Trang chủ » Truyện

Kỉnh "chấm phảy"

Tống Trung
Thứ tư ngày 10 tháng 10 năm 2012 5:52 AM


Một ngày bắt đầu từ buổi sáng. Thì ông Kỉnh sắp có một ngày tuyệt vời. Ông thức giấc từ lúc chiếc đồng hồ đổ nhạc báo giờ. Tiếng nhạc rộn ràng giúp ông tan nhanh cơn ngái ngủ, giúp ông nhận ra mùi hương trầm ngan ngát, nhận ra người đàn bà nhỏ thó đứng trước ban thờ lầm rầm khấn vái. Và tuyệt vời hơn, ông biết thời gian còn dư dật cho sự khởi đầu việc trọng. Đánh mồi thuốc lào bự, chảng lảng ông đi lại ban thờ.
- Không dược! Bà Kỉnh gắt lên, đưa tay cản chồng - Vừa mở mắt, tay chân mồm miệng thế, khấn vái gì.
Ông Kỉnh đốp liền:
- Bà cứ vẽ! Chính bà chả leo lẻo việc thờ cúng cốt ở cái tâm đấy thôi.
- Thôi được. Bà Kỉnh đấu dịu - Để tôi xin âm dương rồi ông hãy khấn.
Bà Kỉnh nâng cái đĩa lên ngang mắt, gieo tiền. Hai đồng trinh cổ réo giòn, quay tít trong lòng đĩa sứ.

***

Trước gà gáy canh tư ông Kỉnh đã có mặt ở cánh dược mạ. Lời thầy đã in trong óc ông: "Từ đầu bờ, tiến lên bảy bước, rẽ trái chín bước, dừng lại quay mặt về hướng đông bước tiếp ba bước. Ông cụ nhà bác nằm đó. Nếu không cứ đem đầu tôi ra chặt...". Ông bước và đếm. Điểm dừng lại ở gần vũng nước trâu đằm góc dược mạ. Ông xắn cao tay áo, xem lại thuốn sắt. Phập! Mũi thép găm ngọt. Ông dồn sức vào đôi tay vừa lắc vừa ấn cái thuốn sắt. Kịch! Đích thị rồi.. Ông Kỉnh cố kìm tiếng reo. Gương mặt ông dãn ra, cánh mũi phập phồng, con mắt bừng lên đắc ý. Ông vớ lấy cái xẻng. Đất dược mạ qua mưa không rắn như ông tưởng. Lưỡi xẻng hắt lên từng tảng đất. Cái hố sâu dần. Bốn mươi phân. Bảy mươi phân. Một mét. Thêm một thâm xẻng. Lưỡi xẻng chạm vật rắn khựng lại. Ông Kỉnh ngồi thụp xuống. Đèn ba pin sáng rực hố sâu. Ông bới bới lớp đất nhão. Ập vào mắt ông là mảnh vại vỡ to bằng lưỡi xẻng. Ông thở dài ngao ngán. Nỗi thất vọng hóa thành lớp mồ hôi nhớp nháp toát khắp mình mẩy.
Trầy trật lắm ông Kỉnh mới nhoai lên được miệng hố. "Chả nhẽ... Chả nhẽ..." ông lẩm bẩm. Sực nhớ, ông lấy trong túi áo ra tờ giấy gấp gọn. Tờ giấy thấm mồ hôi đã ngả màu. Ông dán mắt vào tờ giấy nhằng nhịt chữ ta chữ Tàu, vạch ngang vạch dọc. Chợt như chạm phải lửa. Ông Kỉnh nhảy dựng lên. Mẹ kiếp! Chẳng biết ngày còn quyền chức mình có viết thiếu nét cho người nào không? Mẹ kiếp! Thầy Bống ăn nói như chảo chớp mà chữ nghĩa quá gà bới. Chữ "rưỡi" thầy viết thiếu nét làm ông đọc thành "nữa". Tức là tiến lên ba bước rưỡi. Ông Kỉnh hăm hở bước và đếm. Điểm dừng lại ở khoảng giữa bãi phân trâu và mảng cỏ xanh thẫm. Mảng cỏ xanh khác thường kia biết đâu chẳng là điềm báo ứng. Ông Kỉnh quyết định đốt cháy giai đoạn. Tức là cho qua khâu thuốn thăm dò. Lưỡi xẻng lấp lóa. Đất ùn lên. Hố thứ hai đã sâu hơn hố thứ nhất. Mảnh sành nhiều hơn. Vỏ sò vỏ hến nhiều hơn. Ông Kỉnh ngừng đào, thăm thuốn. Đất mềm, cái thuốn thun thút. Mười nhát như một. Ông Kỉnh vật vã trồi lên. Trời đang ra sáng. Hai hố đất như hai hốc mắt đen ngòm nhìn ông Kỉnh.

***
Con người của trăm mưu ngàn kế thâm hiểm, lọc lõi không ngờ lại có những sơ sẩy hết sức ngớ ngẩn. Hai hố đất ở cánh dược mạ trở thành cái cớ cho dân làng Quế "đáo lai chuyện cũ".
... Vào giữa những năm 64, nhờ đôi chân "chấm phẩy" Phạm Kỉnh không được nhập ngũ mặc dù đã mấy lần làm đơn "tình nguyện vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc". Và cũng nhờ cái bằng "Bổ túc văn hóa" Phạm Kỉnh tập tễnh bước vào con đường công danh. Gánh trách nhiệm đầu tiên đặt lên đôi vai chân thọt là chức đội trưởng sản xuất. Ở cương vị này Kỉnh "chấm phẩy" có ối sáng kiến. Đội sản xuất Hồng Minh mà Kỉnh làm đội trưởng được phân phối hai cái màn và ba cái xoong nhôm. Họp đội, Kỉnh tuyên bố sẽ tổ chức bắt thăm. Bắt thăm là công bằng nhất. Việc bắt thăm này Kỉnh đã có thâm ý. Tất cả viên giấy đều để trắng. Hai viên giấy có chữ "màn", ba viên giấy có chữ "xoong" Kỉnh đưa trước cho hai đứa em gái, tay thư ký và chú em đội phó. Kỉnh thủ chiếc màn. Danh sách chuyển ra cửa hàng đâu đấy rồi, Kỉnh mới gặp riêng cửa hàng trưởng: "Nhờ đồng chí chuyển suất của tôi cho gia đình bộ đội". Việc này gây tiếng vang lớn. Phạm Kỉnh được mời đi "báo cáo điển hình" ở Hội nghị "Hậu phương Quân đội".
... Vụ án "Ba tạ thóc và hai con chó" kết thúc đúng dịp có quyết định sáp nhập ba hợp tác xã ở ba thôn làm một. Phạm Kỉnh trúng chân Chủ nhiệm. "Quyết nghị" đầu tiên Kỉnh thảo ra, tự phê chuẩn là đặt tên hợp tác xã. Quyết Tiến là kết quả suy nghĩ mấy đêm của tân Chủ nhiệm. Kỉnh bảo, tên Quyết Tiến oai, văn minh lại hợp với xu thế thời đại. "Quyết" thứ hai, những đội sản xuất có tên cũ là Việt Cường, Việt Hoa, Trưng Trắc, Bạch Đằng... phải bỏ hết, mang số thứ tự, đội 1, đội 2... Kỉnh bảo mấy tay thư ký, kế toán: "Tên số đọc gọn, đỡ hẳn cái công viết hoa, tiết kiệm là ở đấy..." Việc tiếp theo phải làm ngay là dồn mấy nghĩa địa lẻ vào một chỗ để lấy đất xây chuồng trâu, chuồng lợn tập thể. Nhà nào có mồ mả trong diện di chuyển phải trả cho hợp tác mỗi ngôi mộ là 8 kg thóc. Những mộ không có người nhận, hợp tác sẽ trích quỹ "làm phúc". Chủ nhiệm Kỉnh trực tiếp chỉ đạo việc di chuyển hài cốt. Thời công điểm, chuyển một ngôi mộ bằng bảy tám buổi cày. Việc ngon lành quá ta! Bao nhiêu người chạy cửa trước cửa sau xin được vào đội di chuyển hài cốt. Chủ nhiệm mất mấy ngày cân nhắc, xin ý kiến cấp trên mới cho phép triển khai. Đội di chuyển mộ không có ai là thân nhân lãnh đạo. Một vài lần đi kiểm tra đôn đốc công việc, Kỉnh phát hiện ra trò láu cá của đám xã viên. Gặp những ngôi đất rắn, có tổ kiến họ chỉ san phẳng. Tiểu vỡ, quách vỡ họ cũng mặc kệ. Nghĩa địa mới không ít nấm mồ chỉ là mô đất, hoặc bên dưới chôn mảnh sành, mảnh vại... Nhỡn tiền việc thất đức nhưng Kỉnh đành làm ngơ. Há miệng mắc quai, thu nhập đã có "ăn chia". Vả lại, người làm là những ai nào; lão Khểnh "chuyên trách cơm xã"; chú Tính láng giềng, một người "ăn cơm nhà, thổi tù và nhà Chủ nhiệm"; thím Sính góa chồng, mát tay chăn nuôi gà vịt, tuổi ngoại bốn mươi mà khe mông còn "kéo sợi chỉ thâm".
Phần mộ song thân Chủ nhiệm Kỉnh cũng trong diện di chuyển. Lẽ ra chuyển ngay hôm đầu, nhưng bà Chủ nhiệm đi xem bói về có lời rỉ tai xã viên đội di chuyển. Được ngày tốt chuyển mộ thì cán huyện ghé qua nhà, vợ chồng Chủ nhiệm thay mặt tập thể tiếp khách. Kỉnh bảo đứa con gái ra trông nom đánh dấu phần mộ ông bà. Đứa con mải chơi chắt, chơi chuyền với lũ bạn, đám xã viên tăng tốc công việc để hưởng món tiền thưởng vượt kế hoạch nên mộ song thân Chủ nhiệm bị thất lạc. Sự đã rồi, Kỉnh chép miệng bảo vợ: "Nằm đâu cũng đất làng ta cả..."
Sau chiến dịch chuồng trâu chuồng lợn, tiếng tăm Phạm Kỉnh nổi như cồn. Quyết Tiến trở thành điểm sáng. Đi họp huyện, nghe cán bộ nói như hát "biển bèo, núi phân, đi lên từ đất..." Kỉnh nhập tâm hết. Về, Kỉnh gọi ông giáo già kên, khoán cho mười cân thóc để soạn văn vần cho tổ thông tin kẻ khẩu hiệu. Tường nhà, tường chuồng trâu, bờ dậu đất... chỗ nào cũng xanh đỏ tím vàng những khẩu hiệu "Lúa chiêm không có bèo dâu / Khác chi ăn trầu mà chẳng có vôi" "Tổ nàng thi với tổ anh / Xem ai phân bắc phân xanh đầy nhà..."
... Phạm Kỉnh trúng Thường vụ Đảng ủy. Nhường chân Chủ nhiệm cho chú em họ xa, Kỉnh sang ngạch Chính quyền, ngồi ghế Chủ tịch xã lớn nhất nhì huyện. Phạm Kỉnh đưa ra kế sách phá thế độc canh, biến xã nghèo thành điểm sáng. Phạm Kỉnh ra quyết định sáp nhập Hợp tác xã mua bán, Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xa tín dụng vào một mang tên "Nông - Mua - Tín". Ê kíp lãnh đạo coi đó là lời tuyên thệ của người đứng đầu một "nhà nước xã". Dịp ấy, trên có chủ trương đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, Phạm Kỉnh lại xin huyện làm điển hình. Nhân công, nhân lực vô tư, vốn có Ngân hàng. Chỉ còn lo kiến thiết cơ sở hạ tầng. Chính quyền họp bàn. Chủ tịch Kỉnh phủ đầu: "Đình chùa miếu mạo là tàn dư của chế độ phong kiến, lạc hậu, mê tín dị đoan. Một xã mà có mấy đình, mấy chùa chiếm cứ bao nhiêu ruộng đất. Phải biến cơ sở của phong kiến lạc hậu thành biểu tượng của nền nông nghiệp, công nghiệp mới. Ấy là cách mạng". Phạm Kỉnh ký một loạt quyết định về phong trào xã điểm. Đình chùa trở thành xưởng dệt thảm, xưởng đúc lưỡi cày. Tượng gỗ, hoành phi câu đối làm củi đun gạch. Voi đá, ngựa đá, chó đá, nghê đá nung vôi. Cây gạo đầu đình, cây quéo sân chùa được hạ xẻ gỗ đóng khung thảm. Cụ Thủ hộ ở chùa biến thành thủ kho tơ, sợi. Thật tiện.
Rồi cái gì đến phải đến. Đất nước đổi mới, mở cửa. Thời của những kẻ như Phạm Kỉnh chấm hết. Nhưng với cái đầu nhiều mẹo vặt dù sao cũng giúp Kỉnh "hạ cánh an toàn".

***

Trong các cuộc xì xào thì các bà, các cô mới là những tài năng lớn. Nhà Phạm Kỉnh kín cổng cao tường là thế mà chuyện gì họ cũng biết. "Này, hôm nọ bà Kỉnh đi xem bói lá trầu, thấy phán động long mạch, mồ cha mả mẹ mất nấm. Bao nhiêu vận hạn ở đấy mà ra". "Tuấn trước, bà Kỉnh rước thầy về làm lễ giải hạn cho con gái bao năm ăn học, bằng mua điểm xin mà giờ ốm đứng nằm nhà...". "Hôm nọ bà Kỉnh đi gọi hồn. Cụ thân sinh ông Kỉnh nhập vào bà ấy. Cụ khóc rưng rức... Ngày còn quyền bính vợ chồng mày nhớ gì đến lão già này. Chúng mày nhắm mắt bước qua nắm xương tàn này rồi. Ngày giỗ chúng tao là cái cớ cho vợ chồng mày làm giầu, xu nịnh, lập bè kéo cánh. Vợ chồng mày cứ tìm đi! Tìm thấy mộ, chúng mày lại quyền bính hơn, vây cánh hơn, công danh sán lạn. Cụ chỉ nói thế rồi thăng mặc cả nhà Kỉnh dập đầu kêu oan". "Này, hôm qua ông Kỉnh đi tìm thầy bói mộ đấy. Thầy này cao tay lắm. Thầy có chân trong hội các nhà ngoại cảm cơ mà. Thầy vẽ sơ đồ, dặn ngày, giờ... Nói sai cứ lên tỉnh lấy tiền về, thầy chịu phạt."
Vốn là con người từng trải nên chỉ ngồi nhà Phạm Kỉnh cũng tỏ các luồng dư luận. Ông mo phú hết. Tâm trí ông, cả vợ và các con ông đang hướng về ngày... giờ... Chưa bao giờ ông mong trái đất quay nhanh như lúc này. Suốt hai ngày ông chêm xẻng, lau đèn pin, mài thuốn sắt, đốc thúc vợ con sắm lễ đúng lời thầy dặn.
Tất cả đã sẵn sàng.

***

Ra khỏi ngõ nhà một quãng, ông Kỉnh đụng lũ trẻ đang chơi bi. Toàn lũ thằng cu choai. Ra ngõ gặp trai là may rồi. Ông Kỉnh mở cờ trong bụng. Ông dừng lại với lũ trẻ, thân mật:
- Chào các cháu. Vui quá nhẩy!
Lũ trẻ tròn xoe mắt ngạc nhiên không thốt nổi lời đáp. Lần đầu tiên chúng được hưởng sự thân thiện của con người quyền bính. Những chuyện chúng nghe được từ người lớn, những khốn khó bố mẹ chúng phải gánh chịu và cả chúng nữa vẫn ám ảnh những cái đầu ngây thơ khiến chúng vón lại một chỗ. Một đứa lớn nhất bọn nhìn khắp lũ bạn, run run bước lên:
- Bác đi tìm cứu cánh đấy ạ!
Ông Kỉnh trợn mắt. Tay vung theo "bản năng lãnh đạo". Tức thì bọn trẻ quay đầu chạy. Vừa chạy chúng vừa gào lên:
- Ông Kỉnh điên rồi... điên rồi...
- A ha... mộ bố... cứu cánh...
- Ra mà xem ông Kỉnh đi tìm cứu cánh...
Tiếng hò reo của lũ trẻ thu hút sự chú ý của người đi đường, của những người hai bên đường. Rất nhiều ánh mắt nhìn theo người đàn ông vai thuốn, tay xẻng thập thễnh trên đường. Trong khu vườn gần chỗ ông Kỉnh vừa đi qua ai đó quát vống lên: "Làm ăn như thế thì đến mả bố mày cũng không còn, con ạ!" Ông Kỉnh rùng mình, mồ hôi vã ra như tắm. Gắng lắm ông mới không sục xuống. Ông nhằm hướng dược mạ rảo bước. Cái thuốn sắt trên vai lúc thì chúi xuống, lúc lại giang ngang ra. Khi đã cách xa mảnh vườn vống ra tiếng chửi, ông dừng lại ném về ánh mắt hằn học: "Tìm được cứu cánh rồi khắc biết! Hãy đợi đấy! Đợi đấy!"

      Làng Quế ngày Vu Lan.


        TỐNG TRUNG