Trang chủ » Truyện

Bão

Trần Ngọc Dương
Thứ ba ngày 2 tháng 10 năm 2012 8:35 PM

Truyện ngắn  của Trần Ngọc Dương
                                                            
Thoạt đầu nghe Giang nói, nó đã sáu tuổi, Vân không khỏi ngạc nhiên khi thấy vóc dáng nhỏ như cái kẹo mút của cô bé. Vân đưa mắt nhìn đoạn đường đỏ ngầu bùn nước, cô cúi xuống bế bổng Giang:
- Chỗ này hơi sâu, để dì giúp con.
Bé Giang ôm hờ hai bờ vai của Vân, thỏ thẻ:
- Dì ơi, bão từ đâu tới.
- Nó đến từ sự bất thường của trời đất.
- Thảm nào mọi người đều kêu, sao ác thế hở ông trời?
**
Khi được thông báo đoạn đường phải di chuyển từ chỗ tránh lũ trong hang núi, về nơi trú mới dài tới mười cây số, Vân không khỏi e ngại. Cô sợ mình chẳng đủ sức vượt nổi quãng đường trên. Mặc dù khi tham gia chương trình, Vân đã định liệu sức mình, cô tin tưởng bản thân có thể vượt qua được mọi trở ngại. Hồi còn đi học, Vân tham gia đầy đủ các buổi hướng đạo, leo núi, cắm trại dã ngoại. Nhưng đấy là ở Bắc Âu, vào những ngày đẹp trời. Còn ở đây, môi trường hoàn toàn mới lạ, bão vừa đi qua, lũ vẫn còn nằm trong tầm báo động. Vân cũng để lại khách sạn hầu hết tư trang, tự sắm cho mình một đôi giày đế bằng và chỉ mang theo chút đồ dùng cá nhân tối thiểu.
Quãng đường nhiều chỗ còn ngập nước, đoạn lộ rõ bùn đất vẫn bám dày nhơ nhớp. Sự cảm nhận cảnh vật dọc đường, khác hẳn những gì đã thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vân không còn nôn oẹ khi đi ngang qua xác những động vật đang trong thời kỳ phân huỷ. Chân tay Vân váng nước bám đỏ quạch. Những hình vẽ công phu phủ nhũ lóng lánh trên móng chân, móng tay  cũng chẳng còn. Lần đầu tiên trong đời Vân dùng bữa trưa bằng đồ cứu trợ. Cô đã trào nước mắt khi nhận từ tay bé Giang một góc gói mì tôm sống. 
Vân không khỏi kinh ngạc khi biết, quãng đường tới lớp hàng ngày của Giang cũng dài tới mười cây số. Cô buột miệng:
- Thế ư?
Bé Giang thì thầm:
- Hôm chú bưu điện qua nhà đưa thư, tiện xe máy cho con đi nhờ tới trường nói như vậy! Tại bữa đó chú thấy con chạy đi học.
- Sao lại chạy?
- Do con phải tới trạm xá mua thuốc cho ngoại về trễ.
Tiếng của Giang thủ thỉ bên tai, làm Vân phần nào quên đi nỗi vất vả của cuộc hành trình. Sự ngây thơ hồn nhiên của bé, đôi  khi kèm theo những câu nói già dặn đến không ngờ làm Vân phải giật mình, bối rối. Nhiều lúc Vân phải im lặng thay cho câu trả lời. Trong suốt cuộc hành trình, cảnh sống cùng cực của người dân vùng lũ đập vào mắt Vân là điều kinh khủng không sao lý giải được.
Trước khi trở về Việt Nam, Vân đã dày công tìm hiểu, đọc nhiều tài liệu, được người thân căn dặn đủ điều. Lúc bước xuống sân bay lại có người đưa đón, hướng dẫn tỉ mỉ, được ở những khách sạn sang trọng, an ninh vào bậc nhất. Song Vân cũng không sao tránh khỏi bối rối, ngỡ ngàng. Trước kia cô rất tự tin, về học vấn với trình độ Thạc sĩ kinh tế ở một trường Đại học có tiếng nhất trên thế giới chắc cũng ổn. Trong giao tiếp không đến nỗi ngố, khi bản thân sử dụng thành thạo ba ngôn ngữ thông dụng. Hơn nữa tuy định cư ở Bắc Âu, song trong sinh hoạt hàng ngày gia đình cô chỉ dùng tiếng Việt.
Vân cũng chưa bao giờ phải đi bộ xa đến như vậy. Nơi cô sống, mỗi lần bước chân ra khỏi nhà đều có xe đưa đón. Còn ở đây, Vân không tưởng tượng nổi khi hình dung cảnh một cô bé sáu tuổi, với thể chất yếu ớt. Nhiều hôm nhịn đói, cuốc bộ cả đi lẫn về hai mươi km tới lớp học.
Giang nhỏ nhẹ:
- Đoạn này không phải lội nữa, dì cho con xuống.
- Đường không bị ngập nước, nhưng vẫn đầy bùn, để đến chỗ khô hẳn hãy xuống.
- Chẳng có đoạn nào như vậy đâu, dì cứ để cho con đi một tẹo thôi.
Vân cầm tay Giang. Không, bé dắt Vân đi đúng hơn. Bởi Giang cứ cắm cúi lao về phía trước. Bất chợt bé reo lên, trèo lên gò đất ven đường. Ở đó có vài cây hoa cỏ  li ti đang trổ bông vàng rực rỡ. Giang chạy lại hái trao cho Vân:
- Con tặng dì, ngày xưa ở đây hoa nhiều lắm.
Vân ngồi xổm trước mặt Giang, nghiêng mái đầu:
- Con cài hộ dì. Hoa đẹp quá! Tên chi vậy?
  Giang mở to đôi mắt:
- Hoa Lề cô ạ.
Vân bế bé lên:
- Sao hoa lại mang tên lề.
- Thì nó mọc ở lề đường mà.
Trong cuộc đời mình, Vân có nhiều may mắn. Niềm vui, hạnh phúc luôn đến với cô. Từ khi nhận danh hiệu Á Hậu người Việt khu vực Bắc Âu, Vân đã tham gia nhiều chương trình giao lưu, từ thiện. Với Vân, giờ đây việc đón nhận tình cảm của người hâm mộ đã trở thành nghĩa vụ, cô không còn xúc động ôm những bó hoa được tặng như những ngày đầu, song vẫn phải mỉm cười thân thiện. Vậy mà lần này, đôi mắt Vân lại đẫm lệ khi nhận một bông cỏ dại giữa biển nước mêng mông,  bồng bềnh rác.
Cuối cùng đoàn cũng tới cái đích của cuộc hành trình. Ngôi trường Trung học cơ sở ba tầng, được xây trên đồi cao chưa kịp hoàn thiện đã trở thành nơi trú nạn của bà con vùng lũ. Nơi đây nằm ven sông, gần đường quốc lộ rất thuận tiện cho công tác cứu trợ. Đấy là cấp trên bảo thế.
Vân đi lĩnh hàng cứu trợ cùng Giang, cô bê thùng mì tôm, còn bé xách hai chai nước mắm. Giang ngỏ lời:
- Dì ơi! Chốc cho con mang mấy gói mì tôm theo người ta đi đổi gạo nhé.
- Chế biến gạo thành đồ ăn mất nhiều thời gian, phức tạp lắm.
- Ở đây có mì tôm cứu trợ là nhất rồi. Nhưng ăn nhiều quá cũng sợ. Con quen rồi mà còn kinh nữa là dì.
Vân ngần ngừ thổ lộ:
- Dì chưa nấu cơm bao giờ.
Giang say sưa:
- Dì đừng lo, con làm được mà. Bữa nay con muốn nấu cơm cho ngoại với dì dùng. Chiều nay dì phải đi đến nơi khác rồi, mai con muốn ăn cơm cùng cũng không được.
Vân đang cúi đầu đốt bếp thổi cơm theo sự hướng dẫn của bé Giang. Nhìn ngọn lửa nhỏ bập bùng Vân suy ngẫm: Năm nào người ta cũng hô hào sống chung với lũ. Nhưng tại sao không có phương án cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình của từng vùng nhỉ? Người dân chỉ cần những điều thiết thực cho cuộc sống, chứ họ đâu biết đến phương án vĩ mô của các nhà lãnh đạo. Tại sao để dân chết nhiều quá? Tại sao không dùng gạo sấy như hồi chiến tranh phát kèm mì tôm khi cứu trợ? Tại sao...
Những tiếng còi xe chói tai cắt ngang dòng suy nghĩ của Vân. Một chiếc xe ô tô láng bóng đắt tiền, loại những nhà tỉ phú ở Bắc âu mới dám dùng tiến vào sân trường. Cửa xe mở, một người phụ nữ áo quần sặc sỡ bước xuống, khuôn mặt bà ta được trang điểm  quá thái. Giang thì thầm:
- Bà giáo đấy.
Vân kéo Giang vào mình, cô khẽ nép vào bé:
- Sao con biết?
- Hôm nọ bà dẫn một đoàn xuống trường xem chúng con học.
Người phụ nữ đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm chỗ đặt chân, bà ta sợ bẩn đôi giày cao gót không dám bước tiếp, cất tiếng hỏi vọng:
- Có ai thấy cô hoa hậu thân thiện tham gia chương trình cứu trợ ở đâu không?
Im lặng. chẳng có tiếng trả lời. Thấy Giang ngước cặp mắt tròn xoe nhìn mình, Vân vội ngăn cô bé.
Người phụ nữ càu nhàu:
- Lặn đi đâu rồi chẳng biết, tại sao không báo về, để người ta phải mất công đi tìm.
Vân nhìn bé Giang nói nhỏ:
- Dì đã báo cho trưởng đoàn đúng sáu giờ tối nay sẽ có mặt tại khách sạn. Bây giờ mới giữa trưa - Vân kéo Giang vào lòng - Để dì buộc tóc cho con. Mà dì phải ăn cơm xong mới có đủ sức đi tiếp chứ.
Chiếc xe cua một vòng rộng, sát chỗ hai dì cháu ngồi lao nhanh ra hướng đường quốc lộ.
Giang thủ thỉ:
- Dì ơi! Lúc nãy chú bưu điện đến thông báo bão đã tan, bà con chuẩn bị về nhà thôi. Ngoại con lại ca, quê mình  bão lớn sắp về rồi biết lấy thứ chi ra để chống đây. Tại sao thế là  hả dì?
Thấy Vân lắc đầu, Giang hỏi tiếp:
- Đấy là bão chi vậy? Nó có tên không hở dì?
Vân im lặng, cởi chiếc khăn đang quàng khoắc cho Giang. Cô bé vẫn say sưa tiếp tục câu chuyện:
- Ngoại con nói, đấy là cơn bão đời. Thế bão đời đến từ đâu hở dì? Sao người ta lại gọi là bão đời? Có cách chi để chống lại không?
Vân mở vung nồi cơm đánh trống lảng:
- Cơm chín rồi, mình dọn ra mời ngoại thôi con. Dì dùng xong còn về cho kịp giờ hẹn, không mọi người trong đoàn lại mất công đi tìm.
- Ngoại nói chốc chú bưu điện sẽ chở dì ra thị xã. Dì không phải đi bộ đâu.
Cái nút chai nước mắm cứu trợ vừa bật, mùi thối khăm khẳm loang ra. Vân ôm miệng chạy ra xa nôn thốc nôn tháo, Giang vội đóng nút chai lại. Cô bé lên tiếng:
- Nước mắm hỏng rồi, không dùng được đâu, dì để con mang chôn. Thôi ăn cơm không vậy.
Giang cầm  chai nước mắm đánh vần thành tiếng dòng chữ: Hàng cứu trợ không bán - được dán đè lên thời gian sử dụng.

**
Vân mệt mỏi thiếp đi trên máy bay, trong giấc ngủ chập chờn cô tự nhủ: Nhất định mình sẽ trở lại miền trung, nơi mảnh đất phải chịu nhiều mất mát do bão lũ mang lại. Nhưng mình phải làm gì để giảm bớt nỗi đau người dân đang phải gồng lên chịu đựng? Rồi đây trong suốt cuộc đời, mình chẳng bao giờ còn được bình yên khi nghe các phương tiện thông tin báo bão. Mà mình sẽ trả lời câu hỏi của bé Giang sao đây?
- Bão đời đến từ đâu hở dì?
- Bão đời đến từ đâu hở dì?
- Bão đời đến từ đâu hở dì???
Vân buột miệng nói thành lời điều cô suy ngẫm : "Nó đến từ sự vô cảm của con người."

                                                                 Những ngày bão lũ