Trang chủ » Cùng vui

ĐỘI "QUỐC HỘI" HÃY CỐ LÊN !

Phạm Viết Đào.
Thứ năm ngày 11 tháng 6 năm 2009 3:03 PM
( Bình luận viên bóng đá cao cấp...)
 
Dư luận những người hâm mộ, chính xác hơn là những cử tri quan tâm tới hiện tình đất nước lo lắng và chờ đợi trận cầu đinh diễn ra kéo dài trận đấu trong ngày mai ngày kia, tức ngày 12-13/6/20009: Đó là phiên họp các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên chính phủ; trận cầu đinh này sẽ được truyền hình trực tiếp theo thông lệ. Mặc dù không ai bảo ai và phần nào cũng đã đoán được kết cục tỷ số cuối cùng trận cầu đinh này nhưng dư luận vẫn không thể quay lưng lại với trận cầu máu lửa này, ít ra cũng xem để mà chấm điểm thời cuộc..
Như bao trận đấu khác, Đội Quốc hội và Đội Chính phủ sẽ ra sân với đội hình mạnh nhất; tin đến giờ chót cho thấy các tuyển thủ chủ chốt của hai đội đều có thể tham gia trận đấu này và không có tuyển thủ nào vắng mặt do lý do sức khoẻ tỷ như bị chấn thương, tiêu chảy cấp, Cúm H1N1, hay đi công tác nước ngoài...
Về diễn biến tâm lý thi đấu tuyển thủ của cả hai đội đều có khó khăn thuận lợi riêng. Đội Quốc hội có lợi thế là: Không có gì để mất nên các tuyển thủ luôn ở tư thế sẵn sàng xung trận, sẵn sàng dồn toàn bộ đội hình lên đá ép sân và ép  cầu môn của Đội tuyển Chính phủ; Đối với Đội tuyển Chính phủ lại có lợi thế tâm lý không kém phần quan trọng: chỉ cần thủ hoà là thắng, là ăn tiền; trong khi đó thì Đội Quốc hội phải ghi được 3 bàn cách biệt thì mới tạo ra được cục diện mới cho sân chơi và thứ tự vòng loại...
Nhìn vào toàn cục trận đấu, bài binh bố trận và cách dẫn dắt trận đấu của trận cầu đinh này, ngay từ đầu người phát ngôn của Đội tuyển Quốc hội đã cho biết chủ trương của người cầm quân: chia điểm, tức thủ hoà; Trong khi đó thì Đội Chính phủ có nhiều lợi thế do được đá loại sân quen như sân sân nhà, trọng tài quen thân như trọng tài nhà; việc thủ hoà, chia điểm là một nhiệm vụ chiến thuật không quá khó đối với các tuyển thủ dạn dày trận mạc. Các tuyển thủ của Đội tuyển Chính phủ là những cầu thủ không ngại va chạm trong các pha tranh bóng quyết liệt, sẵn sàng biển lận, sẵn sàng phạm luật, sẵn sàng tung ra những cú đá, những hành vi phi thể thao khi cần bảo vệ cầu môn đội nhà. Nếu cần phải câu giờ, các tuyển thủ của Đội Chính phủ sẵn sàng chuyền bóng loanh quanh, sẵn sáng đá bóng ra ngoài sân và tổ chức cho tay chân, (cổ động viên trá hình) dùng giao chọc thủng bóng để câu giờ, kéo dài thời gian trận đấu...
Về cơ cấu tổ chức của Đội Quốc hội, được tổ chức theo hình thức bán chuyên nghiệp; trong khi đó các tuyển thủ của Đội Chính phủ được cơ cáu tổ chức theo kiểu nhà nghề. Các tuyển thủ của Đội Chính phủ hình như tiền đóng bảo hiểm cho đôi chân của họ được Ban huấn luyện đóng cao hơn, do vậy nếu có phạm luật, đá ẩu, què chân, què tay thì vẫn có cơ sở bảo hiểm cho suốt đời; còn các tuyển thủ của Đội Quốc hội do là bán chuyên nghiệp nên sự bảo hiểm có mức độ hơn và theo mùa vụ; nếu do quá ham bóng mà đá máu lửa lên, chẳng may bị què chân, cụt tay sau này có khi phải bám nhờ vợ con thì khổ...
Nhìn vào tương quan lực lượng về phía Đội tuyển Chính phủ cho thấy sự ra quân đầy khí thể: một trung vệ dày dạn kinh nghiệm đá libero như Kim Ngân ( Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội); một tuyển thủ đá vị trí trung vệ dập, đó là tuyển thủ Khôi Nguyên ( Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), đây là tuyển thủ đáng gờm đối với các tiền đạo Đội Quốc hội bởi cầu thủ này tuy có lối đá cù lần,nhưng hay đá vong mạng, bất chấp luật, sẵn  sàng tỷ thí miền là giữ an toàn cho cầu môn đội nhà; tuyển thủ Khôi Nguyên có lối đá chém đinh, chặt sắt của Hữu Thắng của đội Sông Lam Nghệ An; Đó là tuyển thủ Hồng Phúc ( Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cầu thủ này được giao tranh bóng ở khu vực trung tuyến, giữa sân, nhiệm vụ của tuyển thủ này là luôn phải lao ra giành bóng từ chân các tiền đạo đối phương để giảm, phá áp lực từ xa cho khu vực sân mà các trung vệ có trách nhiệm trấn giữ. Tuyển thủ Hồng Phúc là tuyển thủ vừa biển lận, lắm tiểu xảo lại có độ rướn ngang tầm với các cầu thủ Camơrun: rất tiểu xảo, rất hoang dã, sẵn sàng mặt trơ tráng bóng lăn ra sân ăn vạ để kiếm tiếng còi của trọng tài phạt vạ đối phương nếu khi cầu môn đội nhà gặp nguy. Còn các tuyển thủ Văn Ninh ( Bộ trưởng Bộ Tài chính), tuyển thủ, Huy Hoàng ( Bộ trưởng Bộ Công thương) đều có lối đá chì, khó chịu đối với các tiền đạo đối phương: các tuyển thủ này có biệt tài giảm nhịp độ trận đấu, kéo dài thời gian bằng cách chuyền bóng loanh quanh, đá lên trời hay đá ra ngoài sân...
Tóm lại, đội quân của Đội Chính phủ là những cầu thủ có tài có nghệ bảo vệ cầu môn đội nhà, lúc cần còn có khả năng đem cầu môn giấu đi chỗ khác; nếu tiền đạo phương xông bóng đến tưởng đá bóng được vào cầu môn rồi, nhưng trọng tài lại tuýt còi báo: Cầu môn nằm ở vị trí khác cơ, thế là uổng công, sức ?!
Về phía Đội tuyển Quốc hội có 3 tiền đạo đang có tiếng đang đá ở hành công đó là Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc và Nguyễn Minh Thuyết...Người hâm mộ ghi nhận sự can trường, tinh thần thể thao thượng võ của 3 vị tiền đạo này: đá đẹp và đá công hiến. Tuy vậy những trận giao bóng hữu nghị gần đây, người hâm mộ vẫn thấy trên hàng công của Đội Quốc hội đang thiếu đi một tiền đạo đá máu lửa theo kiểu Văn Công Hùng; một lối đá dắt rê bóng tinh quái của Hồng Sơn luôn có khả năng vô hiệu hoá ngon lành hàng thủ của đối phương cho dù giảo quyệt và hung bạo đến đâu; một lối đá quyết đáp theo kiểu anh hai Nam Bộ, một chọi một cũng chơi, một chọi ba cũng xô vào, đó là lối đá của tuyển thủ Lê Huỳnh Đức...
Hy vọng trong trận cầu đinh sắp tới, hàng thủ đối phương tìm cách chắm sóc, kèm, bắt bài 3 tiền đạo có tiếng kể trên của Đội Quốc hội thì phía đội này sẽ ngẫu hứng, xuất hiện các cầu thủ trẻ khác từ trước đến nay vẫn ẩn mình ở các vị trí ít được chú ý, xuất thần đưa được bóng vào cầu môn đối phương. Bóng đá xưa này hấp dẫn nhờ ở yếu tố bất ngờ...
Đội Quốc hội hãy cố lên! Lịch sử đang đặt lên vai các vị những nhiệm vụ nặng nề ?!
P.V.Đ
(Nguồn: vn.myblog.yahoo.com/phamvietdaonv)