Trang chủ » Truyện

Một ngày như mọi ngày

Trần Ngọc Tuấn
Thứ bẩy ngày 30 tháng 3 năm 2013 1:19 PM


 Trần Ngọc Tuấn
 – Chào cậu, cậu có khỏe không?

Ngày nào cũng câu hỏi ấy của ông gác cổng tòa soạn, và sau đó là câu trả lời còn cũ hơn: Cám ơn bác! Cháu khỏe. 

Ông ta làm thường trực hỏi như vậy còn có lý, còn tôi viết báo mà suốt từ khi ra trường cho tới nay vẫn chẳng có gì mới, công việc cũng vậy...

Thứ hai giao ban, phân công các đề tài, rút kinh nghiệm, nhàm tai nghe sếp nhắc: Vấn đề nhạy cảm, bám sát đường lối, vùng cấm, hiệu ứng ngược, thông tin bật tường...


Chỉ thú nhất khi ngồi tán láo với bạn bè. Cái Thảo đẩy sang phía tôi lá thư tự giới thiệu trong mục “Nối Sợi Tơ Hồng”: Nữ–20 mùa ngắm trăng tròn qua cửa sổ hình vuông. Hiện là sinh viên năm thứ hai Học Viện Quân Y, thích nhặt hoa rụng và nhìn mặt trời vào lúc giữa trưa, hình thức dưới trung bình, muốn tìm bạn trai hơn tuổi. (cầm tinh con lợn, hay con chó thì càng tốt) phải là nhà con một, đẹp trai, có hộ khẩu Hà Nội, nghề nghiệp vững vàng thu nhập cao, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ dẫn tới hôn nhân.

Tôi bảo với cái Thảo: Chắc cô bé này nó gửi bài sang mục “Cười Một Tí Cho Vui” chứ không phải vào chỗ bà phụ trách đâu. Cái Thảo nói: Nó gửi sang chỗ tôi mà. Tôi bảo: Hâm thật rồi, không phải chuyện đùa nữa.

Thằng Luân phụ trách mảng Văn Hóa Xã Hội lên tiếng: Tất cả đều hâm, hâm là triệu chứng ban đầu của bệnh điên, mọi người sẽ điên, nhà nhà đều điên và dẫn tới hệ quả tất yếu Nhà nước và nhân dân cùng điên.

– Mày nói như thằng phản động – thằng Kiên quăng ra một câu trong khi vẫn đang chúi mắt vào quyển “Hoạn Quan Qua Các Triều Đại Phong Kiến Việt Nam”...

– Sếp thò đầu vào: Các cô các cậu làm gì mà ồn thế? 

– Dạ! Tụi em đang bàn về sự xung đột tại Trung Đông. Tôi trả lời còn nhanh hơn cả thằng móc túi ở chợ Đồng Xuân.

– Được đấy, vấn đề nóng, cái chính là nên viết thế nào.

Nên viết thế nào? Tôi vẫn luôn tự hỏi mình như vậy, từ khi làm báo tôi vẫn chưa viết được một truyện ngắn nào ra hồn, có lẽ, do phụ trách Mục Văn Học Nghệ Thuật, đọc nhiều bài quá nên bị loạn chữ, đánh mất cả ý tưởng riêng, ngoài ra còn bị ngoại cảnh chi phối cộng với một sức ép vô hình. Tôi viết rất bản năng, không bao giờ muốn giống ai, nói gọn lại: Tôi thích hát đơn ca, hát đồng ca thì làm sao có căn cước riêng? Ngay cả cách chọn bài cũng vậy, xin đơn cử một ví dụ khi tôi dùng thủ pháp qua mắt sếp để đăng bài thơ của thi sỹ Lội Ngược, bài thơ như thế này:
Đêm lộn ngược tiếng Cú Mèo tanh tưởi
Bầy lợn Mường Khương hết làm lợn ỷ
Béo nứt da, típ mắt lên xe…
Hôm qua, Vâng! 
Ngày hôm qua em có biết không?
Thằng em ruột lừa anh lấy xe máy bán đi lấy tiền du hý
Tối – chán đời anh đi phá trinh 
Phải bán chiếc nhẫn mẹ cho làm vốn
Gặp em gái thằng bạn nhà văn đi làm điếm
Nó khóc, anh còn khóc to hơn
Cũng vì vậy cho nên vẫn còn trai trinh
Anh cho nó hết số tiền khuyên nó về quê nuôi gà mà sống
Nó bảo: H5N1 đang hoành hành
Và xin anh đừng kể cho anh nó biết
Thôi kể làm gì em ơi!
Chúng mình sinh ra giữa thời lộn mửa
Chỉ có em thôi thiên thần trinh trắng
Tảo tần nuôi thơ anh giữ vẹn lòng trinh
Anh sẽ trở về với nguyên thủy tình yêu
Không có cộng, trừ, nhân, chia trong đó
Về với củ sắn, củ khoai mẹ vùi trong lửa
Trong tiếng ru À ơi! Lấm tro bếp nhà mình… 

Sau vụ ấy sếp xạc tôi, vừa nói vừa nhăn nhó: Cậu thương tôi với, tôi cũng thừa khả năng để cảm thụ một phương thức biểu cảm rất mới, sâu sắc, đa tầng đa nghĩa của bài thơ. Tôi chúa ghét các cuộc bàn cãi thơ phải có vần. Thơ có vần, nhưng thiếu ý tưởng thuộc thơ cổ động, thơ tả cảnh, thơ báo tường, thơ bình dân, thơ dễ dãi chẳng khác gì con điếm. Mà khổ nỗi cái lũ “thợ thơ” ấy cứ hoang tưởng mình là thi sĩ. Thi đàn nước ta nhan nhản các loại thơ như vậy. Nhưng mà cậu biết đấy, tôi chưa phải là Thái Thượng Hoàng...

Tất nhiên là tôi thương sếp rồi, cũng học hành tới nơi tới chổ, không phải chuyên tu hàm thụ, cũng rất nghệ sỹ khi chưa làm sếp. Tôi còn nhớ lúc ngồi bia rượu với nhau sếp bảo: Tôi đố các ông bài ca dao hiện đại nào ca ngợi tình yêu nhân bản nhất? Cả bọn mang tiếng là dân học văn nghĩ nát óc cũng không ra, kể cả cái Thảo vốn được mệnh danh “Từ Điển Sống Biết Ăn” cũng chịu...

...Nếu vậy, tôi đọc cho mọi người nghe nhé: 

Trên đời em chẳng yêu ai
Yêu anh Bộ Đội có hai quả mìn
Ở giữa có cái đèn pin
Xung quanh là những giây mìn đen đen.

Mọi người thấy chưa? Tình yêu này mang tính giai cấp không đi chệch đường lối của Đảng: Ưu tiên cho lực lượng quốc phòng. Mà cô gái ấy mạnh dạn hơn cả nữ sỹ Hồ Xuân Hương khi chỉ cần cái đèn pin đó là vật mang lại hạnh phúc lứa đôi, cô không thèm tiền bạc, phú quý, chức quyền, hơn nữa cô còn là một nhà mỹ học vĩ đại, biến vật phồn thực thành nghĩa bóng, mìn và đèn pin, hai thứ dụng cụ tối cần thiết trong hoạt động quân sự...

...Một người như vậy thì tôi phải thương chứ biết làm thế nào?


Sáng – 7 giờ chui ra khỏi nhà, còn 2 tiếng nữa mới tới tòa soạn, đi đâu bây giờ? Thành phố thì rộng, người thì đông, nhưng đi và tìm người nói chuyện để cùng hiểu nhau còn khó hơn lên mặt trăng, đến mãi một chỗ cũng ngại, nhưng thôi...

Bác Mùi, cựu giảng viên Trường Đại Học Nông Nghiệp Chuyên Khoa Thú Y. Về hưu, bác làm nghề xem tướng. Tôi nói: Bác phải viết văn mới đúng:

– Cậu căn cứ vào đâu mà nói vậy?

– Vào các nhận xét của bác với nhân tình thế thái. Bác giải phẩu tâm lý con người rất sâu sắc...

– Có gì đâu, thực ra, tôi chỉ căn cứ vào súc vật rồi liên hệ tới con người, nhiều điểm tương đồng lắm. Con người bây giờ chất Con nhiều hơn chất Người.

– Thế còn cháu? Tôi hỏi – phần nào nhiều.

– Cậu cân đối cả hai, thế là may đấy, chất Người nhiều thì khổ chất Con nhiều thì khốn nạn, nhưng sướng vì được làm quan, tuy đó là điều nghịch lý nhưng hợp với logic thời thượng ở nước ta.

–Tháng tới, về quê thôi. Bác Mùi nói. Quê tôi bây giờ đã đạt được tiêu chuẩn thành phố cấp Trung Ương, này nhé: Có bia ôm, có đĩ điếm, nghiện hút, nói chung đủ cả, chỉ thiếu nhà cao tầng.

... Còn 45 phút nữa mới phải tới tòa soạn. Ngày nào cũng như ngày nào, một chu trình khép kín, một cái vòng kim cô hiện đại. Tất cả đều vậy, cứ như sống trên sân khấu mang bộ mặt vô cảm của kịch Nô Nhật Bản.

Thôi! Tới quán cà phê Nghệ Sỹ...

***

Quán nằm trên con phố mà lúc trước có tên: Xóm Cô Đầu ...

Tóc tai bù xù, ăn mặc nhếch nhác, kính cận, hoặc không kính, nói như nhà truyền giáo, ngoài ra còn phải lười tắm nữa, những tiêu chí ấy được coi là nghệ sỹ, không hiểu ở các quốc gia khác có thế không?

Tôi tới đây chỉ cốt để nghe, mà có muốn nói cũng chẳng được, nơi này ai cũng cho mình đã thành thiên tài. Loại chim mới ra ràng như tôi thì nên gật gù tán thưởng các bậc “cây đa cây đề” trong làng nghệ thuật. Tôi nghiệm thấy, cứ hai nhà văn ngồi với nhau thì y như rằng họ lôi một nhà văn thứ ba vắng mặt ra “làm thịt”. Nếu một ông đi khỏi và người bị “làm thịt” xuất hiện, ông ta lại cùng với kẻ vừa làm thịt mình ném người không còn ở đấy vào cái nồi “Phê Bình Văn Học” để “luộc”.

Chỉ căn cứ vào lời nói tại quán Nghệ Sỹ thì dù bi quan tới đâu, bạn đọc sẽ vững tin nền văn học nước nhà và các tác phẩm trong tương lai sẽ ngạo nghễ vượt biên giới đi khắp năm châu bốn biển. Nhà phê bình Ba Phải nói với nhà thơ Minh Họa: Ông đừng tin cái nghị định giành cho giới văn nghệ sỹ vừa ban hành. Tin là phải nạo thai đấy, một nghị định hết sức Sở Khanh.

– Thế thì tin vào cái gì? Nhà thơ hỏi. Nhà phê bình trả lời: Tin vào Con Chim của ông ấy, chỉ có nó là thật nhất.
Sếp vẫn thường bảo tôi: Phải tốc ngược lên mà chửi trí thức, chửi cái giới văn nghệ sỹ của mình.

Tôi lặng câm mà không dám nói, nếu vậy tôi sẽ chửi tôi, chửi sếp, tất nhiên là chửi bằng ngôn ngữ văn học với nhiều ẩn dụ, chứ không theo kiểu hàng tôm hàng cá như các bài xã luận của báo bạn...

Vào quán Càphê Internet mở Email, thư Hiền (người yêu của tôi). "...Ba anh có quyền như vậy mà không can thiệp xin cho em về Hà Nội để gần anh. Ông ấy chẳng thức thời tí nào, đành phải chia tay với anh thôi, vĩnh biệt..."

Tôi như bị đấm vào ngực, nhưng không sao, lại có cảm xúc để làm thơ, thất tình làm thơ mới hay, tôi mang cách nghĩ của AQ để an ủi mình... 

– Chào cậu, cậu có khỏe không?

Vẫn điệp khúc của ông thường trực tòa soạn. Tôi muốn nói với ông rằng: Ông hỏi câu khác đi, đừng bắt tôi phải trả lời một câu cũ rích, cũng như cuộc sống đừng bắt tôi một ngày như mọi ngày. Mà đúng ra thì ở cái xã hội mà tôi và ông đang tồn tại, thể lực làm sao có sức mạnh bằng thế lực.

Thay vì câu hỏi: Cậu có khỏe không? Ông nên hỏi: Thế lực của cậu có mạnh không?