Về vụ việc kéo dài nhiều năm ở Trường ĐHSP Hà Nội
Câu chuyện bắt đầu từ đơn tố cáo của hai ông Hoàng Ngọc Thuyết, Phó trưởng bộ môn Động cơ đốt trong và ông Lưu Quang Huy, giảng viên Bộ môn cơ khí. Cả hai ông hiện đều đang công tác tại Khoa Sư phạm kỹ thuật (SPKT), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN).
Ngày 30/11/2010, ông Lưu Quang Huy đã gửi đơn tố cáo một số vấn đề liên quan đến việc ông Nguyễn Trọng Khanh, Chủ nhiệm Khoa SPKT của Trường ĐHSPHN như: bố trí cán bộ chuyên môn không đúng, mạo danh người khác, nghi là có dấu hiệu tham nhũng,... trong việc điều hành Dự án TRIGs của Khoa. Sau đấy ngày 12/6/2012, ông Hoàng Ngọc Thuyết cũng đã gửi đơn tố cáo với một số nội dung tương tự và việc tuyển dụng sinh viên đào tạo theo địa chỉ ở lại làm giảng viên của Khoa này.
Vì một số vấn đề chưa được làm sáng rõ, nên đến ngày 4/7/2012, ông Hoàng Ngọc Thuyết đã có “Đơn giải trình” về “Báo cáo kết quả giải quyết đơn tố cáo” của Trường ĐHSPHN. Trong “Đơn giải trình” của mình, ông Thuyết cho rằng nội dung thứ ba của đơn về việc “điều động nhân sự về tổ không đúng, bố trí tổ trưởng không đúng chuyên môn, tuyển thêm giảng viên không đúng đối tượng được phép”,... Trong nội dung này ông Thuyết xin đính chính như sau: “Tổ chúng tôi đã họp và đề nghị không tiếp nhận chị Huyền, vì chị Huyền tốt nghiệp đại học theo hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng” nay sửa thành: “Khi họp tổ bộ môn, tôi đã đề nghị không tiếp nhận chị Huyền về bộ môn, vì chị Huyền tốt nghiệp đại học đào tạo theo địa chỉ sử dung”.
Sau đấy ngày 17/7/2012, Trường ĐHSPHN đã có “Báo cáo kết quả giải quyết đơn tố cáo” của hai ông kính gửi lên Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 39/BC-ĐHSPHN do bà TS Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng ký. Trong “Báo cáo” ghi rõ nội dung trả lời đơn từng người về những vấn đề cụ thể mà hai ông đã nêu trong đơn của mình.
Ông Thuyết cho rằng việc Khoa SPKT và Trường ĐHSPHN tuyển dụng giảng viên Nguyễn Thị Thanh Huyền về tổ Điện tử là sai đối tượng, vì chị Huyền thuộc hệ đào tạo theo địa chỉ. Nhưng đến nay vụ việc không những không được giải quyết thỏa đáng theo yêu cầu của dư luận, mà đang có nguy cơ rơi vào quên lãng, vì nghi có dấu hiệu bao che lẫn nhau. Mới đây ngày 8/1/2013, ông Thuyết lại có “Đơn trình báo” gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét làm rõ việc ông Nguyễn Viết Thịnh (nguyên Hiệu trưởng ĐHSPHN) và ông Nguyễn Văn Minh (hiện là Hiệu trưởng ĐHSPHN) “đã cố ý tuyển dụng giảng viên là người không thuộc diện cho phép và có phẩm chất đạo đức không tốt”. Như vậy là “vi phạm Điều 54- Luật Giáo dục Đại học”.
Sau khi đọc kỹ các văn bản liên quan đến vụ việc, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo luật định nhằm giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, cũng chính là góp phần vào việc phòng chống và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham những, lãng phí theo “Luật Phòng chống tham nhũng” (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIII, 10-11/2012.
Căn cứ vào Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT- BGDĐT- BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT, ký ngày 07/4/2008 giữa các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động- Thương binh và Xã hội; Tài Chính; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc về việc “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP, ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyền vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”. Tại mục III, khoản b của Nghị định nêu rõ: “Chậm nhất là sau một tháng kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp, người học theo chế độ cử tuyển phải có mặt tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi đã cử đi học) để báo cáo kết quả khóa học. Căn cứ danh sách người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phân công công tác cho người tốt nghiệp về các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước”
Như vậy đối với trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Huyền được Khoa SPKT và Trường ĐHSPHN tuyển dụng làm giảng viên tại tổ Điện tử có một số vấn đề đặt ra là:
Một, chị Huyền chỉ có thể được tuyển dụng khi đã về địa phương, nơi cử đi học bố trí công tác, rồi sau đó Khoa SPKT và Trường ĐHSPHN mới được quyền xin được điều chuyển cán bộ từ tỉnh lên Trường. Còn nếu tuyển thẳng từ sau khi tốt nghiệp như trường hợp chị Huyền là trái với quy định tại Nghị định này.
Hai, nếu địa phương, nơi cử chị Huyền đi học chấp nhận bồi hoàn kinh phí đào tạo cử tuyển và chị Huyền đã hoàn thành vịệc bồi hoàn, có chứng từ hóa đơn thu tiền hợp pháp, thì Khoa SPKT và Trường ĐHSPHN cũng chỉ có thể tuyển dụng sau khi có văn bản chính thức của Chủ tịch tỉnh công nhận chị Huyền đã hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn tiền ngân sách của địa phương.
Ba, việc tuyển dụng học sinh thuộc diện cử tuyển, như chị Huyền, sẽ gây tiền lệ xấu và hậu quả nghiêm trọng, trong khi Đảng và Nhà nước ta đang khuyến khích cử thanh niên sinh viên tốt nghiệp đại học về làm Phó chủ tịch ở các xã thuộc 62 huyện nghèo, thì Khoa SPKT và Trường ĐHSPHN đã “xé rào”, lách luật để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc hệ cử tuyển ở lại làm cán bộ giảng dạy của khoa, trường trái với quy định của Nhà nước là điều không thể chấp nhận được, nhất là đối với một cơ sở giáo dục có uy tín của cả nước như Trường ĐHSPHN.
Chẳng lẽ, chỉ vì tuyển dụng một giảng viên trái với luật định, Trường ĐHSPHN vô hình chung đã dạy cho sinh viên của mình sự gian dối và “cách” phạm luật cũng như đạo đức nghề nghiệp như vậy sao?
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ và giải quyết dứt điểm ngay những vụ việc hiện đang tồn đọng tại Trường ĐHSP bấy lâu nay, mà dư luận nghi là có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng ở đây, nhằm trả lại sự trong lành vốn có của môi trường sư phạm, nơi đào tạo ra những người thầy cho tương lai của đất nước