Trang chủ » Truyện

Nốt lặng cuộc đời

Nhật Thành
Thứ sáu ngày 25 tháng 1 năm 2013 3:58 PM

(Truyện ngắn)
 Tú thẫn thờ trước mảnh vườn nhỏ. Đã cuối tháng mười một âm lịch rồi.Mọi năm, vào chừng này, mảnh vườn của mẹ con Tú đã thu được khối tiền: rau cải, rau cúc lúc nào cũng xanh mướt, mỡ màng; luống đậu leo trĩu quả, cứ hôm nay hái thì ngày mai đã lúc lỉu  từng chùm căng mọng, tưởng như chúng đã uống những hạt sương đêm mà lớn lên, mà dài ra để niềm vui trong Tú cũng được lớn dần trong những ngày chờ Tết đến. Thế mà năm nay, cải mới chỉ là những cái chấm xanh tròn rải đều trên nền đất tơi xốp,  chờ khi cái cọng trắng run rẩy, mềm oặt kia trở thành gốc để nuôi những bẹ lá xanh nõn nà thì chắc qua Tết mất rồi! Tú lấy cái que nhỏ, xới nhẹ, hạt đậu giống gieo cả tuần, hôm nay mới bắt đầu nứt mống.Lạnh quá, chắc mầm đậu cũng ái ngại khi nghĩ đến việc phải bật lên khỏi mặt đất. Tú khẽ thở dài.
  Bầu trời mùa đông xám xịt, nặng nề. Những cơn gió cứ dật dờ trước ngõ.
  Múc chậu nước nhỏ tưới cho bụi hoa bỏng, thứ hoa nở rực đỏ vào mỗi dịp xuân về và mãi cuối tháng giêng vẫn còn ngời sắc thắm, Tú thủ thỉ: 
- Sao em vẫn còn khô đét thế này? Em lạnh quá, đúng không? Năm nay ông trời không ủng hộ chị. Mùa trồng rau, ông ấy giận dữ trút xuống bao nhiêu là nước. Vườn ngập úng cả. Chờ vừa khô, mẹ chị mua hết hai mươi nghìn tiền giống, rau được hai lá thì ông lại làm cho tơi tả, bầm dập. Mẹ tiếc, mẹ bực mình, mẹ giận lây sang chị (vì ngoài chị ra, mẹ còn biết giận ai?), rồi mẹ lại khóc. Hai chục nghìn, chỉ một bữa ăn sáng của bạn chị thôi, nhưng mẹ góp cả tuần đấy. Nhưng cái chính là mẹ nóng ruột vì vườn chưa có rau. Chưa có rau thì đừng mong đến Tết. Không mong nhưng ông mặt trời cứ chạy. Ông chạy từ đông sang tây thì lịch phải bóc một tờ. Lịch mỏng dần mà vườn rau thì vẫn trắng, chị chưa được đi chợ buổi nào. Mẹ chị mỗi lần mua rau về lại xuýt xoa: “ Năm nghìn một mớ rau cải, kiểu này thì chỉ đến nước ăn muối”. Hai mẹ con một bó rau, thêm nước vào, chia đôi để ăn đủ trong ngày. Chưa có rau, nghĩa là chị không hi vọng có đồ mới mặc Tết. Không có rau, nghĩa là mẹ chị sẽ không về quê để thắp hương cho bố. Em thấy đấy, mọi năm đến cữ này, hai mẹ con chị buổi chiều nhổ rau, cắt tỉa là già, lá sâu để lại ( mẹ bảo hai mẹ con chịu khó ăn những lá xâu xấu, còn  lá đẹp bán cho đắt hàng.)rồi mẹ chở chị lên chợ chiều để bán, mẹ quày quả trở về đi lấy mùn cưa, hay đi cắt chuối cho gà, cho con lợn nái ...Lúc nào mẹ cũng bận, lúc nào cũng tất tả. Cái cổ của mẹ cứ gầy ngẳng đi, ba cái hố nơi cổ ngày càng sâu thêm. Chị thương mẹ lắm, nhưng biết làm sao?
     Mùa động lạnh lắm, em nhỉ? Lạnh đến nỗi lá  của em cũng sắt lại đây này! Em cũng ghét mùa đông như chị, đúng không? Chị ghét mùa đông lắm! Bởi mùa đông làm chị trở nên lẻ loi khi đến lớp. Lũ bạn thi nhau khoe áo phao hàng hiệu, áo len “độc” nhất, chưa đụng hàng, khoe chiếc quần bò mốt nhất năm nay, mặc vào cặp đùi cứ thẳng tưng...Còn chị, một tấm áo phao bạc thếch, đi nghe sột soạt như người ta mặc áo ni lông. Cái quần vải thô rộng không che nổi đôi chân vòng kiềng, nhỏ tong teo. Một lần cả lớp bị cô  chủ nhiệm phạt vì ồn trong giờ thể dục. Mọi người bị phạt thì cười như nắc nẻ, còn chị không bị phạt lại khóc. Khóc tức tưởi. Khóc ấm ức. Nước mắt  chảy hoài mà cổ cứ nghẹn ứ lại. Tủi thân lắm em ạ. Có đứa bạn “trời đánh” nào đó dán ngay một tờ giấy trên lưng chị: “ Hàng độc, yên tâm không có cái thứ hai”. Mỗi lần chị làm động tác thể dục, cái mảnh giấy lại phơ phất, thế là chúng nó cười. Chị quay lại, chúng lại cười to hơn. Cô giáo của chị nghiêm lắm.Và nói nhỏ với em nhé, cô cũng ngoa nữa. Cô nói gay gắt: “ Trường học là nơi đến để học tập, rèn luyện, không phải chỗ cho các anh chị đến trình diễn thời trang, không phải là nơi để khoe mẽ, để phô diễn sự giàu sang. Đừng dùng cái thừa mứa vật chất của mình mà dẫm đạp lên sự nghèo khó của người khác...”Cô nói nhiều lắm, cả lớp im phăng phắc. Rồi cô xuống chỗ chị ngồi, cầm bàn tay gầy đét như que củi của chị, dịu  dàng: “ Em nín đi, nghèo kiến thức, nghèo hiểu biết, nghèo tâm hồn mới đáng sợ, em ạ.”.  Chị ghét mùa đông, vì đêm đông lạnh lắm, hai mẹ con ôm nhau, quấn chặt chiếc chăn chiên, trùm kín đầu mà gió vẫn chui qua khe cửa sổ, qua lỗ thủng trên mái ngói để vào tận giường nằm. Mẹ cứ húng hắng ho, các cơn ho ngày càng dày thêm. Bác hàng xóm , một người thích đùa, cứ trêu mẹ: “ Nhà cô không cần nuôi chó.”
      Chị ghét mùa đông, vì mùa đông có ngày Nhà Giáo Việt Nam. Bạn chị suốt ngày bàn tán chuyện quà cáp tặng thầy cô giáo, chuyện sẽ góp tiền đi chơi đồi sim, đi thác bản Bìa... Ngày 20/11, sau khi dự lễ mít tinh, chị thui thủi về nhà một mình. Có đứa bạn cùng bàn gọi: “ Tú, đi với bọn mình cho vui.”  Mấy đứa kia nhao nhao: “ Nó có góp tiền đâu!” “Có dăm chục mà cũng tiếc.” “ Thôi, để nó về tranh thủ hái rau đi chợ.” “Đồ kẹt xỉn.” “ Cậu đừng nói thế, nhà nó nghèo, tội lắm.” Lời nói đuổi theo đôi  chân khuyềnh khuyềnh vòng kiềng đang bước thật nhanh như trốn chạy. Chị muốn đến nhà cô giáo, chị muốn tâm sự thật nhiều với cô, nhưng chị cũng chưa biết nhà của cô, em đừng trách chị , vì chị không có tiền học thêm ở nhà cô như các bạn. Và dù cô rất nhẹ nhàng, không trách mắng chị bao giờ, chị vẫn ngại vô cùng. Chị chỉ biết ơn cô bằng cách cố gắng thật ngoan, học thật chăm mà thôi.
   Chị ghét mùa đông, vì mùa đông có ngày lễ Giáng Sinh. Mấy năm nay, tự nhiên ông già Nô-en lại đến từng trường học để phát quà. Từ trong chiếc xe con sang trọng , ông bước ra. Bóng áo đỏ đến từng lớp, học sinh không cần ngoan, không cần giỏi, đứa nào nhà giàu thì ông tặng quà to, đắt tiền; đứa nào nhà bình thường thì có quà nhỏ hơn, ít tiền hơn. Nghèo như nhà chị, ông không đoái hoài đến, mặc dù chị là học sinh ngoan đấy, chị học cũng không đến nỗi nào đâu. Ông già Nô- en cũng thiên vị quá, em nhỉ?
 Gió vẫn vi vu thổi, đám lá khô vườn nhà bên rơi lả tả xuống mấy luống rau mới chỉ là  những chấm xanh nhỏ li ti. Mấy giọt nước còn đọng lại trên những chiếc lá se sắt. 
  Có tiếng lạch xạch sau lưng. Mẹ đã về. Một bì mùn cưa lớn tướng sau xe. Mẹ vừa giữ, vừa dắt xe, chệnh choạng. Tú chạy đến, phụ mẹ đẩy xe vào sân.
 - Hôm nay mẹ lấy được nhiều thế?
- Ừ, giữ để mẹ tháo dây. Gặp bữa người ta xẻ gỗ trai, loại này đun cháy đượm lắm, mẹ gắng thêm chút. Thế mà cơ cực trầy trật mãi, cứ trúc lên trúc xuống mấy lần mới về đến nhà.
 Bất ngờ, dây dun bật mạnh, nhằm ngay mắt mẹ. Mẹ thả xe, ôm mặt. Tú cuống cuồng níu xe lại, nhưng cái thân hình khẳng khiu của Tú đã bị xe kéo ngã, nằm đè lên cái bì lớn tướng. Tú hốt hoảng, lồm cồm bò dậy, chạy đến bên mẹ:
 - Mẹ có sao không? Mẹ đau lắm không?
 Vẫn ôm mặt, mẹ hỏi:
 - Xem xe có việc gì không?
 Tú nhìn, hốt hoảng:
 - Xe gãy càng rồi mẹ ạ.
Mẹ giật nẩy mình, mở tay nhìn. Chiếc xe như anh thương binh mất một cẳng, nằm sóng soài dưới sức nặng của bì mùn cưa.
- Trời ơi! Sao mày không cố mà giữ lấy hả? Lấy tiền đâu mà sửa xe giờ hả trời?
 Tú run rẩy, mặt tái đi:
- Thì con…đã cố …nhưng nặng quá…
Mẹ khóc. Nước mắt Tú cũng chảy dài xuống hai gò má đen xạm.
- Còn đứng đó làm gì? Đi nấu cơm! Mẹ hét lên.
   Tú luống cuống, rối cả hai chân, chạy vào nhen lửa.Thế là mẹ lại giận Tú rồi. Mẹ xót của, mẹ bực mình, mẹ chỉ có Tú để trút giận thôi. Vừa gỡ dây dun, lôi bì lên, mẹ vừa chửi. “Đã mười hai, mười ba tuổi rồi mà mày không chịu lớn cho tao nhờ. Con người ta thì phổng phao, cao lớn, mày thì lúc nào cũng quắt queo. Làm gì cũng không được. Mẹ mà mệnh hệ gì thì biết sống sao hả con? Sao cái số tôi nó khổ thế hả trời?”
 Tú vẫn cặm cụi vo gạo, nấu cơm.Làn khói mỏng, nhẹ tênh bay lên thinh không. Ở cái thị trấn sầm uất này, khi bếp ga, bếp điện đã trở thành đò dùng thông dụng của các gia đình, ngọn khói thổi cơm chiều của nhà Tú trở nên lẻ loi, đơn chiếc. Tú vắt nắm nhút mẹ muối trong vại ra, tao hành mỡ thơm phức rồi xào. Mùi hành mỡ bay ấm cả không gian, thơm như thể người ta nấu thịt, kém gì.
 Chờ mẹ rửa ráy xong, hai mẹ con lặng lẽ ăn cơm. Mắt mẹ đỏ hoe. Phần vì khóc, phần vì bị đau.
 - Con lấy dầu xoa cho mẹ nhé?
- Kệ mẹ, rửa bát đi rồi mà học bài.
 
   Đêm lặng lẽ. Không gió. Không mưa. Sao vẫn lạnh quá chừng! Thảo nằm mãi mà không sao ngủ được. Những cơn ho lại kéo đến. Chị ngối dậy, bó gối nhìn con. Tội nghiệp con bé. Chẳng biết kiếp trước nó có mắc lỗi gì  mà kiếp này trời bắt nó đầu thai vào chị. Đời chị khổ, kéo theo đời con khổ.
  Mười ba năm trước, Thảo mười tám tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái. Cánh chim mơ ước thả vào bầu trời rộng mở, mặc sức tung bay. Nhưng điểm đỗ cánh đầu tiên là giảng đường đại học.Thảo mơ về nó hằng đêm sau những giờ ôn thi miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn. Thảo gặp anh trong những ngày giáp Tết.Anh tham gia kéo đường dây điện. Khi mọi người về ăn tết, anh ở lại trực kho. Kho vật liệu ở ngay vườn nhà Thảo( bố cho họ thuê dựng tạm). Thỉnh thoảng anh sang xin nước, nhờ tắm giặt. Mẹ bảo:
  - Cháu cứ thoải mái đi, nước nôi ở đây không mất tiền đâu, đừng ngại.
Anh chỉ cười, nói “cảm ơn bác” rất nhỏ rồi lụi cụi đi về kho.  Ngồi trong bàn học nhìn qua cửa sổ, Thảo vẫn kịp quan sát một vóc dáng khoẻ mạnh, đôi mắt ngời sáng và một mái tóc hất ngược để lộ vầng trán vuông, đen cháy.Anh  chẳng biết rằng, có một đôi mắt nai đang nhìn  với sự tò mò thơ trẻ: “ Tết sao không về với gia đình, với bố mẹ, ở trực chi cho buồn thế không biết?” Đêm,Thảo là người cuối cùng trong nhà tắt đèn đi ngủ thì bên nhà kho, ngọn đền dầu vẫn hắt những tia sáng vàng ệch ra vườn. “ Chắc anh ta không dám tắt đèn vì sợ.” Thảo nghĩ và cười thầm một mình khi đã trùm chăn lút đầu, chuẩn bị bay vào giấc mơ hoa.
  Hai chín Tết, nồi bánh chưng thơm phưng phức. Mùi bánh chưng quyện trong làn mưa bụi bay bay làm người ta cảm nhận rõ ràng hơn hương vị Tết. Lòng con trẻ nôn nao, lòng người già lắng lại. Có một cái gì đó thiêng liêng lắm, ấm áp lắm, hạnh phúc lắm đang trỗi dậy trong lòng ta. Mẹ bảo:
 - Con đem sang cho cậu ấy cặp bánh chưng. Tội nghiệp, tết lại xa nhà.
  Thảo giãy nảy:
 - Thôi, mẹ mang đi. Con ngại.
- Ngại gì? Người ta cắn mày chắc? Thôi, đi đi con. Mẹ bảo cậu ta sang ăn tết với nhà mình mà cậu ta một hai không chịu.
 Thảo đi. Mang sang cả sự tò mò về con người lặng lẽ ấy.
 Bề bộn dây điện, ống thuỷ tinh, cột xi măng, sắt thép…Phần không gian của anh rất nhỏ, chỉ đủ kê chiếc giường một và cái bàn con. Anh ngồi quay lưng ra, bên cạnh chiếc bàn, hí hoáy viết. Thảo đứng lặng quan sát: phía dưới bàn là một hộp đựng toàn sách. Anh ấy học? Thảo rón rén lại gần. Đồ thị. Phương trình. “ Trời! Anh ấy đang ôn thi”. Hình như cảm giác có người phía sau, anh quay lại. Giật thót người, bối rối:
 - Cô… em vào đây làm gì?
  Thảo cười hồn nhiên:
 - Vào bắt quả tang có kẻ đang ôn thi! Đây, mẹ bảo cho anh cặp bánh chưng.
 Đôi tay như thừa thãi, chẳng biết bỏ vào đâu, đành đan lấy nhau mà xoắn đi xoắn lại:
- Chết! Phiền hai bác quá.
Thấy cái điệu bộ vụng về ấy, Thảo mạnh bạo trêu:
- Công người đưa mới quan trọng chứ? Sao không cảm ơn ?
- Vâng, tôi cảm ơn em.
  Chừng đó thôi mà sao Thảo hay nghĩ về anh thế? “ Anh ấy là công nhân sao còn ôn thi? Cha mẹ, gia đình đâu sao tết không về? Con trai gì mà ít nói thế?” Sự tò mò của cô gái mới lớn làm Thảo không thể không sang kho của anh. “ Anh bày cho em bài này với, khó quá!” “ Câu này em chưa hiểu.” “ Giải thế này đúng rồi sao đáp số lại sai?”vv và vv. Thế rồi, không còn là cái cớ nữa. Thảo thực sự muốn sang học cùng anh ( vì anh bảo anh phải trực kho, không sang nhà Thảo được, dù bên đó chỗ học rộng rãi). Anh có cách giảng dễ hiểu, giọng trầm ấm, nhẹ nhàng. Bài nào cả hai chưa giải được, anh khoanh lại: “Để khuya anh nghĩ thêm”. Những lúc giải lao, anh đã kể Thảo nghe về mình, về gia đình. Rất chân thật. Rất cởi mở.” Nhà anh nghèo, anh là con  út nên bố mẹ đã già cả rồi. Xong lớp 12, anh vừa đi làm, vừa ôn thi. Hai năm thi vào trường Bách khoa, thiếu nửa điểm. Bạn bè khuyên nên chọn trường vừa thôi, nhưng anh không thể. Anh tin vào khả năng của mình. Anh không thể từ bỏ ước mơ trở thành một kĩ sư chế tạo máy. Năm nay chắc chắn phải đỗ. Bố mẹ ở nhà ăn tết với vợ chồng chị gái, anh xin ở lại trực. Vừa có tiền để hè đi thi, vừa yên tĩnh để học. Về nhà bọn nó cứ rủ đi chơi bạt mạng.” Thảo ướm hỏi: “ Thế không nhớ người yêu à?” Anh cười rất hiền: “ Chưa nghĩ đến, lo sự nghiệp trước đã.” Mười lăm ngày anh trực tết, mười lăm ngày Thảo có thêm một người bạn, một người anh, một người thầy để cùng ôn thi. Giấc mơ vào trường Đại học ngân hàng của Thảo đã được chắp thêm cánh. Lúc đầu, thấy Thảo hay sang kho, bố mẹ cảnh giác, lui tới kiểm tra. Nhưng khi thấy hai đứa cứ say sưa, cắm cúi vào những bài tập, bố mẹ Thảo vui lắm.
  Rắm tháng giêng, anh đã chịu sang nhà Thảo để ăn cỗ. Anh bảo: “ Ngày mai, công nhân đến, anh sẽ bàn giao lại để về nhà vài hôm.Tối nay nghỉ học em nhé.” Nghỉ học, nhưng Thảo vẫn sang. Hai đứa ngối lặng lẽ dưới ánh trăng. Thảo mơ màng nhìn vầng trăng đang chầm chậm trôi giữa đám mây bàng bạc, tự nhiên thấy lòng buồn vô cớ.        Hình như anh cũng đấy ắp nỗi niềm. Tay anh lần tìm tay Thảo. “ Cố gắng ôn tốt em nhé. Anh tin chúng ta sẽ cùng nhận được giấy báo trong năm nay.” Thảo nhìn sâu vào mắt anh. Mắt chạm mắt, trăng trong đáy mắt. Xao xuyến. Hồi hộp. Ngất ngây. Nụ hôn đầu tiên trao nhau, chỉ là sự chạm nhẹ vào bờ môi mọng ướt. Nụ hôn thứ hai, đắm say, nồng nàn, xoắn chặt không rời. “ Hãy đợi anh, nghe em.” “ Biết đâu đấy!”. “ Sống phải có niềm tin, em ạ” Giọng anh ấm thế, dịu dàng thế. Thảo lâng lâng như đang bay trong giấc mơ hoa. Cả hai vào nhà. Rụt rè, run rẩy, rạo rực. Một cơ thể non tơ, nõn nà. Một tấm thân khoẻ mạnh, chắc nịch. Nhà kho và thiên đường. Sắt thép, xi măng lạnh tanh và hơi thở nồng nàn, ấm áp. Dâng hiến đến tận cùng... “ Rằm xuân lồng lộng trăng soi...”
  Trước khi bước lên xe, anh nhìn Thảo thiết tha, âu yếm:
 - Hãy vững tin em nhé. Chúng mình sẽ cùng dắt tay nhau bước vào cổng trường đại học.
 Lời anh còn phảng phất, hơi thở anh vẫn ấm đâu đây. Thảo chạy như điên loạn, trời đất tối sầm, nghiêng ngả. “ Khiếp quá, chiếc xe lật, lăn mấy vòng khi qua khúc cua vì tăng tốc để tranh giành khách.” “ Tội nghiệp, cậu ta ở lại trực kho cả  tết, đang định về thăm nhà...”
 Tai Thảo ù đi. “Hãy vững tin...vững tin...vững tin...” Tiếng còi xe xin vượt: tin...tin...tin...
   Có một cái gì đó đang hiện hữu. Lúc đầu chỉ mơ hồ như hơi sương, như gió thoảng. Rồi ngày một rõ thêm. Hốt hoảng nhận ra một sinh linh bé bỏng đang lớn dần trong cơ thể, Thảo dấu diếm bằng cách thắt thật chặt cái bụng đang thay đổi hàng ngày. Nhưng đến tháng thứ năm thì nó đã báo được với mọi người sự tồn tại của nó. Cổng trường đại học khép lại trước mắt, cha mẹ tuyên bố từ con nếu Thảo không chịu dứt bỏ nó. Thảo chấp nhận tất cả để giữ lại giọt máu của anh.
  “ Thôi, trời không nghe đất thì đất phải nghe trời”. Bố mẹ nuốt nước mắt chăm con và đứa cháu tội nghiệp. Nó còi cọc, chân vòng kiềng do mẹ nó bó bụng chặt quá.
  Tuổi thanh xuân ngắn ngủi như một cái chớp mắt. Thảo lao vào làm ăn, buôn bán. Chẳng nghĩ được gì thêm ngoài những xe chuối xanh nặng trĩu, những xe than chất ngất và con đường vào bản gập ghềnh, lồi lõm những ổ voi. Khi anh trai lập gia đình,      Thảo đã gom góp được chút vốn kha khá, vay mượn thêm chút ít, mẹ con có hai gian nhà tập thể của một gia đình công nhân về quê nhượng lại. Mấy năm nay, Thảo bệnh, chỉ quanh quẩn nuôi con lợn, con gà và chăm mảnh vườn nhỏ nên cuộc sống hai mẹ con mới trở nên khốn đốn thế.
 
 - Tú, dậy học bài đi con, năm giờ rối đấy.
 - Dạ, con dậy ngay đây- Tú trả lời khi mắt vẫn còn nhắm tít lại.Nhưng cô bé không để mẹ thức lần hai, lồm cồm ngồi dậy rồi lại bàn học, bật đèn.
  Thảo ra chuồng lợn. Con lợn nái quay trở cả đêm, chắc hôm nay sẽ đẻ. Rơm rạ đã đầy đủ. Nhờ trời, bán lứa lợn này, Thảo sẽ sắm cái xe  đạp cho con. Tội nghiệp.chẳng bao giờ nó đòi hỏi gì.
  Trưa, vừa bước chân vào nhà, Tú nghe tiếng lợn con, cô bé mừng rơn, cất cặp chạy ra , reo lên sung sướng:
- Lợn nhà mình đẻ rồi hả mẹ? Vui quá!Thích quá!
 Bỗng Tú sững người. Mẹ đang vừa cầm bình sữa ấn vào miệng từng chú lợn con đỏ hỏn, nước mắt giàn dụa. Mười một chú lợn con mồ côi... Mẹ nó gắng đẻ xong con cuối cùng rồi nằm lịm đi, không dậy được nữa. Con lợn mạ lạnh dần, người Thảo cũng lạnh toát từ đầu đến chân. Bà hàng xóm nhanh chân gọi hàng xeo đến. Cầm một triệu đồng, đắng chát nhìn lũ lợn con, Thảo đờ người đi không còn nghĩ được gì.
 - Thôi, cứu lấy đàn con. Cô đi mua hộp sữa cho trẻ em ấy, ba trăm năm mươi ngàn, mua thêm bình sữa trẻ em, đi nhanh lên.
  Tất tả chạy. Nước mắt ngắn dài. “ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, trời đất ơi!
   Ủ rơm, đốt lửa, nhưng có hơi ấm nào thay thế được hơi ấm của mẹ? Chúng cứ run rẩy rồi lả dần đi. Sau một tuần hầu như thức trắng, đôi mắt trũng sâu của Thảo nhìn trân trân vào chuồng lợn trống không.
 Tết đến sầm sập ngoài đường, ngoài ngõ. Tú vẫn lặng lẽ đến trường. Mẹ lặng lẽ vào ra như chiếc bóng. Mấy chị hàng xóm sang nhà, động viên:
- Thôi, còn người còn của. Nhà chúng tôi có tết thì  cũng không để mẹ con cô mất tết đâu. Bánh chưng, thịt lợn, dưa hành, đầy đủ hết. Mai hai tám rồi, mẹ con cố gắng dọn dẹp nhà cửa đi.
  Sáng nay, Tú đang cặm cụi lau chùi bộ bàn ghế cũ thì nghe tiếng lũ bạn ríu ran ngoài cổng. Tú chạy ra. Cô hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm, bác Hội trưởng cha mẹ học sinh cùng các bạn trong lớp đã kéo vào đến sân. Tú luống cuống, mẹ ngỡ ngàng.
-  Sao? Hai mẹ con đã chuẩn bị đón tết chưa? Giọng cô giáo hiệu trưởng nhẹ và êm như làn gió xuân ấm áp.
- Có gì đâu cô...Mẹ bối rối.
 Các bạn chạy đến, xăng xái:
- Tú lau bàn ghế à? Cho bọn tớ làm với!
 Cô chủ nhiệm dịu dàng:
 - Thôi, các bạn ra ngoài chơi với Tú để người lớn nói chuyện.
  Cô  hiệu trưởng đưa ra một gói quà và chiếc phong bì:
 - Đây là tấm lòng của các bậc phụ huynh và các cháu học sinh trong phong trào “Ủng hộ bạn nghèo vui Tết” được phát động hàng năm của nhà trường.
 Chị Hội trưởng tiếp lời:
 - Em đừng ngại, hãy lo tết cho hai mẹ con thật tươm tất. Ra giêng, có một phụ huynh làm trang trại chăn nuôi đã hứa giúp em một đôi lợn giống nuôi nái cực tốt. Cám bã họ cho ứng trước, lúc nào có thu nhập hãy trả.
 Thảo rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời.
 Bọn trẻ thích thú ngắm nhìn mảnh vườn. Những lá cải đã bắt đầu xoè rộng, non tơ, mỡ màng. Đậu leo vươn cái vòi ngây thơ, bám vào cành tre nhỏ. Tâm “béo” reo lên thích thú:
 - Các cậu xem này, cây hoa bỏng đã ra bao nhiêu là nụ.
Nắng xuân làm sáng bừng cả vườn rau mơn mởn. Trước khi ra về, cô bạn lớp trưởng cứ cầm tay Tú dặn đi dặn lại:
- Nhớ đấy, giao thừa này cả lớp bọn mình ra hồ Thung Mây xem pháo hoa và phá cỗ, nghe chưa?