Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Có một lão nông viết văn

Trần Vũ Long
Thứ năm ngày 31 tháng 1 năm 2013 6:21 AM

Đã nhiều lần tôi và những người bạn ngồi tranh luận “văn là người” có đúng hay không. Một bên quả quyết “văn là người”, bên kia thì khẳng định “văn không phải là người”. Bên nào cũng đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục đối phương, và rồi những cuộc tranh luận đó chẳng bao giờ có hồi kết thúc. Có lẽ trên đời này chẳng có gì tuyệt đối cả. Đối với người này là đúng nhưng với người khác lại không phải vậy, thậm chí còn khiến cho người đọc cảm thấy thất vọng sau khi gặp tác giả của những áng văn hay câu thơ mà mình đã từng yêu thích. Nhưng, với nhà văn mà tôi muốn nói đến trong bài viết này thì văn chương đã thể hiện đúng bản chất con người ông. Có thể ai đó chưa thực sự đồng ý nhưng với tôi thì tôi tin là như thế. Bởi tôi đã từng được trò chuyện với ông, đọc tác phẩm của ông và nghe người ta kể về ông. Ông là nhà văn Ngô Ngọc Bội.
Đối với người cầm bút, để có một vùng đất gắn bó gan ruột, trở thành nguyên liệu cho cuộc đời sáng tác của mình quả là một điều may mắn. Mảnh đất đó thường là nơi mà họ được sinh ra và lớn lên, là quê hương máu thịt. Quê hương là mạch nguồn cảm xúc vô tận, cứ viết mãi viết mãi vẫn thấy chưa thoả mãn với tình yêu họ đã dành cho mảnh đất thân thương đó. Tình yêu thì vô biên, nguyên liệu lại dồi dào, tuy nhiên để thành công không phải ai cũng làm được. Có lẽ Ngô Ngọc Bội là một trong số ít những người cầm bút làm được điều đó. Cả một cuộc đời viết văn, Ngô Ngọc Bội chỉ viết về đề tài nông thôn và bối cảnh cho các tác phẩm đó chính là mảnh đất quê hương ông. Ông sinh ra trong một gia đình trung lưu thuộc miền quê trung du Phú Thọ, nằm bên hữu ngạn sông Thao. Cái mảnh đất vốn được xem là màu mỡ đó nhưng đời sống người dân cũng chẳng khấm khá gì. Khi ông còn nhỏ, ngoài công việc đồng áng, bố mẹ ông còn mở một quán khâu vá để có đủ tiền nuôi đàn con ăn học. Hàng ngày ông vẫn thấy mẹ thu gom những thẹo vải thừa vào bao tải để bán cho cô mua vải vụn, lông gà lông vịt, tóc rối. Rồi đến một ngày, cô chè chai tóc rối đó đi lấy chồng, không đến mua nữa. Ông vẫn thấy mẹ mình lèn từng tải vải vụn, xếp sau nhà. Thi thoảng, bà lại đem ra chắp nối lại, nhưng ông cũng không hỏi bà chắp nối những mảnh vải đó để làm gì. Sau nạn đói 1945, ông phải dang dở việc học hành để làm ruộng đỡ đần cha mẹ. Ngoài ra, ông còn có thêm nghề trèo cọ, để cắt những lá cọ đem bán cho người ta lợp mái nhà. Có những cây cọ cao đến ba bốn chục mét mà ông cứ trèo thoăn thoắt. Hồi đó, ông là cao thủ trèo cọ của cả vùng nên cũng có đồng ra đồng vào để đỡ đần cuộc sống gia đình. Rồi, ông cũng tham gia hoạt động cách mạng, cũng vào đảng, đến tuổi lấy vợ cũng được bố mẹ tìm cho một cô gái ưng ý cùng làng. Ông bảo, chẳng bao giờ ông quên được hình ảnh cái giường ngủ của vợ chồng ông trong ngày cưới. Trên chiếc giường tre được trải một cặp chiếu cói mới. Đầu giường là hai chiếc gối và cái chăn được khâu bằng những thẹo vải đủ các màu xanh, nâu, đen, trắng. Mỗi thẹo vải chỉ bằng lá lúa, bao diêm, miếng nào to thì bằng bàn tay. Ông chợt bàng hoàng và thấy thương cho người mẹ tảo tần. Hoá ra, cả chục năm trời, mẹ ông cứ cóp nhặt những thẹo vải để làm thành đôi gối và cái chăn cho con trai cưới vợ. Ông bảo đó là món của hồi môn đáng giá ngàn vàng làm ông sững sờ thảng thốt. Chiếc chăn của mẹ ông khâu có hàng ngàn thẹo vải nặng tới 6kg. Những mép vải cộm lại phía trong làm cho chiếc chăn trở nên ấm áp. Đêm tân hôn rõ ràng là một đêm hạnh phúc, nhưng với ông nó còn có gì đó thật kì lạ. Mùi của những thẹo vải, mùi chiếu cói, mùi ẩm mốc của bức vách trát bùn đất còn chưa khô hẳn, cộng với mùi bồ kết trên tóc của người vợ trẻ cứ hoà quện vào nhau. Những cái mùi đó cứ ám ảnh, cứ văng vẳng suốt đời ông, đặc biệt là những năm tháng công tác xa nhà.
Tôi cũng đã từng về thăm nhà ông ở xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Một ngôi nhà hai tầng bên những tán cây hồng xiêm cổ thụ ngót cả trăm tuổi, toả bóng xum xuê. Sau hai chục năm nghỉ hưu ở tuần báo Văn Nghệ, ông sống cuộc đời thanh bạch nơi chôn rau cắt rốn cùng với người vợ hiền hậu chất phác mà ông lấy về từ năm 17, 18 tuổi. Bà là mẫu người đặc trưng của người phụ nữ nông thôn bắc bộ. Kể từ ngày về làm dâu họ Ngô, bà lặng lẽ, tảo tần gánh vác gia đình nuôi đàn con khôn lớn. Còn ông Bội thì cứ công tác biền biệt cho đến ngày nghỉ hưu. Bà bảo bây giờ cuộc sống đỡ vất vả, sướng hơn trước rồi. Ông Bội thủng thẳng cười: “Vợ ông Bội thì lúc nào mà chẳng sướng”. Xem ra bà lão có vẻ tự hào về ông chồng nhà văn của mình ra trò, tuy đều ngoài 80 tuổi cả rồi, nhưng bà vẫn chăm sóc ông Bội rất chu đáo: cơm nước, thuốc men, giờ giấc sinh hoạt. Những lúc ông ngồi vào bàn viết, bà lặng lẽ đi đóng cổng ngoài cửa trong để cho đám trẻ không nô đùa làm ảnh hưởng đến công việc viết lách của ông. Bà bảo, ông cứ viết hết cuốn này đến quyển nọ nhưng bà cũng chẳng đọc. Bà bảo suốt ngày bận rộn với lợn gà, vườn tược, cơm nước, thời gian đâu để đọc những quyển sách dày như thế, xem ra ông ý cũng là người quan trọng, chỉ mỗi tội không có tiền bạc bao giờ. Tôi mới cười bảo với bà: “Trong chiếu văn, ông nhà mình đúng là người quan trọng đấy bà ơi, chẳng gì thì cũng vừa được cái giải thưởng nhà nước đấy thôi, đâu phải ai cũng làm được điều đó”. Ông Bội cười hề hề một cách hiền hậu: “Làm cái anh nhà văn quan trọng gì ba cái giải thưởng giải thiếc. Ấy nhưng mà cái giải thương đó họ cũng cho được khá tiền đấy cậu ạ. Thế mà bà cứ bảo chẳng có tiền bạc bảo giờ”. Nói rồi ông lại cười tít mắt. Có lẽ ai đã từng gặp nhà văn Ngô Ngọc Bội một lần thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên được gương mặt ấy , ánh mắt ấy. Nó vừa toát lên nét đôn hậu chất phác nhưng lại vừa hiện rõ vẻ rắn rỏi của một con người phong trần, từng trải. Ông ngoắc tay tôi rồi bảo: “Cậu đi theo tớ”. Bước xuống sân gạch trước nhà, ông chỉ ra cái ao cá, cách một vườn rau xanh mướt, rồi bảo: “Cách đây mấy năm, mỗi khi nhà có khách là tớ vẫn xuống ao bắt cá để nhắm rượu. Bây giờ thì chịu, đến rượu cũng chẳng uống nữa”. Thấy tôi đang tò mò quan sát một cây sào to bằng bắp tay dài khoảng 6 đến 7 mét, có những vấu chìa ra từ đầu đến ngọn khoảng một gang tay, ông cười bảo: “ngạc nhiên lắm phải không, cái này gọi là cây đà, dùng để trèo cọ. Ngày trước tớ vẫn trèo cọ bằng cây đà này đấy. Có những cây cọ cao bằng bốn đến năm lần cây đà này ý chứ. Nguy hiểm lắm. Cậu nhìn tay tớ đây này, khắp hai cánh tay đều là sẹo do trèo cọ cả đấy”. Nói rồi ông kéo tay áo cho tôi xem những vét sẹo trên tay mình. Ông lại dẫn tôi đi vòng ra sau nhà, sang nhà ông anh trai để giới thiệu cho tôi cái gian nhà thờ họ. Anh trai thì đã mất, chỉ còn hai bà vợ, bà cả hơn 90 xem ra đã yếu và hơi lẫn còn bà hai 85 tuổi vẫn khoẻ mạnh. Một mình bà hai làm tất cả mọi việc trong nhà và chăm sóc bà cả. Con cháu thì ở xa, một tháng về đôi ba lần. Tự nhiên tôi lại nhớ đến truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm trại” của Nguyễn Quang Thiều. Chỉ khác, hai người đàn bà trong truyện của Nguyễn Quang Thiều có hai ông chồng khác nhau, đều chưa có con, ở cùng nhau dưới một mái nhà nơi xóm bãi ven sông để chờ hai ông chồng đi bộ đội trở về. Còn hai bà lão mà tôi đang gặp đây là vợ cả vợ hai, đều có con cái, ra vào như hai cái bóng trong mấy gian nhà ngói nằm trên quả đồi bát úp miền trung du này. Họ đang đếm thời gian trôi qua những năm tháng cuối cùng cuộc đời mình một cách lặng lẽ và chẳng trông đợi điều gì, có chăng họ chỉ chờ ngày con cháu về thăm để cho đỡ cô quạnh. Nhà văn Ngô Ngọc Bội quay sang tôi: “Văn học là đây chứ còn đâu nữa. Quê tớ có nhiều chuyện hay lắm, viết cả đời không hết được. Chính vì thế mà tớ luôn cảm thấy như người mắc nợ với quê hương, với nông thôn. Trong đầu tớ đang hình thành mấy cuốn tiểu thuyết nữa, tiếc rằng sức yếu rồi không viết được nữa. Đầu óc bây giờ không còn minh mẫn, cứ nhớ nhớ quên quên, mệt lắm”. Trong gian nhà thờ họ, ông ngồi gác cả hai chân lên thành ghế, đầu đội chiếc mũ nồi, trông có vẻ gì đó rất lãng tử, ông say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện của quê ông, những câu chuyện về gia đình và cuộc đời ông. Đang trò chuyện bỗng ông dừng lại và bảo: “Thôi chết cái thanh xà này bị mọt rồi cậu ơi. Đấy, cậu có thấy mọt nó ăn, rơi đầy cái phản kia không”. Rồi ông nói vọng với bà chị dâu thứ hai đang lúi húi trong bếp: “Bà ơi cái thanh này bị mọt ăn hỏng hết cả rồi. Thôi chết. Thế này thì bỏ mẹ”. Bà lão lật đật chạy từ dưới bếp lên xem, cầm cái chổi quýet mọt xuống dưới nhà rồi quýet ra sân. Ông Bội lại ngoắc tay tôi: “Thôi ta lại về bên nhà đi cậu”. Vừa đi ông vừa bảo: “Ở cái xóm này, bây giờ toàn ông bà già với nhau. Con cháu kéo ra thành phố hết cả rồi. Buồn thì cũng có buồn. Ấy thế mà cũng quen đấy cậu ạ. Cứ như tớ, mấy chục năm làm việc dưới Hà Nội, nhưng bây giờ cho về Hà Nội ở với con cháu khoảng một tuần mà cũng không thể ở được. Nó ngột ngạt tù túng lắm cậu ạ. Ngày xưa ở Hà nội, tớ cũng ít giao đãi bạn bè, cứ lặng lẽ viết lách là chính. Về đây gần gũi với thiên nhiên sướng hơn”. Tôi cũng đã được nghe nhiều người kể, ông là người ít giao đãi với bạn bè văn chương. Đặc biệt với các tên tuổi lớn, những nhân vật quan trọng hoặc những ông nhà văn hay tỏ vẻ khụng khệnh, giả cầy, ông lại càng tránh tiếp xúc. Ông bảo mỗi người có một công việc riêng, suy nghĩ riêng, một cách viết riêng, vậy thì cứ làm tròn bổn phẩn của mình đi. Với ông, ông đã chọn cho mình một cách sống, một cách viết mang nhãn mác rất Ngô Ngọc Bội. Trong giới văn chương, ta tạm gọi người viết về đề tài nông thôn cũng nhiều nhưng viết để cho ra hồn cốt của nông thôn Việt Nam thì lại ít. Ngô Ngọc Bội đã làm được điều đó. Nếu viết về nông thôn mà không thực sự thấm, thực sự yêu, thực sự đau đớn, không thực sự đắm mình trong thế giới nhà quê, thì cho dù tác phẩm của anh dẫu có viết về con trâu, viết về cây lúa, viết về củ khoai củ sắn thì cũng chỉ giống như người mặc com lê, đi giày tây cưỡi xe trên đường làng mà thôi. Thực tế, đã có nhiều tác giả thành danh khi viết về đề tài này, nhưng tác phẩm của họ lại chủ yếu bàn về đường lối, chủ trương chính sách nông nghiệp, những khó khăn vướng mắc, và cách tháo gỡ cho bà con nông dân nhưng lại chưa thực sự mang cái hồn nhà quê, như vậy thì tác phẩm đó chỉ dừng ở mức viết về nông nghiệp, chứ chưa thật sự viết về đề tài nông thôn. Còn đối với nhà văn Ngô Ngọc Bội lại như có một bản năng rất lớn, trước tiên đó là bản năng của một ông nông dân, cần mẫn lầm lũi làm việc cộng với bản năng văn chương đã tạo thành một Ngô Ngọc Bội không trộn lẫn vào đâu được. Ngô Ngọc Bội như một ông nông dân đi chân đất kéo cày vừa cầm bút viết văn. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông thấm chất chân quê để đến được cái chân của văn chương. Ông viết về đời sống, những vui buồn, đau khổ, hạnh phúc, diễn biến tâm lý của người nông dân như viết về chính con người mình vậy, làm toát lên được tinh thần nhà quê rất rõ nét. Ngô Ngọc Bội hiểu người nông dân đạt đến mức độ hoá thân. Chỉ có người nông dân mới thực sự hiểu rõ bản tính của con trâu, nên khi ông viết về cảnh trọi trâu hay tả cảnh con trâu kéo cày thì mới thật sinh động và hấp dẫn. Ông miêu tả tâm lý con trâu trong từng hoàn cảnh khác nhau khiến người đọc thấy bỡ ngỡ, lý thú rồi bị hút vào đó. Chỉ có một anh trai làng làm ruộng mới có thể miêu tả những cảnh yêu đương của trai gái nông thôn mới chân thực đến thế, nó vừa vụng về, vừa mộc mạc lại vừa có duyên dưới một ngòi bút tinh tế. Tác phẩm của Ngô Ngọc bội bám sát người nông dân theo suốt một chiều dài lịch sử, từ trong những cuộc cách mạng, tham gia giải phóng được giải phóng và xây dựng kinh tế. Cuộc sống của người nông dân trong văn Ngô Ngọc Bội vô cùng sống động, có xung đột và hàn gắn, có nước mắt và nụ cười, có cái chung và cái riêng.  Ngô Ngọc Bội không chú tâm đến phong cách văn chương, ông viết theo bản năng. Và, ở ông cái bản năng đó đã được hoàn thiện với một phông văn hoá về nông thôn và phông văn hoá về văn chương chữ nghĩa. Ông bảo, người cầm bút viết văn có hai dạng. Dạng từ tâm huyết viết thành tác phẩm. Dạng này viết chậm chạp. Nhưng  khi đã chạm tới đích thì thành qủa thường bền chắc, sâu lắng. Dạng thứ hai thường là do bịa tạc hoặc có nơi đặt hàng, chỉ cần nghe báo cáo là có sản phẩm. Dạng này thường viết nhanh hết cuốn này đến cuốn khác. Nhưng văn chỉ có cốt truyện, sự việc, thiếu tình tiết, thiếu chi tiết sống và nội tâm nhân vật. Ông tự nhận mình là người viết thuộc vào dạng thứ nhất, vì vậy mà Ngô Ngọc Bôi đã có cả một sách lược lâu dài, hoạch định cho cả đời cầm bút của mình. Năm 1960, khi truyện ngắn Bộ quần áo mới được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã khẳng định cầm bút và đi vào nghiệp văn chương. Năm 1968, ông về công tác tại báo Văn Nghệ, đúng là nơi để ông thả sức học tập viết lách. Ông tranh thủ bổ sung kiến thức và tay nghề. Ông xông xáo đi viết bút kí phóng sự cho báo, trên rừng dưới biển, trong nam ngoài bắc, nơi nào ông cũng đặt chân đến. Đi tới đâu ông ghi chép rất cẩn thận và viết bút kí phóng sự tới đó. Những chuyến đi như thế đã giúp ông mở thêm tầm nhìn.
Trong những năm công tác ở báo Văn nghệ, Ngô ngọc Bội đã được anh em văn chương yêu mến và kính trọng về tài năng và đức độ của ông. Mọi người gọi ông là bà đỡ cho rất nhiều cây bút. Sau này có nhiều người nổi tiếng hơn ông nhưng họ vẫn nghĩ về ông bằng một sự kính trọng và biết ơn sâu sắc. Những góp ý chân thành, những việc làm của ông khi đó giống như cái đòn bẩy, giúp họ có bài học, động lực để tiến xa hơn trong con đường văn chương đầy chông gai. Sau này khi đã nghỉ hưu về quê, có nhiều người vẫn lặn lội về tận nơi thăm ông như thăm một người anh, một người thầy, một vị ân nhân. Những năm ông làm trưởng ban văn xuôi ở báo Văn Nghệ, có thể được xem là một giai đoạn hoàng kim của văn học, đặc biệt là thể loại văn xuôi. Thời kì đó báo Văn Nghệ đã tạo ra những cơn “địa chấn” với hàng loạt truyện ngắn, bút kí phóng sự. Hồi đó, nhà văn Nguyên Ngọc, là tổng biên tập báo Văn Nghệ được ví như là tổng công trình sư, còn Ngô Ngọc Bội là kĩ sư thực hiện. Ông bảo những năm biên tập văn xuôi ở báo Văn Nghệ, ông đã dùng thủ pháp “chập chờn” trên mặt báo. Lúc lảng ra, lúc lảng vào. Gọi là chiến thuật vỗ tay và tát. Một cái tát, chín cái vỗ tay. Hai cái tát, tám cái vỗ tay. Bốn cái tát, sáu cái vỗ tay. Rồi sáu cái tát, bốn cái vỗ tay. Nếu thấy anh nào nhăn mặt thì lại rút về, rồi tung ra mười cái vỗ tay. Hồi đó thấy báo Văn Nghệ mạnh dạn in những sáng tác mang tính đổi mới, đa chiều, phản đề, lập tức cộng tác viên cả nước rầm rập gửi bài tới. Tờ báo Văn Nghệ in từ ba vạn mỗi số, rồi lên tới năm vạn, có lúc lên đến bẩy vạn tờ. Không khí đổi mới văn chương sôi động khắp cả nước. Các báo khác thấy vậy cũng mon men làm theo.
Đang ngồi bàn nước, ông lại kéo tôi vào gian nhà trong. Căn phòng khoảng 10 mét vuông, chỉ có cái tủ quần áo, cái giường, cái bàn viết và cái ghế đẩu, tất cả đều đã ngả màu đen bóng. Ông bảo mấy thứ đồ gỗ này là cùng một bộ, ông mua chúng từ tiền nhuận bút của cuốn “Ao Làng”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông. Đó là cuốn tiểu thuyết góp phần làm nên tên tuổi Ngô Ngọc Bội, nhưng cũng phải lận đận hơn 13 năm mới đem in được. Ông lúi húi tìm chìa khoá để mở cánh bên phải của cái tủ gỗ, rồi từ đó mở chốt của cánh cửa tủ bên trái. Từ trong khoang tủ tối om, ông bê ra mấy chồng sách vở, toàn là những bản thảo, sổ tay ghi chép, và những bài báo ông cắt ra dán vào thành một quyển. Những cuốn sổ tay được ghi chép ngay ngắn từ trang đầu đến trang cuối, đánh số quyển thứ mấy rất cẩn thận. Rồi ông lại khệ nệ bê ra một chồng sách, đó là những tác phẩm mà ông đã in, cuốn nào ông cũng ghi vào trang đầu, dòng chữ: “Bản lưu trữ của tác giả”. Ông bảo, cả một đời sống chết với văn chương, bây giờ nằm gọn trong cái tủ này, tính ra gần hai chục tác phẩm: tiểu thuyết và truyện ngắn, đấy là chưa kể cả trăm cái bút kí mà ông chưa tập hợp in thành sách.
Trước khi chia tay với nhà văn Ngô Ngọc Bội, tôi nói với ông: “Khi nào lên Hà Nội, ông ghé vào báo Văn Nghệ chơi với bọn con cho vui”. Ông lại cười tít mắt mà rằng: “Vui gì. Bây giờ có ai biết mình là ai, chỉ tổ làm mất thời gian của mọi người”. Ông tiễn tôi ra tận đầu làng. Nói là ra tận đầu làng nhưng cũng chỉ có mấy bước chân, bởi nhà ông nằm ngay đầu làng nhìn ra đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nhìn từ xa ngôi nhà của ông nằm lúp xúp bên sườn một quả đồi bát úp, lác đác vài cây cọ cao vút. Bóng nhà văn Ngô Ngọc Bội, nhác trông cũng như một lão nông dân ra thăm đồng mà nhớ những vụ mùa, cứ xa dần… mờ dần.