Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tâm sự nhân dịp trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Được nhiều người đọc là hạnh phúc lớn nhất của người viết

Dịch gả Vũ Phong Tạo
Thứ tư ngày 30 tháng 1 năm 2013 4:32 PM


Khi được tin mình trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, kể từ ngày 22       tháng 12 năm 2012, tôi thực sự vui mừng. Bởi vì,
Một là từ nay tôi đã được hoạt động nghề nghiệp văn chương, với tư cách là       thành viên trong một ngôi nhà chung, một tổ chức chính trị nghề nghiệp có truyền thống vẻ vang trên 55 năm phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân, của dân tộc Việt Nam, dưới  sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, có điều kiện thuận lợi hơn để phát huy khả năng văn chương của mình.
Hai là tôi đã kiên trì phấn đấu và đến nay bước đầu trả được món nợ văn chương “dĩ văn vi hữu” của hai nhà văn dịch giả khả kính đã giới thiệu tôi gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam: Hoàng Thuý Toàn và Ông Văn Tùng. Hai ông đã khuyến khích tôi tự tin làm Đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, từ ngày 8 tháng 7 năm 2002, với tư cách dịch giả khi tôi đã dịch và được xuất bản 7 đầu sách văn hoá, văn học Trung Quốc; Được in sơ yếu lý lịch văn học trong sách “Những người dịch văn học Việt Nam” do Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam và Trung tâmVăn hoá ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2002.
Ba là kỷ niệm sâu sắc gắn liền với con số 2 mang dấu ấn riêng tư đối với cá nhân: Tôi làm đơn năm 2002; Được xét kết nạp đúng vào ngày 22 tháng 12 năm 2012; Khi tôi là một chiến sĩ làm báo viết văn chính hiệu, đã tròn 72 tuổi vừa bước sang tuổi 73 (tôi sinh ngày 30-10-1940, tại Quê Tổ ca trù Lỗ Khê, thuộc vùng Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã     Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Nữ nhà báo Phạm Phong Lan, phóng viên Báo điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam (www.vanvn.net), sau khi chúc mừng, đã hỏi tôi: “Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc, nhưng chủ yếu là các truyện ngắn, truyện mini của nhiều tác giả chứ không dịch chuyên về một vài tác giả nào đó. Tại sao ông lại có chọn lựa này?”.
Không chỉ có nhà báo Phong Lan, mà có khá nhiều bạn văn, bạn báo, bạn dịch cũng hỏi tôi như vậy! Tôi xin thưa rằng:
Đến nay, tôi đã có 24 đầu sách dịch văn hoá, văn học Trung Quốc được ấn hành. Khi đầu thì cũng dịch riêng (hoặc dịch chung) một số bộ sách lớn bốn, năm tập dầy tới mấy ngàn trang của một tác giả, như “Kể chuyện Tây Du”, “Tư Mã Thiên”, “Vĩ nhân Tôn Trung Sơn”, “Tưởng Giới Thach: Bạn và thù”, “Tướng soái cổ đại Trung Hoa”, v.v…
Nhưng sau này, tôi chuyên tâm dịch truyện ngắn, truyện cực ngắn, bởi mấy lý do:
Một là, theo dõi thường xuyên tình hình văn học Trung Quốc, tôi thấy thể loại văn học truyện ngắn và truyện cực ngắn - truyện mini được họ coi là “binh chủng khinh kỵ” trên mặt trận tư tưởng văn hoá và phát triển rất mạnh, đáp ứng nhu cầu đọc trong thời đại @ với nhịp sống tốc độ cao hiện nay. Ở Trung Quốc, thể loại truyện mini - truyện cực ngắn đã được đưa vào phạm vi xét và trao Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn, giải thưởng cao nhất có tầm toàn quốc của văn học Trung Quốc hiện nay. Nhiều nhà văn chuyên viết truyện cực ngắn - truyện mini đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc. Nhiều nhà văn chuyên viết truyện mini - truyện cực ngắn đã được trao giải thưởng “Chim sẻ vàng truyện cực ngắn Trung Quốc”, cứ 2 năm bình xét một lần. Chất lượng truyện cực ngắn - truyện mini Trung Quốc thực sự hay, bạn đọc Việt Nam cũng rất ưa    thích. Vậy thì tại sao Việt Nam chúng ta lại không có người sẵn sàng chuyên tâm chuyển ngữ thể loại văn học đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc ngày nay?
Hai là nhiều người phụ trách, nhiều biên tập viên các báo tạp chí, trong đó có  nhà văn Lã Thanh Tùng, Trưởng ban Văn học nước ngoài của tuần báo “Văn nghệ”; Nhà văn Dương Dương Hảo, nhà văn Phong Điệp, đã và đang là Trưởng ban biên tập “Văn nghệ trẻ”; Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Tổng biên tập tạp chí “Nhà văn” ;  Nhà  văn Văn Chinh, đã từng làm  thư ký toà  soạn báo điện  tử  Hội  Nhà văn Việt  Nam; Các nhà văn chủ trì Tạp chí “Văn học nước ngoài” Đặng Thái Hà, Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Văn Dân;  Nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Vương Trọng, nhà văn Uông Triều đã và đang phụ     trách biên tập chuyên mục Văn học nước ngoài của tạp chí “Văn nghệ quân đội”; Nhà   báo Nguyễn Mạnh Hùng, nhà thơ Trần Anh Thái, nhà báo Đoàn Xuân Bộ đã và đang      làm Trưởng phòng Văn hoá Thể thao, báo “Quân đội nhân dân”; Nhà thơ Đỗ Trung Lai, nhà văn Phạm Quang Đẩu, nhà báo Đào Đức Toàn, nhà thơ Mai Nam Thắng đã và đang làm Trưởng ban biên tập báo “Quân đội nhân dân cuối tuần”; Nhà văn Bùi Việt Mỹ, Tổng biên tập báo “Người Hà Nội”; Nhà thơ Vương Tâm,  đã từng là Trưởng ban biên tập báo “Hà Nội mới  cuối tuần”; Nhà văn Hồ Anh Thái, phụ trách mảng văn học của    Báo “Người đại biểu nhân dân” của Quốc hội; Các nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, Hữu Việt, Lê Anh Hoài đã và đang làm việc ở báo Tiền phong chủ nhật;  Nhà văn Trần Diễn, Tổng biên tập tạp chí “Sách và Đời sống”; Nhà văn Nguyễn Xuân Hải, nhà văn Phạm Khải, đã và đang là Trưởng ban  biên tập tạp chí “Văn nghệ Công an”; Nhà thơ Trương Thị Kim Dung, đã từng làm Thư ký  toà soạn báo “Phụ nữ Thủ đô”;  Nhà văn P.N. Thường Đoan, Biên tập viên tuần báo “Văn nghệ” thành phố Hồ Chí Minh; Nhà thơ Văn Công Hùng, Tổng biên tập tạp chí “Văn nghệ Gia Lai”; Nhà văn Trần Nhương, chủ web Trannhuong.com, Biên tập viên báo “Người cao tuổi”; Nhà thơ Tô Ngọc Thạch, chủ trang web văn chương www.tongocthach.vn; Nhà thơ Phan Chín, Phó tổng biên tập tạp chí “Đất Quảng”; Nhà văn Xuân Thu, Tổng biên tập tạp chí “Đất Tổ”; Nhà văn Trần Dũng, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu, nhà văn Lê Huy Hoà đã và đang lãnh đạo tạp chí “Văn nghệ công nhân”;  Nhà văn Triệu Xuân, Trưởng chi nhánh NXB Văn học tại thành phố Hồ Chí Minh; Nhà văn Thu Hà, Biên tập viên, Nhà văn Mai Phương, Thư ký toà soạn tạp chí “Sông Thương”; Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Tổng biên tập báo “Văn nghệ Thái  Nguyên”; v.v…đã khuyến khích tôi thường xuyên cung cấp những bản dịch truyện ngắn, truyện cực ngắn Trung Quốc đặc sắc, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, tôi dịch mãi, được đăng nhiều, cũng thấy ham, quên cả bệnh tật. Chân thành cảm ơn các anh các chị đã ưu ái giành những “mảnh đất mầu mỡ” cho tôi “thâm canh tăng vụ” trong dịch thuật, không mấy ngày vắng mặt trên các trang báo tạp chí trong cả nước, tích tiểu thành đại, cho ra đời hàng ngàn trang sách dịch truyện ngắn, truyện mini Trung Quốc đặc sắc.
Ba là  Sau trên 10 năm (1965 – 1976) công tác, chiến đấu và làm báo, viết văn tại Sư đoàn 2 và Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, trên chiến trường Quân khu 5 thời chống Mỹ cứu nước, từ tháng 5 năm 2007, tôi bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến, đến tháng 10 năm 2008, tôi lại dính thêm bệnh ung thư gan, thế là tôi cứ phải thường xuyên phối hợp với các thầy thuốc hai khoa B2 (ngoại tiết niệu) và khoa A3 (nội tiêu hoá) của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, chiến đấu và chung sống với hai căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ hai khoa này thường thân tình nói với tôi: “Hiệu quả chữa trị bệnh ung thư 80-90% do tâm lý bệnh nhân quyết định. Bác là bệnh nhân thường     xuyên của hai khoa, song mỗi khi cho bác ra viện, bác không nên coi mình là bệnh nhân, lao động chân tay, lao động  trí óc, làm gì được bác cứ làm, chỉ xin lưu ý bác hai chữ “vừa sức”, dứt khoát không được làm việc quá sức!” Cho nên ngay cả khi nằm viện (đã trên chục lần điều trị nội trú, thực hiện các liệu pháp (phẫu thuật, hoá trị, xạ trị), rồi mỗi khi ra viện, hoặc khám lại định kỳ theo hẹn, nhận được kết luận “bệnh tình tạm thời ổn định”, là tôi lại tranh thủ thời gian quý báu hơn trước, khẩn trương hơn trước, chuyên tâm đọc và dịch truyện ngắn, truyện cực ngắn đặc sắc Trung Quốc. Mỗi truyện dịch xong thật sự như một liều thuốc tinh thần, giúp tôi lạc quan chung sống và chiến đấu với bệnh tật. Có thể nói, tôi đã “sống chết với nghề” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 
Bốn là, những hoạt động dịch thuật văn học (dịch thuật tác phẩm và thông tin hoạt động văn học nước ngoài) của tôi trong những năm qua đã được đền đáp. Ngoài 13 đầu sách về truyện mini Trung Quốc chọn lọc và truyện ngắn Trung Quốc chọn lọc, với  hàng ngàn trang in, đã được xuất bản và tái bản nhiều lần; Nhiều cơ quan báo, tạp chí văn nghệ còn đã bình xét và trao tặng cho tôi những Phần thưởng về Văn học dịch, mà chủ yếu là những bản dịch truyện ngắn, truyện mini hàng năm, như: Tạp chí “Văn nghệ quân đội” (năm 2010), Tạp chí “Sông Thương” (năm 2010), Báo “Quân đội nhân dân” (2 năm 2010 và 2011), Tạp chí “Nhà văn” (năm 2011), v.v…
Năm là  tôi cho rằng được nhiều người đọc là hạnh phúc lớn nhất của người viết văn, của dịch giả. Tôi xin được “khoe” một chút về những phần thưởng vô giá mà đông đảo bạn đọc đã ban tặng cho tôi.
Trong 5 tác phẩm “được xem nhiều nhất” của chuyên mục “Văn học nước ngoài” của Báo điện tử Hội Nhà văn Việt Nam (www.vanvn.net), thì tôi đã có 3 bản dịch: Đứng đầu là Truyện ngắn “Giày cao gót” của Đằng Cương (Trung Quốc); Xếp thứ tư là Truyện cực ngắn “Lẫy bảo hiểm” của nhà văn Nhật Bản Hoshi Shinichi (1926-1977); Xếp thứ năm là Truyện ngắn “Cuộc đoàn viên bất ngờ” của nhà văn Đức John Peter Hebbert (1760-1828). Trong chuyên mục “Trung tâm dịch thuật văn học” của web của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có 4/5 tác phẩm “được xem nhiều nhất”: Xếp đầu bảng là Truyện cực ngắn “Giám đốc, nhà văn và chó cảnh” của Trọng Duy Kha (Trung Quốc); Xếp thứ nhì  là Truyện ngắn “Tuần đêm” của Trần Hà (Trung Quốc); Xếp thứ tư là “20 nhà văn bậc thầy mà giải Nobel văn học đã sai sót bỏ qua”; Xếp thứ năm là “Giải thưởng truyện ngắn quán cà phê lần thứ ba”.
Đọc báo “Quân đội nhân dân” điện tử, ngày 25-1-2013, trong chuyên mục “Văn học”, tôi có bản dịch “Giáo sư”, truyện ngắn của nhà văn Tôn Lợi Hoa, người đã được trao giải thưởng “Chim sẻ vàng truyện cực ngắn Trung Quốc”,  đứng đầu bảng 10 “Tin nhiều người đọc”.
Xem tạp  chí “Văn nghệ quân đội” điện tử, ngày 25-1-2013, thấy bản tin “Nhà văn Mạc Ngôn được trao giải thưởng Nhân vật Tam nông năm 1012” do tôi lược dịch, được xếp thứ tư trong 10 “bài đọc nhiều”.
Trên web văn chương www.trannhuong.com, là một địa chỉ in nhiều truyện mini-truyện cực ngắn của tôi được bạn đọc ưa thích, đúng như nhận xét của nhà thơ Quang Hoài: “Văn học nước ngoài trên Trannhuong.com, có lẽ do hai nhà văn họ Vũ làm “bá chủ”, đó là Vũ Công Hoan (Thái Bình) và Vũ Phong Tạo (Hà Nội). Xin bật mí: Truyện ngắn “Giám đốc, nhà văn và chó cảnh” của Trọng Duy Kha (Trung Quốc) do Vũ Phong Tạo dịch, đăng ngày 16/10/2011 đến ngày 25-1-2013, đã có 1.705 lần/người/đọc; Tạp văn “Kẻ đánh người nói” của Mạc Ngôn (Vũ Phong Tạo chuyển ngữ), đăng ngày 16-5-2012, đến ngày 25-1-2013, đã có 1.053 lần/người/đọc.
Có thể nói vui mừng nhất là truyện ngắn Trung Quốc “Người đẹp vào phòng” của    Lã Tân Sinh, do Vũ  Phong Tạo dịch, tính đến ngày 29-1-2013, đã có 29.414 lần/người/đọc, xếp thứ nhì trong số 10 bài “nhiều người đọc” của trang thông tin điện tử của Công ty Truyền thông Hà Thế (www.tonvinhvanhoadoc.vn), do nhà văn Võ Thị Xuân Hà làm chủ biên. Phải nói rằng: Một truyện dịch mà được gần 3 vạn lượt/người/ đọc, thì không có gì hạnh phúc hơn đối với một người dịch thuật văn học như tôi!
Xin cảm ơn các cơ quan báo điện tử, những trang web văn chương đã nhiệt tình động viên khích lệ, tiếp lửa cho tôi hăng say tìm đọc, nghiền ngẫm, chuyển ngữ thể loại văn học truyện ngắn, truyện mini Trung Quốc, phục vụ đông đảo bạn đọc.
Trong bản tin “Hội Nhà văn Việt Nam có thêm 25 hội viên mới”, báo Hà Nội Mới, ra ngày 3-1-2013, đã viết: “Tại kỳ họp thứ bảy vừa diễn ra cuối tháng 12-2012, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá VIII đã quyết định xét kết nạp 25 hội viên mới. Trong số 25 hội viên mới, có 10 đại diện của văn xuôi, 10 nhà thơ, 3 nhà lý luận phê bình và 2 dịch giả. Có 11 nhà văn, nhà thơ, dịch giả ở Hà Nội, bên cạnh đó là các hội viên ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Cao Bằng…Một vài cây bút quen thuộc với bạn đọc như dịch giả Vũ Phong Tạo, các nhà thơ Lương Tử Đức, Đỗ Doãn Phương, nhà văn Võ Diệu Thanh… đã chính thức trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.”
Đúng vậy, tôi cũng cảm thấy vui sướng và tự hào mình là một “cây bút quen thuộc với bạn đọc”!

Tóm lại, xuất phát từ thực tiễn dịch thuật, hoàn cảnh sức khoẻ và quỹ thời gian cụ thể của bản thân, tôi đã xác định phương hướng dịch thuật của mình là:
“Người dịch cần trở thành một nhịp cầu hữu nghị giữa các nền văn học, giữa các nền văn hoá, giữa các dân tộc trên thế giới. Trong biển cả mênh mông của một nền văn hoá, của một nền văn học của một nước, mỗi người dịch nên chọn cho mình một mảnh đất, một chỗ đứng, một lĩnh vực nhất định nào đó, với tôi, phải chăng chủ yếu là mảng truyện ngắn, nhất là truyện cực ngắn - truyện mini đặc sắc Trung Quốc.”
 
 Nữ nhà báo Phạm Phong Lan, Biên tập viên Báo điện tử Hội Nhà văn Việt Nam, (www.vanvn.net) lại hỏi: “Dự định sắp tới của ông, khi đã chính thức gia nhập Hội  Nhà văn Việt Nam?”
Tôi đã sẵn sàng trả lời:
Sắp tới, tôi sẽ vẫn thường xuyên tranh thủ sử dụng tốt nhất những quãng thời gian “bệnh tình tạm thời ổn định”, để tiếp tục phiên dịch văn hoá, văn học Trung Quốc và văn học các nước khác (chủ yếu là mảng truyện ngắn, truyện mini, thông tin hoạt động văn học), thông qua cửa sổ ngôn ngữ Hán văn, cộng tác thường xuyên với các cơ quan   báo chí, xuất bản, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học và cập nhật thông tin hoạt động văn học nước ngoài của bạn đọc trong cả nước.
Nếu thời gian và sức khoẻ cho phép, nếu được tổ chức tín nhiệm, tôi mong muốn được cộng tác với Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, để làm một nhịp cầu nho nhỏ đóng góp vào sự nghiệp giao lưu và quảng bá văn học, tác phẩm và nhà văn Việt Nam ra nước ngoài, nhất là thị trường xuất bản, báo chí Trung Quốc, với số dân chiếm một phần tư loài người.