Trang chủ » Truyện

Chỉ là chuyện con sáo

Nhật Thành
Chủ nhật ngày 20 tháng 1 năm 2013 9:55 PM
.
- Cả ngày nay, ông ấy và tôi lại giận nhau, chẳng ai nói với ai câu nào.
     - Lại chấp nhau câu nói chứ gì? – Tôi đọc tẩy ngay - Về hưu  rảnh rỗi rồi cứ kiếm chuyện thế, chứ còn đi làm như tụi em, trưa về lo nấu nướng, dọn dẹp, ăn cơm còn chẳng kịp nhìn nhau, thời gian đâu mà giận nhau nữa.
    Im lặng một lúc, bà thở dài, hai chị em rảo bộ trên bờ hồ Thung Mây.
    Gió thổi lồng lộng. Lá xà cừ rơi lả tả xuống con đường chạy quanh bờ hồ. Chân bước lạo xạo trên đám lá vàng, tôi tận hưởng cảm giác khoan khoái vì không khí trong lành của hồ Thung Mây vào lúc trời mờ sáng. Thế nên, những lời của bà Huệ tôi cũng không để tâm lắm. Bỗng bà quay sang:
- Lần này chỉ vì một con sáo thôi, có gì to tát đâu, thế mà ông ấy vùng vằng và bảo:
“ Tôi không thể sống tiếp với bà được nữa, chúng ta không hợp nhau!”
Tôi bật cười:
- Tóc cả hai đã bạc rồi, răng cũng cái long cái rụng rồi, coi như là cũng  thực hiện được lời hứa: “ sống với nhau đến đầu bạc răng long”, thế mà vẫn không hợp nhau được sao? Thế chuyện con sáo như thế nào?
Bà  vừa đi vừa thủ thỉ kể:
-  Con sáo ông ấy nuôi từ khi còn chưa ra hết lông cánh. Khỏi phải nói, ông ấy quí nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời: cưng nựng, chăm chút, chiều chuộng …như người mẹ hiếm muộn chiều đứa con cầu tự. Thế mà hôm trước, có con sáo đen bỗng nhiên xuất hiện. Nó đứng trên bờ rào, nghển cỏ hót. Con bên ngoài gọi mời tha thiết với những âm thanh trong trẻo quyến rũ, nồng nàn. Con trong lồng cất lên những tiếng khát khao, nôn nao, cháy bỏng. Thế rồi, chẳng hiểu bằng cách nào, nó lấy mỏ hích được cái cửa lên, vụt một cái bay ra ngoài . Vừa lúc ông ấy đi nhận lương hưu về.Không kịp nữa rồi!  Ông ấy ngẩn ngơ nhìn hai con chim bay xa dần. Chiếc ví tuột khỏi tay, tiền lương rơi lả tả…
- Con sáo bay đi, ông ấy buồn đến mức không thiết ăn uống gì. Sáng ra cứ ngồi chống cằm nhìn về phía đồi keo xanh thẳm xa xa. Chiếc lồng trống không, hai cái lọ đựng nước và thức ăn cho nó vần để nguyên thế, ông ấy cũng không nỡ cất đi. Ra vào thở ngắn, than dài “ Con sáo nó khôn thế, đã bắt đầu biết nói tiếng người, hôm trước có người  gạ mua hai triệu mà không bán, thế mà...”
- Tôi thì tôi vui vì nó được tự do, nó được bay lượn thoả thích giữa bấu trời, nó liều thoát ra vì tiếng hót mê say của con chim ngoài kia. Chắc hai chúng nó giờ đang hạnh phúc vì đã trọn vẹn có nhau!
 - Bà im đi! – Ông ấy bỗng nổi khùng - Tự do với chả hạnh phúc,tình yêu,  toàn những thứ phù phiếm.
- Đó mới là đích thực cuộc sống đấy ông ạ. Ông tưởng với những túi cám ngon lành của ông và cái lồng son nhỏ bế ấy mà giữ chân được nó chắc?
- Bà đừng bóng gió! Thực tế ở đời này, những kẻ thực dụng mới sung sướng, giàu có đấy bà ạ.
 - Ừ, giàu thì có giàu nhưng chả sang, sướng thì có sướng nhưng vinh quang nỗi gi?
- Thế ba đồng lương hưu chia bữa như bà thì vinh quang hay sang trọng?
- Thì thanh thản, thế thôi.
- Nói chuyện với bà tức như bò đá!
 Ông ấy hằm hằm, đá văng cái lồng chim ra sân. Thế là giận nhau.
- Nhưng hôm qua tôi nghe bác trai khoe con sáo nó về rồi, giận gì nữa? – Tôi đã bắt đầu thấy hứng thú nghe chuyện.
- Ấy, nó về nên lại sinh chuyện tiếp. Nó đi hai ngày, hai đêm. Sáng ngày thứ ba thì thấy bay về. Đói, gầy, thiểu não và xơ xác! Ông ấy vừa mừng, vừa xót xa, ôm lấy nó, cưng nựng, khen nó là kẻ trung thành, không nỡ xa chủ. Thời nay mấy ai được thế!
 Đang chưa hết bực, tôi gây chiến:
- Trung thành gì, chẳng qua đi chỗ khác không kiếm nổi miếng ăn nên mới quay về. Nhìn cái bộ đói khát ấy thì biết! Loại quen sống trong nhung lụa, quen được ăn mà chẳng phải làm, giờ có khao khát tự do cũng đành bó tay vì ra đời không tự kiếm sống nổi!
  Ông ấy cho chim vào lồng, bỏ thức ăn, nước uống cho nó. Nó ăn lấy, ăn để rồi uống nước thoả thuê, dùng mỏ vung vẩy nước xem chừng thích thú lắm. Một lát sau, chú chàng nghển cổ hót véo von. Quay lại tôi, ông ấy thủng thẳng:
- Sinh ra chim thì để hót. Hót cho vui. Con người sống thì lao động, con chim sống thì dâng tiếng hót. Nếu thế, nó cũng thua kém gì những con chim ngoài kia?
- Nó không thua, nhưng mục đích hót của chúng nó hoàn toàn khác nhau.
-  Bà bảo khác là khác thế nào?- Ông ấy lại bắt đầu xẵng giọng.
- Khác chứ. Những con chim ngoài kia tự kiếm ăn bằng nỗ lực của chúng. Tiếng hót của chúng làm vui cho muôn người. Vì không phải hót để kiếm ăn, nên những tiếng hót ấy vô tư, trong sáng. Còn nó, nó hót làm vui cho ông, để trả ơn ông cho nó ăn uống. Suy cho cùng, nó hót chỉ để đảm bảo quyền lợi cho nó mà thôi.
- Thật tôi không thể sống nổi với bà nữa, chúng ta không hợp nhau, chia tay đi! – Ông ấy đỏ bừng mặt, hét lên.
  Đấy, ai mà sống nổi với một kẻ như thế?
    Tôi rất hiểu hai vợ chồng bà Huệ. Bà là nhà giáo về hưu sau ba mươi lăm năm cống hiến với bao bằng khen, giấy khen.  Ông từng là một cán bộ “ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, bàng quan với mọi sự ở cơ quan, thế mà lương vẫn “đến hẹn lại lên”. Về hưu, ông giữ khư khư tiền lương tiêu riêng. Còn bà Huệ dành dụm, chắt chiu chi tiêu cả nhà và trả nợ tiền vay vốn sinh viên cho hai đứa con. Hàng xóm bảo vì họ “ khắc khẩu” nên hay cãi nhau. Tôi thì  nghĩ không phải họ “khắc khẩu” mà là “khắc tâm”. Biết thế, nhưng tôi phải đóng vai người hoà giải. Tôi cùng bà ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc xà cừ cổ thụ, nhìn ra xa, nơi sóng hồ gợn nhẹ phản chiều nền trời hồng buổi sớm, tôi nhỏ nhẹ:
 - Bác này, về hưu rồi, yên phận tuổi già, đừng trăn trở gì trước cuộc đời này cho thêm khổ. Cả rừng cây có bao nhiêu loài, thấp hay cao đều hướng về ánh sáng vì lẽ sinh tồn. Cây cao, bóng cả, mọi người ngưỡng mộ; cây thấp tè hay dây bò trên mặt đất chỉ làm sao cố sống cho hết cuộc đời . Không mấy ai biết nó và nó cũng chẳng nhìn thấy ai. Thế thôi. Về làm lành với bác trai đi nhé.
- Vâng, tôi sẽ cố. -  Bà Huệ cúi đầu, thở dài
                                                                
                                                              Tháng 4 năm 2012.
                                                                             NT