽ gì đó mà cả một khoảnh đất rộng dưới gốc cây thị lúc nào cũng hết sức sạch sẽ, thoáng mát, mùi quả thị chín và mùi hạt sa nhân quyện vào nhau cho ta một thứ hương thanh tao, nhẹ bay trong gió nội hương đồng.
Tiết Thanh minh Quý Tỵ- 2013